mardi 31 décembre 2013

Khánh Hòa: Học sinh lớp 9 tử vong sau khi bị bắt về đồn công an


Ông Tu Ngọc Hoài, ba của nạn nhân Tu Ngọc Thạch vừa về đến Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa chứng kiến mổ khám nghiêm tử thi con trai.

Một học sinh lớp 9, mới 14 tuổi sau khi bị đưa lên Công an xã “làm việc” về một vụ xích mích, trở về nhà và đã tử vong do chấn thương sọ não…

Sáng, 31.12, ông Hồ Sơn – Trưởng Công an huyện Vạn Ninh, xác nhận trên địa bàn xã Vạn Long có một vụ việc ẩu đả, sau đó Công an xã Vạn Long đã mời những người này lên làm việc rồi cho gia đình bảo lãnh về. Sau đó, đối tượng này được gia đình đưa đi cấp cứu đã tử vong tại bệnh viện. Hiện Công an đang điều tra xử lý vụ việc.

Tin từ UBND xã Vạn Long cho biết: Sáng 31.12, nhiều người dân đã tập trung tại trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ cái chết của Tu Ngọc Thạch (14 tuổi, SN 1999, học sinh lớp 9 trường THPT Lương Thế Vinh, Vạn Ninh), xã đã giải thích và yêu cầu người dân trở về chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Đến 14 giờ chiều 31.12, cả nghìn người dân vẫn tụ tập trên đường quốc lộ, trước UBND xã Vạn Long gây ách tắc giao thông.
Ông Tu Ngọc Hoài, ba của nạn nhân Tu Ngọc Thạch vừa về đến Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa chứng kiến mổ khám nghiêm tử thi con trai.

Anh Tu Ngọc Thiện – anh trai nạn nhân cho biết, sáng 29.12 (chủ nhật), hai anh Thiện và Thạch vô quán nước mía đối diện UBND xã Vạn Long uống nước. Khi đi ra thì có một nhóm thanh niên gây sự, hai anh em lên xe chạy thì bị một trong người nhóm ném chai nước vào lưng Thiện. Sau đó, em Tu Ngọc Thạch cùng hai người khác quay lại quán, hai nhóm đã cự cãi nhưng sau đó đã giảng hòa xong. Trên đường về xe của người chở em Thạch bị hết xăng nên bỏ em Thạch lại chờ trên đường để đi đổ xăng.

Trong lúc em Thạch đang đứng chờ trên đường thì thấy có hai người mặc trang phục công an viên (Công an xã) tới bắt Thạch. Em Thạch vùng chạy thì bị rượt đuổi, và bị mũ bảo hiểm đánh vào đầu, em rớt xuống ruộng nước. Sau đó 2 người này đưa em Thạch đưa về UBND xã Vạn Long. Việc em Thạch bị người mặc trang phục Công an xã đánh được nhiều người dân chứng kiến.

Anh Tu Ngọc Thanh, anh trai lớn của nạn nhân cho biết, khoảng 8h giờ 29.12, anh nhận được điện thoại từ Công an xã Vạn Long báo là đến bảo lãnh cho em trai Tu Ngọc Thạch. Khi đến nơi, chưa được gặp em nhưng công an xã hướng dẫn làm giấy bảo lãnh, làm xong giấy thì mới thấy em Thạch nằm gục ở bàn.

“Em (Thạch) bị đánh rớt xuống ruộng, nó vừa đau vừa lạnh lắm cô à” – Tu Ngọc Thiện khóc kể.

Khoảng 9 giờ tối 29.12, em Thạch choáng, kêu mệt, gần sang thì ói mửa. Rạng sáng 30.12, em được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện thị trấn Vạn Giã, chuyển ngay lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, mổ cấp cứu vào và tử vong vào sáng 31.12.

Tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, ba mẹ của nạn nhân vừa từ Sài Gòn vừa về đến Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết, hai vợ chồng bà đi làm ăn xa, nghe tin con nhập viện phải mổ nên vội bắt xe về, không ngờ đến nơi thì nhận tin con trai đã tử vong.

Theo giấy chứng tử, Thạch bị tử vong do tụ máu dưới màng cứng bán cầu phải kèm đứt lún sọ thái dương phải và chấn thương sọ não.

Theo Mai Khuê

Dân Việt

Chuyện từ những học trò


Phạm Minh Hoàng (Danlambao) - “Dạ chào thầy Hoàng ! Con là Ngô Minh Tâm, con đang học tại Bách khoa Thành phố (HCM). Con là con của Ngô Hào, người mới bị tuyên 15 năm tù giam đây ạ !”

Đó là những giòng chữ mà em đã gởi kết bạn với tôi trên facebook vào một ngày của tháng 10/2013. Tôi không thể nào quên vì tôi không hề nghĩ sẽ có ngày gặp con của Ngô Hào, nhất nữa đó lại là một sinh viên trường cũ của mình. Thầy trò hẹn nhau ngoài quán cóc. Trong vòng 10 phút, Tâm đã phác họa cho tôi những nét chính về người cha của mình vừa bị kết án 15 năm trong phiên sơ thẩm đầu tháng 10/2013, về người mẹ của mình đang bị ung thư vòm hầu, mất khả năng lao động và đang chạy chữa vô cùng tốn kém, về người em của mình phải bỏ học để chăm sóc mẹ và nhờ tôi giúp đỡ. 
Thú thật, cho dù ít có dịp tiếp xúc với gia đình các tù nhân chính trị nhưng tôi đã tức khắc cảm nhận được một ngọn núi của những khó khăn trước mặt. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau bài luận về kế hoạch vận động từ trong lẫn ngoài nước, từ ngoại giao đến nhân đạo để đấu tranh cho ông. Khi thấy tôi băn khoăn về đời sống, sinh hoạt gia đình, em nói:

- Con nói thật là gia đình đang khó khăn nhưng ưu tiên của con là cho ba.

Nói xong câu ấy là em vội lên xe để đi dạy thêm, chắt bóp từng đồng để tiếp tục gánh nặng gia đình. Trước khi rồ ga, em quay lại :

- Trưa nay em chưa ăn thầy ạ !

Thời gian trôi qua, những nỗ lực vận động đã bắt đầu nhưng tôi cảm nhận tất cả tiến hành cực kỳ chậm chạp trong khi phiên phúc thẩm đang đến rất gần. Ngày 23/12, tòa án Phú Yên tuyên y án 15 năm cho ông Ngô Hào trong một phiên tòa chỉ kéo dài hơn tiếng rưỡi. Đến chiều ngày hôm ấy, trong không khí tưng bừng náo nhiệt đón Giáng sinh, người ta lần đầu tiên nghe được tiếng gào khóc của vợ ông, của mẹ Minh Tâm. 

Em gặp lại tôi vài ngày sau đó, nét mặt và giọng nói của em có phần căng thẳng hơn nhưng giờ lại có chút bình thản, cương nghị :

- Họ chỉ cho ba trả lời Có hoặc Không. Mỗi lần ba định nói gì thêm đều bị từ chối. Trong suốt phiên tòa mẹ con phát bệnh tưởng ngất xỉu. Chỉ có ba mẹ con nhưng họ huy động hơn 50 công an sắc phục chưa kể công an chìm và nhân viên tòa án. Ban đầu con cố giữ thái độ lịch sự, gọi chú xưng cháu với họ, nhưng riết rồi không chịu được nên đã phải chỉ thẳng vào mặt họ mà chửi.

Tôi chỉ biết an ủi em với những từ ngữ mình có trong đầu và khuyên em giữ bình tĩnh để tiếp tục sống với mẹ và em trai, đối phó với nghịch cảnh cũng như hoàn tất học trình kỹ sư một cách tốt đẹp.

Trước phiên phúc thẩm, công an đã vào trường làm việc với con có lẽ với mục đích nhắc nhở con chớ manh động, liên hệ với các “phần tử xấu”. Nhưng con trả lời là những gì con làm cho ba là rất bình thường và không có gì sai trái cả. Sau cùng ông công an này (hình như cấp bậc đại tá) đã dọa rằng: "Chỉ cần một lá thư của tôi là em sẽ ra trường sớm” (ý nói là đuổi học).

Vài ngày sau phiên phúc thẩm, lá thư gởi cho ba của em đã làm nhiều người phải chẩy nước mắt. Phóng viên Ca Dao của đài RFA đã viết rằng : "...Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này..."

* * *

Cũng qua mạng xã hội mà tôi cũng đã làm quen được với Phương Thảo, con gái lớn của nhà giáo Đinh Đăng Định, bị kết án 6 năm tù theo điều 88 bộ Luật hình sự. Bố Định bị bắt khi ông viết bài phải đối dự án bô-xít cũng như bày tỏ suy nghĩ của mình qua các cuộc phỏng vấn. Điều cần nói là ông bị bắt ở Dak Nông và nơi ông ở chỉ cách nhà máy khai thác bô-xít Nhân Cơ khoảng 10 cây số, nghĩa là một nơi tương đối thưa vắng. Điều này đưa đến nhận định là cộng sản muốn triệt tiêu ngay trong trứng nước mọi ý kiến trái chiều đặc biệt là ở những nơi dư luận ít quan tâm tới hoặc những nơi “nhậy cảm”. Thảo lớn hơn Tâm 4 tuổi, tốt nghiệp khoa Toán-Tin Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Theo Thảo, thì dù cho chỉ còn 4 năm tù nhưng chưa chắc bố còn sống được đến lúc ấy vì dạ dày đã bị cắt ¾, hiện đang điều trị tại bệnh viện 30/4 và các bác sĩ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hóa trị. Trong những lúc thập tử nhất sinh như thế nhưng thầy Định vẫn giữ một niềm lạc quan khó có thể ngờ. Thảo nói : 

Bố con bảo, nếu mà bố con có thể sống sót và được về, thì nhất định sẽ gặp mọi người. Con nghĩ thầy và bố con khi đàm đạo sẽ rất hợp, vì đều là nhà giáo, lại cùng chung lý tưởng.

Đầu tháng 12/2013, Thảo cùng mẹ lặn lội ra Hà Nội đến gõ cửa 6 tòa đại sứ để vận động cho bố. Gia đình đang nỗ lực vận động mọi nơi để miễn thi hành án cho bố vì lý do sức khỏe. Thảo kể :“Nhiều nhân viên đã không cầm được nước mắt khi con kể lại tình trạng của bố. Họ đã hỏi han rất nhiều và lo lắng rằng những can thiệp này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng con và mẹ vẫn kiên quyết vận động đến cùng”.

Và chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày, các đại sứ quán tại Hà Nội đã cùng nhau kiến nghị lên nhà cầm quyền VN miễn thi hành án để thầy Định được sống với gia đình trong tình trạng sức khỏe như hiện thời. Đến nay chưa có động tĩnh gì nhưng Thảo và gia đình vẫn giữ niềm lạc quan.

* * *

Minh Tâm và Phương Thảo không phải là học trò của tôi nhưng cả hai em đều là sinh viên của Đại Học Quốc Gia TPHCM, đại học hàng đầu của miền Nam và là nơi mà tôi đã gắn bó trên 10 năm trước khi đi tù. Tâm là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường chuyên Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, Phú Yên và đậu vào khoa Cơ Khí, ĐH Bách Khoa với điểm khá cao. Thảo là con gái nhưng dám vào học khoa Toán Tin, vốn vẫn là đất của đám con trai. Nói chung cả hai em đều là những học sinh và sinh viên giỏi và nếu không có gì xảy ra thì mở ra cho các em trước mặt là một tương lai tươi sáng.

Nhưng “đã có gì” xảy ra ! 

Cha của các em đã chọn một con đường chông gai và đầy gian khổ, là đấu tranh để xây dựng một nước Việt Nam thực sự tự do, dân chủ và nhân quyền và hiện đang hiện trong tình trạng tù đày. Một người còn phải ở 14 năm, người kia chỉ 4 năm nhưng có thể sẽ ít hơn, vì không biết còn sống được không đến lúc mãn hạn. Gánh nặng để lại cho các em – là hai con trưởng thực sự quá lớn – vì cả hai gia đình thực sự khó khăn và neo đơn.

Tuy nhiên hai người cha ấy không chỉ để lại gánh nặng, nhưng còn để lại một tấm gương. 

- Con nghĩ trước tiên con sẽ ráng hết sức để săn sóc mẹ và cho em trai cơ hội trở lại nhà trường. Tuy nhiên ngày hôm nay con đã tìm cho mình một con đường. Ngô Minh Tâm đã nói như thế một tuần sau phiên tòa phúc thẩm. 

Tôi chỉ biết yên lặng nhìn sâu vào đôi mắt của em. Tôi không cần hỏi thêm và em cũng không cần nói thêm. Từ hồi bị bắt đến nay đã gần hai năm em chưa được gặp ba để nghe ba nói chuyện. “Ba giấu con hết mọi chuyện, thậm chí ba còn đổi password trong tài khoản email mà con đã tạo cho ba !”. Điều này có nghĩa là ông Ngô Hào đã dự đoán những khó khăn sẽ ập lên đầu mình và ông không muốn các con liên lụy, và điều này cũng có nghĩa là Tâm hoàn toàn chủ động và ý thức được con đường em đã chọn. Tôi tự hỏi trong vài tháng nữa, ông Ngô Hào sẽ nghĩ sao khi con trai trưởng của mình gặp và trải lòng ra cùng mình. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Phi Khanh.

Còn Thảo :

- Con có giấc mơ là sau này con sẽ đem sức lực và khả năng của mình để giúp đỡ cho những người bị áp bức.

- Con không sợ à ?

- Thầy ơi, ngày xưa khi bố mới bị bắt, gia đình đã quá sợ hãi nên bố con mới lâm vào tình cảnh này. Giờ bố con đang lâm trọng bệnh, thời gian không còn nhiều nữa… Không được phép sợ hãi nữa, thầy ạ.

- Nhưng làm thế nào con chia sẻ thời gian và công việc ?

- Con sẽ dành trọn thời gian cho ước mơ của con.

Ba thầy trò chúng tôi nhìn nhau yên lặng.

Tôi thầm nghĩ ngày Tâm bước vào ngôi trường ĐH Bách Khoa thì cũng là ngày tôi bước vào trại giam B34. Ngày tôi ngưng dạy ở ĐH Khoa Học Tự Nhiên thì cũng là ngày Thảo bắt đầu cuộc đời sinh viên ở đây. Toàn ngược đường cả. 

Nhưng ngày hôm nay hoàn cảnh đất nước đã đẩy đưa chúng tôi ngồi lại gần nhau.

Và bên cạnh chúng tôi còn rất nhiều người nữa. Tôi chắc chắn là như thế.

Sàigòn, 31/12/2013

Công an Hà Nội câu lưu, đánh đập các nhà hoạt động


Huỳnh Thục Vy (Danlambao) - Sáng ngày 31 tháng 12 năm 2013, các nhà đấu tranh dân chủ và hoạt động Nhân quyền như anh Phạm Bá Hải, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, chị Lê Thị Công Nhân, anh Ngô Duy Quyền (có cả cháu bé mới lên ba tuổi con của chị Nhân- anh Quyền) đến thăm hỏi gia đình anh Phạm Văn Trội ở Hà Tây.

Lúc mọi người đến nhà anh Trội, đã có an ninh thường phục canh gác sẵn tại đó. Sau khoảng hai giờ đồng hồ, công an địa phương và an ninh thường phục ập đến nhà anh Trội đòi kiểm tra hành chính vì có người lạ mặt hiện diện ở nhà anh. Chủ nhà quyết định không mở cửa đón tiếp khách không mời mà đến. Công an tiếp tục đập phá cửa và cuối cùng đã xông được vào nhà anh Trội.

Hơn 1h chiều ngày 31 tháng 12 năm 2013, công an địa phương, dân phòng và an ninh thường phục áp giải cả chủ nhà lẫn những vị khách hoạt động Dân chủ-Nhân quyền về UBND xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Tây.

Về đến UBND xã Chương Dương, trước tiên ông Huỳnh Ngọc Tuấn (thân phụ người viết) bị đưa vào phòng riêng khóa trái cửa, bị nhốt trong đó cùng bốn tên công an lực lưỡng. Họ đánh đập ông rất dã man. Ông bị đánh vào bụng, ngực và đầu. Hiện tại, ông Tuấn bị bệnh tiểu đường và sức khỏe ông vốn rất kém.

Mọi người đều bị bắt ký tên vào biên bản làm việc với công an xã Chương Dương. Chị Nhân và anh Hải phản đối kịch liệt hành xử côn đồ và phi pháp này của họ.

Chị Lê Thị Công Nhân và anh Ngô Duy Quyền cũng bị hành hung và đánh đập. Cháu bé con gái chị vô cùng hoảng sợ trước cảnh tượng đó.

Anh Phạm Bá Hải, Phạm Văn Trội cũng bị công an chửi mắng thậm tệ, ép ký vào biên bản làm việc.

Hơn 6h tối, các anh chị mới được thả ra về trong tình trạng sức khỏe tồi tệ. Mọi người được anh chị em ở Hà Nội đưa đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và săn sóc y tế.

Việt Nam vừa mới ký Công ước chống tra tấn và trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Đây là một trong những ví dụ trong nhiều trường hợp khác nhau cho thấy khả năng cải thiện Nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 là rất mờ mịt.

Sài Gòn ngày 31 tháng 12 năm 2013

Nhìn lại 2013 từ lăng kính nhân quyền


Đoan Trang (Danlambao) - Theo thông lệ, vào cuối mỗi năm, báo chí thường có những bài viết mang tính tổng kết, bình luận về những sự kiện nổi bật của 12 tháng qua trong các lĩnh vực chính trị-xã hội, văn hóa-nghệ thuật, khoa học-công nghệ, v.v... Ngày cuối năm này, Dân Làm Báo cũng có một bài viết nhìn lại các sự kiện của 2013, nhưng là trong một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Việt Nam: nhân quyền. 

2013 với sự lớn mạnh không ngờ của XHDS 

Vài năm gần đây, một số khái niệm vốn lâu nay bị coi là “nhạy cảm”, “đáng sợ” bỗng dưng xuất hiện trở lại ở Việt Nam; mặc dù vẫn là “nhạy cảm”, vẫn bị chính quyền nhìn nhận với một thái độ thù địch. Đó là các khái niệm như: nhân quyền (không biết nếu gọi là “quyền con người” thì có đỡ bị chính quyền cảnh giác và ghét bỏ không?), tự do, dân chủ, và xã hội dân sự (XHDS).

XHDS không phải là chưa từng tồn tại ở Việt Nam. Ngược lại, những hình thức kết giao tự nguyện - như các hương, họ, phái, sinh hoạt nơi đền chùa, đình làng, v.v. - đã từng rất phổ biến và là rường cột của đời sống của người dân Việt Nam, ít nhất là ở nông thôn miền Bắc, trong hàng thế kỷ. Thực sự chỉ đến khi đảng cộng sản lên cầm quyền, với việc thi hành các chính sách khắc nghiệt, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, biến xã hội thành trại lính nơi “mỗi người dân là một chiến sĩ”, thì XHDS mới bị phá vỡ. Tocqueville từng viết, đại ý là các chế độ độc tài không cần người dân thương yêu chúng mà chỉ cần người dân đừng thương yêu nhau và đừng kết hợp với nhau để cho chúng dễ không chế một xã hội phân rã (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ quốc ăn năn, NXB Chúng Ta, 2012). Cho nên “Đảng ta” không thích XHDS. Đảng coi đó là một “thủ đoạn của diễn biến hòa bình” và kiên quyết “không để các tổ chức XHDS bị lợi dụng”! 

Song, năm 2013, XHDS ở Việt Nam đã lớn mạnh như một sự bùng phát vượt khỏi tầm kiểm soát của đảng. Lần đầu tiên, người dân công khai tuyên bố thành lập các hội, các nhóm, diễn đàn, mà khỏi cần đến luật về hội và mớ thủ tục “xin-cho” mà đảng vẫn ưa dùng: Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Bầu bí Tương thân, v.v. Từ xuất phát điểm ban đầu là những hội nhóm thành lập trên mạng, họ đã “xuống đường” và có những hoạt động thực tiễn: Nhóm Công dân tự do tổ chức dã ngoại nhân quyền và phân phát Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, No-U làm thiện nguyện, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đến các đại sứ quán và tổ chức quốc tế để trao Tuyên bố 258. Một số tổ chức NGO quy mô nhỏ trong nước, vốn lâu nay chịu sự dò xét, giám sát của chính quyền, cũng đã cố vươn dậy trong cái vòng kim cô chật hẹp, để góp phần lên tiếng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 có thể đã là một ngày hội của XHDS và những công dân tự do nếu họ không bị chính quyền ra sức chống phá, đàn áp: Chương trình “Tôi tự do” bị ép hủy, các buổi kỷ niệm Ngày Nhân quyền ở Hà Nội và TP.HCM bị trấn áp, blogger tham dự bị hành hung và bị người của chính quyền tấn công bằng… mắm tôm. 

Nhưng sự kết hợp của người dân, sự phát triển của XHDS, là không thể bị phá hoại một lần nữa như thời kỳ đảng còn tự tung tự tác tuyệt đối. Từng hội nhóm mới vẫn ra đời và hoạt động ngày càng công khai. Sau “chiến dịch 258”, Mạng Lưới Blogger Việt Nam tuyên bố thành lập chính thức vào đúng ngày Quốc tế Nhân quyền. Diễn đàn Xã hội Dân sự thành lập sau một tuyên bố đòi các quyền dân sự - chính trị, một động thái mà đảng coi như hành vi tự tiện, ngang nhiên - thì ra ngoài sự kiểm soát của đảng mà lị. Báo Quân Đội Nhân Dân gầm lên: “Gần đây, một số người lập ra cái gọi là “diễn đàn xã hội dân sự” với ý định không úp mở thúc đẩy “chuyển hóa” chế độ chính trị ở Việt Nam”. 

Trong sự lớn mạnh của XHDS năm 2013 này, còn có một sự kiện đáng chú ý: Lần đầu tiên, các tổ chức XHDS của Việt Nam đã có sự hợp tác (tất nhiên là ngoài bàn tay kiểm soát của đảng) với các tổ chức trong khu vực, đặc biệt là ở Philippines. Tháng 7, No-U Việt Nam xuất hiện trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc do Liên minh Biển Tây Philippines tổ chức. Tháng 10, một nhóm bạn trẻ ở Việt Nam sang Philippines theo lời mời của Asian Bridge để tìm hiểu về XHDS ở Philippines. Họ đã học, say mê và vui thích, và đã trở về Việt Nam bất chấp việc bị công an đe dọa, sách nhiễu. Sự can thiệp của chính quyền vào những hoạt động dân sự bình thường, cuối cùng, đã trở thành một trò lố bịch và vô duyên trong mắt các bạn trẻ và cộng đồng quốc tế.

Nở rộ “luật ngu” 

Nói từ giác độ điều hành vĩ mô, không ra những đạo luật yếu kém, gây thiệt hại cho dân thì không phải là chính quyền Việt Nam. Nói cách khác, ban hành những “luật ngu” đã thành chuyện bình thường ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Nhưng chỉ đến thời Internet, những yếu kém ấy mới bị “phơi áo”, và 2013 là một năm đặc biệt chứng kiến nhiều “luật ngu”: Nghị định 72 về “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, Nghị định 174 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”, Nghị định 159 về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản”, Nghị định 208 về “các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”, v.v. 

Các đạo luật ấy không chỉ “ngu” - chẳng hạn quy định trang tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp - mà còn “ác”, bởi chúng nhằm hạn chế quyền tự do của công dân, gây thiệt hại, phiền phức cho xã hội và dành phần lợi về nhà nước với lý do “để thuận tiện cho việc quản lý”. Vâng, để giúp việc cai quản xã hội được dễ dàng thì cán bộ thi hành công vụ có quyền nổ súng để phòng vệ, bắt giữ người chống đối; chính quyền có quyền phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng với hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước” mà chưa đến mức truy cứu hình sự (nôm na là chưa đủ chứng cứ để bắt mày thì tao cũng phạt tiền được mày). Và với Nghị định 159 thì tất cả các ngành nghề, đối tượng vốn coi báo chí là kẻ thù tiềm tàng lâu nay, bây giờ đều có thể nghiễm nhiên xử phạt báo chí, từ chủ tịch UBND cấp huyện đến công an, bộ đội, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, quản lý thị trường. 

Sự xuất hiện nở rộ những đạo luật ngu và ác cho thấy việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã trở thành có hệ thống và được thể chế hóa. Nhưng nó cũng là biểu hiện của sự kém cỏi và bất lực của chính quyền một đảng trong công việc quản trị, điều hành đất nước. 

Trò hề sửa đổi hiến pháp 

Công cuộc sửa đổi Hiến pháp của đảng đã “kết thúc thắng lợi” với việc đảng đã có được bản hiến pháp theo ý muốn: tiếp tục khẳng định vị trí “tiên phong” và vai trò lãnh đạo của đảng, lấy chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Bản hiến pháp 2013 đạt được các mục đích đảng đề ra từ đầu là “thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn”, “ghi nhận những thành quả, thành tựu to lớn của đất nước” do đảng khởi xướng. 

Đấy là đứng trên giác độ lợi ích của đảng. Còn từ giác độ nhân quyền thì bản hiến pháp mới chẳng mang lại lợi ích gì. Các quyền công dân “được ban phát” về cơ bản vẫn như hiến pháp 1992. Khái niệm “quyền con người” được đưa vào một cách chiếu lệ cho đúng “mốt”. Ân xá Quốc tế nhận xét, bản hiến pháp đã “liên tục đặt luật quốc gia lên trước quyền của các cá nhân, kể cả những quyền đã được đề cập trong các nghĩa vụ của Việt Nam trên cơ sở công ước hiện hành”. 

Đối với xã hội, các đợt lấy ý kiến và thảo luận sửa đổi Hiến pháp gây lãng phí khổng lồ. Trả lời BBC, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Các cuộc họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian, cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả”. 

Sự lố bịch của màn kịch tưởng như không có giới hạn: Ngày 3/4, tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, theo đó, số lượt ý kiến đóng góp từ ngày 12/3 tới ngày 27/3 trong toàn tỉnh lên tới 44.459.628 trên tổng dân số 1,7 triệu người. Trong số ý kiến đóng góp này, có 44.455.188 người tán thành nguyên văn với bản Dự thảo Hiến pháp, chiếm tỷ lệ 99,99% dân số tỉnh Bình Dương. Thật là một tỉnh cách mạng! 

Báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 21/4 trích lời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, “Sau 3 tháng triển khai nghiêm túc, dân chủ Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với 28.140 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý”. Mới ba tháng mà đã có đến hơn 28.000 cuộc họp. 

Vấn đề là, theo khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” (UNDP, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thực hiện), 42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về hiến pháp hoặc chưa bao giờ nghe nói đến. Với 57,6% còn lại thì có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi hiến pháp. 

Xét cho cùng, đây có vẻ lại càng là một thành công to lớn của đảng: Đa số người dân sẽ thấy “tự nhiên thì đảng đem Hiến pháp ra sửa”, “tự nhiên thì đảng kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi, rồi người ta góp ý xong cũng chẳng để làm gì”. Dân chúng không hiểu và do đó, không quan tâm; còn đảng thì nghiễm nhiên có được một hiến pháp mới hợp ý. 

Tuy nhiên, trong thời đại Internet, với sự phát triển của truyền thông xã hội, những ý đồ của đảng dù thế nào vẫn bị không ít thì nhiều người nhận ra. Ít nhất thì cái kết 97% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự thảo hiến pháp của đảng cũng đánh dấu cảnh hạ màn vụng về của một trò hề tốn kém. 

O ép nghệ sĩ và quyền tự do sáng tạo 

Những cái tên này gợi cho bạn điều gì: Asia 71, Thằng mõ 1 - Cái nường 8x, Bụi đời Chợ Lớn, Đại gia, Cafe Cộng, Zone 9? 

Năm nay (cũng như mọi năm khác), chính quyền tiếp tục “tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm” các trường hợp văn nghệ sĩ lợi dụng... quyền tự do sáng tác để “xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu” Việt Nam, tức là nói những điều đảng và nhà nước không muốn nghe. Đầu năm, đĩa Asia 71 bị cấm tại Việt Nam, 6 nghệ sĩ tham gia bị cấm về nước biểu diễn. Tháng 5, CD “Thằng mõ 1 - Cái nường 8x” của nhạc sĩ Ngọc Đại bị thu hồi và tiêu hủy. Tháng 6, phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị kiểm duyệt, cấm chiếu vì “không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”. Tháng 8, tiểu thuyết “Đại gia” của nhà văn Thiên Sơn bị cấm phát hành vì “cường điệu quá mức” trong việc phản ánh hiện thực xã hội. Cũng tháng 8, chuỗi cửa hàng cafe Cộng của ca sĩ Linh Dung bị “ngả vạ” vì “tội” chế Lenin toàn tập, xuyên tạc thơ Bác Hồ. Cuối năm, tụ điểm vui chơi Zone 9 - “hợp tác xã nghệ thuật”, nơi gặp gỡ ưa thích của bạn trẻ và giới văn nghệ sĩ ở Hà thành - bị buộc phải đóng cửa từ 23/12 không rõ lý do. Chính quyền còn tiến hành “đuổi kỳ cùng” các chủ kinh doanh ở Zone 9, cắt điện, nước rõ sớm, không cho họ đủ thời gian để dọn đồ! 

Nói theo ngôn ngữ của đảng, thì công tác quản lý văn hóa hiện còn nhiều bất cập. Những người nắm quyền sinh quyền sát với văn nghệ sĩ và các sản phẩm văn hóa lại là những đầu óc thủ cựu và thấp văn hóa nhất. Cái khổ cho Việt Nam là bất cập này lại là bất cập chung, tồn tại ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề chứ không chỉ trong văn hóa-nghệ thuật. Và sự yếu kém của lãnh đạo sẽ còn làm khổ dân chúng dài dài. 

Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ 

Cuối cùng thì, sau nhiều nỗ lực vận động ráo riết và cả nỗ lực đấu tranh với “các thế lực thù địch” như đám blogger phản động đã dám cả gan ra Tuyên bố 258 đòi Nhà nước sửa đổi luật pháp, hay cánh Human Rights Watch, Amnesty International…, ngày 12/11, Việt Nam đã trúng cử vào HĐNQ LHQ với 184/192 phiếu thuận. Trước đó, ngày 7/11, Việt Nam cũng đã gấp rút ký Công ước Chống tra tấn để thể hiện nỗ lực “hội nhập” với các tiêu chuẩn chung của thế giới về nhân quyền. 

Khỏi phải nói, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ đã được truyền thông của đảng đưa tin (gồm cả báo chí chính thống lẫn dư luận viên) đưa tin hoan hỉ như thế nào. Hoan hỉ đến mức không một tờ báo, một trang mạng nào của đảng nói rằng đây là cuộc bầu cử chọn ra 4 ghế từ 4 ứng viên! Thành viên của HĐNQ cũng là các nước có thành tích hữu hảo về nhân quyền ngang ngửa Việt Nam: Trung Quốc, Nga, Ảrập Xê-út. Cách đây hơn một thập niên, Lybia dưới thời Gaddafi còn là chủ tịch của HĐ này. 

Lời yêu cầu nhà nước sửa đổi, hoàn thiện luật pháp để bày tỏ cam kết gia nhập HĐNQ dĩ nhiên không được đáp ứng và đó là điều mà các blogger ra Tuyên bố 258 đã lường trước. Họ, cũng như những người đấu tranh cho nhân quyền - tự do ở Việt Nam, đều hiểu rằng, công cuộc đấu tranh vì quyền con người sẽ còn rất dài, và với việc Việt Nam gia nhập HĐNQ LHQ, tất cả chỉ vừa mới bắt đầu. 



Phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền? Và ngoại giao Câu Tiễn?

Người Buôn Gió 
Theo Blog Người Buôn Gió
Người Buôn Gió

Xin thưa với các tiến sĩ, giáo sư của báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân. Đây chỉ là câu hỏi giả thiết. Quý vị đừng nhảy cẫng lên chụp mũ chống Đảng, chống băng nhóm gì cả. Câu chuyện có nguyên nhân của nó. 

Chả là chúng tôi, những người biểu tình phản đối quân Trung Quốc xâm lược. Khi bị bắt vào trại Lộc Hà, bị cơ quan an ninh xét hỏi. Trong quá trình bị xét hỏi kèm với việc giải thích, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền. Các cán bộ an ninh đưa ra một lý lẽ rằng.
'' Giờ chúng ta muốn bảo vệ đất nước, phải giữ ổn định chính trị. Vì sao, vì giữ ổn định chính trị mới phát triển được kinh tế. Có kinh tế mạnh thì chúng ta mới có vũ khí, có phương tiện để bảo vệ chủ quyền...''
 

Cá nhân tôi đồng ý với lý lẽ của cán bộ an ninh, mặc dù tôi biết lịch sử khi thành lập nhà nước này, kinh tế gần như con số không. Nhưng nhờ ngoại giao được với các cường quốc cộng sản anh em, Việt Nam có được pháo 105 ly, xe tăng, tên lửa ...để chiến đấu. Mặc dù nền kinh tế Việt
Nam lúc đó đến cái xe đạp cũng không sản xuất được ra hồn.
 

Cuộc biểu tình đầu tiên chống quân Trung Quốc xâm lược nổ ra năm 2007, đến năm 2009 tôi bị bắt vì tội in áo Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam..rồi đến năm 2011, năm 2012 cuộc biểu tình như thế lại nổ ra. Tôi lại bị bắt vì tội biểu tình Hoàng Sa - Trường Sa. Phải nói một điều đôi khi trước lúc bắt người biểu tình, chính quyền đã dùng loa trên xe ô tô công an để thuyết phục rằng hành động biểu tình của chúng tôi là gây rối trật tự công cộng, có đánh giá tinh thần yêu nước, nhưng chuyện bảo vệ chủ quyền nhà nước có đường lối bảo vệ.
 

Trong ngần ấy năm bức xúc vì chuyện chủ quyền tôi vẫn nghe lập luận quen thuộc và rất có lý của cơ quan an ninh.
- Kinh tế phải mạnh mới bảo vệ chủ quyền, giờ phải khéo léo giữ hòa bình để tranh thủ phát triển kinh tế mạnh lên, có tiền mua tàu, tên lửa, khí tài, nuôi quân đội....giờ Đảng và Nhà Nước đang phải lo lắng như thế, các anh đừng nóng vội làm mất trật tự xã hội, khiến cho tình hình bất ổn hơn.
 

Giờ nhìn lại đã mấy năm trôi qua, nền kinh tế của Việt Nam phát triển hay là lụi bại.?
 

Nếu nền kinh tế của chúng ta không phát triển, thậm chí lụi bại, đời sống cán bộ, nhân dân, chiến sĩ khó khăn hơn. Mọi thứ tăng giá nhiều hơn, thu phí nhiều hơn thì rõ ràng nền kinh tế không phát triển mạnh mà đang vào chỗ suy yếu. Phải suy yếu thì nợ công mới đầm đìa, mới phải tái cơ cấu, mới phải bán cổ phần của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Mới phải tìm cách huy động vàng trong dân để làm vốn nhà nước. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giải thể....
 

Và nói gì thì nói, thực tế một điều là nền kinh tế chúng ta đi xuống.
 

Nếu vậy, phải chăng chiến lược phát triển kinh tế để đảm bảo chủ quyền đã thất bại? Rõ ràng theo lập luận các anh đưa ra, phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền. Thì mệnh đề phát triển kinh tế đã không thành, vậy mệnh đề bảo vệ chủ quyền suy ra cũng thất bại theo.?
 

Ngoài một điểm sáng là phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh mới đây tại hội nghị quân chính toàn quân, ông Thanh khẳng định kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo. Và tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam. Tàu ngầm là một chương trình có từ lâu, còn mục tiêu quân đội của ông Thanh lẽ ra phải nhắc thêm trong trách của quân đội rất nặng nề nữa là bảo vệ Đảng, bảo vệ CNXH, sẵn sàng dập tắt biểu tình, bạo động.... Những điểm này sáng nhưng chưa tỏ, vì chẳng mới mẻ gì và cũng chẳng hơn gì so với trước. Và nó cũng chẳng đủ để chứng minh luận thuyết kinh tế phát triển mạnh để bảo vê chủ quyền.
 

Giá như khi tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam, giá cả viễn thông, xăng dầu... không tăng vọt. Giá như cả chính phủ phải nhẩy cẫng lên mừng như bắt được vàng vì ngân sách thu hoàn thành kế hoạch. Giá như người công nhân không phải nhận gạch, nước mắm thay tiền thưởng Tết...
Có lẽ Đảng đã thành công trong việc phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền. 
Nền ngoại giao Câu Tiễn.
 

Ngoại giao khéo léo là một trong những biện pháp mà ĐCSVN ca ngợi trong việc bảo vệ chủ quyền. Đó là tăng cường hiểu biết hai nước, tăng cường quan hệ toàn diện từ văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị....
 

Một ông đại sứ ở Trung Quốc hàm tương đương thứ trưởng mà phải nói “Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Chúng ta không có hai lòng. Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc cũng góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới”.
 

Xưa nay chuyện ăn ở một hay hai lòng, chỉ dành cho kẻ đầy tớ, bầy tôi. Lẽ nào ở cấp hàm tương đương thứ trưởng ngoại giao, một ông đại sứ không biết về câu cú, chữ nghĩa lại đi sử dụng từ ''hai lòng'' trong một mối quan hệ tưởng là phải bình đẳng giữa hai nước.? Người ta nói một lòng thờ bố, một lòng thờ chủ, một lòng thờ vua....có ai nói một lòng thờ bạn đâu. Với bạn bè chỉ cần chí tình, chí nghĩa là đủ. Trong quan hệ vợ chồng có sử dụng từ một lòng, hai lòng. Nhưng đó dành cho người vợ, vì vai trò người đàn ông trong lịch sử như vai trò của một ông chủ. Người ta khen vợ ăn ở một lòng, không hai lòng hai mặt với chồng là vậy.
 

Ở quan hệ ngoại giao hai nước có lịch sử văn hóa truyền  thống phong kiến, đều biết rõ về sự một lòng, hai lòng là chỉ quan hệ cấp bậc phân chia thế nào. Vậy ông đại sứ Thơ địa diện cho VN nói câu vậy, thì ông định xếp vai vế Việt Nam với Trung Quốc là gì?
 

Một ông Vũ Xuân Hồng, chức danh là Chủ tịch các hội liên hiệp hữu nghĩ Viêt Trung trả lời báo Tuần Vietnamnet rất chi tiết về ơn nghĩa, công lao của Trung Quốc đối với Việt Nam, ông Hồng kể rõ tên từng địa danh, công trình mà Trung Quốc giúp Việt Nam từ đời nảo đời nào.
'' Chúng ta vẫn còn đó bao công trình lớn của Trung Quốc xây dựng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa: nhà máy thép Thái Nguyên, sợi Nam Định, phân đạm Hà Bắc.. các công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn. Biên giới mở cửa để hai nước giao thương buôn bán, hòa bình hữu nghị. Đó là nền tảng lâu dài cho nhân dân cả hai bên. Dứt khoát không nên dấy lên điều gì có thể dẫn đến xung đột. '' 
 

Thế nhưng chủ quyền của đất nước ông đấy, đang có vấn đề gì, ở đâu, quân Trung Quốc đóng chỗ nào, khoanh vùng chỗ nào, bắn ngư dân Việt lúc nào, thời điểm nào . Ông Vũ Xuân Hồng không nhớ, trái lại ông lại mập mờ nói. '' Biển Đông là một trong những câu chuyện nhạy cảm, phức tạp; nhưng đừng để ảnh hưởng đến đại cục. Chúng ta còn có bao nhiêu lĩnh vực cần cùng nhau phát triển: kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển…'' 
 

Chủ quyền rõ ràng, sao lại là câu chuyện nhạy cảm, phức tạp. Cách mà ông Hồng nói khiến người ta cảm giác câu chuyện chủ quyền là một câu chuyện có lỗi, vấn đề chủ quyền là vấn đề không hay, không nên nhắc đến làm gì. Tại sao ông không kể rõ chi tiết địa danh, thời điểm của vấn đề biển đảo rành rọt như ông kể tên các công trình Trung Quốc giúp Việt Nam? 

Lịch sử có nền ngoại giao nín nhịn của Câu Tiễn của nước Việt. Nhưng Câu Tiễn nằm gai, nếm mật, hằng đêm ngửa cổ nhắc với trời đất mối thù bị mất đất. 
Câu Tiễn không nhịn nhục để sắm biệt thự, để mua nhà cho bồ nhí, để mua những món ngon vật lạ trong thiên hạ. Câu Tiễn cũng chẳng vun vén cho con cái nắm những vị trí hái ra tiền. Toàn quân, toàn dân nước Việt của Câu Tiễn ngày đêm cày cấy, tăng gia phát triển kinh tế để nước
giàu , quân mạnh. Vua quan nước Việt của Câu Tiễn cùng mặc áo vải gai, cùng dệt vải, cày cấy với dân. Câu Tiễn cũng không gửi con sang Hoa Kỳ với số vốn chuyển theo để lo chỗ mới làm ăn. 
Và đương nhiên chấp nhận nền ngoại giao nhịn nhục để phục quốc, Câu Tiễn ngày ăn cơm rau dưa không quá  hai món, sẽ không béo múp ngón tay như Vũ Xuân Hồng...

Câu Tiễn mặc áo gai, làm sao bóng bảy, tóc tai mượt mà, mày râu nhẵn nhụi như đại sứ Nguyễn Văn Thơ.

Nguyễn Văn Thơ
Vậy thì nền ngoại giao khéo léo của Việt Nam với Trung Quốc là gì? Tất nhiên với những gì chúng ta thấy, nó chẳng phải là nền ngoại giao nhịn nhục để mưu đồ quật khởi như Câu Tiễn.

Một nền ngoại giao sáng tạo.

Đơn giản tên gọi của nó là thế thôi.

Tái bút ; Đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, phiến diện, chủ quan và thiếu dẫn chứng. Bài viết mang cảm tính hơn là biện chứng khoa học. Bởi người viết trình độ hạn hẹp, chỉ nói vấn đề theo góc nhìn hạn chế của mình. Không phải là quan điểm của những nhà đấu tranh dân chủ, đấu tranh cho tiến bộ xã hội, đất nước. Những nhà đấu tranh đó ở một tầm cỡ lớn hơn nhiều người viết bài này. Vài lưu ý cho bạn đọc khỏi đánh giá lẫn lộn vàng thau.

lundi 30 décembre 2013

Chỉ cần lắp đèn vào đầu lãnh đạo

JB Nguyễn Hữu Vinh

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã làm nóng lên diễn đãn xã hội Việt Nam về những vụ án oan, án sai và số phận những công dân vô tội bỗng dưng bị tù đày, giam cầm, thậm chí là mất mạng. Khỏi phải nói, với những gì báo chí nói đến, thì người ta cũng đã hình dung được nỗi oan của công dân này ra sao và nguyên nhân chính là việc ép cung, bức cung và dàn dựng những vụ án theo ý cơ quan điều tra.
Dư luận đặt câu hỏi: Án oan, án sai ở Việt Nam bao giờ sẽ chấm dứt, bao giờ số phận công dân không bị đe dọa bởi hệ thống nhà tù Việt Nam?

Bài ca không quên: Bao nhiêu người vô tội được đi tù?

Nếu chúng ta đi trên đường con đường đặt tên là Hồ Chí Minh, từng đoạn một chúng ta sẽ thấy những tấm bảng hiệu chỉ dẫn đến các nhà tù. Hầu như không tỉnh nào không có hệ thống nhà tù trên rừng heo hút phía Tây, ngoài hệ thống nhà tù vùng đồng bằng khá nổi tiếng và nhiều người biết.
Số lượng tù nhân ở Việt Nam là một con số không được công bố. Nhưng, mới đây, chỉ riêng một
đợt đặc xá ngày 29/8/2013, đã có 15.446 người được ra khỏi nhà tù vì lý do nhà tù quá tải. Như vậy, dù không công bố, thì người ta vẫn có thể dự đoán được số tù nhân là con số không hề nhỏ. Theo số liệu được báo chí Việt Nam công bố, thì hiện nay tỷ lệ án oan trên 10%. Như vậy,
Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết oán
chung thân, đã bị giam oan 10 năm
 trong số hàng trăm ngàn người trong các trại giam, sẽ có hàng chục ngàn người vô tội được đi tù.
Vấn đề án oan, án sai đã là vấn đề muôn thuở từ xưa đến nay được báo chí, nhà nước, quốc hội, dư luận nhân dân chú ý, kêu gọi, lên án, chất vấn… đủ cả. Thế nhưng, lượng án oan, án sai – là điều mà không ai chấp nhận được – vẫn cứ đều đều không hề có tín hiệu giảm xuống.
Sáng 27/11/2006 chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Hiện phát biểu trước Quốc hội là ông đã “vơ vét” hàng trăm thẩm phán cho ngành tòa án để giải thích cho việc riêng trong năm 2005, có tới 9.000 vụ án bị hủy án, sửa án, có nghĩa là gần một vạn vụ án sai đã được phát hiện. Từ đó trở đi, mỗi lần Quốc hội họp lại cứ bài cũ diễn lại, lại quyết tâm, lại trách nhiệm, lại nâng cao, lại đẩy lùi… Thế rồi, đủ các phương thức, lời bàn, những tiếng kêu thống thiết rằng không thể đầy số mệnh công dân vào oan trái bởi hệ thống pháp luật… Nhưng, những tiếng kêu chỉ để mà kêu, lời bàn chỉ để mà bàn. Bởi những biện pháp kia, lời bàn kia chỉ là chuyện gãi ghẻ.
Án oan sai vẫn không có lối thoát.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Sở dĩ, chuyện hạn chế án oan sai cứ như gãi ghẻ mà không thể dứt điểm, không thể hạn chế. Thậm chí, càng những năm gần đây, những vụ án bị oan khuất trắng trợn bởi ép cung, bởi bao che tội phạm, bởi tiền… thậm chỉ chỉ vì bởi thành tích lên sao, lên vạch chiếm chức tranh quyền của cán bộ thừa hành. Tất cả đẩy số phận người dân trở thành trò đùa và miếng mồi của cả hệ thống pháp luật.
Sau hơn 7 năm kể từ khi ông Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Văn Hiện “vơ vét” thẩm phán cho ngành tòa án, và hạ quyết tâm thì án oan vẫn lan tràn, án sai vẫn không thay đổi. Người ta đổ cho nhiều lý do để tạo nên tình trạng đó nào là cơ chế, nào là bộ luật, nào là khách quan… để chứng minh một điều: Oan sai là hiển nhiên, chẳng ai có tội ở đây. Nếu có tội chăng, chỉ là thằng dân có tội là đã sinh ra để chịu oan sai. Thế thôi.
Người ta đổ cho cơ chế, nhưng cơ chế là thằng nào, mặt mũi ra sao, chẳng ai dám chỉ ra nó. Bởi nó chính là con đẻ của thể chế cộng sản.
Người ta đổ cho bộ luật tố tụng, bởi dù Bộ luật đã ghi rõ luật sư có thể được tham gia quá trình tố tụng từ đầu nhưng phải có điều kiện là “nếu được sự đồng ý của cơ quan điều tra”. Nghĩa là, sinh mạng của người dân vẫn được “sự lãnh đạo tuyệt đối” của đảng quyết định thông qua  bàn tay công an. Bởi công an ta với trình độ “giỏi nhất thế giới” – nói theo cách của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền – thì vẫn muôn đời khó tìm ra được tội phạm. Trong dân gian đã chẳng lan truyền câu truyền miệng “không có tội thì đánh cho có, có tội thì đánh cho chừa” đó sao.
Bằng chứng là vụ án mới nhất ông Nguyễn Thanh Chấn (rất may chưa được lãnh đạn đồng chỉ vì có ông bố liệt sĩ), phải chờ đến khi tội phạm đầu thú mới biết oan sai, nhưng không một cán bộ công an nào nhận ép cung, tra tấn đấy thôi. Làm gì nhau.
Quốc hội, cơ quan được gọi là Quyền lực cao nhất của đất nước, nhưng bản Hiến pháp của Quốc hội cũng chỉ đứng sau Cương lĩnh của Đảng Cộng sản (Theo Nguyễn Phú Trọng). Nghĩa là vị trí của Đảng là siêu cao. Tuy đảng ở vị trí siêu cao, lãnh đạo tuyệt đối, mọi mặt. Nhưng đảng có truyền thống là không chịu trách nhiệm mọi mặt. Chẳng là dân gian vẫn có câu “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta” đấy sao! Cái thói tranh công, đổ lỗi và từ chối trách nhiệm thì đảng ta thành thần.
Còn công an, là lực lượng được Đảng CS coi là thanh kiếm, lá chắn của đảng, xác định là “còn đảng, còn mình”. Do vậy được đảng ưu ái, được đảng chăm muôi để giữ cho đảng độc chiếm cái ghế quyền lực. Và vì được ưu ái, xã hội Việt Nam dần dần chuyển thành chế độ công an trị đặc trưng. Từ Thủ tướng chính phủ, đến Bí thư Tỉnh ủy, từ ông Quản lý tôn giáo đến ông chủ tịch tỉnh… con số từ ngành công an chuyển sang là rất lớn.
Nhiều vụ việc công an gây tội ác, đều được xử lý theo kiểu không chỉ giơ cao đánh khẽ mà là nuông chiều đến hư hỏng. Một công an phạm tội hiếp dâm trẻ em được thả tự do. Lý do được giải thích là “rối loạn cảm xúc tình dục”. Dù rối loạn nhưng vẫn làm công an, vẫn là con của một công an khác. Nhà dân đang yên lành, công an tổ chức những “trận đánh đẹp” thế là đạn nổ, nhà tan, tài sản biến mất. Để rồi cuối cùng, dân cứ thế vào tù, còn ông Đại tá Đỗ Hữu Ca được phong lên cấp tướng. Đó mới là câu chuyện nên “viết thành sách” của ngành công an cộng sản.
Bao người dân đã “tự nguyện” đến đồn Công an để tự vẫn hoặc chết không rõ nguyên nhân. Bao người dân bị đánh chết, công an hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra án mạng, đều được
“gãi ghẻ” dăm ba năm tù lấy lệ. Tất cả, chỉ đơn giản họ là công an.
Việc dung túng, bao che, nuông chiều một lực lượng cầm súng tung hoành trong xã hội là nguyên nhân trực tiếp đẩy nạn án oan, án sai ngày càng nhiều.
Nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng” tác động tất cả các quá trình, mọi khâu trong việc bắt giữ, điều tra, xét xử, kiểm sát… Điều này thì rõ ràng như hai với hai là bốn.
Không ai có thể phủ nhận được một điều: Với một nền pháp lý bị dẫn dắt theo một định hướng, bởi một người hoặc một nhóm độc tài, thì chuyện thiếu khách quan, không rành mạch, dẫn tới oan sai với người dân vô tội là hẳn nhiên. Thậm chí, bất chấp nguyên tắc tố tụng hơn cả là điều mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng là cơ chế “án bỏ túi” bởi ban Nội chính, bởi ý đảng, bất chấp lòng dân. Đặc biệt là những vụ án mang yếu tố chính trị, bất đồng chính kiến. Ở đó, việc xét xử, luật sư, luật pháp, tố tụng… chỉ là trò hề trang điểm bộ mặt nhớp nhúa độc tài.
Thật ra, đó là một cơ chế Đảng thì lãnh đạo để nhân dân lãnh đủ và trái ý thì lãnh đạn.

Lối thoát của đất nước hay cửa tử của Đảng?
Không ai không công nhận một điều: Ở một chế độ tam quyền phân lập, mọi hoạt động tố tụng được tiến hành độc lập, tuân theo nguyên tắc: Chỉ tôn trọng pháp luật, quân pháp bất vị thân. Mọi hoạt động của hệ thống công quyền được giám sát, khách quan và chặt chẽ. Do vậy án oan sai được hạn chế đến mức tối đa.
Thế nhưng, vì sao điều này không được thực hiện, thậm chí Nguyễn Phú  Trọng còn lên giọng dọa dẫm: “Có ai đòi tam quyền phân lập không… Như thế là suy thoái chứ còn gì nữa”.
Có thể nhiều người dân rất lấy làm lạ là tại sao, một điều mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “đơn giản như đan rổ” vậy mà cả bộ máy đảng cộng sản là trí tuệ nhân loại, lại còn là đạo đức, là văn minh lại không hiểu được? Tại sao họ luôn rêu rao “vì hạnh phúc của nhân dân” rằng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân” mà lại không thực hiện điều lợi ích đó?
Thực chất ngoài những ngôn từ bóng bẩy của cộng sản, thì điều mà đảng cộng sản không thể che đậy, đó là bằng mọi cách lấp liếm, ngụy biện, cố bám trụ bằng được vào vị trí quyền lực, đặt nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của họ. Tất cả những lời lẽ ong bướm, bay bổng và thơm tho nhưng xám ngoét kia, chỉ nhằm mục đích như vậy. Và khi điều đó không còn là chính danh, chính đáng, thì việc thực hiện mục đích đó bằng mọi cách, là sự bẩn thỉu.
Và cũng vì mục đích bẩn thỉu đó, mà họ không thể đi thẳng vào sự thật, đi thẳng vào bản chất sự việc, nên cứ “vòng vo con nhặng” và loanh quanh như cún bí ỉa.
Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an

Mới đây, trước Quốc hội, Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an đã trả lời rằng “Đang lắp camera vào phòng hỏi cung” để nhằm giảm oan sai. Điều này được áp dụng theo ý kiến của đại biểu Quốc hội bà ĐB Lê Thị Nga.
Đọc qua chi tiết này, người ta không thể không bật cười. Bà Lê Thị Nga này quả là ngây thơ, cứ nghĩ lắp vài cái camera vào đó, thì bàn dân thiên hạ được xem công an hỏi cung chăng? Xin thưa đừng mơ, ngay cả khi đưa công dân ra xét xử công khai, mà vẫn cứ hàng ngàn cảnh sát, dân phòng, công an các loại lớp trong vòng ngoài, cấm người dân đến gần tòa án. Vậy thì bà có lắp 1000 cái camera vào đó, thì vẫn là đảng điều tra, đảng kiểm sát và đảng xử. Tất cả thông qua hệ thống đảng viên của đảng mà thôi. Mà khi chỉ mình đảng múa tay trong bị, thì người dân lãnh đủ là cái chắc.
Điều duy nhất có ích ở đây, là công an cả nước có thêm một dự án tiêu thêm hàng đống tiền dân. Dân cứ còng lưng mà đóng thuế cho đủ mua, không đóng trực tiếp thì bằng tăng giá điện, giảm lương, tăng giá xăng dầu, thuế, phí… cứ đầu thằng dân mà đấm. Đã có đầu tư, ắt có tham nhũng, đó đã là quy luật, là chuyện thường ngày.
Còn hiệu quả ư? Chỉ là chuyện đùa của cây đèn cù, tít mù rồi lại vòng quanh.
Có lẽ cần thiết hơn việc lắp hàng ngàn camera vào phòng hỏi cung như dự định tốn hàng núi của mà dân càng mất tiền lại mất cả lòng tin, thì đơn giản hơn, chỉ cần lắp vào đầu lãnh đạo đảng, chỉ mỗi cái đầu một bóng đèn 5 wat. Chỉ vậy thôi cũng đủ để nó đốt cháy đi tính ích kỷ, lợi lộc phe nhóm của riêng mình, may ra cái đầu sẽ được soi sáng hơn mà nhìn thấy lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Khi đó, hệ thống tam quyền phân lập sẽ ra đời, người dân bớt oan sai, đau thương và đất nước mới có cơ hội ngẩng mặt lên với năm châu.