Đào Văn Tùng (Thiện Tùng)
Việc luật gia Đằng, tiến sĩ Dũng, bác sĩ Diên ly khai (từ) Đảng CSVN (Đảng) nhất thời gây xôn xao dư luận, khen chê lẫn lộn.
Lâu nay việc ra vào Đảng là chuyện bình thường, trước ba ông nầy đã có lắm đảng viên từ Đảng, họ âm thầm ra đi “không kèn không trống”, còn ba ông nầy từ Đảng khác thường là “giống trống khua chiêng”, khiến dư luận xã hội nóng lên, biến việc vốn bình thường ấy thành khác thường.
Theo tôi hiểu, Đảng là một tổ chức, ai muốn vào phải tự giác xin và đợi cho, còn muốn ra chỉ cần báo cho tổ chức biết là đủ lịch sự rồi.
Mỗi người một cách. Ông Đằng, ông Diên từ Đảng “bái tổ” với động thái dứt khoát, vẫy tay chào rồi tự động ra đi không một chút đoái hoài, buộc người ta phải chấp nhận, không còn điều kiện gây khó dễ. Ông Dũng vẫn còn đang công tác trong hệ thống nhà nước, từ Đảng “bái tổ” phải kèm chữ “xin” – mặc dầu là xin hướng dẫn thủ tục.
Thói thường, hễ xin thì phải đợi cho. Đối với người xin ra khỏi Đảng, người ta thường áp dụng 2 biện pháp:
1/ Dùng biện pháp mềm: Người ta dùng lời lẽ êm dịu khuyên đương sự có gì thì nói với nhau, cùng nhau giải quyết, đừng dại dột ly khai chỉ thiệt cho bản thân…
Nếu khuyên ở lại không được thì
2/ Dùng biện pháp cứng: Người ta tổ chức họp chi bộ, khéo léo chọc tức làm cho đương sự cáu tiết sa vào bẫy, thay nhau cố bới lông tìm vết để rồi biểu quyết theo nguyên tắc thiểu đa khai trừ đảng, khiến đương sự ra đi mặt mày lọ lem, để giữ được thể diện cho Đảng.
Để giữ thể diện cho Đảng, người ta bằng mọi cách trét lọ vào mặt những đảng viên muốn ly khai đảng và khai trừ đảng viên hư hỏng trước khi ra tòa– vành móng ngựa và trại giam không phải là chỗ dành cho đảng viên. Vậy thì đảng viên trong sạch muốn từ Đảng mà mặt không bị lọ lem thì phải vừa chào vừa chạy – bôi lọ gián tiếp chưa chắc dính ?
Nhân đây tôi kể sơ về mình: Tuổi nhỏ, có tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng thôi, không đáng tính. Năm 1954, trụ lại miền Nam. Năm 1959, xin vào Đảng Lao động VN. Tính đến nay được 54 năm tuổi đảng. Nhưng không, không nhiều như thế, bởi tôi đã trả thẻ đảng hồi cuối thập niên 1980, vì lẽ tôi yêu nước chớ không yêu CNXH, vả lại tôi xin vào Đảng Lao động chớ không phải xin vào Đảng CSVN.
Sau khi nước nhà thống nhứt (1976), Đảng Lao động VN đổi tên thành Đảng CS, nhận lớp bước Dân chủ của cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ do họ đề ra, tiến hành cải tạo XHCN mọi mặt, gây nhiều bất an trong xã hội.
Ngay từ đầu năm 1980, tôi là một trong những người bất đồng chính kiến với Đảng trong đường lối cải tạo XHCN. Khi thấy không thể nào cưỡng nổi ý định của Đảng, dầu đang là Phó trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, được lãnh đạo trọng dụng, tôi đã tự ý từ nhiệm, sau đó trả thẻ đảng. Tiếp theo tôi, bốn ông Nguyễn Văn Thiệu (Sáu Trung), nguyên Bí thư huyện ủy huyện Bình Đại, giảng viên trường Đảng khu Trung Nam Bộ, Thành ủy viên TP Mỹ Tho; ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên Phó trưởng Ban Tuyển sinh tỉnh Tiền Giang; ông Huỳnh Chân, nguyên chuyên viên Ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang; ông Ba Thanh, nguyên chuyên viên Công đoàn tỉnh Tiền Giang cũng trả thẻ đảng như tôi, bất chấp sự can ngăn của Tỉnh ủy.
Thời điểm lúc bấy giờ không dễ dàng như hiện nay, những ai trả thẻ đảng bị xem như “những phần tử xét lại chống đảng” – phản đảng, bị ghi vào sổ đen, chịu phân biệt đối xử khắc nghiệt.
Do người ta quan trọng quá vấn đề, xử lý sự việc căng như thế, riêng tôi trước sau vẫn nghĩ đơn giản: Tôi theo Đảng – đúng hơn là cùng Đảng và nhân dân nói chung làm cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ. Khi chiếm được quyền, Đảng bội ước, không đi tiếp về đích Dân chủ mà rẽ sang con đường XHCN với thể chế độc tài toàn trị thì tôi chia tay với Đảng tại đây.
Tôi không phản bội Đảng, nếu có chăng thì ngược lại. Tôi tự thấy mình có lỗi với dân vì bất lực không cùng đưa cuộc cách mạng núi xương sông máu về đến đích Dân chủ như đã hứa. Khi cuộc chiến đã tàn, là một thương binh mất sức 71%, tôi biết làm gì hơn, chỉ tự an ủi : dầu sao mình cũng góp phần xương máu thực hiện được một vế (Dân tộc) của cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ – tức là góp phần loại được ngoại xâm.
Tôi không phản bội Đảng, nếu có chăng thì ngược lại. Tôi tự thấy mình có lỗi với dân vì bất lực không cùng đưa cuộc cách mạng núi xương sông máu về đến đích Dân chủ như đã hứa. Khi cuộc chiến đã tàn, là một thương binh mất sức 71%, tôi biết làm gì hơn, chỉ tự an ủi : dầu sao mình cũng góp phần xương máu thực hiện được một vế (Dân tộc) của cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ – tức là góp phần loại được ngoại xâm.
Theo quan sát của tôi, từ Đảng không còn là cá biệt, đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Tùy nhận thức và tình cảm của từng người, từ Đảng có nhiều cách, độ “đậm đặc” không thể giống nhau:
- Ra đi tuyên bố (“bái tổ”) như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng…
- Trả thẻ Đảng cho tổ chức rồi thầm lặng ra đi như tôi chẳng hạn.
- Xin ra khỏi Đảng như trường hợp Phạm Chí Dũng chẳng hạn.
- Cố tình vi phạm điều lệ – bỏ sinh hoạt, được xem như tự xóa tên.
- Viện lý này cớ nọ xin khỏi sinh hoạt, trở thành hư vị, giữ sổ hưu.
Điều quan trọng mà tôi nhận thấy, gần như hầu hết những người từ Đảng là họ không chấp nhận thể chế độc tài toàn trị của Đảng, họ “nặng nợ” với nước với dân, muốn Đảng thực hiện thể chế Dân chủ Đa nguyên về mọi mặt, nhưng Đảng luôn từ chối, khiến họ phải ly khai (từ Đảng).
Ông Chín Đức, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa nói với tôi:
- Hồi đó tao bảo mầy đừng trả thẻ Đảng mầy không nghe .
Tôi nói lại:
- Nếu chưa trả nay tôi cũng trả như anh Đằng… Anh ở lại làm được gì cho dân cho nước nói xem nào, hay chỉ nán lại để đủ 60 năm tuổi Đảng kiếm thêm chút cháo…? .
Ông Đức không rầy tôi, chỉ cười và rủ uống trà.
Ông Đằng… trả thẻ Đảng, cô Uyên… trả thẻ Đoàn hay ai đó trả thẻ Hội âu cũng là chuyện thường tình – thích thì ở, không thích thì ra đi. Điều quan trọng đối với người ở lại hay ra đi, cần phải xác định trách nhiệm của mình đối với nước với dân .
Người đi, kẻ ở, ai cũng giành phần phải về mình, về phe mình âu cũng là thói thường. Chỉ cần lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm “kính chiếu yêu” thì sẽ phân biệt đâu đúng đâu sai.
20/12/2013
Đ.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi