mercredi 11 décembre 2013

Xem người Việt hải ngoại biểu tình ngày nhân quyền.


Chưa lần nào chứng kiến được người Việt hải ngoại biểu tình, hôm trước tình cờ gặp người quen ở Paris, anh ta nói sắp có biểu tình ở Bruxelle. Đằng nào trên đường về Đức, tiện ghé qua xem.

Những người Việt đến một khu mà họ đã gửi giấy phép xin chính quyền, đó là khu có nhiều tổ chức quốc tế đóng tại đây, khu Par Lemont Emreup là một quần thể kiến trúc được xây dựng tại trung tâm thủ đô Bỉ để làm trụ sở cho các tổ chức lớn như Quốc Hội Châu Âu, trụ sở của khối Na To....

Không hề có bóng dáng cảnh sát hay mật vụ, một lúc thì có một người phía chính quyền đến hỏi người tổ chức và trao cho một tấm giấy, đó là tấm giấy phép biểu tình. Người chính quyền hỏi han thân thiện và chúc mọi người biểu tình thành công rồi đi.



Người Việt hải ngoại khá cầu kỳ, tuy thời gian biểu tình dự định chỉ mấy tiếng đồng hồ. Nhưng họ căng rạp,làm bàn thờ , treo lá cờ vàng VNCH với thái độ rất cẩn thận và trân trọng. Thật lạ kỳ , mấy chục năm đã trôi qua, dường như qua cách mà họ treo cờ, chào cờ khiến ta cảm tưởng như đó là việc thường ngày của họ, không có vẻ gì là một quá khứ đã xa đến mấy chục năm.



Nghi thức dâng hương đầu tiên là tưởng nhớ các tiền nhân dựng nước, sau đó đến tưởng nhớ những người lính VNCH đã ngã rồi đến những thuyền nhân đã chết trên đường vượt biển. Mắt ai cũng rưng lệ, cảm xúc về sự mất mát này chỉ có những người như họ, những người đã trải qua mới có được. Tôi đi sang đây trên phi cơ, mỗi lần bay qua vùng biển nhìn xuống dưới con thuyền to con bé như cái lá tre thấy lạnh người, huống chi những con thuyền vượt biển khi xưa chạy bằng máy nổ nuôi tôm nhỏ như bây giờ lênh đênh trên sóng biển với người nêm như cá mắm. Những con người ở đây hôm nay đều trải qua giây phút cận kề với cái chết, không biết diễn tả tâm trạng của họ thế nào.





Buổi biểu tình này theo như bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo thành viên hội Chuyên Gia Việt Nam ( gồm những sinh viên du học trước năm 75 ) tâm sự là do cộng đồng người Việt tại Bỉ tổ chức, nhân dịp ngày Nhân Quyền quốc tế để nhắc nhở về tình trạng nhân quyền Việt Nam đang còn nhiều yếu kém.



Cuộc biểu tình thu hút được sự quan tâm của đài truyền hình DIW, một nhóm phóng viên đã có mặt gần như suốt buổi để phỏng vấn nhiều người tham gia, quay phim đầy đủ các sự kiện diễn ra.







Trong cuộc biểu tình, có phát lời phát biểu của những người đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam, thật ấm lòng khi nghe thấy những tiếng nói quen thuộc của Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Bắc Truyển.

Và thật bất ngờ khi thấy một cụ già ôm trong tay một cuốn sách, cụ được người nhà bên Hoa Kỳ gửi. 



Cả những hình ảnh của anh em bạn bè đang trong tù ngục, nhất là tấm ảnh chân dung Lê Quốc Quân do mình chụp, hôm đó gặp Quân khoe  vừa sắm cái ống kính mới, Quân bảo thế ông chụp tôi tấm chân dung. Không ngờ tấm hình đó nay xuất hiện khắp thế giới, bất cứ nơi nào có người Việt, nó lại là tấm hình được sử dụng nhiều nhất để đòi hỏi tự do cho Quân.




Cuộc biểu tình ở đoạn cuối thành cuộc trao đổi thông tin về đất nước, cộng đồng người Việt tại Bỉ theo dõi thông tin trong nước hàng giờ. Những tin tức về ngày nhân quyền ở Việt Nam được biết đến từng phút, ai bị bắt, ai bị đánh, bị cướp đồ ra sao....Nhất là các bà, các chị rất phấn khởi khi biết ở Việt Nam đã có hội Phụ Nữ Nhân Quyền. Thấy các bà các chị tính chuyện lập hội những phụ nữ Việt Nam hâm mộ hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Ái cha, các chị em bên nhà có người hâm mộ rồi đó nhé.

Buổi biểu tình kết thúc lúc 16 giờ, bởi một số người trong ban tổ chức đã có hẹn với bộ ngoại giao Bỉ để trình hồ sơ về nhân quyền Việt Nam. Rất tiếc là số người gặp đã đăng ký trước tên tuổi, nên không mò vào xem diễn tiến đến đâu.

Mình xem trọn cuộc biểu tình, không thấy công an, mật vụ, dân phòng và các phần tử phá hoại. Cuộc biểu tình diễn ra suôn sẻ giữa thanh thiên bạch nhật, đúng khu trong tâm thủ đô Bỉ lắm người qua lại mà chả có bóng dáng cảnh sát nào. 

Biểu tình thoải mái thế này, không bị trấn áp, cũng mất hồi hộp như ở nhà.

Theo Blog Người Buôn Gió

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi