jeudi 19 décembre 2013

Thày giáo Đinh Đăng Định: chấp nhận chết để đòi lại quyền lợi công bằng của tù nhân.

FB Lưu Gia Lạc
TIN MỚI VỀ THÀY GIÁO ĐỊNH
Chiều nay bác sĩ bệnh viện đã nhượng bộ (theo lệnh trên) mang đến cho thày giáo Định xem một tờ giấy của bệnh viện trong đó có ghi mức độ ung thư của bệnh nhân là độ 3, một vài thông tin khá sơ xài, phác đồ điều trị là sẽ cho bệnh nhân trị xạ 3 lần, nếu lần này là lần thứ 3 (lần cuối). Thày Định xin với bác sĩ một bản phô tô của tờ giấy đó để gia đình lưu giữ, mặc dù trên tờ giấy đó không hề có đóng dấu gì của bệnh viện 30/4, nhưng rồi không được bác sĩ đồng ý dẫn đến việc thày Định cương quyết không chịu truyền hóa chất ( vẫn không biết tên của hóa chất đó là gì ), tất nhiên với lệnh " trên " được ban ra thì "không truyền thì thôi"... đại loại thế.

Theo thày Định thì dù là một tù nhân nhưng đã là con người, hơn nữa lại mắc bệnh hiểm nghèo nên quyền tối thiểu của bệnh nhân, của con người là được biết bệnh tình mình ra làm sao, tính mạng mình thế nào, và mức độ điều trị ra sao, sự điều trị đó liên quan đến mạng người. Bệnh viện, các bác sĩ và y tá trực tiếp điều trị cần có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm về công việc của mình nhưng hình như người ta không muốn, không ai muốn vướng một tý trách nhiệm nào cả, nên quả bóng trách nhiệm cứ được truyền đi truyền lại cho nhau... và mọi thứ cứ mơ mơ màng màng, giấu giấu diếm diếm một cách thực là khó hiểu.


Tất nhiên nếu mọi thứ công tâm thì chẳng ai sợ gì mà không bạch hóa vấn đề, từ phác đồ điều trị cho đến hồ sơ bệnh án. Đây cũng chính là điểm yếu kém của cấp quản lý tù nhân tại nước ta, tại sao một việc đơn giản như thế lại không thể minh bạch, càng minh bạch bao nhiêu càng thể hiện sự tốt đẹp của chế độ với tù nhân bấy nhiêu, càng đẹp mặt cho chế độ bấy nhiêu khi mà các thế lực "thù địch" thường xuyên "bôi xấu" về cái gọi là quyền con người ở ta nó quá xấu. Nếu không minh bạch vấn đề thì rất dễ bị đặt câu hỏi tại sao ?

Một việc như thế các bác sĩ trực tiếp điều trị không được quyền quyết định, thậm chí trưởng khoa hay cả bác sĩ viện trưởng cũng có vẻ phải chờ lệnh từ đâu đó, từ cấp trên nào đó, rồi hình như cấp trên lại chờ lệnh từ cấp trên nữa... nữa... như tất cả cái quy trình từ trước đến nay ở xứ ta.
Với thày Định mong muốn duy nhất một điều rằng nếu có chết cũng chết cho minh bạch, chết nhanh vì bệnh hay vì yếu tố con người. Ngoài ra thày Định dám chấp nhận chết sớm hơn ngay cả khi không cần được chữa trị để gióng một hồi chuông đòi quyền lợi chính đáng cho tất cả những tù nhân khác tại Việt Nam khi bị mắc bệnh và quyền được chữa trị đúng mức cần thiết, và được minh bạch hóa về tình trạng sức khỏe của tù nhân khi mang bệnh.

Thày giáo Định chấp nhận không điều trị, không chữa trị, vẫn sẵn sàng chấp nhận những ngày còn lại trong chốn lao tù chỉ để đòi lại công bằng, đòi lại quyền lợi tối thiểu của những tù nhân, đó là thông điệp mà thày giáo Định muốn gửi đến mọi nơi, gửi đến cả những cơ quan công quyền.
- Bố rất muốn được sống lâu hơn, thèm được nhìn thấy các con khôn lớn, thèm được thấy mẹ của các con không còn âu lo, tiều tụy như bây giờ vì bố. Bố có lỗi với mẹ, với các con nhiều lắm, hãy tha thứ cho bố vì những điều đó, nhưng bố chấp nhận cái chết đến sớm hơn nếu điều đó mang lại sự thay đổi, nhưng bố cần xã hội loài người biết về điều đó, biết về hiện trạng nhà tù ở Việt Nam. Bố hy vọng mẹ con, và các con hiểu cho bố, bố chưa hề có phút giây nào tuyệt vọng mà muốn ra đi sớm, nhưng bố không thể chấp nhận như những gì con từng biết trong hoàn cảnh hiện nay, bố không hèn nhát để trốn chạy cuộc đời. Bố không thể con ạ.
Thày Định đã nói với con gái như vậy, và cũng là lời muốn nhắn nhủ tới cộng đồng những người Việt yêu công lý và luôn đấu tranh cho quyền được làm người.

Thày Định xin được gửi lời chào thân ái tới tất cả mọi người và luôn tin tưởng một ngày không xa, sự tốt đẹp, công bình sẽ đến với mọi người và với quê hương yêu dấu của chúng ta.

Khi ghi lại sự việc này tôi chỉ muốn được một lần nắm tay người thày giáo đã làm cho con tim tôi thổn thức. Rất mong được như vậy.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi