vendredi 31 août 2012

Chết bất thường ở trụ sở công an


Sau hơn 3 giờ có mặt tại trụ sở công an xã, một người dân ở Hà Nội đã tử vong với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể * Tạm giam 2 công an liên quan

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 31-8, ông Hoàng Ngọc Vui, Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh - Hà Nội, cho biết Cơ quan Điều tra Công an huyện Đông Anh đã triệu tập 4 người thuộc công an xã này để lấy lời khai liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Mậu Thuận chết bất thường.
“Cơ quan điều tra vừa gửi thông báo cho chúng tôi biết về việc bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Tuyên, phó trưởng công an xã và ông Nguyễn Trọng Kiên, công an viên, để điều tra về việc cố ý gây thương tích dẫn đến cái chết của ông Thuận” - ông Vui khẳng định.
Riêng 2 công an viên khác là ông Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức (cùng tham gia buổi lấy lời khai của ông Thuận) vẫn đang bị tạm giữ để lấy lời khai. Ngoài ra, Công an huyện Đông Anh cũng đã triệu tập ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, lên báo cáo về vụ việc. Theo ông Vui, xác định ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy ông Thuận chết vì có tác động của ngoại lực.

Nhiều vết bầm tím trên khắp cơ thể ông Nguyễn Mậu Thuận. ẢNH DO GIA ĐÌNH NẠN NHÂN CUNG CẤP
Cùng ngày, thi thể ông Nguyễn Mậu Thuận đã được gia đình đưa từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh về nhà riêng để tổ chức mai táng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sáng 30-8, UBND xã Kim Nỗ tổ chức lực lượng tiến hành cưỡng chế việc xây dựng tường rào bằng gạch lấn vào đường đi chung trái phép của cụ Nguyễn Mậu Diệp, bố ông Thuận.
Buổi cưỡng chế diễn ra khá suôn sẻ. Đến trưa 30-8, ông Thuận sang gia đình người hàng xóm đứng đơn kiện gia đình mình là bà Đoàn Thị Bút để nói chuyện cho ra lẽ. Ông Thuận cho rằng việc bố mình xây tường rào hoàn toàn trên diện tích đất đã được huyện Đông Anh cấp sổ đỏ.
Sau khi đòi gặp ông Phú - chồng bà Bút - không được, ông Thuận định ra về thì xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại với bà này. Ông Thuận đã dùng tay đẩy ngã bà Bút rồi về nhà ngủ. Vụ việc được gia đình bà Bút báo cáo lên xã. Đến 13 giờ cùng ngày, 3 công an viên xã Kim Nỗ đã áp giải ông Thuận lên trụ sở để lấy lời khai.
Anh Nguyễn Mậu Công, con trai ông Thuận, bức xúc: “Tôi chở bố tôi lên trụ sở UBND xã và định ở đấy xem họ xử lý vụ việc thế nào. Tuy nhiên, mấy ông công an xã bảo tôi cứ về nhà, họ chỉ lấy lời khai xong sẽ cho bố tôi về. Khi vợ chồng tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đức Vọng cho biết ông ấy đang phải xoa dầu gió cho bố tôi.
Đến 16 giờ, tôi nhận được tin báo bố tôi bất tỉnh nhân sự. Bác sĩ trạm y tế xã Kim Nỗ cho biết tim bố tôi đã ngừng đập nhưng tôi vẫn yêu cầu đưa ngay ông lên bệnh viện huyện cấp cứu”. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, các bác sĩ khẳng định ông Thuận đã chết trước đó.
Ông Thuận bị trói, đánh?
Ông Hoàng Ngọc Vui cho biết Công an xã Kim Nỗ được trang bị còng số 8, gậy titan (dùi cui điện), gậy cao su. Những vật dụng này chỉ được phép sử dụng trong trường hợp cần phải trấn áp ngay những đối tượng nguy hiểm hoặc có thể gây ra hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Ông Vui khẳng định tại phòng làm việc của UBND xã không thể cho phép công an sử dụng các dụng cụ này vào việc lấy lời khai.
Cung cấp cho chúng tôi những bức ảnh chụp tay, chân ông Thuận với rất nhiều vết thâm tím, ông Nguyễn Mậu Tình, em ông Thuận, khẳng định anh mình đã bị trói, khóa rồi đánh để lấy lời khai nên mới như thế.
Bài và ảnh: THẾ KHA

Xin lên tiếng kêu cứu cho dân oan Lê Thị Kim Thu

VRNs (31.08.2012) – Sài Gòn – “Dầu muốn hay không, có tội hay không có tội “phá hoại tài sản nhân dân” như đã ra lệnh bắt, thì bản án tù đã nằm trong học tủ các quan tòa rồi. Họ sẽ tròng vào đầu KT những năm dài tù tội cộng thêm những năm quản chế, giống như vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Tệ hơn nữa, những áp bức mà họ dành cho gia đình Kim Thu sẽ dư sức trở thành vụ Bà Đặng Thị Kim Liêng thứ hai.
VRNs xin giới thiệu nguyên văn lời kêu cứu do nickname Danoan2012 gởi trực tiếp đến chúng tôi dưới hình thức lá thư gởi đến luật sư Nguyễn Anh Tuấn.
———-
Kính gởi Luật sư Nguyễn Anh Tuấn,
24-8-2012. Rất cám ơn Luật sư quan tâm. Tôi không thể làm theo yêu cầu vì hiện giờ Kim Thu còn nằm trong tù và trong vòng điều tra, mọi chuyện làm không khéo sẽ ảnh hưởng và làm cho sự việc tệ hơn. Họ sẽ vin vào đó kết thêm tội vu vơ vô căn cứ là “liên hệ thế lực thù địch nước ngoài”, “làm gián điệp”,… như đã làm cho những nhà bất đồng chính kiến khác. Tốt hơn hết, hiện giờ xin thông tin rộng rãi, trường kỳ về KT và những gì đảng cộng sản đã và đang làm đối với các nhà bất đồng chính kiến…. để thế giới biết rõ dã tâm này hòng ngừa cho KT bị những tội vu cáo thêm.
Như Luật sư biết, KT bị bắt về tội “phá hoại tài sản công dân”. Tội này nếu có thì cũng đơn giản như hầu như mọi tội phạm xảy ra hàng ngày, nhưng cung cách hành xử thì không phải vậy. Họ lục soát, tịch thâu tất cả những gì họ muốn và bắt giam biệt tích 60 ngày,… để cuối cùng kết tội làm chính trị với bằng chứng vớ vẩn là có “trên hai trăm trang giấy chống đối nhà nước”.
Thiệt tình, một con kiến nhỏ, trong căn nhà nhỏ, ở thị xã nhỏ,… to gan gì mà dám làm chuyện to lớn, viết mấy trăm trang giấy chống nhà nước. Ai tin chuyện này được? Nhưng, tất cả bộ phận to lớn của chính quyền với các quan to lại “lợi dụng chuyện nhỏ khác” biến nó thành chuyện to chính trị vì họ muốn triệt tiêu con kiến nhỏ hòng xóa bỏ dấu vết to lớn là chuyện khiếu kiện của con kiến nhỏ cũng như của hầu hết các dân oan. Những dấu vết coi nhỏ này bây giờ trở thành to mà họ không thể nào che đậy được. Oan ức, bất công, tù đày, giấy tờ sai phạm tròng tréo, công văn này chửi công văn nọ, lệnh quan to bị quan nhỏ quăng vào thùng rác nho nhỏ,… đã chồng chất nhiều năm và bây giờ biến thành “những bộ phận không thể tách rời ra trong người của dân oan LTKT”, thì… muốn xóa bỏ chỉ có nước “thủ tiêu”.
Vậy thì, dầu muốn hay không, có tội hay không có tội “phá hoại tài sản nhân dân” như đã ra lệnh bắt, thì bản án tù đã nằm trong học tủ các quan tòa rồi. Họ sẽ tròng vào đầu KT những năm dài tù tội cộng thêm những năm quản chế, giống như vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Tệ hơn nữa, những áp bức mà họ dành cho gia đình Kim Thu sẽ dư sức trở thành vụ Bà Đặng Thị Kim Liêng thứ hai. Hiện giờ hai em trai cũng cùng chung số phận, anh trai thứ hai bị mời lên mời xuống làm cho không dám liên lạc với Mẹ già và người thân. Mẹ thì sống một mình, không ai lo, ốm yếu bịnh hoạn và hằng ngày vẫn lên Huyện xin gặp mặt con mà họ cũng tàn nhẫn, lạnh lùng, không cho một lần gặp. Hai đứa em không có ai dính dáng và cũng không “bị ghép tội làm chính trị”, nhưng vì nằm trong “giòng họ lý lịch ba đời” nên phải bị “nhổ cỏ tận gốc”, phải bị bắt cùng chị và nằm trong nhà tù 60 ngày để điều tra cho chắc. Đó là chủ trương của nhà nước theo chủ thuyết “vô thần”, “vô gia đình”, “vô tổ quốc”, nhưng người thân thì thường bị tội thì vạ lây, ngay cả vợ con cũng liên lụy. Hai anh người làm mướn, không biết ất giáp gì, cũng y án như trên làm cho mẹ già người ta cũng “bức và xúc” khóc thầm mỗi đêm.
Ngoài chuyện bỏ tù mọi người, hiện giờ, họ đang làm áp lực/khủng bố gia đình bằng cách dùng hai bên hàng xóm vô tư lấn chiếm đất có bảo kê để sách nhiễu con người, quấy phá cuộc sống và làm cái bẫy để nạn nhân uất ức mà vi phạm pháp luật như vụ Đoàn Văn Vươn. Oan ức hai mươi mấy năm, đập bức tường lấn chiếm của hàng xóm, mà thưa gởi họ không thèm giải quyết, để vin vào cớ đó kết tội làm chính trị thì mục đích rõ ràng của nhà cầm quyền là triệt tiêu con kiến nhỏ để:
-  Nuốt trọn mảnh đất bên bờ hồ Trị An mà gia đình KT đã đổ mồ hôi nước mắt khai phá và đi đòi hơn hai mươi năm.
-  Triệt tiêu biểu tượng dân oan mà KT có được khi hòa nhập và hình thành phong trào dân oan mà bây giờ là tử huyệt của chế độ.
-  Còn xa hơn nữa là những gì KT đã giúp dân oan trong hoàn cảnh tương tự đòi công lý.
-  Những cuộc biểu tình của KT tại thủ đô Hà Nội làm “ê mặt” các lãnh đạo trung ương và làm khổ các quan chức địa phương.
-  Những bức ảnh có giá trị lịch sử tố cáo dã tâm của chế độ dành cho dân oan đầy dẫy trên mạng.
-  Những năm tù tội oan ức mà chế độ cưỡng bức vô căn cứ, vô tội vạ.
-  Những tròng tréo công văn sai phạm, giấy tờ giả mạo do các quan tham thanh tra từ trung ương đến địa phương vì tham nhũng sinh ra.
-  Những quyết định, lệnh lạc của quan lớn đưa xuống đưa lên mà “quan nhỏ địa phương” đưa ra đưa vào thùng rác.
-  Và sau cùng là xóa đi những tội ác của chế độ đối với tệ nạn dân oan mà KT là một nhân chứng.
Vì thế, bằng đủ mọi cách họ cố tình ép, ép và ép “con kiến nhỏ” bất chấp thủ đoạn. Nếu tình trạng này kéo dài thì KT sẽ chết chắc và gia đình sẽ đi đến tình trạng uất ức giống như vụ Bà Đặng Thị Kim Liêng thứ hai.
Thật khủng khiếp cho cách trị dân của một chế độ!!!
Trời hành lúc nắng lúc mưa
Em còn nón lá đong đưa cuộc đời
Đất hành cho những chơi vơi
Em còn chèo chống cho đời qua mau
“Người” hành trời đất phải đau!
Thánh thần còn phải mày chau cúi đầu.
Trời đất “hành”… thì trong cuộc sống con người có lúc thăng trầm, nhưng rồi cũng vượt qua và định mệnh có nghặt nghèo thì cũng lê lết hết kiếp người. Nhưng, “Người” hành thì trời đất phải bó tay. Thế thì kết quả của dân oan LTKT chắc sẽ là “từ bị thương đến chết”. Muốn thoát khỏi bản án đã nằm sẵn trong học tủ của các quan tòa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ có cách la làng để “đánh động lương tâm nhân loại”.
KT đi đòi công lý “đơn thương độc mã”, không đoàn thể, tổ chức, phe nhóm nên rất dễ dàng đi vào lãng quên. Thêm nữa, cũng không có sự giúp đở của bất cứ ai. Đó là nhược điểm của KT nhưng là lợi thế của chế độ. Họ chỉ chờ không ai lên tiếng thì KT sẽ thuộc về dĩ vãng.
Vậy kính mong Luật sư, các cơ quan truyền thông cùng tất cả các quý vị yêu chuộng công lý, thương dân nghèo hãy cùng nhau lên tiếng thường xuyên, bất cứ lúc nào có dịp, đừng để dấy lên như phong trào rồi đi vào quên lãng. Chỉ chờ vậy thôi, nhà cầm quyền sẽ ra tay.
Cứu LTKT không phải là cứu cá nhân KT mà là “cứu biểu tượng đấu tranh không ngừng nghỉ đi đòi công lý cho dân oan”.
KT là một người con gái tầm thường nhưng có cái tâm của Phật, làm việc vì mọi người như trong quá khứ quý vị đã thấy. Mất KT thì cũng không có gì đáng nói trong thế giới này, nhưng sẽ mất đi con đường KT đã và đang đi là đòi công lý, giúp những kẻ khốn cùng. Con đường này khó kiếm lại được trong xã hội VN ngày nay.
Vậy kính mong Luật sư cũng như quý vị, nếu có dịp nên lên tiếng, nhắc nhở, phát tán thường xuyên tin tức của KT để thế giới, loài người có lương tâm, biết được dã tâm của nhà cầm quyền VN. Riêng Luật sư, vì có cơ quan truyền thông, kính xin Luật sư dành một chút nhắc nhở trong mỗi chương trình nhân quyền cũng như xin làm một buổi hội luận về dân oan LTKT.
Hãy thường xuyên cho mọi người biết có bao nhiêu người đã tù tội rồi mất tích âm thầm trong nhà tù cộng sản với cái tội tày đình là “làm chính trị”? Bao nhiêu người khi được biết đến thì cũng là lúc khiêng ra nghĩa địa như Tù Nhân Lương Tâm Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, rồi mai mốt sẽ đến Đại Úy Nguyễn Hữu Cầu? Bao nhiêu người được biết đến khi bị bắt vì cái tội “vô duyên” như Luật sư Cù Huy Hà Vũ và giờ là Dân Oan Xuyên Thế Kỷ Lê Thị Kim Thu? Và nếu mọi người không lên tiếng thường xuyên thì Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sàigòn, Việt Khang… sẽ đâu đó cũng ở VN, cũng là công dân VN nhưng là chuyện cổ tích.
Rất mong dã tâm trên của nhà cầm quyền phải chấm dứt và KT là kẻ khắc tinh để làm bớt khổ nạn cho những người dân Việt Nam hiền hòa.
Xin cám ơn Luật sư và tất cả quý vị.
Kính
Danoan2012
gởi trực tiếp cho VRNs

Hành trình kêu oan của gia đình và thân nhân 17 Thanh niên Công Giáo & Tin Lành

PV VRNs VinhSau 04 ngày đi Hà nội kêu oan cho con, em của mình. Trên đường đi đoàn đã tới tĩnh tâm ở Đan Viện Châu Sơn, đoàn đã tới thăm Giáo xứ Thái Hà ( Hà Nội), đã tới kêu oan và trình đơn ở văn Phóng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhưng bị nhân viên của văn phòng chính phủ “câu giờ” lừa dân và từ chối. Thất vọng, bức xúc và ra về nhưng gia đình và thân nhân của 17 Thanh niên Công Giáo & Tin Lành (TN CG & TL) vẫn vững tin vào sự thật và mong sao sẽ có những người thiện tâm trong bộ chính trị hôm nay hoặc một chính đảng sớm xuất hiện để cứu Nhân dân.
Vào lúc 02h 45 ngày 28/08/2012, các gia dình và thân nhân của 17 TNCG & TL về tới Thành phố Vinh.


Trưa ngày 28/08, đoàn tới thăm trung tâm bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II. Đoàn ăn cơm trưa và nghỉ trưa ở đó. 
15h đoàn tham gia lần chuỗi thương xót với các thiện nguyện viên của trung tâm.
16h ngày 28/8, đoàn đi thăm Đức Giám Mục Phao lô Nguyên Thái Hợp.


Đức Giám Mục Phao lô Nguyên Thái Hợp – Giám Mục Giáo Phận Vinh đã ân cần đón tiếp, thăm hỏi từng gia đình một. Đức Cha đã nhận thư ngỏ xin cầu nguyện của các gia đình và thân nhân. Ngài cũng đã chuyển giao cho đoàn 50 triệu VND, tiền của một ân nhân gửi qua đường bưu điện, nhờ Tòa Giám Mục chuyển, giúp đỡ 17 gia đình.
Sau đó đoàn lên linh địa Trại Gáo tham dự thánh lễ do Cha Anton Nguyễn Đình Thăng dâng lễ cầu nguyện cách riêng cho 17 TNCG&TL và những tù nhân lương tâm của Việt nam đang bị bách hại.
Sau Thánh lễ, Cha Thăng cùng với thân nhân của 17 TNCG&TL và đông đảo khách hành hương đã chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện.
Trước khi đoàn rời linh địa Trại gáo, Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng đã dành thời gian hơn 20 phút để hỏi han về lộ trình công việc vừa qua của các gia đình. Ngài cũng động viên mọi người hãy vui lên và vững tin vì 17 TNCG&TL “bây giờ không còn là trách nhiệm riêng của 17 gia đình nữa mà đã trở thành những người con của cộng đồng dân Chúa khắp nơi, là những Thanh niên ưu tú của đất nước đặc biệt trong giai đoạn lịch sử này, chính quyền không thể làm ngơ trước những oan sai này mãi được”.
20h đoàn cảm ơn sự nhiệt tâm của Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng và mọi người chia tay nhau tại linh địa Trại Gáo. 
Biết bao vất vã mà đoàn đã trải qua trong 04 ngày từ 24 tới 28/12/2012. Được chứng kiến nhiều cách ứng xử, nhiều hành động ngang trái mà chính quyền không chỉ đã dùng để đối xử với con em của họ, với những người biểu tình vì chủ quyền Biên giới và Hải đảo mà những hành động đó còn áp dụng lên cả chính họ - những gia đình và thân nhân của những người yêu nước. Họ bị bắt tống lên xe, lừa gạt để câu lưu thời gian, không nhận đơn, luôn thuê người rình rập, bám theo để cản trở lộ trình khiếu nại của họ…



Tuy nhiên thay vào đó họ cũng nhận được nhiều tình cảm, nhiều sự động viên bao bọc của cộng đồng những người yêu nước tại Hà Nội. Bằng nhiều cách khác nhau, tuy không công khai yểm trợ nhưng có cả ngàn người biểu tình và cộng đoàn Vinh tại hà nội luôn theo dõi lộ trình và sẵn sàng xuống đường bất cứ giờ nào khi cần thiết để iểm trợ cho họ. Bên cạnh đó họ còn được đón nhận những tấm lòng từ ái của những người Cha đáng kính như Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Cộng đoàn Châu Sơn, Đức Giám Mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Cha Lưu Ngọc Quỳnh, Linh mục nhạc sĩ Xuân Đường, các Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, cộng đoàn Giáo xứ Thái Hà và đông đảo những con người thiện chí khác…
Hành trình đòi lại tự do cho 17 TNCG&TL đang mở ra một lộ trình đối thoại mới cho chính phủ với hàng chục triệu dân oan Việt Nam.
Tất yếu rằng sẽ tới lúc chính phủ phải đi tìm những oan sai đúng lương tâm của Nhân dân để tháo gỡ cho họ. Vạn bất đắc dĩ hoặc cơ chế quá bế tắc mới để cho Nhân dân phải khăn gói cơ cực như vậy tới kêu oan thì còn gì là Chánh quyền của Nhân dân nữa. Và như lời của vị Linh mục coi sóc Linh địa Trại Gáo – Giáo Phận Vinh đã nói: “bây giờ không chỉ là trách nhiệm riêng của 17 gia đình nữa mà những TNCG&TL này đã trở thành những người con của cộng đồng dân Chúa khắp nơi, là những Thanh niên ưu tú của đất nước đặc biệt trong giai đoạn lịch sử này, chính quyền không thể làm ngơ trước những oan sai này mãi được.”
PV VRNs Vinh. 

Một chế độ rẻ rúng mạng người

Bùi Tín (VOA Blog) - Hôm nay 30/8, là đúng một tháng sau cái chết bi thảm của Cụ Đặng Kim Liêng. Sáng sớm ngày 30/7/2012, trước trụ sở tỉnh ủy CS tỉnh Bạc Liêu, một bà cụ già tự đổ can dầu vào người rồi châm lửa tự thiêu, áo quần và da bị cháy đen từng mảng, cụ bất tỉnh. Khi xe cấp cứu đưa cụ đến bệnh viện tỉnh gần đó, rồi chuyển cụ lên bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn thì cụ tắt thở ở giữa đường.
Cụ Đặng thị Kim Liêng, 64 tuổi, công dân tỉnh Bạc Liêu, là thân mẫu cô Tạ Phong Tần, một chiến sỹ dân chủ can trường, nổi tiếng với blog Công lý và Sự thật, từng cùng Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải và Blogger Phan Thanh Hải - anh Ba Sài Gòn lập nên Câu lạc bộ các Nhà báo Tự do, cả 3 đều đang ở trong nhà tù, chờ ra tòa vào ngày 7/8/2012 tại Quận I – Sài Gòn. Sau cuộc tự thiêu nói trên, chính quyền hoãn phiên tòa, không đưa ra lý do.
Ngay sau khi Cụ Đặng Thị Kim Liên tắt thở, cô Tạ Khởi Phụng, em gái cô Tạ Phong Tần và em trai Tạ Hòa Phú cùng toàn gia đình đứng ra chăm lo việc tang lễ và an táng cho Mẹ.
Bà Ðặng Thị Kim Liêng (thứ nhì từ bên trái) đã qua đời sau khi tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu (ảnh: Truyền Thông Chúa Cứu Thế - VRNs)
Cô Phụng cho các nhà báo và bà con biết rõ lý do tự thiêu của bà Mẹ. Một là đã mấy năm nay, láng giềng của gia đình đã cậy thế thân quen chính quyền lấn chiếm một giải đất của gia đình vốn đã rất chật hẹp, cản trở sinh hoạt gia đình. Cụ đã mang đơn rất nhiều lần đến tận trụ sở chính quyền quận và tỉnh, nhưng không hề có hồi âm. Nỗi buồn lớn hơn là cô Tạ Phong Tần bị bắt giam gần 1 năm, từ tháng 9 năm 2011 mà cụ không được đến thăm. Họ còn dọa dẫm là cô sắp ra tòa và có thể lãnh án hàng chục năm tù vì tội «âm mưu lật đổ chế độ».
Cụ từng nói với con gái út và bà con trong họ hàng gần là cụ chỉ muốn tự thiêu để dùng mạng sống của mình nói lên nỗi oan ức và tận cùng phẫn uất của mình, may ra sẽ có thể mang lại công lý cho vụ án phi lý này, cứu cô con gái yêu và các bạn cô ra khỏi vòng lao lý, thức tỉnh kẻ cầm quyền tàn bạo, báo động cho xã hội về cuộc sống tận cùng oan ức và bế tắc của người dân.
Là một người đàn bà chất phác, ngay thật, ngoan đạo, cụ nói là làm. Cụ đã âm thầm mang can dầu đến trước trụ sở cường quyền và quyên sinh vì «Công lý và Sự thật», như con gái cụ coi là phương châm sống của mình.
Chính quyền trung ương và địa phương đã có thái độ ra sao trước cái chết bi thảm của Cụ Đặng Thị Kim Liêng?
Để so sánh ta hãy xem trước hết bà con ta ở trong nước và công luận quốc tế đã có thái độ ra sao trước sự kiện cương nghị mà bi thảm này của một bà mẹ Việt Nam đáng kính.
Một loạt blog tự do trong nước như Dân làm báo, Anh Ba Sàm, Trí Nhân Média, Dân Luận…lập tức loan tin này từ tối 30/7, trang trọng lập bàn thờ Cụ với Di ảnh màu phóng to đóng khung, có bát hương, hoa quả viếng người đã khuất.
Các chiến sỹ dân chủ từ Hà Nội, Sà iGòn, Đà Nẵng vào ngay Bạc Liêu để viếng và dự lễ an táng Cụ. Đúng ngày 7/8 – ngày toà án từng dự định mở phiên xét xử rồi lại hoãn - anh chị em vẫn tập họp ngay trước Tòa án Quận I Sài Gòn, mặc toàn đồ đen tỏ thái độ đòi tự do ngay cho 3 blogger của Câu Lạc Bộ các Nhà báo Tự do và chia buồn cùng cô Tạ Phong Tần, còn đòi chính quyền cho phép cô về dự lễ an táng mẹ.
Các đài truyền thanh quốc tế tiếng Việt như VOA, BBC, RFI, RFA đều bình luận về cuộc tự thiêu của Cụ Kim Liêng, coi Cụ là nạn nhân bi thảm của bất công xã hội dưới chế độ phi dân chủ coi thường tính mạng và quyền sống của người dân. Các tổ chức nhân quyền quốc tế Amnesty International, Human Rights Watch, Tổ chức Phóng viên không Biên giới từ Paris và Uỷ viên phụ trách Nhân quyền quốc tế của Liên Hợp Quốc từ Thụy Sỹ cũng ra tuyên bố chia buồn sâu sắc với gia đình Cụ Kim Liêng và đòi chính quyền Hànội trả tự do ngay cho 3 bloggers nói trên, đặc biệt là đòi họ phải cho cô Tạ Phong Tần về nhà dự lễ tang mẹ.
Đáng chú ý là Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC cùng nữ nghị sỹ Loretta Sanchez từ Quốc Hội Hoa Kỳ đều ra tuyên bố về sự kiện bi thảm này, tỏ rõ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của cụ Kim Liêng và yêu cầu công lý và sự thật phải được làm sáng tỏ, các tuyên bố đều nhấn mạnh các blogger chỉ phát biểu chính kiến và thái độ chính trị của mình phải được tự do ngay. Huống gì tất cả đều là người yêu nước chống mọi hành động bành trướng xâm phạm lãnh thổ nước mình. Họ không hề phạm tội.
Thái độ của chính quyền từ trung ương đến cơ sở ra sao? Họ ngăn cản việc đưa thi hài Cụ Kim Liêng về nhà. Họ bao vây gia đình Cụ suốt mấy ngày đêm, ngăn cản bà con đến viếng thăm, phiền nhiễu mọi người đến phải khai báo lý lịch, ngăn nhiều bà con từ xa vào gặp gia đình. Chính quyền phường quận không một ai đến viếng, chia buồn, mặc dù Cô Tạ Phong Tần vốn là một sỹ quan công an, một cán bộ của địa phương và Cụ Kim Liêng từng đóng góp công sức cho nhiều công tác xã hội. Họ coi đây như là một gia đình thù địch của chính quyền.
Ở trung ương, thái độ của lãnh đạo, của bộ Công an, ban tuyên huấn, báo chí, đài phát thanh còn tệ hơn nữa. Trước cái chết bi thảm của một bà mẹ 64 tuổi, bị dồn nén đến bước đường cùng do bất công của nhà đương quyền, người phát ngôn của bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị lạnh lùng, ráo hoảnh nói chỉ một câu là: «cái chết của bà Liêng đang được điều tra». Chấm hết.
Không một xúc động. Không một lời chia buồn. Thậm chí không một lời tỏ ra tiếc rằng một sự kiện bi thảm đã xảy ra, một mạng người đã mất, không có cách gì cứu vãn nổi. Họ cũng không hé nửa lời về lý do vì sao hoãn phiên tòa và hoãn đến bao giờ. Câm như hến.
Tin từ trại giam cho biết, 4 ngày sau đó, cô Tạ Phong Tần mới biết tin mẹ mình đã qua đời. Cô gào khóc thảm thiết, vang động ra cả vùng xung quanh, yêu cầu được về nhà nhìn thấy mẹ một lần cuối. Nhưng cả hệ thống cầm quyền độc ác mất hết nhân tính, vẫn làm ngơ, giả điếc.
Còn bộ Công an, Cục quản lý trại giam, còn ngành Toà án, còn viện Kiểm sát các cấp, còn hội Liên hiệp phụ nữ…tất cả đều im re, câm như hến, coi như không có gì xảy ra. Và bà phó chủ tịch nước từng huênh hoang sẽ chú ý đến thân phận của người phụ nữ Việt Nam để không ai bị phân biệt đối xử. Cô Tạ Phong Tần là phụ nữ bị đối xử bất công đó, bà cụ Đặng Thị Kim Liêng bị đối xử cực kỳ bất công đó, ý kiến bà phó chủ tịch nước nhận định ra sao? sẽ làm gì để bênh vực họ? hay chỉ nói mép, và quay mặt đi nơi khác?
Tất cả bộ xậu chính quyền đều vô cảm, bất nhân không cho cô Tạ Phong Tần về dự tang mẹ. Người ta có quyền hỏi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay ông thủ tướng Dũng, hay ông Sang chủ tịch nước? Chỉ cần một tiếng nói của một trong những người này là đủ cho cô Tạ Phong Tần về nhìn thấy mặt bà Mẹ kính yêu một lần cuối. Người với người ít ra, bình thường ra là phải thế.
Cả một chế độ chính trị độc đảng tàn bạo với dân, thâm thù các nhà báo, đàn áp các blogger tự do dám nói lên sự thật, coi mạng sống của người dân như cỏ rác, một chế độ vô cảm, bất nhân đến như vậy - trước toàn dân và trước toàn thế giới - đã tự mình đánh rơi hoàn toàn tính chính đáng cầm quyền của mình vậy.
Bùi Tín

Công an Sài Gòn vẫn còn sách nhiễu các con bà Đặng Thị Kim Liêng

VRNs (30.08.2012) – Sài Gòn – Anh Tuấn (hiện ở tại quận 12, Sài Gòn) con trai bà Đặng Thị Kim Liêng cho biết cách đây mấy hôm, tay công an bám theo gia đình anh từ khi chị Tạ Phong Tần bị bắt, tên là Trịnh Tiến Tùng (số điện thoại: 0913718968) gọi điện bảo anh Tuấn ra quán café có việc cần bàn! Anh Tuấn không muốn tiếp xúc với viên công an này, người mà anh gọi là “Tùng sói” (vì bị sói đầu). Nhưng hắn ta kèo nhèo quá nên anh đành ra xem hắn muốn gì.
Khi gặp anh Tuấn, tên Tùng gặng hỏi xem dịp 49 ngày sắp tới của mẹ anh Tuấn, gia đình có tổ chức gì không, tổ chức như thế nào và sẽ mời những ai,… Công an Tùng còn yêu cầu anh Tuấn về nhà xem những bài thơ, thư từ của bà Liêng còn không. Nếu còn thì mang đến giao cho anh ta. Công an còn hỏi có tiếp xúc với Dòng Chúa Cứu Thế hay không? Mỗi lần người nhà lên Sài Gòn thăm nuôi chị Tần có ghé đến nhà thờ DCCT hay không,…
Biết anh Tuấn đang có đất ở quận 12 nhưng vùng đó không được phép xây nhà, công an Tùng dụ dỗ nếu anh Tuấn nghe lời anh ta, anh ta hứa sẽ làm cho anh xây được nhà! Chị vợ của anh Tuấn nghe điều này tưởng thật nên thúc anh Tuấn nên nghe lời ông Tùng! Thế là hai vợ chồng anh Tuấn gây gổ lớn tiếng với nhau.
Chưa hết, sau khi điều tra ở địa phương tên Tùng biết được quá khứ của anh Tuấn nên dùng cái này để uy hiếp anh. Nếu không họ sẽ công bố cho nhiều người biết…
Gây chia rẽ gia đình, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc là nghề chuyên môn của công an cộng sản Việt Nam. Nhờ biết đánh vào lòng tham của người khác mà công an dụ dỗ được một số người nghe lời họ, nhưng sau đó thì mới biết mình bị công an lừa.
Anh Tuấn nhất định không bao giờ nghe lời công an xúi giục để làm hại chị gái của mình đang bị giam giữ trong tù.
Được biết sau khi tấn công trực tiếp anh chị em ruột của blogger Tạ Phong Tần không được, công an quay qua tiếp cận mẹ vợ của anh Tạ Hòa Phú ở Bạc Liêu để nhờ bà la mắng anh Phú vì chuyện của gia đình chị Tạ Phong Tần!
Đó là những đòn hiểm của công an PA 35 hiện nay.
PV. VRNs

Tự do báo chí

Huỳnh Ngọc Chênh - Trước đòi hỏi của người dân, trước áp lực của sự hòa nhập vào cộng đồng thế giới văn minh, nhà cầm quyền Việt Nam không thể ngăn cấm triệt để quyền tự do ngôn luận của người dân. Không kể đến những trang web từ bên ngoài, từ vài năm trở lại đây, hàng loạt trang web và blog cá nhân với những quan điểm chính trị khác biệt và khác với quan điểm được định hướng của nhà cầm quyền đã ra đời và tồn tại.
Ban đầu nhà cầm quyền cũng có những nỗ lực ngăn cấm, dẹp bỏ những trang web nầy bằng rất nhiều cách(dĩ nhiên là rất vi hiến) như tạo cớ bắt bớ các blogger, dùng tường lửa để ngăn chận hoặc dùng biện pháp rất bẩn là sử dụng hacker để đánh sập. Một vị tướng công an lại không hiểu luật pháp đã ngây ngô khoe thành tích rằng đã dùng hacker đánh sập 300 trang mạng.
Những nỗ lực ấy không những không mang lại kết quả như mong muốn mà gây ra những tác dụng ngược lại. Trang mạng nầy bị đánh, hàng loạt trang mạng khác ra đời và càng đón nhận sự ủng hộ nhiều hơn của người đọc. Trước đây 5 năm hiếm có trang nào có lượt người vào trên 10 ngàn một ngày nhưng hiện nay số trang có lượt người vào trên dưới 100 ngàn khá phổ biến.
Từ dạo bắt blogger Tạ Phong Tần vào năm ngoái đến nay hầu như chưa có blogger nào bị bắt tiếp. Và vụ án câu lạc bộ báo chí tự do gồm các blogger Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn và Tạ Phong Tần đang gây ra lúng túng cho nhà cầm quyền nên dù đã giam giữ trái phép họ quá lâu nhưng vẫn cứ dời đi dời lại nhiều lần ngày đưa ra xét xử.
Những trang mạng tư nhân càng lúc càng phát triển đông đúc và hình thành nên một loại báo gọi là báo lề dân để phân biệt với hàng trăm cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền gọi là báo lề đảng.
Báo lề dân với cái nhìn đa diện đã mang đến cho người dân những thông tin đa chiều và nhờ vậy, sự thật được tiếp cận.
Không có báo lề dân, hàng loạt vụ án chính trị bị bưng bít hoặc bị đưa tin sai lệch, hàng loạt vụ bắt bớ mờ ám không được công khai đưa ra dư luận, bao nhiêu nỗi oan khiên bị nhấn chìm vĩnh viễn vào bóng tối...Báo lề dân đã mang lại danh dự cho bao nhiêu số phận từng bị báo lề đảng vu khống bôi nhọ theo chỉ đạo.
Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được câu nói của giám mục Ngô Quang Kiệt bị cắt xén, xuyên tạc ra sao bởi hệ thống báo lề đảng và danh dự bị xúc phạm của vị giám mục ấy làm sao được rửa sạch.
Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được mặt trái của vụ bắt bớ và xét xử vi hiến TS Cù Huy Hà Vũ.
Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được đài truyền hình Hà Nội đã nhiều lần xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ những người biểu tình yêu nước chống Trung cộng xâm lược.
Không có báo lề dân làm sao người dân biết được những âm mưu nham hiểm của Trung cộng trong chiến lược từng bước xâm chiếm VN bằng bạo lực quân sự lẫn diễn biến hòa bình thông qua quan hệ bất bình thường giữa cái gọi là hai đảng anh em.
Không có báo lề dân thì âm mưu thâu tóm ngân hàng và lũng đoạn tài chánh của các nhóm đặc quyền làm sao được phơi bày ra trước công luận.
Báo lề dân cũng góp phần vào việc vạch trần tội ác và sai trái của bọn cường hào ác bá mới đang ra sức thâu tóm đất đai, đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng.
Sự xuất hiện của báo lề dân đã làm cho hệ thống báo lề đảng kiêng dè, bớt đưa tin sai trái, bớt dựng chuyện vu khống bôi nhọ những người ngay, những người đấu tranh cho tự do nhân quyền. Âm mưu bôi nhọ TS Cù Huy Hà Vũ, chị Bùi Hằng và nhiều người yêu nước khác của một báo đài lề đảng bị vô hiệu hóa.
Người dân ngày nay đã bớt sợ hãi. Họ biết rằng quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận là quyền hợp pháp được ghi vào hiến pháp. Họ mạnh dạn nêu ý kiến, mạnh dạn khiếu kiện, mạnh dạn vào các trang web để tìm những thông tin mà hệ thống báo đảng bị định hướng không đưa đến được cho họ. Bị chặn tường lửa, họ mạnh dạn tìm cách vượt tường, mạnh dạn truyền cho nhau kinh nghiệm vượt tường, mạnh dạn truyền nhau những đường link đến các blog hay, mạnh dạn ghi ý kiến của mình vào các blog hoặc vào các trang mạng xã hội...
Nhân dân VN chưa được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hoàn toàn như Miến Điện mới đây, nhưng nhờ vào sự tiên tiến của công nghệ thông tin, nhờ vào những đấu tranh không mệt mỏi và kiên cường của nhiều nhà hoạt động dân chủ, của các blogger tiên phong... một phần nào các quyền tự do ấy cũng được giành lại trong thời gian qua. 
Sự sợ hãi bị đẩy lùi dần không những đối với người dân mà còn đối với nhà cầm quyền.
Qua thực tiễn vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền thấy rằng tự do báo chí, dĩ nhiên là mới một nửa, cũng không có gì ghê gướm lắm, không bùng phát lên để đưa đến sụp đổ chính quyền. Những trang mạng quá khích, vô trách nhiệm, không có nguồn gốc rõ ràng, đưa tin sai sự thật...tự nó bị mất uy tín, bị người đọc xa lánh hoặc bị đón nhận sự chỉ trích của các trang mạng khác.
Tuy nhiên vì chưa hoàn toàn được tự do báo chí nên một số trang cá nhân tự phát cũng xuất hiện không ít sự lệch lạc, quá trớn và vô trách nhiệm. Những trang đó thường ẩn danh và đăng những thông tin như một dạng tin đồn, hoàn toàn thiếu kiểm chứng. Tuy vậy những tin đồn loại đó như là các tin đồn về những chuyện mờ ám cấp cao, về bí mật cung đình, về đấu đá nội bộ cấp cao, về sự lũng đoạn của các nhóm đặc quyền...thường thu hút sự tò mò của công chúng. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội bất minh, sự thật bị che dấu, sự dối trá lên ngôi và quyền được thông tin của người dân không được tôn trọng.
Chưa có một nền báo chí tự do đúng nghĩa, chưa có một xã hội dân sự minh bạch thì chính sách ngu dân để trị vẫn còn tiếp diễn. Đó là tội ác lớn với nhân dân.
Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Nguyễn Phú Trọng muốn biến các đồng chí của mình thành những cái máy?

Lê Anh Hùng - Ngày 20/8/2012 vừa qua, tại Hội nghị Toàn quốc về Đổi mới Công tác Cán bộ diễn ra ở Tp HCM, TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo:
…Phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Nhưng mà chỉ xin nhấn với các đồng chí là đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Trước hết dùng cán bộ phải dùng cán bộ nào? Có theo đường lối chính trị, có theo quan điểm đường lối hay không, hay là cứ nói trái, làm trái? Anh đã thông qua cương lĩnh, thông qua đường lối này rồi mà anh cứ nói khác, làm khác thế mà dùng anh vào đây thì nguy hiểm vô cùng, nhất là ở cấp cao. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo. Nếu lựa chọn sai, bố trí sai thì thưa các đồng chí, “sai một ly đi một dặm đấy”![i]
Kể từ đầu nhiệm kỳ BCHTW Đảng khoá XI (2011 - 2016) đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đưa Cương lĩnh của Đảng, “lá bùa hộ mạng” cho sự nghiệp chính trị của mình, ra hù doạ thiên hạ theo kiểu như thế. Với học hàm học vị GS-TS như một trí thức chính hiệu, hẳn nhiên ông thừa hiểu rằng nhận thức là cả một quá trình, những gì hôm qua còn được coi là chân lý thì hôm nay lại có thể không còn đúng nữa; ngược lại, những gì mà hôm nay còn bị coi là sai trái, lố bịch thì ngày mai lại có thể trở thành chân lý, được tung hô. Triết gia chính trị và nhà kinh tế học người Anh John Stuart Mill (1806-1873), nhà tư tưởng hàng đầu về tự do ở thế kỷ 19, đã viết trong tác phẩm bất hủ Bàn về tự do (On Liberty): “Tư tưởng thời đại giờ đây không còn là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ so với ý kiến cá nhân nữa – mỗi thời đại đều có nhiều quan điểm mà những thời đại sau lại nhìn nhận không chỉ là sai lầm mà còn ngớ ngẩn; chắc chắn là nhiều quan điểm hiện đang phổ biến sẽ bị những thời đại sau bác bỏ, tương tự như nhiều quan điểm từng phổ biến thì nay đang bị bác bỏ.”[ii]
Giữa lúc Việt Nam đang đứng trước bao thử thách cam go cả bên trong lẫn bên ngoài, cả chính trị - kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc phòng, đất nước thực sự cần những con người dám nghĩ, dám làm chứ không phải những cái máy chỉ biết nhất nhất làm theo “cương lĩnh” hay “đường lối”. Thử hỏi, kể từ khi ra đời năm 1930 cho đến nay, Đảng CSVN đã bao lần phạm phải sai lầm do nhận thức ấu trĩ, duy ý chí và lệch lạc của nó, để rồi bắt cả dân tộc phải trả giá đắt (như cuộc “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc từ năm 1953-1956 hay cuộc “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975)? Nếu mọi “cương lĩnh”, “đường lối” của Đảng đều sáng suốt và đúng đắn thì tại sao Đảng lại phải tiến hành “đổi mới” từ Đại hội VI năm 1986 trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng khoảng kinh tế - xã hội trầm trọng; và nếu không có những người “cứ nói trái, làm trái” ở cả miễn Bắc lẫn miền Nam trong những năm đầu thập niên 1980 như lời hù doạ trên đây của ngài TBT thì liệu có cái gọi là “đổi mới” ấy hay không? Trước kia, Đảng từng hô hào “Trí-phú-địa-hào/Đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi giới tư sản như “kẻ thù không đội trời chung”, nay lại sẵn sàng đưa các ông chủ vào đứng trong hàng ngũ của mình. Đấy chẳng phải là sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức hay sao?
Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Liệu ai dám khẳng định “Cương lĩnh 2011” của Đảng là tuyệt đối đúng đắn, và nó sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hay thậm chí bị nhân dân vứt vào sọt rác, nhất là khi mà ngay cả bản thân ngài TBT, người một thời từng đứng đầu cái gọi là “Hội đồng Lý luận Trung ương”, vẫn còn chưa mường tượng ra nổi hình hài của “chủ nghĩa cộng sản”, hay thậm chí “chủ nghĩa xã hội”, ở Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào? Những ai dám “nói khác, làm khác” với “cương lĩnh” và “đường lối” của Đảng thì bị ngài TBT coi là “nguy hiểm vô cùng”, vậy họ gây “nguy hiểm” cho ai, cho Đảng CSVN, cho đất nước này, hay cho cái ghế của ông? Liệu họ có “nguy hiểm” như những người từng mạnh dạn “xé rào” vào đầu thập niên 1980 hay không? Hay họ “nguy hiểm” như vô số đảng viên vẫn âm thầm làm kinh tế tư nhân suốt một thời gian dài cho đến khi Đảng chính thức “cho phép” đảng viên được làm kinh tế tư nhân tại Đại hội X của Đảng năm 2006?
Nhân đây, thiết tưởng cũng cần nhắc lại một câu chuyện đầy ý vị. Ấy là vào năm 1945, khi quân Tưởng đã kéo vào dày đặc ở miền Bắc và quân Pháp bắt đầu đánh phá ở miền Nam, ông Tố Hữu có dịp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nêu câu hỏi:
- Thưa Cụ, một bên thì Tây, một bên thì Tàu, bên nào đáng lo hơn?
- Tây cũng không đáng sợ, Tàu cũng không đáng sợ… Đáng sợ nhất là các chú!”[iii]
Và như lịch sử hiện đại của Việt Nam đã cho chúng ta thấy, một khi những người chịu trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và nhân dân mà lại đặt quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm, hay của một đảng phái, lên trên lợi ích dân tộc thì quả thật là “NGUY HIỂM VÔ CÙNG” cho đất nước./.
Lê Anh Hùng 

Hà Nội, 31/8/2012 
Ghi chú:
[i] Từ 4p15 đến 5p05 của bản tin thời sự VTV 19h ngày 20/8/2012.
[ii] Friedrich Hayek: Cuộc đời và tư tưởng, NXB Tri Thức, 6/2007, trang 14. Độc giả có thể tải tác phẩm này về từ đây.
[iii] Hoài Thanh Toàn Tập, tập 4, trang 857.

Trung Quốc tráo người, Việt Nam có “biện pháp nghiệp vụ”

Cầu Nhật Tân - Vừa qua, Trung Quốc rộ tin vợ chồng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đạo diễn vụ tráo vợ Bạc Hy Lai để che giấu nhiều tình tiết khi ra tòa. Việt Nam cũng rộ tin nào là Soái này, Soái kia thuê người đóng thế v.v. Các tình tiết liên quan đến các Soái, các Bố, các Mẹ cứ mơ hồ lúc u lúc minh với nhiều đồn đoán xen lẫn sự thật. Các bàn tay vô hình thoải mái che khuất ánh sáng, thao túng mọi việc trong bóng đêm, thật giả, giả thật không biết đằng nào mà lần. Nhân đây, hãy xem “biện pháp nghiệp vụ” trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến một Thiếu tướng Công an cùng nhiều Soái với những tình tiết bị tráo lộn, ở đó, chỗ nào cũng có dấu vết của bàn tay vô hình thao túng. Câu chuyện khẳng định sự thật gần như chân lý ở xã hội Việt Nam “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”.
Đường dây buôn người ra nước ngoài kiêm rửa tiền
Từ lâu, cảnh sát Pháp, Anh đã thông báo cho Công an VN về đường dây chuyên buôn người đi Đông Âu rồi sang Pháp, Anh bằng visa giả. Từ Đông Âu, đường dây này đưa tiếp người sang Anh Quốc trồng ma túy đồng thời cơ sở tại Việt Nam làm đầu nậu rửa tiền trong nước. Giá trót lọt 20.000 – 30.000 USD/người. Đặc biệt, có nhiều thông tin cho thấy đường dây buôn người được tổ chức với sự bọc lót của Công an, Phòng Thương mại Công nghiệp VN. Đứng đầu đường dây là một nữ doanh nhân nổi tiếng Vũ Thị Tuyết Giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn NTT có trụ sở tại 11 phố Lý Thường Kiệt. Từ năm 1995 đến 2005, đường dây này đã đưa (thực ra là buôn) hàng nghìn người ra nước ngoài, kiếm vài chục triệu USD. Với sự giúp sức của một số ngân hàng ở Hà Nội và TPHCM, đường dây này đã rửa tiền trị giá vài trăm triệu - cả tỉ USD cho các Soái ở Nga, ở Anh. Con số rửa tiền chính xác thì không thể nắm được bởi các thế lực “bọc lót” quá lớn. Hiện, hồ sơ rửa tiền liên quan nhiều Soái vẫn đang nằm trong tay Công an Hà Nội. Báo chí vài năm trước đã khui ra các vụ rửa tiền nhưng ảnh hưởng của các Soái quá lớn nên Cơ quan Công an đành gác lại (chính 1 Thứ trưởng Bộ CA phụ trách An ninh lúc đó đã can thiệp). Ngoài ra, đường dây này cũng đã cung cấp hàng chục quyết định khởi tố bị can (quyết định có đóng dấu thật của cơ quan An ninh, nhưng không có vụ án nào hết) với các tội danh về an ninh, chính trị để giúp một số đối tượng trong đường dây ung dung xin tị nạn chính trị ở nước ngoài. Bấy lâu, người ta chỉ nghe nói đút lót, chạy chọt để không bị Công an khởi tố. Ngay giữa Hà Nội lại có chuyện ngược đời là người ta phải bỏ tiền (mà rất nhiều tiền) để chạy chọt cho mình “được” Công an khởi tố.
Phó Giám đốc Công an với mối quan hệ “đặc biệt”
Vũ Thị Tuyết, sinh năm 1959, thường trú tại phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), là Giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn NTT có trụ sở 11 phố Lý Thường Kiệt, là chỗ quan hệ tình cảm với Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, lúc đó là Đại tá Phó giám đốc Công an Hà Nội. Để che mắt và lấy pháp nhân thuận tiện cho hoạt động với hệ thống ngân hàng, Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam, Tuyết đăng ký ngành nghề kinh doanh từ buôn bán tư liệu sản xuất, kinh doanh nhà, đại lý bán vé máy bay, lữ hành nội địa và quốc tế, đến cả… dịch vụ xoa bóp. Tuy nhiên, ngạch chính là buôn người đi Anh, Pháp, Đông Âu. Phó tướng của Tuyết là Lê Kỳ Thanh (Giám đốc Cty TNHH sản xuất và XNK Châu Á). Các chân rết tỏa ra rất rộng từ Phòng TMCN VN đến Bộ GD-ĐT, các địa phương với sự giúp sức đắc lực của an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam. Trong các cú đưa người, luôn có dấu ấn của người đẹp Tuyết với Đại tá Nghi. Đại tá còn công khai sánh vai với người đẹp trong các cuộc du hý đó đây.
Bắt đầu từ nội bộ đánh nhau
Hệ thống vận hành thật trơn tru cho tới khi tướng Chuyên giám đốc công an Tp Hà Nội sắp nghỉ hưu. Một cuộc chiến tranh ghế quyết liệt diễn ra giữa ông Nhanh, ông Nghi bắt đầu trong đó một bên dùng Cảnh sát, một bên dùng An ninh với mọi biện pháp nghiệp vụ được tung ra nhằm làm mất khả năng “lên ghế” của đối phương.
Ngày 1/9/2005, Vũ Thị Tuyết đột ngột bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội bắt khẩn cấp tại nhà riêng ở phố Láng Hạ. Quá trình bắt giữ, ông Nghi sai trực tiếp con trai là Nguyễn Đức Thắng cùng một số sỹ quan an ninh điều tra PA24 (nay là PA92) đến cản lối nhưng đành chịu thúc thủ.
Biện pháp nghiệp vụ
Phái ông Nhanh đánh ông Nghi ở vụ thị Tuyết dùng visa giả để đưa người sang Cộng hòa Séc. Qua Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Công an Hà Nội được Sứ quán Séc cấp cho mẫu visa thật để giám định một vụ đưa người ra nước ngoài trái phép bị cảnh sát bắt ngay tại sân bay Nội Bài. Theo chức năng, vụ án được giao sang An ninh. Trong quá trình điều tra, thụ lý, “cấp trên” đã lệnh cho điều tra viên Trần Quang Tiến, Phòng An ninh điều tra – Công an Hà Nội (PA24) đánh tráo hồ sơ một cách ngoạn mục.
Khi có mẫu visa thật của đại sứ quán Séc và Cục Lãnh sự giao, điều tra viên Trần Quang Tiến sai Vũ Thị Tuyết lấy con dấu giả (đã đóng lên các quyển hộ chiếu đang bị giữ) đóng lên 3 tờ giấy khổ A4 và tráo mẫu dấu visa thật bằng mẫu dấu visa giả rồi đưa vào hồ sơ vụ án. Lúc này, mẫu thật thành giả và mẫu giả đã thành của thật.
Sau đó, mẫu giả mới được gửi lên Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an để “giám định” và “kết luận”. Kết quả, Bộ Công an kết luận: “các mẫu dấu gửi tới giám định là do cùng một con dấu đóng ra”. Căn cứ vào kết luận này, Cơ quan An ninh điều tra CA Hà Nội đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Vũ Thị Tuyết. Các Bố, các Mẹ thoát tội một cách ngoạn mục.
Sau khi thoát tội, Vũ Thị Tuyết, Lê Kỳ Thanh vẫn tiếp tục dùng võ như trên để thực hiện đưa hàng trăm người khác ra nước ngoài, kiếm nhiều tỉ đồng.
Phái ông Nhanh cũng chẳng vừa. Họ cài đặc tình vào đường dây, giả làm người đi “hợp tác lao động”. Đặc tình này theo đường dây sang tận Anh thì mới nắm được cách thức và thủ đoạn. Sau đó, đặc tình “dích” tin về cho ông Nhanh.
Công an Hà Nội lại phải muối mặt xin Cục Lãnh sự làm thủ tục “xin lại” mẫu visa thật từ đại sứ quán Séc để giám định.
Màn kết luôn tốt đẹp nhưng chu kỳ đánh đấm không có điểm dừng
Kết quả là ông Nghi bị hạ gục ngay ở phút bù giờ thứ nhất trong một trận đấu nghẹt thở bất phân thắng bại. Ông Nhanh đàng hoàng bước lên ghế Giám đốc Công an Hà Nội. Những việc sau đó, dù tày trời đến đâu cũng thuộc phạm vi “xử lý nội bộ”. Vụ án làm giả tài liệu, đưa người ra nước ngoài chỉ xử lý “khoanh vùng”. Đại tá Nghi dù thua nhưng được bù đắp không ít: được sang làm Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội (lên chức Giám đốc một sở ngang với ông Nhanh), rồi lại được đeo lon Thiếu tướng.
Mãn cuộc chiến, họ lại vẫn gọi nhau là đồng chí, vẫn bắt tay ôm hôn thắm thiết trong các cuộc giao ban, lễ lạt, vẫn cùng nhau hô hào học tập và làm theo đạo đức này kia, tung hô các giá trị rất hào nhoáng.
Thời điểm này, ông Nhanh sắp nghỉ hưu. Vòng mới của cuộc chiến ”lên ghế” tại 87 Trần Hưng Đạo đã bắt đầu và đang diễn ra âm thầm, khốc liệt như một chu kỳ của quy luật quái đản khép kín ”Quyền – Thủ đoạn – Tiền – Quyền”.
Đồng chí Nguyễn Đức Nghi:
Đồng chí Nguyễn Đức Nhanh:

Cầu Nhật Tân

Nhân ngày 2 tháng 9: 24 năm nhìn lại một bài viết

(Để vui buồn về những biến đổi)
Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Đúng ngày này 24 năm về trước (2-9-1988) , với chiếc máy chữ cọc cạch tôi đã “xớ rớ” vào một lĩnh vực không chuyên để hoàn thành bài triết luận xã hội đầu tiên "Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ”, bài viết đã dẫn tôi vào một quãng đời mà tôi không bao giờ ngờ tới, mà hôm nay hồi tưởng tôi cứ buồn cười một mình.
Xuất Xứ của bài viết
Số là một hôm ngồi nghe Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo chính trị, chị Đặng Việt Nga, con gái chủ tịch Trường Chinh bảo tôi: Thỉnh thoảng nghe những ý kiến phân tích của anh về xã hội tôi thấy sáng ra nhiều điều, anh nên nói lại một cách hệ thống cho các bạn bè cùng nghe. Thế là, theo thói quen của một giảng viên về Sinh học, tôi vẽ một sơ đồ ra tờ giấy “croquis” cỡ lớn với các ô vuông và các mũi tên, chứng minh rằng nếu xuất phát từ quan điểm giai cấp Mác-xít cực đoan thì không thể đến cái đích Cộng sản mơ ước, mà nửa chừng nhất định sẽ gặp bế tắc , xã hội thoái hóa, bạo lực và dối trá ngự trị, dùng PHƯƠNG TIỆN sai thì không thể đến được MỤC ĐÍCH, phải thay tấm biển chỉ đường duy ý chí của Mác bằng tấm biển chỉ đường của TRÍ TUỆ… (Trong khi theo các nhà Tuyên huấn lúc ấy thì chủ nghĩa Xã hội đang thành công rực rỡ, Liên xô đã xây dựng xong XHCN và bước vào giai đoạn Cộng sản, tiếp theo là Cộng hòa dân chủ Đức và Rumani cũng vậy). 
Buổi “báo cáo khoa học” hôm ấy có nhà thơ Bùi Minh Quốc, có hai nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư…
Sau đó bạn bè yêu cầu tôi viết ra thành bài và gửi đến các nơi có trách nhiệm. Hồi âm của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Sông Hương, nhà văn Ma Văn Kháng…rất tán thưởng, coi đây là những phát hiện khoa học để đóng góp cho xã hội… Nhưng chẳng bao lâu những đòn phản kích về lý luận bắt đầu giáng xuống suốt 2 năm trời. Tạp chí Sông Hương số 37 đã lên khuôn bài lại bị bóc ra, ông Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng đi nói chuyện khắp nơi về “ một bài lý luận phản động”, báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tuổi trẻ, tạp chí Thông tin Lý luận, tạp chí Giáo dục lý luận, tạp chí Triết học, tạp chí Cộng sản, Triết gia Trần Đức Thảo… liên tiếp đăng các bài phê phán. Nặng ký nhất (về chính trị) là hai tài liệu của Trung ương ĐCSVN là “Nêu cao tính chiến đấu chống mọi hoạt động phá hoại về tư tưởng” và “Đề cương giới thiệu Dự thảo cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ” đã dành nhiều trang phê phán Hà Sĩ Phu là kẻ phá hoại về tư tưởng .
Ở trong nước tất nhiên không nơi nào dám đăng, chỉ chuyền tay, nhưng GS Nguyễn Ngọc Lan và các bạn ở Pháp đã đưa lọt ra nước ngoài và bài viết đã được đăng và phổ biến rộng rãi.
Ấy thế là cái bút danh Hà Sĩ Phu bị cuộc đời đẩy vào vòng chính trị, thành “nhân vật chính trị” mà khi ấy, nói vô phép hắn chỉ là anh nhà giáo khoa học tự nhiên hiền lành và nhút nhát, cả đời chỉ biết bục giảng và phòng thí nghiệm, không biết và không liên quan gì, dù chỉ chút xíu, với những thứ “chính trị chính em” !
Thuở ấu trĩ
Tại sao tôi lấy làm buồn cười? Tự cười mình và cười cho cả một hệ thống chính trị: một bên thì chỉ quen chuyện khoa học, một bên thì ngớ ra và cuống lên trước một phản biện bất ngờ, đến nỗi trông gà hóa cuốc. Đôi bên cùng ấu trĩ. Hồi ấy làm gì có Internet, tôi cũng chẳng biết thế giới đã phê phán Mác-Lê ra sao, tất cả nhận thức chỉ rút ra từ trong đầu, với những lô-gích và kiến thức của các môn Toán-Lý-Hóa-Sinh mà mình tích lũy được. Nhưng khổ nỗi cái lô-gích khoa học trừu tượng, duy lý và khúc chiết có thể dẫn ta đến ngay cái gốc của chân lý (một cách tương đối) mà không cần sự trải nghiệm đầy đủ trong thực tế. Vì chỉ cốt bộc lộ những lô-gích cơ bản thuần túy khoa học, tôi chưa cần đi vào chi tiết để mổ xẻ những thực tế chính trị như đánh giá thế nào về Cách mạng tháng 8 và hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, đánh giá thế nào về ưu khuyết của ĐCSVN, về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh…, nên cứ tạm dùng những đánh giá chính thống đang lưu hành. Tóm lại chưa thể gọi đó là một bài nghị luận chính trị đúng nghĩa. Nhưng vì chạm đến cái gốc của Chủ nghĩa là điểm tối kỵ lúc bấy giờ nên bài viết lập tức bị chính trị hóa, có tác giả đã khẳng định Hà Sĩ Phu phải là tên một tổ chức có mục đích chính trị nguy hiểm.
Lúc đầu nhà nước còn dùng lý luận để đối phó với lý luận 
Vì không báo nào đăng bài “Dắt tay nhau…” ấy, nhưng nhà nước lại đăng hơn hai mươi bài phê phán nên ông Bùi Tín gọi tình trạng ấy là “Xích tay đối thủ rồi thách đấu”. Kể cũng bất công, nhưng so với cách ứng xử của nhà nước chuyên chính với những người bất đồng chính kiến sau này thì sự ứng xử lúc ấy còn phần nào tử tế và nghiêm túc! Vì dù sao lúc ấy nhà nước còn dùng lý luận công khai để chống lại lý luận. Chỉ sau khi thấy vũ khí lý luận chính thống tỏ ra bất lực, nhà nước mới chuyển sang “đối thoại” bằng Công an. Đến bài thứ ba của tôi (bài Chia tay Ý thức hệ) thì nhà nước không dùng lý luận nữa, mà dùng kịch bản “tông xe giật túi” và tặng luôn cho một năm tù. Cứ thế, những nhà bất đồng chính kiến càng về sau càng bị trừng trị nặng nề hơn mà trường hợp Cù Huy Hà Vũ,Trần Hùynh Duy Thức …vv…là những ví dụ nặng nề rất điển hình. 
24 năm dư luận xã hội đã trưởng thành
Bài viết từ năm Mậu thìn (1988), trải qua Canh thìn 2000, nay là Nhâm Thìn 2012, hai mươi bốn năm đầy biến động. Sau khi Liên xô và Đông Âu tan rã (1989-1990) thì thời kỳ yên bình của các nước Cộng sản còn lại cũng chấm dứt. Gắng “ổn định” đến 2012 thì mọi chân tướng cũng bị phơi trần , đặc biệt vấn đề nền độc lập nửa vời của Việt Nam có nguy cơ bị Trung quốc thanh toán nốt là chủ đề mà trước đây hoàn toàn bị phong kín thì nay cũng phơi bày trước thanh thiên bạch nhật. 
Hoạt động chính trị chẳng qua là sử dụng được sức mạnh của quần chúng, là điều khiển được tâm lý của đám đông. Việt Nam vốn thiếu vắng một giới “Trí thức chính trị” nên quần chúng cũng nông nổi. Vì nông nổi nên đang lúc bức xúc vì bị Pháp đô hộ liền bị “xui dại” mà nóng vội, nô nức chạy theo một chủ nghĩa hoang tưởng để bây giờ “xôi hỏng bỏng không”. Nay nhờ có thế giới văn minh, mọi màn bí mật đều bị vén lên, dân mới khôn ra nhiều, khôn rất nhiều. Về thần tượng “Cha Già dân tộc” chẳng hạn (như một điểm tựa có tính sống còn của tư duy cũ) nay đã có hàng xê-ri những bài đúc kết để tham khảo và sàng lọc, để có cái nhìn đa chiều tiếp cận sát hơn với sự thật.
Một ví dụ khác: Hiện nay tâm lý quần chúng đang rất bức xúc trước nạn tham nhũng, nạn nội xâm đến mức dã man, thì việc bắt trùm sò “bầu Kiên” quả đã gõ trúng tâm lý đang dồn nén ấy, nếu như trước đây thì quần chúng đã nức lòng hò reo hy vọng vào “chuyên án” này. Nhưng không, lập tức trên trang Anhbasam (23/8/2012) đã có lời bình ngắn gọn về 3 khả năng trước sự phân hóa của các phe phái:
-Ủng hộ “chuyên án” để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, cùng “bạn vàng môi răng” dắt tay nhau tiến tới liên bang Trung Cộng XHCN trá hình? 

-Hay theo ảo vọng một nhà nước tư bản hoang dã độc tài kiểu Nga hậu Sô Viết của Putin? (Cộng sản biến tướng).

-Hay đấu tranh cho một nhà nước pháp quyền, dân chủ thực sự, của Dân, vì dân?
Trong ba khả năng ấy chỉ hai khả năng đầu (tức hai khả năng xấu, từ hai phe trong đảng) đã bày ra trước mắt, với bàn tay của ngoại xâm Đại Hán lấp ló phía sau. Vậy dân phải làm gì để xuất hiện khả năng thứ ba, khi mà số đông đã bị thất vọng kéo dài và trở nên thực dụng chán chường vô cảm, khi mà rất có thể hai phe trong đảng kia sẽ thỏa hiệp để phân chia quyền lực và cùng nhau chống lại ước vọng dân chủ của nhân dân? Xem thế đủ biết trí thức và dân chúng ngày nay đã khôn ra nhiều, đã đi guốc trong bụng các phe nhóm trong trò xiếc bán mua quyền lực. Muốn lợi dụng tâm trạng bức xúc đơn giản của đám đông, dùng một lý thuyết mị dân để thực hiện ý đồ riêng không phải dễ dàng như hồi Việt Minh nữa.
Cuối cùng, sau hơn 20 năm, trong nước cũng đã có 3 bloggers công khai đăng bài “Dắt tay nhau…” của HSP ! (blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hữu Quý và Phùng Hoài Ngọc).
Tôi tin rồi sẽ được công khai cả bài “Chia tay Ý thức hệ”, bởi trong thực tế thì Ý thức hệ Mác-xít hoang tưởng chỉ còn như cái xác ướp không hồn, đã móc hết ruột gan tim óc, đứng hờ làm chiếc bình phong chờ một ngày đẹp trời để đào sâu chôn chặt mà thôi. Dù bị trăm ngàn lực cản của con người, lịch sử vẫn lầm lì bước tới.
Thế là, hai mươi bốn năm từ lúc bắt đầu phô bày ý kiến phản biện, tôi đã được bổ sung và tiếp sức rất nhiều từ mạng Internet toàn cầu và từ các thế hệ thức tỉnh đang hình thành đội ngũ, ngày càng gắn bó hơn với các diễn biến chính trị để cụ thể hóa những nhận thức khoa học mà lúc đầu mới chỉ khái quát sơ lược.
Hà Sỹ Phu (Nhân ngày 2-9-2012)
danlambaovn.blogspot.com

Đơn kiến nghị và tố cáo về kết luận điều tra VKSND Tối cao

Nguyễn Thị Thanh Tuyền - "...Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử vì sợ tội, bởi anh Nhựt chẳng có tội gì để mà sợ. Tôi không đồng ý kết luận của bản kết luận của VKSNDTC, trong bản kết luận này thiếu khách quan, thiếu minh bạch, có dấu hiệu bao che việc làm mất nhân tính của công An Bình Dương..."
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
-------oOo-----
TPHCM, Ngày 30 tháng 08 năm 2012
ĐƠN KIẾN NGHỊ VÀ TỐ CÁO
(V/v: Kết Luận Điều Tra Về Cái Chết Anh Nguyễn Công Nhựt chết tại Trụ sở CA Bến Cát Bình Dương)
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Ông Trương Tấn Sang Chủ Tịch nước, nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ Tịch Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
- Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ Chính Phủ Tướng Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam
Tôi tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền sinh ngày 08 tháng 11 năm 1981 (ĐT 0908 796 116) là vợ của Anh Nguyễn Công Nhựt sinh ngày 07 tháng 01 năm 1981. Nơi sinh ấp 3, xã Cẩm Sơn, Huyện Cai Lậy Tỉnh Tiền Giang.
Chồng tôi đã bị công an giam giữ trái phép và dẫn đến chết người tại Trụ sở Công An Huyện Bến Cát, Tỉnh Bình Dương và đã ra đi khỏi cõi đời vào ngày 25/04/2011
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Văn Hảnh ấp 3, xã Cẩm Sơn, Huyện Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang
Theo công văn 386/VKSTC-C6 (P5) ngày 24/08/2012 của Cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao kết luận về cái chết của Anh Nhựt tại đồn công an Bến Cát. Tôi cho rằng trong bản kết luận này không chính xác và có dấu hiệu bao che sự thực về cái chết của chồng tôi.
Nay Tôi kính trình lên Chính Phủ và Quốc Hội Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam xem xét lại lại về việc điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối- Cục 6 có nghiêm minh chính trực, đúng việc và đúng trách nhiệm trong quá trình công tác điều tra vụ án Anh Nhựt hay không?
Dưới đây tôi xin trình bày một số vấn đề trong bản kết luận mà tôi còn nghi ngờ là VKSND Tối cao chưa thực sự đi sâu vào nghiệp vụ và chưa thực sự công tâm trực tiếp điều tra sự việc về cái chết thực của chồng tôi, về việc mất vỏ xe công ty Kum ho, về nghiệp vụ điều tra của các điều tra viên gây ra hậu quả dẫn đến chết người và về việc Ông Nguyễn Thành Phú gạ tình tôi, rủ tôi đi khách sạn và bảo tôi bán đất để chạy án cho chồng.
Tôi xin trích một số nội dung để dẫn chứng trong bản kết luận của vụ án là chưa thực sự chính xác, rõ ràng và minh bạch của VKSND Tối cao.
1."Trong quá trình làm việc Anh Nguyễn Công Nhựt khai nhận : Từ ngày 05/11/2007 đến cuối năm 2010 đã tự ý sử dụng máy tính văn phòng làm lệnh xuất khoảng 20-30 lần, số lượng khoảng 1000 lốp xe, trái với quy trình xuất hàng công ty (Công ty kumho qui định: không được xuất hàng tại máy tính văn phòng, mà phải xuất hàng máy tính ở kho)”
Tôi đã thu thập thông tin từ vài nhân viên của Kumho và làm rỏ vấn đề này. Trong công ty Kumho có hai máy vi tính ngoài kho và máy tính Anh Nhựt trong văn phòng được phân quyền xuất kho. Trường hợp Anh Nhựt xuất kho khi hai máy tính ngoài kho xuất hàng đi xuất khẩu không kịp hoặc kiểm tra chất lượng hàng đột xuất thì lúc đó Anh Nhựt hỗ trợ cho anh em công nhân làm lệnh xuất để kịp tiến độ ( Vì tiến độ công việc của Kumho rất khắt khe)
Bên cạnh đó máy tính của Anh nhựt được phân quyền chỉ được xuất không được nhập. Khi nhập kho thì chỉ được nhập hai máy tính ngoài kho. Nên tại sao nhiều lần Anh nhựt xuất kho mà không nhập lại, Số lượng hàng dư này sẽ lại hai máy ngoài kho.
VKSND Tối Cao không làm rỏ vấn đề này nên VKSND Tối Cao không biết là anh Nhựt xuất hàng dư và lại nhập kho là bao nhiêu? Một phép tính quá đơn giãn mà VKSND Tối Cao không tính ra được “ Hàng tồn kho= Nhập kho–xuất kho”
Mặt khác khi xuất hàng kiểm tra chất lượng thì phải đợi kiểm tra lô hàng đó có đạt chất lượng hay không? Hiễn nhiên là phải để hàng ngoài kho, ở ngoài kho thì được bảo vệ canh gác 24/24 thì nếu có mất thì đó thuộc trách nhiệm của bảo vệ canh giữ thì tại sao lại đồ lỗi cho chồng tôi không nhập hàng trở lại mà để hàng ở ngoài kho tạo cho kẻ gian ăn cắp.
Nếu chồng tôi làm lệnh xuất sai qui định thì có sự quản lý của Kế toán và Ban giám đốc vậy tại sao từ 05/2007 đến năm 2010 không phát hiện nhắc nhở vậy đó thuộc trách nhiệm của ai
Nếu không cho chồng tôi xuất kho thì tại sao Ban giám đốc lại phân quyền cho anh ấy?
Do đó VKSND Tối Cao không thể kết tội cho Anh Nhựt tự ý sử dụng máy tính văn phòng làm lệnh xuất hàng.
2. Ngày 21/04/2011 Anh Nguyễn Công Nhựt viết bản cam kết hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra Công An Huyện Bến Cát để cung cấp thông tin, tự nguyện hợp tác ở lại công an Huyện Bến Cát ngày 21/04 đến 30/04/2011.
Tôi đã thu thập thông tin từ những nhân viên của chồng tôi bị bắt trước đó 9 ngày và Danh bị bắt đi cùng chồng tôi nói rằng: ai lên đồn công an điều bị công an yêu cầu phải tự viết bản cam kết tình nguyện ở lại, nếu không ai biết viết thì công an đọc cho viết nhưng không ghi thời gian hợp tác. Thì tôi cho anh Nhựt không ngoại lệ trường hợp này. Tôi nghi ngờ rằng Thời hạn ngày hợp tác đã được công an hợp thức hóa. Vì ngày 30/04 chúng tôi có kế hoạch đi về quê thì làm sao mà Anh Nhựt tình nguyện ở lại đến 30/04 trong khi đó chồng tôi thừa hiểu tôi rất sợ ở nhà một mình thì chồng tôi sẽ không ở lại đồn công an như thế. Tình nguyện hợp tác điều tra tại sao tịch thu điện thoại của Anh Nhựt và không cho gọi về gia đình cũng không thông báo về cho gia đình, đến giờ điện thoại của chồng tôi vẫn chưa trả lại cho tôi.
3.Ngày 21/04 Ông Kim Tae Sung – Phó Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH Kumho Gửi công văn số 16/CV.KTV đến Công An Huyện Bến Cát phòng An ninh kinh tế , Công an Bình Dương nội dung: “...Công ty kumho cử nhân viên Nguyễn Công Nhựt – Quản lý kho thành phẩm, đến công an huyện bến cát hổ trợ điều tra, Trong thời gian Anh Nhựt làm việc với cơ quan công an thì công ty Kumho vẫn chấm công, sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến chuyên cần cũng như các vấn đề khác do phải bỏ việc điều tra cho Cơ quan điều tra…”
Ngày 21/04 Cty Kumho đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của Anh Nhựt đăng trên 24h online. Vậy Tại sao VKSNDTC không làm rỏ Cty cử Anh Nhựt đi hợp tác điều tra mà lại tuyển dụng gấp vị trí của anh ấy?
Vào lúc khoảng 8h ngày 22/04/2012 tôi và Ba Mẹ Danh đã làm việc trực tiếp Giám đốc , trưởng phòng nhân sự tại văn phòng công ty kumho. Tôi đã đã hỏi nguyên nhân gì bắt chồng tôi đi và Ông Phong trả lời có giấy mời của công an , tôi yêu cầu được xem giấy mời đó ông Phong trả lời không biết có thể anh Nhựt cầm đi rồi. Tôi yêu cầu gặp Mr cho kyu sik nhưng ông này không đồng ý gặp tôi và nhắn lại với ông Phong nếu công an bắt tôi thì tôi cũng phải đi. 
Vậy Tại sao VKSNDTC không làm rõ là có giấy cử đi hợp tác điều tra của công ty thì tại sao lại có giấy mời của công an xuống tận công ty đưa cho anh Nhựt và bắt anh Nhựt đi trong thời điểm đó.
4. Việc bố trí ăn ở của chồng tôi : “Phòng này cạnh phòng ở tập thể của chiến sĩ công an huyện bến cát, đối diện khu nhà tạm giữ đến sáng ngày 25/04/2011 thì Anh Nhựt chết trong tư thế treo cổ bằng giây điện thoại trên khung cửa sổ phòng họp”
Theo thông tin của Danh nói với tôi "Những lần xin được đi toliet, tắm rửa thì công an có đưa em đi thì ngang qua phòng họp trên lầu nơi mà giam giữ Anh Nhựt thì em có nhìn thấy Anh Nhựt và lần cuối cùng em nhìn thấy là khoảng 15h chiều ngày 23/04 lúc Anh Nhựt đang đi lại trong phòng họp ở ngoài bị khóa cửa trái" và tối ngày 24/04 tôi đem thức ăn cho chồng thì xin được lấy đồ và vật dụng của chồng tôi và công an cho tôi lên lầu vào phòng này lấy đồ của Anh Nhựt và tôi có hỏi chồng tôi đâu? Anh này trả lời chuyển chồng xuống phía sau vì phòng này bận họp ( phòng họp này không phải là nơi Anh Nhựt chết). Vậy phòng Anh Nhựt chết là phía sau gần trại giam và là phòng làm việc của công an (tôi có chụp hình lại).
Thì ở đây tôi cho rằng VKSNDTC không làm rõ nơi ở của Anh Nhựt trong thời gian ở đồn công an và ai là người canh gác chồng tôi, ai là người cung cấp giấy bút cho anh nhựt viết để lấy lời khai? dây điện thoại ở đâu để Anh Nhựt lấy tự tử? VKSNDTC có dựng lại hiện trường vụ án không? Tôi cho rằng sức nặng 65kg và chiều cao 1m78 thì không thể treo cổ bằng dây điện thoại.
5. Trong quá trình làm việc tại công an huyện Bến Cát từ ngày 21/4 đến ngày 24/04/2012 Danh không bị tịch thu tài sản… cán bộ điều tra quản lý điện thoại của danh trong thời gian lấy lời khai cuối ngày trả lại… chiều ngày 23/04 khi làm việc xong Danh xin ngủ lại tại trụ sở công an huyện Bến Cát với Chiến, Tuấn và Chiên nhân viên kumho đến ngày sau , ngày 24/04/2011 thì được cho về.
Tôi nghĩ VKSDNTC thật sự có điều tra hay không? Sáng ngày 25/04 tôi và Ba Mẹ Danh mang đồ ăn sáng cho chồng tôi và Danh, Chính Ba Mẹ Danh và tôi đều thấy rỏ phòng Danh bị khóa cửa ngoài và xin được gặp con lấy thẻ xe mà công an không cho gặp, Tối ngày 21/04 Tôi là người trực tiếp báo thông tin Danh đang ở đồn công an cho Ba Mẹ Danh biết trong lúc đó Ba Mẹ Danh không thể liên hệ được với Danh. Sau khi chồng tôi chết tại đồn công an ngày 25/04 thì đến ngày 21h ngày 26/04 tôi nhận được thông báo tất cả nhân viên của chồng tôi được thả về.
Danh nói với tôi: "21h ngày 26/04 em được thả ra và được trả điện thoại di động và một số dụng cụ, trong thời gian ở trong đó em không được liên hệ với gia đình vì điện thoại bịch tịch thu, lúc mà lên đồn công an ngày 21/04 là đã bị tịch thu điện thoại rồi, em và anh Nhựt năn nỉ gọi về nhà nhưng công an không cho” và Danh không hề xin ngủ lại tại trụ sở công an huyện bến cát cùng với Chiến, Tuấn, chiên vì mỗi người nhốt một phòng làm sao ngủ chung được? 
Do đó tôi cho VKSNDTC thực sự là không điều tra nếu điều tra thì không thể kết luận như thế này.
6. Trong biên bản làm việc : “ngày 24/04/2011, Các thành viên ban chuyên án 218.T đi thu vật chứng (lốp xe) tại thành phố HCM , nên không có ai làm việc với anh Nhựt” 
Sáng ngày 24/04/2011 tôi có gặp trực tiếp Ông Nguyễn Thành phú tại căn tin của Công an Bến Cát và 3 công an khác. Vậy việc đi thành phố thu thập chứng cứ lúc mấy giờ ? VKSNDTC có làm rõ vấn đề này không?
7. Trong Kết luận không làm rõ những điều tra viên điều tra sai hướng nhưng kết luận của VKSNDTC là những điều tra viên không có liên quan gì đến cái chết của chồng tôi , lý do là họ đi vắng ngày 24/04/2011.
Tôi khẳng định việc chồng tôi chết là có tát động đến các điều tra viên 218.T bởi những lý do sau:
- Anh Nhựt tố giác tội phạm và nghi ngờ Ông bảy tài xế, Toàn, bảo vệ… Nhưng các điều tra viên làm ngơ trong khi đó họ lại lại bắt những nhân viên của Anh Nhựt và những người này được thả ra vào lúc 21h ngày 26/04/2012. Tại sao họ không bắt những người mà chồng tôi nghi ngờ mà khi chồng tôi chết thì họ lại điều tra theo hướng của chồng tôi vậy nghiệp vụ của họ đủ trình độ và xứng đáng là một công an kinh tế hay không ? Chính gì họ bắt người bữa bãi và điều tra không đúng cách thì mới xảy ra sự việc chồng tôi chết.
- Việc bắt giữ chồng tôi ở đồn công an thì phải thuộc quản lý và trách nhiệm của họ tại sao trong bản án kết luận họ không liên quan ?
- Tại sao Ông Nguyễn Thành Phú biết số điện thoại của tôi và biết vợ chồng tôi có miếng đất mà gợi ý nói tôi bán đất để chạy án cho chồng. Có phải đây là điều sắp đặt của các điều tra viên muốn được nhận hối lộ chạy án hay không? Còn về việc gạ tình rủ tôi đi khách sạn trong lúc chồng tôi bị họ bắt giữ thì có đúng với tư cách một điều tra viên hay không? Nhưng Trong bản án kết luận không hề đề cập đến việc của Ông phú vậy có đúng hay không?
8. Việc kết luận của VKSNDTC tôi thấy không khách quan, không làm rõ nguyên nhânmột số chi tiết trong bản kết luận:
- Dấu vân tay có dính máu trên khung cửa sổ không kết luận của ai? Trong bản án hiện trường có thể hiện mà trong bản kết luận lại không có
- Đầu gối chân phải Anh nhựt xưng to bầm tím, trên ngực có hai vết bầm, hai bên hông xuống đến đùi bầm tím, Thì VKSNDTC không nêu ra trong bản kết luận .
- Trên đùi đến chân có nhiều dấu vết li ti lớn nhất 0.7cm, nhỏ nhất là 0.1cm thì VKSNDTC kết luận xuất huyết ngoài da. Nhưng tôi cho rằng vết li ti không phải là xuất huyết mà là dấu vết bị chích điện. Bởi vì nếu xuất huyết ngoài da thì nó phải điều hết cả thân người nhưng đằng này chỉ xuất hiện trên Trên đùi đến chân.
- Dưới quần Anh Nhựt lại dính nhiều máu trong khi đó VKSNDTC trong bản kết luận nghi ngờ là máu, Chứ không biết nó là máu thực hay không?
- VKSNDTC Không đưa nguyên nhân do đâu mà da bìu bị trượt mất một số thượng bì và dập một cái tinh hoàn và chảy máu kiến bu nhiều trong tinh hoàn mà lại kết luận sơ sài và chung chung
- Anh Nhựt thắt cổ tự tử mà tại sao thân người dựa vào tường và chân trái đứng thẳng dưới mặt đất, chân phải đứng khiểu chân các ngón chân chạm đất có trong bản án thể hiện mà không thể hiện trong bản kết luận.
- Tại sao VKSNDTC Không là rỏ tại sao hậu môn lại dính ít phân nhưng quần lại không có dính phân, trong khí đó có một bãi phân ngay chân trái?
- Tại sao VKSNDTC Không làm rỏ một người thắt cổ tư thế hoằng hoại mà bãi phân ở cạnh bên chân trái vẫn còn nguyên?
- Chân tay bị co và bầm tím hết các ngón tay trên bàn tay và ngón chân VKSNDTC không làm rỏ trong bản kết luận, Tôi cho rằng những dấu vết này là do bị ép cung.
- Nguyên nhân nào môi bị dập cũng không thể hiện trong bản kết luận
- Tại sao một người treo cổ lưỡi thè chỉ dài 2cm không thể hiện rõ trong bản kết luận ?
- “Vết màu xanh lục ở vùng chậu thể hiện của hiện tượng thối rữa của biến đổi sau khi chết” Một người mới chết làm gì mà cơ thể thối rữa nhanh như vậy? Vết thối rữa này tôi cho rằng đã có trước khi chết . 
- Trong kết luận có nêu nhận thức ăn của tôi mang vào thì tại sao khi khám nghiệm tử thi lại có ít cơm trong bụng khi đó sáng ngày chủ nhật tôi gửi hủ tiếu , chiều chủ nhật tôi gửi cháo vịt thì kết luận vậy có đúng không?
- Kết luận VKSNDTC là tôi không có ý kiến đề bạt nguyện vọng xin được gặp Anh Nhựt là hoàn toàn sai tôi có thể đối chất giữa công an Phượng 
- Bức thư tuyệt mệnh theo Kết Luận VKSNDTC là chồng tôi viết. Vậy chồng tôi viết tâm trạng như thế nào? Tâm trạng ép viết hay sao mà hai nét chữ cùng một lúc viết, trong lá thư gửi cho các điều tra viên có dấu ghạch chéo có nghĩa là gì? VKSNDTC đã không làm rỏ trong bản kết luận.
- VKSNDTC kết luận không có tra tấn nhục hình thì tại sao thân thể Anh Nhựt bầm dập đến thế
- VKSDNTC kết luận chồng tôi tự do đi lại là tôi thấy không đúng. Tất cả nhân viên bị bắt vào đồn công an điều bị quản thúc chặt chẽ đi vệ sinh là phải có công an đi theo kèm thì làm gì có tự do đi lại, đồn công an chứ đâu phải cái chợ mà tự do đi lại.
- Trong bản kết luận VKSNDTC nêu rõ chồng tôi bệnh tật và ân hận vì việc sai qui định dẫn đến tự tử. Tôi cho đây là cái cớ để VKSNDTC đưa đến việc chồng tôi tự tử. Thật ra trong hồ sơ khám bệnh chồng tôi đã bớt bệnh không còn đau bao tử do nhiễm virút . Nên việc đưa ra kết luận như thế tôi cho là bịa đặt.
- Bức thư tuyệt mệnh theo Kết Luận VKSNDTC là chồng tôi viết. Vậy chồng tôi viết tâm trạng như thế nào? Tâm trạng ép viết hay sao mà hai nét chữ cùng một lúc viết, trong lá thư gửi cho các điều tra viên có dấu ghạch chéo có nghĩa là gì? VKSNDTC đã không làm rỏ trong bản kết luận.
Chồng tôi là người không hiểu luật thì sao chồng tôi biết phải ở tù 15 đến 20 năm thì phải xem lại cách hành văn trong thư tuyệt mạng và một số hành văn khác như “Chồng viết mấy lời này…. đi theo ông bà hay to tát hơn là đi theo Bác Hồ Chí Minh thì vợ đừng phải thấy kho... Tôi khẳng định trong lối hành văn này cũng như câu chữ không phải chồng tôi viết.
Tóm lại: Một số vấn đề nêu trên nghi ngờ rằng VKSNDTC không thực sự công minh trong công tác điều tra mà có phần copy của công an Bình Dương để làm bản kết quả điều tra cho mình, VKSNDTC không chịu thu thập những chứng cứ trong khi đó điều tra một cách qua loa. Nếu chồng tôi thật sự treo cổ tự tử thì tại sao áo gối lại dính nhiều màu và chất nhờn ( Hiện nay tôi đang giữ) VKSNDTC lại không làm rõ vấn đề này. VKSNDTC cho rằng Công an Bình Dương không bắt chồng tôi mà Chồng tôi mà tình nguyện ở lại thì tại sao tịch thu điện thoại của chồng tôi và hiện giờ ai là người giữ nó, nếu trong phòng làm việc của Công an có giây điện thoại để chồng tôi tự tử thì đồng nghĩa có điện thoại thì tại sao chồng tôi không điện thoại về cho tôi vậy VKSNDTC có làm rỏ vấn đề này chưa…?
Một lần nựa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử vì sợ tội, bởi anh Nhựt chẳng có tội gì để mà sợ. Tôi không đồng ý kết luận của bản kết luận của VKSNDTC, trong bản kết luận này thiếu khách quan, thiếu minh bạch, có dấu hiệu bao che việc làm mất nhân tính của công An Bình Dương
Qua kết quả vụ án của Anh Nhựt cũng như một số vụ án hiện đang trong tình trạng báo động về việc lạm dụng tiền và chức quyền gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người của công an đã nói lên cơ quan hành pháp đang còn một số vấn đề bất cập. Tôi khẩn cầu Chính Phủ và Quốc hội nhanh chóng có biệt pháp khắt phục đừng để những người dân như chúng tôi chết oan như thế này nữa.
Một lần nữa tôi khẩn cầu Chính Phủ và Quốc hội nhanh chóng chỉ đạo làm rỏ vụ án của Anh Nhựt để gia đình tôi và người dân trong cả nước được yên tâm về sự lãnh đạo của nhà nước cũng như sự tin cậy của lòng dân trong sự lãnh đạo của nhà nước.
Tôi chân thành cảm ơn!
Kính Đơn
Nguyễn Thị Thanh Tuyền