samedi 25 août 2012

Chứng khoán Việt Nam mất hơn 5 tỉ đô la, hệ thống ngân hàng bị đe dọa

Thụy My (RFI) Theo AFP ngày 24/08/2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiệt hại 5,62 tỉ đô la trong tuần, từ khi liên tiếp xảy ra vụ bắt giữ nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên rồi đến nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải. Các chuyên gia cảnh báo, xì-căng-đan này thậm chí có nguy cơ gây khủng hoảng cho cả hệ thống ngân hàng vốn đang dễ bị tổn thương. 
Sau ba ngày xuống dốc, thị trường chứng khoán hôm nay đã tăng trở lại với chỉ số VN Index tăng 1,75%. Tuy nhiên AFP dẫn số liệu của VietStock cho biết, cả hai thị trường chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bị giảm giá trị 5,62 tỉ đô la từ hôm thứ Hai 20/8. 
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt vào thứ Hai, hôm qua đến lượt ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ngân hàng này bị bắt giữ vì « cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng ». Tin đồn ông Hải bị bắt đã lan ra 48 giờ trước đó. Cuối giờ chiều hôm qua, ACB cho biết ông Lý Xuân Hải từ nhiệm, và đến tối thì báo chí trong nước loan tin ông Hải đã bị bắt. Tuy vậy các bài viết liên quan ít lâu sau đó đã bị gỡ xuống, và hôm nay mới xuất hiện trở lại. 
Theo AFP, nay thì rất khó khăn cho chính quyền khi muốn bảo vệ cho ACB, ngân hàng tư nhân lớn nhất nước khỏi bị suy sụp, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam. Cho dù hôm nay không có dấu hiệu hoảng loạn nào tại các chi nhánh ACB ở Hà Nội, nhưng người gởi tiền đã rút khỏi ngân hàng này trên 380 triệu đô la. 
Reuters trích nhận xét của cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho biết, xì-căng-đan này làm tăng khả năng đánh giá tiêu cực về hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn có điểm tín nhiệm thuộc loại thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. 
Một chuyên gia ngoại quốc giấu tên nhận định, ngoài nguy cơ người dân không còn tin tưởng các ngân hàng và rút tiền hàng loạt, còn có nguy cơ khủng hoảng hệ thống. 
Sau một thập kỷ tự do hóa vừa thô bạo lại vừa hỗn độn, lãnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện nay gồm 42 ngân hàng công và tư, trong đó có nhiều ngân hàng đang bị nợ xấu. Năm ngoái, bị thúc bách trước nạn lạm phát và thiếu tiền mặt, Việt Nam đã tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng bằng cách cho sáp nhập, nhưng việc cải cách diễn ra quá chậm chạp. 
Ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể đã tham gia vào chiến dịch quy mô « dọn dẹp » các ngân hàng. « Bầu » Kiên, khuôn mặt nổi bật trong giới kinh doanh và bóng đá đã kéo theo nhiều người khi quỵ ngã. 
Sự thất thế của ông Nguyễn Đức Kiên, theo như một nhà phân tích Việt Nam ở Hà Nội, thì có thể là do đấu đá tranh giành quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo. Điều này cho thấy rõ là môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất bất ổn, mà theo nhà phân tích trên thì « Ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp rất mong manh. Người ta có thể thành công hôm nay và trở thành tội phạm ngày mai ». 
Theo báo chí trong nước, ông Kiên đã thành lập những công ty gần như là bình phong và phát hành cổ phiếu, trái với luật pháp Việt Nam. Với số tiền thu được, ông ta mua cổ phần trong các ngân hàng khác dưới tên những người thân trong gia đình, rồi lại đi vay những món mới của các ngân hàng này. 
Cả tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng bảo vệ cho ACB, nói rằng ông Nguyễn Đức Kiên chỉ nắm không đến 5% cổ phiếu. Nhưng việc bắt giữ Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người làm việc tại ACB suốt 15 năm qua, đã khiến công việc này ngày thêm khó khăn. Cổ phiếu của ACB đã mất giá 20% từ thứ Hai. 
Ông Lê Thẩm Dương, trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vụ này có thể có tác động tích cực về lâu về dài. Theo ông thì không thể tiếp tục duy trì hệ thống như hiện nay, đây là lúc để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. 
Tony Nash, thuộc công ty tư vấn IHS ở Singapore cảnh báo, trong khi chờ đợi, các nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng muốn thấy được giải pháp cho khủng hoảng. Theo ông, thì hai vụ bắt giữ trên « vẫn chưa hình thành được bản cáo trạng lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam ».
*
Rút tiền gửi đồng loạt: ngân hàng sẽ ra sao?
Hoàng Nguyễn (thebox.vn) - Sau khi bầu Kiên bị bắt, đến lượt tổng giám đốc ACB cũng bị tạm giam để điều tra các cáo buộc vi phạm luật kinh tế. Những tin tức này đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng ACB trong mấy ngày qua, cụ thể là việc giá cổ phiếu giảm mạnh và việc khách hàng rút 5000 tỷ đồng khỏi ACB. 
Tuy nhiên, trên thế giới, những sự việc này không phải là hiếm, và kinh tế học dùng thuật ngữ "đột biến rút tiền gửi" (tiếng Anh gọi là bank run) để chỉ hiện tượng đồng loạt rút tiền gửi tiết kiệm. Hiện tượng này có thể có hệ quả nghiêm trọng, ví dụ như trong cuộc Đại Khủng Hoảng ở Mỹ trong thế kỷ trước, hàng loạt vụ đột biến rút tiền gửi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. 

Trong Đại Khủng Hoảng ở Mỹ thập kỷ 1930, 1940 đã có hàng loạt vụ đột biến rút tiền gửi. 
Thông thường các trường hợp rút tiền đồng loạt xuất phát từ sự nghi ngờ của người dân với khả năng thanh khoản của một ngân hàng. Vấn đề đầu tiên mà ngân hàng đối mặt với đột biến rút tiền gửi là không có đủ tiền mặt để hoàn trả cho tất cả khách hàng. Một ngân hàng thông thường chỉ có khoảng 5 - 10% tài sản là tiền mặt, số còn lại được đem cho các doanh nghiệp và cá nhân vay. Ví dụ tại Mỹ, luật chỉ quy định các ngân hàng lớn trữ đủ tiền mặt để đáp ứng 10% yêu cầu rút tiền khi xảy ra đột biến rút tiền gửi. Tất nhiên ngân hàng cũng có thể đòi lại các khoản cho vay để bù đắp vào khả năng thanh khoản, nhưng vấn đề là tiền cho vay không thể thu hồi nhanh đến vậy, nên việc thanh khoản lập tức là bất khả thi. 
Có một số phương pháp để cứu vãn các ngân hàng rơi vào vòng xoáy của đột biến rút tiền gửi. Ngân hàng có thể hoãn việc thanh khoản tiền gửi hoặc đặt một mức trần tiền gửi có thể được rút. Tuy nhiên, phương pháp "chữa cháy" thường thấy trong những tình huống đột biến như thế này là sự can thiệp của Nhà nước: Nhà nước bơm tiền cho ngân hàng dưới dạng cho vay ngắn hạn để thanh toán cho khách hàng đòi rút tiền. 

JP Morgan, một ngân hàng thuộc dạng "too big to fail" của Mỹ 
ACB là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Các mối quan hệ với nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh của ACB khiến ngân hàng này trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Ở Mỹ, thuật ngữ "too big to fail" dùng để ám chỉ những tổ chức tài chính mà nếu sụp đổ sẽ tạo nên thảm hoạ đối với cả nền kinh tế. 
Tuy nhiên, một vấn đề khác là nếu Nhà nước bơm tiền cứu vớt vào các ngân hàng dạng này, có khả năng một vài nhân vật sẽ thừa cơ trục lợi được, giống như cách mà nhiều ngân hàng lớn được bơm tiền ở Mỹ đã thực hiện: chủ động tìm kiếm lợi nhuận trên nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước bằng cách tiếp tục thực hiện những thương vụ nhiều rủi ro nhưng có khả năng sinh lời nhiều. Chỉ có một hệ thống luật kinh tế chặt chẽ hơn mới có thể phần nào ngăn chặn những chiêu trò tinh vi này. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi