Thụy My (RFI) - Gần đây vào ngày 23/05/2013 báo chí Việt Nam đã đồng loạt đưa tin là báo chí sẽ không được tham dự các phiên họp của Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu để miễn nhiệm và bổ nhiệm các chức danh Bộ trưởng Tài chính, Tổng kiểm toán Nhà nước, cũng như phiên Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Vì sao Quốc hội là cơ quan dân cử cao nhất nhưng lại không cho báo chí tham dự các phiên thảo luận ? Sự kiện thiếu dân chủ này lại diễn ra vào lúc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
RFI : Thưa anh, sự kiện báo chí Việt Nam không được dự các phiên thảo luận của Quốc hội, theo anh thì có phải do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sợ lộ các thông tin bí mật liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm các nhân vật trong chính phủ ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Về vấn đề này tôi cũng đang đặt câu hỏi. Tại sao báo chí lại không được tham dự những phiên họp thảo luận trong buổi đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm như vậy. Đối với một cơ quan dân cử cao nhất như Quốc hội, việc không cho báo chí tham dự là một biểu hiện thiếu dân chủ một cách lạ lùng.
Tôi viện dẫn một câu trả lời chính xác và đơn giản nhất cho câu hỏi trên, là ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết. Ông Thuyết nguyên là đại biểu Quốc hội, ý kiến của ông Thuyết như thế này : Quốc hội chỉ họp kín trong một số trường hợp, thường là để bàn những việc liên quan đến bí mật quốc gia. Còn bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước không thuộc phạm vi bí mật quốc gia.
Ở những khóa Quốc hội trước, ông Nguyễn Minh Thuyết đã từng là một nghị sĩ nổi bật về nhiều ý kiến đóng góp và phản biện sắc sảo, điều mà tất nhiên không phải tất cả 500 đại biểu quốc hội đều có đủ dũng khí nói ra một các thẳng thắn và công tâm.
RFI : Nhưng thưa anh, khi cấm báo chí tham dự những phiên họp có nội dung không bí mật, thì chủ trương dân chủ hóa và công khai hóa của Quốc hội sẽ ra sao ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Về mặt luật, chúng ta có thể thấy là báo chí - vẫn thường được xem là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và dân chúng - hoàn toàn có đủ tư cách được tham dự các cuộc họp của Quốc hội theo quy định của điều 67 Luật tổ chức Quốc hội về “Quốc hội họp công khai”, điều 70 về “đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên đại biểu Quốc hội - cũng cho rằng việc tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được tổ chức ở Quốc hội, kể cả các buổi thảo luận về vấn đề này, cũng là một việc rất cần được công khai.
Nhưng mà hình như bất nhất là một thói quen khó chuyển dời của quan chức Việt Nam, dù là quan chức do dân cử.
Xin hãy nhớ lại, vào ngày 16/05/2013, khi chỉ đạo việc chuẩn bị kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu tăng cường công khai thông tin cho báo chí. Ông nói: “Ví dụ bàn về tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì có gì mà họp kín. Báo chí cũng sẽ rất quan tâm đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Vấn đề Hiến pháp cũng vậy, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc (chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cần chuẩn bị nội dung để công bố thông tin, giải thích rộng rãi với dư luận”.
Ông Hùng nói như vậy. Thế nhưng khi kỳ họp Quốc hội vừa bắt đầu, báo điện tử VnEconomy của Việt Nam, trong phần “Nhật ký nghị trường” hai ngày 21 và 22/5/2013, đã mô tả một cách đầy ẩn ý: “Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 5, từ chiều 22/5 đã khá vất vả khi phải thay đổi đến ba lần thông cáo về các nội dung báo chí không được dự và được dự, liên quan đến công tác nhân sự”.
Một chi tiết khác cũng cần lưu tâm và nên được mổ xẻ sâu xa hơn là việc cấm báo chí tham dự lại diễn tiến ngay sau khi Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí được Chính phủ ban hành.
RFI : Thưa anh, phải chăng đó là do sợ có những thông tin gọi là « nhạy cảm », nói theo kiểu Việt Nam là sẽ bị « các thế lực thù địch » lợi dụng ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi cũng cho là như vậy, và « những thế lực thù địch » trong ngoặc kép. Cần nói thẳng là hầu hết nhân sự mà Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm đều liên quan trách nhiệm đến các lĩnh vực quản lý, điều hành quan trọng của quốc gia như ngân hàng, đất đai, xăng dầu, điện lực, y tế, giáo dục, thất nghiệp, khiếu tố, tòa án, tham nhũng… đều là những chủ đề và cả vấn nạn liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và có rất nhiều ý kiến của người dân và cử tri kiến nghị và yêu cầu phải giải quyết, xử lý. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những nhân sự liên đới trách nhiệm lại càng phải công khai cho người dân và cử tri, chứ không thể ẩn giấu được.
Câu hỏi cần đặt ra là việc cấm báo chí tham dự có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như điều 4 Hiến pháp, việc đổi tên nước, chế độ sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân về đất đai, có thu hồi đất hay không đối với “các dự án kinh tế xã hội” trong Luật Đất đai ; ý tưởng về Luật Biểu tình, Luật trưng cầu dân ý, và nói chung là toàn bộ dự thảo Hiến pháp sau ba, bốn lần sửa đổi, thì có nên cấm báo chí hay không?
Và một câu hỏi khác là việc cấm báo chí tham dự liệu có liên quan đến việc vào đầu kỳ họp Quốc hội lần này, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đã đưa ra một báo cáo có tính định hướng về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó đặc biệt là giữ nguyên điều 4, không đổi tên nước, giữ nguyên tinh thần sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai, vẫn thu hồi đất các dự án kinh tế xã hội ?
RFI : Báo cáo này theo anh có những điều gì đáng quan tâm ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Có một chi tiết rất đáng chú ý là báo cáo của ông Phan Trung Lý đã xác quyết sẽ không đưa vào chương trình năm 2014 Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý theo đề xuất của chính phủ. Sự việc này xảy ra vào ngày 23/5/2013 khi UBTVQH không tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý.
Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là ba ngày trước khi kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 khai mạc, chính phủ đã có văn bản về hoàn thiện 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến những đề xuất về sự cần thiết phải có Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân. Theo tôi đây là một hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay.
Báo chí trong nước cũng cho biết ngoài đề nghị của Chính phủ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung (hiện là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) cũng đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 năm 2014. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị đưa Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 năm 2014.
« Tôi nhận thức rằng sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội lịch sử » - đại biểu Dương Trung Quốc biểu lộ như vậy. Ông Quốc nói tiếp : Để làm được như vậy, có lẽ nên khắc phục ba vấn đề, đều là quyền của người dân đang bị treo. Một là quyền tự do hội họp và biểu tình để người dân được bộc lộ hết quan điểm của mình. Hai là quyền tự do lập hội, để mọi người chia sẻ suy nghĩ, tình cảm với nhau, qua đó phản ảnh nguyện vọng của từng nhóm xã hội. Ba là quyền được trưng cầu dân ý để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, và để Nhà nước định lượng được tâm tư, nguyện vọng của người dân trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân cũng là những nội dung nằm trong “Kiến nghị 72” vào đầu năm 2013 của một nhóm nhân sĩ trí thức Việt Nam và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều người dân qua hàng chục ngàn chữ ký đồng thuận.
RFI : Thưa anh, nhưng trước đây là chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đề xuất trước Quốc hội là nên có Luật biểu tình ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Thời điểm đó là tháng 11/2011, trong một cuộc họp Quốc hội thì chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên diễn đàn phát biểu, và ông cũng đã đề xuất về Luật Biểu tình trước Quốc hội. Nhưng từ đó cho tới nay là gần hai năm qua mà vẫn chưa có gì cả.
Còn vào lần này thì theo một đại biểu Quốc hội là ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, thì Thủ tướng cũng đã đề xuất, nhưng mà dự Luật Biểu tình vẫn chưa được đưa vào chương trình năm 2014.
Ông Nghĩa nói tiếp là năm ngoái Thủ tướng và một số vị đại biểu cũng đã đề xuất xây dựng luật này. Bản thân ông Nghĩa cũng trao đổi với nhiều vị công an và họ cũng mong có Luật Biểu tình. Xây dựng luật này là để trả món nợ đối với nhân dân, vì Hiến pháp đã cho mà ta không làm được.
Theo ông Nghĩa thì xây dựng Luật Biểu tình là để "trả nợ" nhân dân nhưng cũng là giúp Nhà nước, bởi quản lý vấn đề biểu tình như hiện nay là không thích hợp. Một chi tiết đáng chú ý là chính tờ Vneconomy - báo điện tử của Việt Nam, cũng nhận xét rằng nhiều vụ biểu tình vì lãnh thổ bị xâm phạm cũng bị đánh đồng với việc tụ tập gây rối mất trật tự.
Chúng ta cần nhớ rằng những vụ biểu tình vì lãnh thổ bị xâm phạm như vậy chính là những cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Trung Quốc, xảy ra trong hai tháng Sáu và Bảy năm 2011 tại Hà Nội. Và khi đó tình hình khá căng thẳng. Sự thừa nhận trên báo chí chính thức trong nước có thể nói khá là hiếm.
Nhưng mà đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì họ đưa ra lý do không tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân” là : tại một kỳ họp Quốc hội chỉ có thể thông qua từ 10 đến 13 luật. Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua vào cuối năm 2013, nên năm 2014 sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, các luật phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Điều có vẻ rất khó hiểu là trong khi Chính phủ - cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp và gay gắt nhất về việc giải quyết khiếu kiện và biểu tình đông người - đã đồng thuận với phương án cần có Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân, thì chính UBTVQH lại không chấp thuận, dù Quốc hội chính là cơ quan thể hiện quyền lực cao nhất của người dân.
RFI : Chính phủ đưa ra Luật Biểu tình mà Quốc hội vốn là đại diện của dân lại không chấp nhận, như vậy đây là một mâu thuẫn kỳ lạ ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có thể nói đây là lần đầu tiên có một khoảng cách lớn đến như thế giữa Quốc hội và chính phủ, chính xác là giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo chính phủ. Trước đây khá nhiều ý kiến của chính phủ đưa ra Quốc hội được thống nhất, được đồng thuận. Tôi chưa bàn tới việc những chủ trương của chính phủ đưa ra có thuận tình và hợp lý hay không, và trên hết là có hợp lòng dân hay không, nhưng đa số đều được Quốc hội thông qua.
Nhưng mà lần này có những vấn đề mà chính phủ đưa ra, nhưng lại bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác – bác ngay khi chưa đưa ra chính thức cho đại biểu bấm nút.
Chính xác hơn, báo chí trong nước cũng bình luận một cách ẩn ý là chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý « gút » đưa ra một báo cáo định hướng về những vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Trong đó không có những vấn đề cơ bản của chính phủ đề nghị như Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý, hay là liên quan đến cả vấn đề thu hồi đất đai.
RFI : Chẳng lẽ UBTVQH lại muốn làn sóng khiếu tố đất đai sẽ lan rộng đến mức mất kiểm soát?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Liên quan đến vấn đề vấn đề thu hồi đất đai thì cũng có một đề xuất đáng chú ý không kém của Chính phủ là “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế xã hội”.
Đề xuất trên được nêu ra trong bối cảnh việc giải quyết khiếu tố đất đai đang hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư… Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.
Sau đề xuất “quyền phúc quyết thuộc về nhân dân” cũng xuất phát từ Chính phủ cách đây không lâu, đề nghị về thu hồi đất liên quan đến “các dự án phát triển kinh tế xã hội” của cơ quan này là động thái đáng lưu tâm không kém.
Nhưng với xác quyết của chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, vẫn không có một cải cách xứng đáng nào được đưa ra liên quan đến Luật Đất đai. Trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, Dự thảo Hiến pháp vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu; đặc biệt là vẫn thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội.
Hệ lụy lớn lao mà bất cứ người dân nào cũng có thể thấy rõ là nếu không đưa đất đai về đúng bản chất thật của nó là quyền sở hữu của người dân, cũng như vẫn tạo điều kiện cho những chủ đầu tư phát huy một cách quyết liệt lòng tham của họ, rất nhiều bất công vô lối vẫn sẽ xảy ra với người dân bị thu hồi đất, và sẽ còn nhiều cuộc khiếu tố đông người và biểu tình bùng nổ ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tôi tự hỏi, chẳng lẽ những sự kiện Ô Khảm ở Trung Quốc hay Tiên Lãng ở Việt Nam vẫn chưa đủ cấu thành một bài học nhãn tiền cho những gì có tính quả báo thời nay?
Cần nhắc lại, vào trung tuần tháng 3/2013, một đại biểu Quốc hội tên là Phan Xuân Dũng, cũng là người đóng vai trò phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã từng đề ra một “phát kiến”chưa có tiền lệ: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được Nhà nước hoàn trả”.
Theo tôi thì ngay cả thời kỳ cao điểm của hoạt động khiếu tố đông người trong những năm 2007-2008, cũng chưa từng có một cơ quan hay cá nhân quản lý nào ở Việt Nam nghĩ ra một sáng kiến mang dấu ấn thụt lùi đến mức như thế.
RFI : Nhìn lại chặng đường vừa qua thì theo anh cho đến nay, việc báo chí tham dự Quốc hội có tiến triển gì không ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Đây là một câu hỏi vừa khó mà cũng vừa dễ trả lời. Tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa đối sánh rất đặc trưng – kể theo báo chí trong nước. Vào tháng 5/2012, trong một phiên họp Quốc hội, vào giờ nghỉ giữa phiên họp, tại hành lang hội trường làm việc ; trong khi đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đang vui vẻ trả lời phỏng vấn một số phóng viên, thì một nhân viên an ninh tiến đến yêu cầu các phóng viên và ông Quyền dừng trao đổi, còn nếu muốn tiếp tục thì phải lên phòng làm việc tầng trên.
Hiện tượng ngắt ngang hoạt động tác nghiệp bình thường như vừa nêu không phải là cá biệt. Tất cả bắt nguồn từ “Thông cáo báo chí số 1” của Trung tâm Báo chí Quốc hội, phát đi ngày 21/05/2012, quy định : “1. Không phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại hành lang phía sau và hành lang hai bên hội trường (tầng 1); 2. Nếu phóng viên có yêu cầu phỏng vấn, mời lên tác nghiệp tại phòng phỏng vấn hoặc sảnh tầng 2”.
Sau khi cuộc phỏng vấn bị gián đoạn, ông Nguyễn Đình Quyền bày tỏ sự ngỡ ngàng với lệnh cấm này. Ông nói: “Khi nghỉ giải lao, đại biểu chúng tôi ra hành lang nói chuyện. Nếu phóng viên gặp, đặt câu hỏi mà thấy giải đáp được là trả lời. Như lần này, tôi hoàn toàn tự nguyện, thoải mái khi trả lời các câu hỏi, không hiểu sao lại bị nhắc nhở thế!”.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng bức xúc không kém: “Cấm như thế lại là hạn chế quyền tiếp xúc của những đại biểu như tôi”.
Cho nên không quá ngạc nhiên là có tờ báo Việt Nam đã rút tít “Được gặp gỡ, nhưng không được phỏng vấn”.
Cũng vào năm 2012, tôi nhớ là báo chí Việt Nam cũng đặt câu hỏi “Càng ngày càng siết?” với dẫn giải: Theo dõi mối quan hệ báo chí – Quốc hội những năm gần đây thì thấy dường như có những điều chỉnh nhất định.
Từ những quy định ngặt nghèo trước đây, sang khóa XI khi ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch Quốc hội, tại các kỳ họp ở hội trường Ba Đình, báo chí được tạo điều kiện tối đa gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn đại biểu Quốc hội vào giờ nghỉ giải lao giữa các phiên họp. Cũng ở nhiệm kỳ này, lần đầu tiên các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được mở cửa cho báo chí theo dõi, đưa tin.
Tại giờ nghỉ giữa các phiên họp Thường vụ Quốc hội hàng tháng này, phóng viên nghị trường được tiếp xúc, trò chuyện với những người dự họp ngay ngoài hành lang phòng họp.
Tuy nhiên, sang Quốc hội khóa XII, cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nguồn tin ở các phiên họp Thường vụ Quốc hội hàng tháng bị đóng lại. Phóng viên vẫn được theo dõi diễn biến phiên họp qua truyền hình dường như không được đến khu vực sảnh, nơi người dự họp nghỉ giải lao.
Tới khóa XIII, cánh cửa nghị trường hình như còn khép kín, hơn khi có những ý kiến đặt lại vấn đề nên hay không cho báo chí theo dõi phiên họp Thường vụ Quốc hội. Còn với kỳ họp Quốc hội mỗi năm, từ kỳ họp thứ hai lần trước đã bắt đầu xảy ra việc nhân viên bảo vệ nhắc nhở phóng viên không được phỏng vấn tại hành lang. Đến kỳ họp thứ ba này, qua hai ngày đầu, lệnh cấm ấy càng được thực hiện gắt gao hơn.
Cho nên chặng đường của báo chí tham dự Quốc hội vẫn còn khá là gian nan.
RFI : Có vẻ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang muốn thể hiện một thứ quyền lực riêng, trong khi ở các nước phương Tây không chỉ báo chí mà người dân bình thường cũng có thể tham dự các phiên họp của quốc hội ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi có cảm giác là như vậy, và tôi cũng cho là như vậy đáng buồn. Tôi có nghe những câu chuyện như ở Pháp người ta có thể cho mười người dân đầu tiên đăng ký tham dự công khai một phiên họp Quốc hội. Còn ở đây thậm chí là báo chí bị - dùng từ ở trong nước gọi là « cấm cửa », không được tham dự một số phiên nào đó, mà thật ra không có thông tin gì gọi là bí mật.
Báo chí trong nước đặt ra câu hỏi “Càng ngày càng siết”, thì điều đó lại giằng xé trong chính nghị trường được coi là “của dân, do dân và vì dân”.
Chúng ta hãy tự hỏi, Quốc hội vẫn thường yêu cầu Chính phủ và các bộ ngành phải minh bạch tình hình điều hành quản lý và các số liệu, nhưng vì sao Quốc hội lại không minh bạch việc bỏ phiếu tín nhiệm với dân chúng thông qua báo chí?
Chúng ta cũng tự hỏi rằng, việc cấm báo chí tham dự bỏ phiếu tín nhiệm là chủ trương của Văn phòng Quốc hội hay từ những người cao nhất trong Quốc hội?
Quốc hội là do dân cử, báo chí cũng là của dân. Không cho báo chí tham dự thì Quốc hội có còn là của dân hay không?
Không cho báo chí tham dự, Quốc hội trở nên độc đoán và mất dân chủ chính trong môi trường nghị trường. Vậy thì câu hỏi cuối cùng là : Quốc hội là của ai ???
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.
2 COMMENTS:
Không có gì đáng ngảc nhiên với thành phần tư bản đỏ, tham ô, nhũng lạm, bán nước ở VN.
Minh-Quân
Liberty Reserve bị buộc tội là tổ chức tín dụng của hoạt động rửa tiền
VRNs – Sài Gòn – EURONEWS Hôm thứ 3 tuần này ngày 28-05-2013, Ngành Tư Pháp Hoa Kỳ lý đã chính thức buộc tội tổ chức Liberty Reserve, một tổ chức thanh toán điện tử bị nghi ngờ rửa tiền.
Năm quan chức đã bị bắt giữ tuần trước tại Tây Ban Nha, Costa Rica và Hoa Kỳ. Hai người khác vẫn đang được tìm kiếm.
Theo Preet Bharara, là người đang thụ lý trường hợp này cho biết, "đó là một quá trình điều tra lớn nhất từng được thực hiện trong lĩnh vực rửa tiền." Trong bảy năm qua, Liberty Reserve đã thực hiện hợp thức hóa khoản tiền bất hợp pháp, tương đương với 6 tỷ USD.
"Liberty Reserve đã được thành lập đặc biệt cho sử dụng trong các hoạt động tội phạm, đảm bảo Preet Bharara. Đó là bản chất một ngân hàng của thị trường chợ đen."
Tổ chức này thực hiện các nghiệp vụ gửi và nhận tiền từ bất cứ ai, bất cứ nơi nào trên thế giới, không có quy định nào. Để trang trải cho các phi vụ của họ, người sử dụng dịch vụ thường thong qua các trang web của bên thứ ba để thực hiện chuyển tiền.
Các nhà điều tra nói "đây là một hình thức xoay vòng tài chính của những khoản tiền phi pháp." Liberty Reserve đã được sử dụng ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Nigeria, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các trang web đã có trụ sở tại Costa Rica.
Thông tin thêm về: bắt giữ, tiền tệ, Hoa Kỳ, Internet
Bản quyền © 2013 EuroNews
Chuyển ngữ: Anton Lê
Nguồn : http://www.euronews.com/2013/05/29/digital-currency-exchange-liberty-reserve-accused-of-massive-money-laundering/