mercredi 29 mai 2013

Mỹ quan tâm hơn về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam


Ngoại trưởng John Kerry họp báo công bố bản báo cáo về tự do tôn giáo trên thế giới 2012, tại bộ Ngoại giao Mỹ, Washington, 20/05/2013
Ngoại trưởng John Kerry họp báo công bố bản báo cáo về tự do tôn giáo trên thế giới 2012, tại bộ Ngoại giao Mỹ, Washington, 20/05/2013

Trong bản tổng kết thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới năm 2012 được bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 20/05/2013, Việt Nam được xem là “không có tiến bộ đáng kể“, vẫn còn những trường hợp sách nhiễu, chà đạp tự do tín ngưỡng kể cả bằng thủ tục hành chính.


Ông Vũ Quốc Dụng-Frankfurt
 
28/05/2013
 
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một vài tiến bộ như cho phép gia tăng hoạt động nhân đạo và cho đăng ký sinh hoạt một số hội thánh tin lành. Ông Vũ Quốc Dụng, nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền phân tích.
RFI : Bản báo cáo về tự do tôn giáo năm nay của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thay đổi gì với bản báo cáo của năm trước ?
Vũ Quốc Dụng : Bản báo cáo về tự do tôn giáo năm nay của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dùng ngôn ngữ phê phán mạnh hơn một chút và cụ thể hơn một chút so với bản báo cáo của năm ngoái. Thí dụ bản báo cáo năm ngoái nói chính quyền Việt Nam án binh bất động về chính sách và Hoa Kỳ nhận được vài báo cáo vi phạm.
Năm nay bản báo cáo nói chính quyền Việt Nam chẳng có thay đổi đáng kể nào và chính phủ Hoa Kỳ đã nhận được nhiều báo cáo về việc bắt giữ, giam cầm và kết án các tín đồ tôn giáo. Trong phần về khung luật, bản báo cáo được công bố hôm 20/05/2013 phân tích khá chính xác về việc gia tăng những thắt xiết trong Nghị Định số 92 về việc thi hành Pháp lệnh Tín Ngưỡng, Tôn giáo. Tuy nhiên bản báo cáo này đã tránh né một số vấn đề trầm trọng.
Nếu biết rằng tự do tôn giáo là một đề tài trọng tâm trong cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt năm 2011 thì kết quả trong năm 2012 đã rất khiêm nhường và hẳn đã dẫn đến việc hủy bỏ cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt vào cuối năm 2012. Nhưng phải chăng để che giấu sự bất lực mà bản báo cáo năm nay không có một chữ nào nhắc đến vụ án Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn ở Phú Yên ? Đây là vụ án tôn giáo lớn nhất trong 30 năm qua ở Việt Nam, với 22 tín đồ của tôn giáo này bị xử tổng cộng một án chung thân và trên 300 năm tù giam vì tội âm mưu lật đổ chính quyền. Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn là một tôn giáo mang nhiều nét đặc thù Việt Nam mà lịch sử của nó là tài liệu sống về chính sách đàn áp tôn giáo sau năm 1975 ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Bản báo cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng không nhắc đến những người Việt chạy sang nước khác xin tị nạn vì lý do tôn giáo. Đó là những người Thượng hay Hmong theo đạo Tin Lành và đặc biệt là người công giáo ở Cồn Dầu. Làn sóng tị nạn tiếp tục gây hệ lụy đến các quốc gia lân cận cũng như những quốc gia tiếp nhận cho họ định cư cho nên không thể không nhắc đến nó.
Nói chung, bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều thiếu sót trầm trọng nên chưa phản ánh được hiện thực tôn giáo tại Việt Nam.
RFI :  Uỷ Ban Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) nhận định thế nào về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam?
Vũ Quốc Dụng : Uỷ Ban Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) là một cơ quan của quốc hội Hoa Kỳ nên độc lập với bộ Ngoại giao thuộc hành pháp Hoa Kỳ. USCIRF hàng năm cũng đưa ra một bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo thế giới dựa trên những thông tin được họ thu thập riêng. Tôi thấy bản báo cáo của uỷ ban này tuy ra trước gần một tháng nhưng đầy đủ hơn bản báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ.
Như đã trình bày ở trên, bản báo cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bỏ sót nhiều vụ đàn áp tôn giáo mà ta có thể tìm thấy trong bản báo cáo của USCIRF, thí dụ như vụ Cồn Dầu hay Con Cuông của giáo hội Công giáo. Ngoài ra USCIRF liệt kê khá đầy đủ những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo của các giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành Cao Nguyên Trung phần, Tin Lành vùng Tây Bắc, Khmer Krom cũng như đưa ra một danh sách 34 tù nhân bị giam giữ vì lý do tôn giáo.
Đặc biệt USCIRF nêu lên vấn đề công an tôn giáo mang bí số A41 và hiện tượng "quần chúng tự phát“ hay người lạ mặt vây đánh các tín đồ ở khắp nơi. Đây là những điểm mà dư luận quốc tế cần chú ý hơn khi một chính quyền tìm cách ném đá dấu tay hay chối bỏ trách nhiệm bảo vệ nhân quyền của mình đối với người dân.
Nói chung tuy còn thiếu sót vụ Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn nhưng bản báo cáo của USCIRF khá đầy đủ và có những nhận xét tinh tế.
RFI : Đòi hỏi đưa Việt Nam vào danh sách CPC của USCIRF có hợp lý không ?
Hồi cuối tháng 4/2013, USCIRF yêu cầu bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC (Country of Partcular Concern). Uỷ Ban này cho rằng "chính quyền Việt Nam tiếp tục dùng các điều khoản về xâm phạm an ninh quốc gia để đàn áp các nhóm Phật giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài hoạt động độc lập với nhà nước. Việt Nam vẫn tiếp tục dùng các biện pháp phân biệt đối xử, bạo lực và bắt bỏ đạo để ngăn chặn sự phát triển của đạo Tin Lành và Công giáo trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số“. Do rất quan ngại về tình trạng này Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế đề nghị phải đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm CPC.
RFI : Theo ông có những vấn đề nào nổi cộm nhất trong tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong các năm qua ?
Chúng ta biết quyền tự do tôn giáo bao gồm 2 quyền. Đó là quyền tự do có đạo và quyền tự do thực hành đạo của mình. Quyền tự do có đạo là quyền căn bản nhất vì không có nó thì làm gì có quyền tự do cúng bái, giảng dạy, truyền đạo. Theo luật quốc tế thì quyền tự do có đạo là một quyền tuyệt đối và không thể bị giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trên thực tế quyền này là quyền tự do của mỗi con người và không ảnh hưởng đến ai, không làm hại ai.
Nhưng chính quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay không thực sự tôn trọng quyền tự do có đạo.
Quan điểm căn bản của họ là nghi ngờ các tôn giáo. Bằng chứng là các văn bản pháp luật luôn có điều khoản cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo. Trong cuộc sống, người có đạo bị đóng dấu, thí dụ bằng cách ghi tôn giáo vào hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Khi nghi ngờ một tôn giáo thì tất cả các tín đồ của tôn giáo ấy cũng bị vạ lây. Cho nên mới có chính sách bắt người Hmông hay người Thượng phải bỏ đạo. Ai không bỏ đạo thì bị dọa, bị đánh, bị giam, bị tịch thu tài sản, bị loại bỏ khỏi các chương trình trợ giúp an sinh xã hội hay bị làm khó dễ trong thủ tục hành chánh.
Hồi năm 2004 và 2005 Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC một phần vì chính sách dã man này. Đầu năm 2005, thủ tướng Phan Văn Khải ra chỉ thị cấm bắt tín đồ bỏ đạo nhưng thòng thêm vấn đề "tạo điều kiện cho tín đồ trở về đạo truyền thống“. Do đó chỉ thị này có làm nạn bắt bỏ đạo giảm đi nhưng đến nay vẫn không hết.
Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục cho mình cái quyền đánh giá đạo nào là tốt hay là xấu. Không đánh đập, đốt nhà thì bây giờ công an và chính quyền vẫn để cho "quần chúng tự phát“ xử lý những người mới theo đạo để bắt họ bỏ đạo. Theo tôi ngày nào Việt Nam còn tránh né công nhận quyền tự do có đạo là môt quyền tuyệt đối thì sẽ vẫn còn đàn áp tôn giáo. Trong thảo luận về Bản dự thảo Hiến pháp hiện nay ở Việt Nam rất tiếc tôi vẫn chưa thấy ai nhắc đến các nhân quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm và cần ghi chúng vào Hiến pháp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi