Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Ngay sau khi cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang được Nhà Trắng chính thức thông báo vào ngày 11/7, không khí bình luận trong nước và quốc tế bất chợt sôi động hẳn lên. Người ta nói về và đặt câu hỏi về sự vội vã đáng hoài nghi về chuyến đi của ông Sang.
Lần thứ hai trong năm nay, sau thông báo đột ngột về cuộc diện kiến ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, cuộc gặp ông Obama của ông Sang là một sự kiện có tính bất ngờ.
Trong bối cảnh đó, liệu có một nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đủ dũng khí để đứng ra tuyên bố sẽ ngả hẳn về phương Bắc hay sang phương Tây?Cuộc gặp ở Washington này lại chỉ diễn ra sau cuộc gặp tại Bắc Kinh, và sau khi nguyên thủ hai cường quốc của hành tinh đã có tiếp xúc ở California vào đầu tháng Sáu.
Hiện thời, chưa có ai trả lời được câu hỏi này. Nhưng nếu bạn là người Việt Nam và cảm nhận được vô số điều khó xử của giới chức lãnh đạo cao cấp ở đất nước đầy phức hợp này, có lẽ bạn sẽ không thể tìm thấy đáp số, ít ra trong ngắn hạn.
Phần đông dư luận vẫn nhìn nhận về cuộc gặp Sang – Obama như một cái gì đó có tính xã giao và có thể cả tính quảng bá – tuyên truyền cho một thế đứng chính trị trên trường quốc tế và có thể cả thế “đi dây” mang nội hàm chính thể lẫn lợi ích cá nhân.
Còn nếu nhìn từ hệ quy chiếu của Nhà Trắng, liệu có xảy đến một kịch bản tiêu cực cho cuộc hội kiến Obama – Sang?
Với những gì đã được “quy chiếu” bởi trục thương mại Mỹ - Trung với những móc xích khóa chặt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng hai chuyến diện kiến con thoi như được mặc định của người Việt Nam, gần như chắc chắn sẽ không có kịch bản xấu, bởi điều dễ hiểu là sẽ khó có một mâu thuẫn đủ lớn, ít ra trong ngắn hạn, có thể gây tác động không tốt đến chuyến đi Washington.
Cũng sẽ chẳng có một sự quay lưng hoàn toàn nào của Hoa Kỳ đối với những nguyện vọng và cả tham vọng của Việt Nam.
Những kịch bản lạc quan
"Sẽ chẳng có một sự quay lưng hoàn toàn nào của Hoa Kỳ đối với những nguyện vọng và cả tham vọng của Việt Nam"
Cuộc gặp Việt - Mỹ năm 2007
Vài ngày trước cuộc gặp giữa hai ông Obama – Sang, một nhóm nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã gửi thỉnh nguyện thư cho người chuẩn bị bước qua cửa Nhà Trắng.
Không thể nói khác hơn là tâm tư trong bản thỉnh nguyện thư trên, được khởi tả chủ yếu từ các nhân sĩ và trí thức trong nhóm “Kiến nghị 72”, vẫn nặng lòng với vận mệnh dân tộc và vẫn trông đợi, dù chỉ bằng một xác suất rất nhỏ, vào cơ hội “thoát Trung” từ chuyến đi Hoa Kỳ của ngài chủ tịch nước.
Một chuyên gia quốc tế còn nhận định có thể ông Trương Tấn Sang sẽ quyết định “trả một cái giá” để đổi lại sự ủng hộ của người Mỹ trong các vấn đề đối tác chiến lược toàn diện, an ninh khu vực biển Đông và cả những quyền lợi kinh tế liên quan đến Hiệp định TPP.
Một lần nữa, nhiều người lại kỳ vọng vào một sự thay đổi, sau cuộc gặp Nguyễn Minh Triết – George W. Bush cách đây sáu năm mà đã hầu như chẳng tạo ra một hiệu ứng đổi thay nào.
Tất nhiên, hy vọng vẫn là hy vọng, bởi đó là một trong số không nhiều thực tồn có thể tồn tại ở Việt Nam mà không bị đánh thuế.
Những người theo xu thế lạc quan đã vẽ ra một kịch bản tốt nhất có thể, với kết quả cuộc gặp Obama - Sang đi đến thống nhất ký kết những văn bản thỏa thuận ở cấp độ không thấp về sự hỗ trợ hải quân của Hoa Kỳ ở khu vực biển Đông, tiến trình rút ngắn thủ tục cho Việt Nam gia nhập TPP và có thể cả một văn bản hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia – điều mà giới ngoại giao Hà Nội luôn xem là một món quà hậu hĩ.
Có lẽ phần lớn con mắt lạc quan trên thuộc về giới chức Đảng và chính phủ.
Trong trường hợp kém khả quan hơn, những văn bản trên có thể chỉ mang tính khung cảnh mà không đề cập vào chi tiết. Đây cũng là trường hợp mà như người ta thường nói, tất cả cần phải có thời gian, mà thời gian lại phụ thuộc vào sự cố gắng của không chỉ một bên mà cả hai phía.
Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ có một chỗ giao thoa về quan điểm giữa “hai phía” khác: chính giới cầm quyền và một bộ phận giới quan sát độc và phản biện độc lập trong nước.
Nhưng bộ phận còn lại của giới phản biện độc lập trong nước, và có lẽ đa số trong giới quan sát quốc tế, lại không mấy kỳ vọng vào sự giải quyết rốt ráo những hiện tồn đang ám ảnh.
Bởi sau mọi mục đích, nội lực để đạt được mục đích lại phụ thuộc rất lớn vào lợi thế so sánh của nhà nước Việt Nam và bản lĩnh chính trị của chính khách Việt.
Vậy chính khách Việt đang có trong tay cái gì?
'Đường biểu diễn' nhân quyền
Một trong những hiện tồn nặng nề nhất ở Việt Nam là chủ đề “nhân quyền và dân chủ” mà người Mỹ chắc chắn sẽ đặt ra đối với nhà nước cựu thù vào lần gặp gỡ sắp diễn ra.
Quá khứ đã có thể dễ dàng gác lại, và càng có nhiều lý do để bỏ qua vào thời điểm “nhạy cảm” này, nhưng làm thế nào để những người Việt rời Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, và trên hết là những người bất đồng chính kiến đang hiện hữu tại Việt Nam, có thể chia sẻ với chính đảng cầm quyền về hệ lụy mà phương Tây luôn căn vặn: đàn áp nhân quyền?
Với những gì mà Hà Nội đã bộc lộ từ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào trung tuần tháng 4/2013 đến nay, điều rõ ràng là chưa có một biểu hiện lộ diện nào về khả năng cải thiện tình hình.
Thậm chí, đường biểu diễn quyền làm người ở Việt Nam còn được chia thành hai phân đoạn khá rõ rệt trong nửa đầu năm 2013: trước và sau tháng Tư năm nay.
Ở phân đoạn trước, giới quan sát quốc tế đã chứng kiến một sự kiện chưa có tiền lệ: chuyến làm việc của Tổ chức ân xá quốc tế tại Việt Nam, lần đầu tiên từ năm 1975, với việc các quan chức của tổ chức này còn được tiếp cận những “đối tượng” do họ đề nghị đích danh. Và có thể, ý nghĩa của lần viếng thăm này còn lớn lao hơn cả một ẩn ý nào đó của chuyến “hành hương” đến Vatican của nhân vật số một trong Đảng – ông Nguyễn Phú Trọng – vào đầu năm 2013.
Cùng trong phân đoạn biểu diễn nhân quyền trên, những kiến nghị chưa từng thấy của nhóm “72” về Hiến pháp và điều 4 độc đảng đã tạo nên một xung chấn đủ mạnh trong đời sống chính trị phi chính thức ở Việt Nam – một hiện tượng tâm lý xã hội được xem như không chỉ phản ánh ý thức đối lập của người dân mà còn dắt dây sang tâm trạng “suy thoái” của một bộ phận không quá nhỏ trong khối đảng viên và công chức nhà nước.
Chỉ có điều, sau phân đoạn sôi trào không khí phản biện như thế lại là một sóng xuống khá trầm lắng.
Ngay sau khi cuộc đàm phán nhân quyền Việt – Mỹ kết thúc tại Hà Nội, trưởng phái đoàn là Dan Baer đã không làm cách nào tiếp xúc được với những nhà hoạt động nhân quyền là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài. Cuộc gặp duy nhất mà Dan Baer đạt được chỉ là với linh mục Nguyễn Văn Lý trong nhà tù chế độ. Cha Lý lại là một con chiên nổi tiếng bất đắc dĩ với hình ảnh bị những người không mặc sắc phục bịt miệng tại tòa án.
Hình như Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng đối thoại về nhân quyền, dù một số quan chức đã hé mở tâm trạng riêng tư của họ với ngành ngoại giao Cộng đồng châu Âu “hãy cho chúng tôi thêm thời gian”.
"Nếu thời gian đã được chứng nghiệm ở Myanmar với những cam kết đã biến thành hiện thực của Tổng thống Thein Sein ... thì ở Việt Nam lại chưa hiện ra một tinh thần tự nguyện nào."
Song nếu thời gian đã được chứng nghiệm ở Myanmar với những cam kết đã biến thành hiện thực của Tổng thống Thein Sein bằng vào lệnh thả hàng trăm tù chính trị trong hai năm 2011, 2012 và sẽ thả hết trong năm 2013, thì ở Việt Nam lại chưa hiện ra một tinh thần tự nguyện nào.
Kịch bản chiếm ưu thế?
Từ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, làn sóng bắt bớ blogger lại trào lên. Bất kể vì lý do và động cơ gì, vì an ninh quốc gia hay một động lực riêng tư nào đó, việc bắt giữ ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy đã làm dấy lên mối nghi ngờ chưa bao giờ kết thúc của giới nhân quyền Mỹ và châu Âu về điều chưa bao giờ được xem là “thành tâm chính trị” của nhà cầm quyền Hà Nội.
Vậy làm sao có thể hy vọng vào một kịch bản tốt đẹp, hoặc tương đối tốt đẹp, trong cuộc gặp Obama - Sang vào lần này, khi nhân quyền và dân chủ lại là đối trọng mà người Mỹ đang đặt ra như một điều kiện cần?
Chỉ có thể nghĩ đến một kịch bản khá trung dung, thậm chí rất bình thường – kịch bản thứ tư – với xác suất xảy ra lớn nhất.
Tức sẽ không có một thỏa thuận nào gây ấn tượng, dù chỉ là thỏa thuận khung, về các vấn đề TPP, an ninh khu vực biển Đông và đối tác chiến lược toàn diện. Thay vào đó, sẽ chỉ là những lời hứa hẹn trên bàn ngoại giao – một loại quỹ ngôn từ không hề thiếu thốn nếu các nhà ngoại giao thấy chưa cần thiết phải làm đầy đặn hơn nữa.
Những nhà ngoại giao Hoa Kỳ lại không hề muốn bị dư luận dân chúng Mỹ và quốc tế đánh giá về một sai lầm tiếp nối của họ, nếu họ “buông” cho Hà Nội vượt vũ môn để tiếp cận một cách quá dễ dàng với những mục đích tự thân về kinh tế và danh vọng.
WTO 6 năm về trước và Hiệp định thương mại Việt – Mỹ cách đây đúng một “con giáp” là những bài học sần sùi khó nuốt của người Mỹ.
Nếu năm 2007 đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nguyên thủ nhà nước Bush – Triết, thì trước đó một năm, nước Mỹ cũng nhấc Việt Nam ra khỏi danh sách CPC về những quốc gia cần quan ngại đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo. Nhưng cũng kể từ thời gian đó, tình trạng nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại không có dấu hiệu khả quan hơn, nếu không muốn nói là bị đánh giá “thụt lùi sâu sắc”.
Hiển nhiên, bài học về nhân quyền khép kín không tương xứng với độ mở tối đa về kinh tế đã hằn sâu trong não trạng người Mỹ, cho tới giờ và cho cả những năm tháng trong tương lai.
Sự bất tương xứng như thế lại còn như được gia cố bởi mối quan hệ đang có chiều hướng bền vững giữa Bắc Kinh - một hậu duệ mao - ít vốn chẳng mấy quan tâm đến vấn đề quyền con người và mới đây còn bắt luôn cả một luật sư đang bào chữa cho thân chủ hoạt động nhân quyền mới bị bắt của mình - với Hà Nội.
Cái gì mang tính hệ thống luôn có thể dẫn đến chuỗi logic trong hành xử. Mối quan hệ “mười sáu chữ vàng” có thể đã hữu hảo đến mức mà người Mỹ không còn mơ hồ về việc nhà nước Việt Nam sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng của Trung Nam Hải về chính sách nội trị, đối với những gì và những ai không đồng nhất với ý thức hệ và quyền lợi chính trị của họ.
Lối tắt
Một hệ quả hầu như chắc chắn là cho dù không xảy ra kịch bản tiêu cực cho cuộc hội kiến Obama – Sang, nhưng không phải vì thế mà mọi điều khoản của TPP đều dễ dàng thuận thảo.
Nhận định gần đây của một quan chức châu Âu cho biết khác nhiều với mong muốn của Hà Nội, TPP sẽ không kết thúc lộ trình đàm phán nào vào tháng 10/2013, mà khả năng sớm nhất của hiệp định này là được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm sau. Còn nếu mọi việc thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tìm ra lối mở qua TPP sau hai năm nữa, tức vào năm 2015.
Khoảng cách từ đây đến năm 2015 có lẽ lại là quá lâu so với thế nôn nóng của những người đang muốn gỡ gạc nền kinh tế khỏi khủng hoảng.
Mà cũng chưa biết chừng, nền kinh tế ấy hoàn toàn có thể bị hoại thư toàn phần chỉ sau hai năm nữa.
Nhưng vẫn còn một lối mở khác - ngắn hơn, cũng là một lối tắt thu rút con đường hòa hợp và hòa giải quốc tế của giới lãnh đạo Việt Nam. Không còn nhiều lựa chọn, đó phải là một hoặc những biểu hiện của lòng thành tâm chính trị - điều đã được phương Tây ghi nhận ở Myanmar, đối với Thein Sein.
Không có thành tâm chính trị, người ta sẽ không đạt được bất kỳ một mục tiêu và kịch bản tốt đẹp nào, dù cho cá nhân.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo hiện sống ở TP HCM.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi