samedi 7 décembre 2013

'Bỏ Đảng là một cú sốc rất lớn'

BBC 
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng cần cảm thông
với những người đang 'lưỡng lự'
Bỏ Đảng đồng nghĩa với thừa nhận sai lầm hay tiếp tục ở lại, đang là một cuộc đấu tranh tư tưởng và nội tâm rất lớn trong nhiều gia đình của các Đảng viên, trong đó có 'gia đình tôi', theo chia sẻ của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, thành viên Mạng lưới những người viết blog Việt Nam.

Theo ông Lân Thắng, người sinh trưởng trong một gia đình trí thức có nhiều người gắn bó và đóng góp với Đảng Cộng sản ở Việt Nam, những người còn chưa thể công khai tuyên bố ly khai đảng cộng sản cần nhận được sự cảm thông của cộng đồng và xã hội.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 06/12/2013 từ Hà Nội nhân sự kiện một quan chức cao cấp của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, luật gia Lê Hiếu Đằng và Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, vừa ly khai Đảng, ông Lân Thắng nói:

"Tôi nghĩ rằng sự đấu tranh tâm lý để có một quyết định ra khỏi Đảng đó là một quyết định rất lớn," blogger này phân tích.

Ông Lân Thắng dẫn lại quan niệm của một quan chức trong ngạch giảng dạy và tuyên huấn quân sự của Đảng, Đại tá, Phó Giáo sư Trần Đăng Thanh, cho rằng các đảng viên cần trung thành với đảng vì lý do 'bảo vệ sổ hưu' như một lực cản.

Nhưng theo nhà hoạt động sinh năm 1975, còn có một lực cản rất lớn khác làm những ai đang cân nhắc bỏ Đảng phải tính tới.

"Theo như cách hiểu của ông Trần Đăng Thanh, cũng một phần tâm lý là bảo vệ sổ hưu, ông nói.

"Nhưng mà tôi nghĩ một phần sâu thẳm hơn ở sâu thẳm những người đảng viên kỳ cựu là họ rất khó vượt qua mình."

"Bởi vì cả cuộc đời của họ, họ hy sinh cho lý tưởng cộng sản, họ hy sinh thực sự cả sinh mạng của mình cho Đảng cộng sản."

Mặc cảm 'xấu hổ'

Theo ông Thắng, một hậu duệ của gia đình Nguyễn Lân, những Đảng viên này đang chịu một mặc cảm tâm lý 'xấu hổ' khi nhìn lại quá khứ hợp tác và phục vụ cho Đảng. 

Ông Thắng (trái) rút ra các nhận xét từ quan sát chính
gia đình ông và nhiều gia đình trí thức, đảng viên khác
Blogger nói thêm: "Thế nhưng bây giờ nếu họ tuyên bố một cách công khai, chính thức việc ra khỏi Đảng là một cú sốc rất lớn và thực sự là họ cũng rất là xấu hổi,

"Bởi vì họ phải thừa nhận những sai lầm của mình, vì vậy tôi nghĩ việc đánh giá người ta có dám tuyên bố ly khai ra khỏi Đảng một cách công khai hay không thì mình cần phải có một cái nhìn khách quan và nhân văn."

Theo ông Thắng cộng đồng và xã hội cần phải có sự 'thông cảm chứ không nên chỉ trích những người Đảng viên mà người ta chưa dám ra'.

Ông giải thích thêm về nguyên nhân tâm lý ở những trường hợp này:

"Bởi vì có những người ngoài chuyện cá nhân, họ còn vướng víu rất nhiều vào vấn đề con cái họ còn ở trong hệ thống nhà nước,

"Và cái việc bố mẹ mà làm thì họ rất sợ ảnh hưởng đến công việc của con cái."

Khi được hỏi căn cứ vào đâu mà blogger đi đến nhận định quan sát này, ông Thắng cho hay đây là trải nghiệm ngay chính từ những trăn trở bản thân và từ trong gia đình của ông.

Ông nói: "Tôi rút ra được điều đó từ quan sát từ chính gia đình tôi, cũng như là từ những gia đình xung quanh mà tôi biết, những gia đình trí thức, cũng như những gia đình có Đảng viên có cống hiến cho Cách mạng."

Ông Thắng sinh trưởng trong gia đình tộc họ 'Nguyễn Lân', với ông nội của ông là một giáo sư, học giả thuộc thế hệ 'tiền bối' trong lĩnh vực văn hóa, cổ học.

Ông có cha mẹ và nhiều người chú, bác, anh chị em họ hàng v.v... là các nhà khoa học có tiếng trong cả nước, có người là quan chức quan trọng, có người là Đại biểu Quốc hội.

Mâu thuẫn 'lý tưởng'

Ông giải thích với BBC về quyết định không lựa chọn con đường phục vụ Đảng và nhà nước như một số thành viên khác trong gia đình.

"Thực ra có thể con đường đi của tôi khác với những người ở trong gia đình, thế nhưng tôi không bao giờ có ý oán trách gì, bởi vì mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một sự lựa chọn cá nhân, và mình cũng phải thông cảm với điều đó."

Ông Nguyễn Lân Thắng sinh ra trong một gia đình có
nhiều người đỗ đạt và phục vụ cho Đảng và chính quyền
Nhà hoạt động vì nhân quyền nói khi đi theo con đường đã chọn, ông luôn sẵn sàng cho 'mọi điều có thể xảy ra'.

"Hiện tại tôi không nghĩ một điều gì quá hai tháng, bởi vì tình hình ở Việt Nam rất là bất ổn và mình vẫn chưa biết chắc được như thế nào," ông Thắng nói.

"Thế nhưng những công việc mà tôi làm nó cũng xuất phát từ tiếng gọi của lương tâm và tôi cứ làm thôi, còn sự bất trắc có thể đến với tôi bất kỳ lúc nào. Và tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón những điều xấu nhất có thể xảy ra."

Nhà hoạt động trên mạng xã hội cũng chia sẻ rằng sự khác biệt giữa ông và nhiều thành viên khác trong gia đình về chính kiến và sự nghiệp là một 'mâu thuẫn về mặt lý tưởng'.

"Tôi nghĩ đây không phải là một mâu thuẫn trực tiếp, mà đây là một mâu thuẫn về mặt lý tưởng, thực ra ở trong gia đình tôi, tất cả mọi người cũng vẫn rất tôn trọng tôi, những công việc mà tôi làm,

"Có thể có những người cũng không đồng ý đâu, nhưng họ không bao giờ có một chỉ trích trực tiếp những vấn đề của tôi."

'Tổn thất to lớn'

Nhận định với BBC hôm thứ Sáu về tác động của việc hai ông Lê Hiếu Đằng và Phạm Chí Dũng rời bỏ Đảng, ông Thắng nói.

"Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức,

"Đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa."

Blogger cũng tiên đoán về một phong trào ly khai Đảng ở Việt Nam có thể xảy ra trong thời gian tới đây:

"Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội."

'Chưa ai biết điều gì xảy ra ở phía trước với bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, tình hình sẽ còn thay đổi rất mạnh và rất nhiều. Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây," ông nhấn mạnh.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi