Viet Nam Huma Rights - Paris – 8/12/2013. Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 65 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2013 đã được long trọng tổ chức tại thành phố Paris vào chiều ngày chủ nhật, 8 tháng 12 năm 2013 do sự phối hợp giữa Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam với Hội Pháp Việt Tương Trợ và một số đoàn thể của người Việt tỵ nạn nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt Lễ Trao Giải năm nay có sự hỗ trợ của hai tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Phóng Viên Không Biên Giới và Luật Sư Không Biên Giới-Pháp.
Buổi lễ được long trọng tổ chức tại phòng trình diễn nghệ thuật Studio Raspail ngay trung tâm Paris. Trong số người tham dự, ngoài đồng hương và quan khách tại Paris và vùng phụ cận còn có những người đến từ các nước Mỹ, Canada, Bỉ, Đức… và những tỉnh thành xa của nước Pháp. Sau phần chào mừng quan khách của Ông Bùi Xuân Quang, Trưởng Ban Tổ Chức, là diễn văn của Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, TS Nguyễn Bá Tùng. Ông nhấn mạnh, “Trong ngày lịch sữ hôm nay, chúng ta hướng về các chiến sĩ nhân quyền đang ngày đêm dấn thân vào cuộc chiến đấu gian lao và dũng cảm để dành lại quyền làm người cho người dân Việt Nam, mà ba vị khôi nguyên Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay: Ls Lê Quốc Quân, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là những tấm gương tiêu biểu.”
Cao điểm của buổi lễ là phần tuyên dương và trao giải cho đại diện các khôi nguyên. Cô Ca Dao, một thành viên của Lao Động Việt thay mặt Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng nhận tấm plaque vinh danh từ tay TS Nguyễn Bá Tùng, sau lời tuyên dương do TS Nguyễn Văn Trần tuyên đọc. Ông Benjamin Ismaïl, Trưởng Ban vận động Á Châu của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh LS Lê Quốc Quân, Bà LS Nathalie Muller-Saraillier đại diện Luật Sư Không Biên Giới – Pháp Quốc thay mặt cho LS Lê Quốc Quân nhận giải từ tay GS Nguyễn Thanh Trang. BS Phạm Hữu Trác đọc bản vinh danh Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng; Ông Bùi Xuân Quang thay mặt BanTổ Chức trao giải cho Ông Trần Huỳnh Duy Thức qua tay hai người bạn chiến đấu của Ông là Ông Nguyễn Quốc Tuấn và cô Vương Quỳnh Như.
Những người tham dự đã chăm chú theo dõi phát biểu của gia đình các khôi nguyên năm nay được ghi âm trước: Ông Nguyễn Kim Hoàng là thân phụ của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Bà Nguyễn Thị Hiền là vợ của LS lê Quốc Quân, và Ông Trần Văn Huỳnh là thân phụ của Ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cả ba gia đình bày tỏ nỗi vui mừng khi sự hy sinh cho lý tưởng nhân quyền của người thân được đồng hương hải ngoại ghi nhận. Họ ước mong đồng hương và dư luận thế giới tiếp tục ủng hộ để toàn dân sớm hưởng được nhân quyền, tự do và dân chủ, và đăc biệt là công lý cho các khôi nguyên được phục hồi.
Một số quan khách được mời lên chia sẻ cảm tưởng, gồm có Cô Thu Sương - thay mặt Tuổi Trẻ Yêu Nước Hải Ngoại, GS Nguyễn Đăng Trúc – Chủ tịch Trung tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, và GS Đỗ Mạnh Tri - đại diện Nhóm Bạn Nguyễn Chí Thiện tại Paris. Đặc biệt trước đó, Ban Tổ Chức đã cho phát thanh lại bài phát biểu của Blogger Huỳnh Thục Vy trong tư cách đại diện cho Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức nhân quyền vừa mới hình thành ở trong nước tuần lễ trước. Sau khi ngõ lời chúc mừng các khôi nguyên Giải nhân Quyền Việt Nam 2013, cô đã tóm tắt lý do hình thành và mục tiêu tranh đấu cho quyền làm người, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam. Cô cũng kêu gọi sự hỗ trợ và cộng tác của đồng bào hải ngoại cho hoạt động của tổ chức non trẻ nhưng đầy tiềm năng nầy.
Ngày Quốc tế Nhân Quyền năm nay lại được tổ chức tiếp theo sau sự việc Việt Nam cộng sản được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyển LHQ, do đó MLNQVN đã cho phổ biến một Bản lên tiếng, do GS Nguyễn Thanh Trang tuyên đọc, đòi hỏi nhà nước cộng sản Việt Nam phải tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các công ước quốc tế về nhân quyền họ đã ký kết, chấm dứt ngay mọi hình thức khủng bố người dân, và hủy bỏ những luật lệ đi ngược lại Hiến Chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế (Bản Tuyên Bố đính kèm).
Chương trình buổi lễ trao Giải Nhân Quyền 2013 được phong phú thêm việc giới thiệu Giải Phóng Viên Vĩa Hè (Prix du Reporter de Rue) và việc trình chiếu 2 video clips đoạt Giải lần thứ 23. Sau cùng là phần văn nghệ đấu tranh rất đặc sắc do các bạn trẻ thuộc Hội Thanh Thiếu Niên Paris, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, và Tuổi Trẻ yêu Nước Hải Ngoại thực hiện.
Để tiếp tục chương trình làm việc nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2013, MLNQVN sẽ có buổi tiếp xúc với Phóng Viên Không Biên Giới và Luật Sư Không Biên Giới – Pháp vào ngày mai 9/12/2013 tại trụ sở của hai tổ chức nầy.
Trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, TS Nguyễn Bá Tùng trao Giải NQVN 2013 cho Cô Ca Dao (Lao Động Việt) thay mặt Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Ông Benjamin Ismaïl, Trưởng Ban vận động Á Châu của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh LS Lê Quốc Quân.
Bà LS Nathalie Muller-Saraillier đại diện Luật Sư Không Biên Giới – Pháp Quốc thay mặt cho LS Lê Quốc Quân nhận giải.
Ông Bùi Xuân Quang thay mặt BanTổ Chức trao giải cho Ông Trần Huỳnh Duy Thức qua tay hai người bạn chiến đấu của Ông là Ông Nguyễn Quốc Tuấn và cô Vương Quỳnh Như.
http://www.vietnamhumanrights.net
_____________________________________
Tuyên bố của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam với sự gia nhập của “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Viet Nam Huma Rights - Tin Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm 12 tháng 11 vừa qua đã gây sốc, sửng sốt thậm chí cả phẫn nộ trong dân chúng Việt Nam. Đó là bởi sự gia nhập của một quốc gia nổi tiếng vi phạm thô bạo nhân quyền, thay vì được xem là một tin mừng, đã làm cho uy thế của Hội Đồng đó xuống rất thấp, bởi lẽ ra cơ quan đó phải là một gương mẫu về vấn đề tôn trọng nhân quyền như được định nghĩa trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và hai Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị, cũng như về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, mà CHXHCN Việt Nam đã ký vào cam kết tuân thủ từ tháng 9 năm 1982.
Nhưng xét lại, việc CHXHCN Việt Nam được phép gia nhập Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng không hẳn đã là một vinh dự bởi có bốn ghế đại diện cho vùng Á Châu-Thái Bình Dương mà tất cả chỉ có bốn nước ra ứng cử. Như vậy thì việc CHXHCN Việt Nam được vào không có gì là lạ.
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nay đã trở thành một tổ chức chính trị trong đó quyền của đám đông đã đè bẹp nguyên tắc. Trong trường hợp này ta chỉ còn có thể đo được sự thực thi của một quốc gia qua những cam kết mà chính quốc gia đó, ở đây là Việt Nam đã đưa ra (14 cam kết cả thảy) khi gia nhập Hội Đồng. Ta cũng cần nhắc là để làm cho hình ảnh bớt thảm đạm về mặt này, chỉ ít ngày trước khi được gia nhập, Việt Nam đã phải ký vào Công Ước năm 1984 về chống Tra Tấn và các Hình Thức Xử Lý hoặc Trừng Phạt Ác Độc, Vô Nhân Đạo hay Mất Nhân Phẩm Khác (UNCAT).
Dựa lên ngay những cam kết của Việt Nam, CHXHCN Việt Nam phải tiến hành ngay lập tức và nghiêm chỉnh đến việc thực hiện tối thiểu những điều sau đây:
1. Triệt để tôn trọng các nhân quyền đã được ghi trong các Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền, đặc biệt là các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do tham gia các tổ chức xã hội dân sự và các nghiệp đoàn lao động độc lập;
2. Chấm dứt ngay mọi hành vi sách nhiễu, khủng bố, tra tấn, bắt giam các dân oan khiếu kiện, những người bất đồng chính kiến và những người tranh đấu bất bạo động đòi hỏi Nhân quyền, Dân chủ và Công bằng xã hội;
3. Duyệt xét và hủy bỏ trong thời gian ngắn nhất toàn bộ các luật lệ và nghị định cho phép nhà nước bắt giam và kết án tù dân chúng chỉ vì họ đã hành xử các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp một cách ôn hòa.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, có trụ sở đặt tại California, Hoa Kỳ, nhưng với những thành viên có mặt ở khắp Thế Giới Tự Do, khẩn thiết kêu gọi các chính phủ lớn trên thế giới cũng như dư luận toàn cầu hãy đòi hỏi Cộng Hòa XHCN Việt Nam phải tôn trọng những cam kết đã đưa ra và phán xét nó qua hành động chứ không thể chỉ dựa vào những lời hứa suông. Cùng với nhiều tổ chức khác lo về nhân quyền trên thế giới, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam nguyện sẽ theo dõi kỹ và sát tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hầu có thể báo động kịp thời với Liên Hiệp Quốc và các chính phủ lớn trên thế giới, cũng như dư luận toàn cầu, về tình trạng tồi tệ thường xảy ra tại quốc gia này.
Làm tại Paris Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2013
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi