Fairfax, VA, December 2,
2013. Cô Huỳnh Thục Vy là một cây
bút biên khảo xuất sắc,[1] đồng thời là một nhà hoạt động chính trị trẻ
can trường có nhiều ảnh hưởng tại Việt Nam và được quý mến tại hải ngoại. Cô là con gái của nhà văn bất đồng
chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn và thường sinh hoạt chung với giới trí thức trẻ dấn
thân cứu nước, trong đó có em trai là Huỳnh Trọng Hiếu. Cô thường phát biểu
lập trường văn hoá, chính trị, tôn giáo khác với quan điểm của chính quyền Việt
Nam, do đó cô và gia đình luôn luôn bị sách nhiễu và trừng phạt tại Tam Kỳ, Sài
Gòn, Hà Nội.
Ngày
25.11.2013, tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam được thành lập, với
sự tham gia của các phụ nữ trên khắp nước và cô Huỳnh Thục Vy là một trong 9 sáng
lập viên/vận động viên của Tổ chức.[2]
Việt
Thức [1]: Xin cô Huỳnh Thục Vy cho độc giả Việt Thức biết những lý do và
trong hoàn cảnh nào tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam được thành lập?
Huỳnh
Thục Vy:
Trước
tiên, xin cám ơn Việt Thức đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn quan trọng
này. Hiện nay, Việt Nam có Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, nhưng tổ chức
này không mang giá trị dân sự, không độc lập và vì thế không thể thực sự bảo vệ
quyền lợi của phụ nữ Việt Nam. Mục tiêu của tổ chức này là lừa mị dân chúng,
lôi kéo những phụ nữ có tham vọng vào làm việc trong tổ chức này để thay mặt
đảng giám sát các hoạt động có liên quan đến nữ giới trong xã hội. Nói chung,
Hội phụ nữ hiện đang tồn tại ở Việt Nam là cơ quan ngoại vi của Đảng cộng sản,
chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ quyền lợi chính trị của đảng cộng sản.
Quyền lợi của phụ nữ Việt Nam bị bỏ ngỏ. Nhu cầu khẩn thiết được đặt ra
là phải có một tổ chức xã hội dân sự được thành lập và hoạt động thiện nguyện,
phi chính trị nhằm bảo vệ phụ nữ Việt Nam trước những hành xử vi phạm Nhân
quyền của chính quyền. Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời vì lý do đó.
Việt Nam mới vừa trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, thế giới đang
ở trong “16 ngày hành động” nhằm loại bỏ Bạo lực nhắm vào phụ nữ, và các tổ
chức NGO quốc tế cũng như chính giới các quốc gia tự do hết sức quan tâm đến sự
thiếu vắng một tổ chức dân sự ở Việt Nam thực sự vì phụ nữ Việt Nam. Trong bối
cảnh đó, chúng tôi công bố sự ra đời của PNNQVN.
Việt
Thức [2]: Xin cô cho biết vắn tắt về [b] Tôn Chỉ của tổ chức Phụ nữ Nhân
quyền Việt Nam? [b] những ưu tiên khẩn thiết trong giai đoạn khai mở? và
[c] những dự phóng quan trọng, khả thi trong tương lai?
Huỳnh
Thục Vy:
Tôn
chỉ của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam là phi lợi nhuận, phi chính trị, độc
lập và chỉ làm việc liên quan đến Nhân quyền. Nhân quyền là điểm khởi đầu mà
cũng sẽ là sợi chỉ xuyên suốt, kết nối tất cả các hoạt động của chúng tôi.
Những
ưu tiên khẩn thiết trong giai đoạn khai mở này là kết nạp thêm thành viên, cả
quốc nội lẫn hải ngoại. Tôi hy vọng rằng Việt Thức sẽ giúp chúng tôi
truyền đạt nguyện vọng này của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nhắm vào các
phụ nữ hải ngoại quan tâm đến vấn đề nhân quyền trong nước. Chúng tôi tha thiết
kêu gọi sự giúp đỡ về ngoại giao cũng như tài chính của đồng bào hải ngoại và
sự tham gia làm thành viên của các chị em phụ nữ ở hải ngoại.
Mạng
xã hội và internet đã kết nối mọi người Việt yêu nước lại với nhau, nhiều nhóm
đã ra đời trên mạng ảo. Hoạt động giới thiệu của chúng tôi cũng nhờ thế giới ảo
này mà được quảng bá. Thế nhưng, chị em chúng tôi vẫn chú trọng vào những hành
động trong thế giới thật. Trong tương lai chúng tôi sẽ tổ chức nhiều buổi thảo
luận offline để phổ biến kiến thức Nhân quyền cho chị em phụ nữ, tổ chức
các buổi dã ngoại Nhân quyền hoặc đi phân phát các tài liệu và tin tức về Nhân
quyền cho những phụ nữ chưa có điều kiện tiếp cận, chúng tôi cũng gây quỹ để hỗ
trợ cho mẹ, vợ, con cái của những tù nhân lương tâm, đi viếng thăm các trường
hợp phụ nữ vị sách nhiễu đàn áp nói chung…Và chúng tôi nghĩ rằng, nếu có được
sự ủng hộ tài chính rộng rãi, đặc biệt từ đồng bào hải ngoại, để có một ngân
quỹ vừa đủ, chúng tôi sẽ thực hiện thành công các hoạt động này.
Việt
Thức [3]: Xin cô nói rõ [a] Tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam có phải
qua một thủ tục đăng ký, khảo sát gì trước khi sinh hoạt? [b] Liệu Tổ
chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam có liên hệ gì với Hội Liên hiệp phụ
nữ Việt Nam? [c] Hoặc Tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam có chịu ảnh
hưởng, chỉ thị gì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam? [d] Cô có nhận định gì
chung về “thực trạng” hay “vấn nạn” này?
Huỳnh
Thục Vy:
Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam là một mạng lưới nối kết các chị em phụ
nữ quan tâm và muốn dấn thân cho quyền lợi của phụ nữ Việt Nam. Với sự
hiểu biết của mình về quyền tự do lập hội, chúng tôi biết chúng tôi có quyền
ngồi lại với nhau trong một tổ chức xã hội dân sự như thế này bất chấp thái độ
của chính quyền Việt Nam. Chúng tôi biết dù chúng tôi đăng ký, chính quyền sẽ
không cấp giấy phép hoạt động nên chúng tôi chỉ thông báo cho họ biết một cách
gián tiếp qua các hoạt động public relations trên mạng internet. Quyền
tự do lập hội là quyền phổ quát mà Việt Nam đã có những cam kết quốc tế thực
hiện nó. Quyền này không phải là một đặc ân để chúng tôi phải tự tạo ra mối
quan hệ xin-cho với chính quyền. Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam không
có liên hệ gì với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, càng không chịu ảnh
hướng hoặc nhận chỉ thị từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xã hội dân sự là
xu hướng phát triển tất yếu để một đất nước được dân chủ hóa và để đảm bảo
quyền tự do của người dân. Hiện nay Việt Nam không thực sự có xã hội dân sự vì
các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoàn toàn nằm dưới ô dù của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và nhận lệnh từ đảng cộng sản VN. Người dân Việt Nam
khao khát tự do phải tự tìm cách hình thành những tổ chức xã hội dân sự thực sự
bảo vệ quyền và tự do của mình vào một thời điểm thích nào đó. Và chúng tôi
nghĩ thời điểm đó đã bắt đầu.
Việt
Thức [4]: Tại Việt Nam vào tháng 8/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã đề xuất việc
thành lập đảng Dân chủ Xã hội. [a] Cô nghĩ sao về hiện tượng “diễn biến”
này? [b] Liệu có thật, đây là một đảng đối lập chân chính, bằng cớ? hay
cũng chỉ là một “đảng đối lập cuội” như các tổ chức chính trị ngoại vi dưới cái
ô-dù phủ lớn [monolithic political umbrella] của đảng phiệt CSVN, theo
đúng tiêu chuẩn: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân (“có” hư danh) làm
chủ”?
Huỳnh
Thục Vy:
Dạ
thưa, việc đề xuất thành lập và việc đi vào hoạt động là một quãng đường rất
dài. Nếu không có nỗ lực thực tế, bản lĩnh chính trị và đạo đức, và sự ủng hộ
đủ lớn thì đoạn đường này còn dài hơn, thậm chí khó đến đích. Tôi có gặp nhiều
người trong nhóm 72, dù quan điểm chính trị của tôi và họ có khoảng cách đáng
kể, tôi thực sự cảm nhận nhiều người trong số họ thực sự có tấm lòng đối với
đất nước. Nhiều người chưa có đủ bản lĩnh để xé bỏ thẻ Đảng của mình và đó là
một trong những trở ngại rất lớn mà nhóm trí thức xuất thân cộng sản này phải
đối mặt. Riêng cá nhân tôi không ủng hộ lập trường chính trị kiểu “Dân chủ xã
hội” vì xu hướng chính trị của tôi là Dân chủ tự do đặt trên nền tảng chủ nghĩa
tự do, không phải chủ nghĩa xã hội. Chắc chắc đồng bào hải ngoại còn nhiều nghi
ngờ về những trí thức cộng sản này, điều đó là hữu lý, xuất phát từ những vấn
đề lịch sử. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng rất nhiều người trong số họ thật
lòng yêu nước.
Việt
Thức [5]: Gần đây Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (XHDS) được chính thức khai
trương vào ngày 23-9-2013. Với cao trào xã hội dân sự đang phát khởi đúng lúc
tại Việt Nam, liệu [a] tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam có ý định
“liên kết” với các tổ chức bạn hay không? Xin Cô xác định danh sách các tổ chức
XHDS hiện hữu trong thế “liên kết” đó, đồng thời cho biết [b] lý do phối hợp?
[c] ưu điểm kết sinh bổ túc? hay trở ngại vì lập trường khác biệt?
Huỳnh
Thục Vy:
Hiện
tại, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm sự liên kết với các NGO quốc tế, vì họ có đầy đủ
kinh nghiệm tổ chức và làm việc có thể chia sẻ với chúng tôi. Sự liên kết
với các hội đoàn mới thành lập trong nước là cần thiết nhưng điều đó tùy thuộc
vào mức độ khác biệt của tôn chỉ hành động. Tôn chỉ của chúng tôi là Nhân quyền
và phi đảng phái, chúng tôi không muốn liên kết với những tổ chức có màu sắc
chính trị. Diễn đàn xã hội dân sự có rất nhiều đảng viên Đảng cộng sản,
đó là một trong những trở ngại lớn cho việc liên kết.
Việt
Thức [6]: Song song với Tuyên Cáo Thành Lập Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam —
Vietnamese Women For Human Rights, quý Tổ chức có đính kèm hình ảnh những
cuộc gặp gỡ với bà Jenifer và hai đồng sự, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày
18/11/2013; với ông Felix, Đại sứ quán Đức; với Ông David Skowronski, DSQ
Australia; với Ông Jean-Philippe Gavois, DSQ Pháp; với các vị trong DSQ Thụy
Điển, v.v. — trong sự vắng mặt của đại diện ngoại giao Nga, Trung Âu, Trung
quốc, Bắc Hàn, Kampuchia, v.v. Phải chăng Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam muốn
[a] tỏ rõ lập trường nhân bản dân chủ tự do? [b] đồng thời vận động sự hưởng
ứng của cộng đồng thế giới tự do? [c] và từ kênh đại sứ quán trên, tìm cách
“liên kết” tương trợ với các tổ chức nhân quyền phi-chính-phủ [Non-Governmental
Organizations] liên hệ? [d] Ngoài ra, Cô có nghĩ người Việt tự do tại
hải ngoại có thế giúp được gì cho sự phát triển của tổ chức Phụ nữ Nhân
quyền Việt Nam — Vietnamese Women For Human Rights hay kh ông”?
Huỳnh
Thục Vy:
Chúng
tôi xác định rõ ràng rằng chỉ có những quốc gia có sự thực hành chính trị minh
bạch, tự do và tôn trọng Nhân quyền ở chính quốc gia họ thì họ mới hưởng ứng và
ủng hộ cho nỗ lực vận động Nhân quyền của chúng tôi. Chúng tôi còn dự định sẽ
vận động nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng
chúng tôi không hy vọng gì vào thiện chí của các quốc gia là hung thần của Nhân
quyền như Trung quốc, Bắc Hàn, Nga… Chúng tôi tìm cách liên hệ với các NGO quốc
tế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua các Đại sứ quán các quốc gia tự do,
đặc biệt chúng tôi muốn làm partner với các tổ chức bảo vệ phụ nữ trên khắp thế
giới. Đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại, chúng tôi nhận thức rằng nỗ lực của
chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự ủng hộ và trợ giúp của quý
vị. Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành của quý vị đặc
biệt là sự tham gia làm thành viên của các chị em hải ngoại.
Việt
Thức [7]: Với tư cách một người đấu tranh đòi dân chủ và sáng lập viên Phụ
nữ Nhân quyền Việt Nam, Cô nghĩ sao [a] về hiện tượng Việt Nam, ngày 12
tháng 11 năm 2013, được “thắng cử” vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc giữa
lúc những tai tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội vẫn tiếp tục leo thang?
[b] Đó là việc đáng mừng, hay đáng lo ngại?
Huỳnh
Thục Vy:
Việt
Nam được vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là một sự sỉ nhục cho một định
chế có mục tiêu bảo vệ nhân quyền. Ủy ban Nhân quyền LHQ từng thất bại và bị
mất niềm tin vì đã bầu cho Lybia dưới thời Gaddafi làm chủ tịch Ủy ban Nhân
quyền LHQ vào năm 2003. Đây là hai sự kiện tiêu biểu mà tôi xem là một cú vỗ
mặt đối với những người đang dấn thân và bị đàn áp vì nỗ lực bảo vệ Nhân quyền
của họ. Nhưng là một người hoạt động, với sự lạc quan bắt buộc phải có, tôi tạm
tin rằng Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ tự do không thể lập ra một thiết chế
mới, thay thế cho một thiết chế cũ đã thất bại, rồi lại dẫm lên vết xe đổ của
Ủy ban Nhân quyền. Hoa Kỳ, trong giai đoạn này, phải chứng tỏ cho thế giới biết
họ là người đàn anh về Quyền lực mềm trong nỗ lực thực sự về Nhân quyền trên
thế giới. Nếu không có quyền lực mềm là các giá trị tự do dân chủ nhân quyền
làm nền tảng, sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị chưa đủ để Hoa Kỳ lãnh đạo
thế giới.
Việt
Thức [8]: Với tư cách một nhà luật học, [a] Cô có đồng ý với Luật sư Trần Thanh
Hiệp khi ông cho rằng “Việt Nam không có hiến pháp mà chỉ có cương lĩnh của
đảng”? Theo Cô [b] tình trạng 486/488 Đại biểu Quốc hội Nhà nước Cộng sản
Việt Nam bỏ phiếu “ấn nút” chấp thuận [gần 100%] Hiến pháp sửa đổi vào ngày
28/11/2013 sẽ có hậu quả gì?
Huỳnh
Thục Vy:
Dạ
thưa, tôi không phải là một nhà luật học. Tôi chỉ được học cử nhân luật trong
một trường Đại học tệ nhất trong các trường ở Việt Nam. Đam mê của tôi cũng
không phải là luật pháp mà là Chính trị học [Political science]. Nhưng
với kiến thức trung bình của mình, tôi đồng ý với ý kiến của luật gia Trần
Thanh Hiệp, với những bằng chứng thực tế mà tất cả chúng ta đều biết. Đảng
cộng sản Việt Nam đã cho sửa đổi Hiến pháp để lặp lại gần như toàn bộ, trừ một
số điều còn phản động hơn Hiến pháp cũ. Điều đó cho thấy Đảng này vẫn ngoan cố
giữ chế độ độc tài và phụ thuộc hoàn toàn vào Trung cộng, bất chấp những biến
động quan trọng trên thế giới. Điều đó theo tôi, là chỉ dấu cho sự xuất hiện
một con hẻm cụt trước mặt đảng và chế độ cộng sản Việt Nam. Còn đối với người
dân Việt Nam, từ trước nay Hiến pháp chẳng có ý nghĩa gì và Hiến pháp mới này
cũng không nằm ngoài số phận đó.
Việt
Thức [9]: Với tư cách một người đấu tranh đòi dân chủ, Cô nghĩ sao [a] về Nghị
định 174/2013/NĐ-CP mới được ban hành, xử phạt nặng, từ 70 đến 100 triệu đồng,
các hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam và truyền bá tư tưởng phản
động? [b] Cô và gia đình có kinh nghiệm gì về cách “xử lý” trên của “nhà
nước” và công an CSVN?
Huỳnh
Thục Vy:
Nghị
định 174 chỉ là một bước làm cụ thể hơn về mặt pháp lý để tạo điều kiện thuận
lợi cho các hành xử tùy tiện của chính quyền Việt Nam. Thực tế thì trước khi có
Nghị định này, ba người trong gia đình tôi đã phải chịu đựng những hành xử thô
bạo, bất lương của chính quyền và an ninh cộng sản Việt Nam và nhiều tài sản
của chúng tôi đã mất vào tay họ mà không có hy vọng được trả lại. Có hay không
có Nghị định này cũng không có ý nghĩa gì lắm. Họ chỉ muốn hù dọa những người
chưa có kinh nghiệm. Bởi, chỉ cần chính quyền này muốn, họ có thể lôi ra ở ngóc
ngách nào đó một văn bản có thể chụp cho những người bất đồng chính kiến những
hình phạt nặng nề nhất, một cách thuận tiện nhất. Vấn đề ở chỗ, họ có đủ sức
mạnh để phạt, để bắt người hay không? Hay lại bắt tùy tiện để đến lúc phải đối
mặt với tình huống tiếp tục nhốt cũng không xong mà thả thì bị mất mặt, mất uy.
Việt
Thức [10]: Trong trường hợp Cô hay tổ chức “Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam” bị công
an sách nhiễu đàn áp, hoặc bị cán bộ tuyên truyền nội tuyến [agit prop]
bôi nhọ, xúi giục ly gián, Cô có biện pháp bảo toàn thanh danh mình và uy tín
của tổ chức không? Cô đã gặp trường hợp điển hình nào chưa?
Huỳnh
Thục Vy:
Hiện
tại chúng tôi chưa gặp phải sự sách nhiễu nào từ chính quyền. Nhưng chị em
chúng tôi sẵn sàng đối mặt với tình huống đó. Chúng tôi không e ngại sự bôi nhọ
thanh danh hay ly gián. Điều quan trọng là chị em chúng tôi phải đoàn kết trên
tinh thần tôn trọng sự khác biệt, có đủ bản lĩnh để đối phó với khó khăn, và
đặc biệt là minh bạch trong vấn đề tài chính. Nếu làm được như vậy chúng tôi
không tin là an ninh cộng sản có cơ hội để làm ảnh hưởng đến thanh danh của Phụ
nữ Nhân quyền Việt Nam. Nội lực luôn quan trọng nhất trong mọi tổ chức xã
hội dân sự.
Việt
Thức: Chúng tôi cảm ơn Cô Huỳnh Thục Vy đã trả lời một cách ngay thẳng, chính
xác về nội vụ và những vấn đề liên quan tới tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt
Nam. Chúng tôi mong rằng Cô và tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam sẽ
không bỏ lỡ cơ hội chứng minh khả năng, bản lĩnh và uy tín trong sứ mạng góp
phần xây dựng, khai triển và bảo trọng một xã hội dân sự chân chính, nhân bản,
phục vụ quyền lợi và phẩm giá của người dân tại Việt Nam, hôm nay và ngày mai.
Trân
trọng,
TS
& LS Lưu Nguyễn Đạt
Chủ nhiệm Cơ Sở Việt Thức
Chủ nhiệm Cơ Sở Việt Thức
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi