jeudi 16 août 2012

80% ?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Như để trả lời cho cái “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” – Tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904 mà Việt Nam mới trưng ra, trong đó chứng minh rất cụ thể nhà Thanh thừa nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà không có Hoàng, Trường sa của Việt Nam, làm “xao xuyến” khá nhiều cư dân mạng Trung Quốc, thì ngày 13/8 một giới chức Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố: “Trung Quốc không đòi toàn bộ mà chỉ 80% diện tích Biển Đông thôi”!? 
Ngô Sỹ Tồn với những phát biểu ngông cuồng, xấc xược và vô giá trị về Biển Đông 
“Đảng ta” ơi! Bạn vàng TQ cụ thể hóa cái “lưỡi bò chín khúc” trên Biển Đông diện tích chỉ có 80% nghe rõ chưa? Có nghĩa nước ta cũng còn chút đỉnh biển để bơi chơi – (sao quốc vụ viện TQ không giơ tay, thuận một phát, trương cờ Trung Quốc có 6 sao lên, để bất cứ nơi nào ở Việt Nam, nước có vị mặn mặn một chút cũng thuộc TQ luôn, nâng lên con số cho đẹp là 90%)!?. 
Lời phát ngôn ngông cuồng, trịch thượng mới nhất của Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải - cơ quan nghiên cứu Biển Đông do Bắc Kinh lập ra và như để tăng thêm trọng lượng cho lời nói đó, Ngô Sỹ Tồn còn ngang nhiên tiếp tục: “không một hành động nào của Trung Quốc là không đúng lúc”. Nguyên văn của Tân Hoa Xã, hôm 13/8 đăng lại từ The New York Times phỏng vấn Ngô Sỹ Tồn (giaoduc.net.vn). 
Không biết “đảng ta” lỗ tai có bị rách màng nhĩ hay không, thay vì đọng lại trong não trạng để tìm đối sách ứng phó thì nó trôi đi như “gió vào nhà trống”? cứ mãi vẫn thủy chung lập đi lập lại như phường hát nhép một điệp khúc đàm phán “song phương” trong tranh chấp Biển Đông với tập đoàn lãnh đạo CSTQ cực đoan không hề thay đổi tham vọng bành trướng? Mới đây nhất (15/8) Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc về “ngoại giao chia rẽ” tại Biển Đông – “Trung Quốc không nên sử dụng các cuộc đàm phán song phương nhằm cố tình chia rẽ và kiểm soát các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cảnh báo như vậy sau một chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới 2 trong số các nước cùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông là Malaysia và Brunei”. Với ý đồ chia để bẻ gãy từng chiếc một trong bó đũa Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. (Dân trí) 15/8. 
TQ luôn muốn thực hiện tham vọng bá quyền, khi nào có thể, như “gen” di truyền, dù không xa lắm với quá khứ, 2/3 thế kỷ trước (1937), chính Trung Hoa lục địa cũng đã từng là nạn nhân bị giày xéo, cấu xé, bởi các cường quốc xâm lược trong đó nặng nề nhất do phát xít Nhật gây ra. Nhờ Mỹ (Mặt trận Đông Nam Á - Thái Bình Dương) và Liên xô (vượt biên giới vào lục địa Trung Hoa) đánh bại phát xít Nhật CSTQ mới lấy lại nền độc lập cho TQ. Di lụy từ xâm lược còn chưa kịp phai nhòa thì hôm nay sau hơn nữa thế kỷ đẫm máu nước mắt trong nghèo đói dưới chế độ CS/XHCN, Trung Quốc đành phải che mặt ví von méo mó “Mèo đen hay trắng không quan trọng, miễn sao bắt được chuột” (Đặng tiểu Bình) trải thảm đỏ mời tư bản tràn vào bán sức lao động rẻ mạt của hơn một tỷ lao động dân mình thì TQ mới có “của ăn, của để”. 
Nhưng khi Đại Hán đã no nê rồi sinh ấm cật lại rậm rật tính ngay chuyện bành trướng xâm lăng mở rộng ảnh hưởng, trước tiên là các hải đảo, vùng Biển xung quanh mình. Theo tờ New York Times, trong vài tuần qua Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên biển Đông bằng cách gửi các tàu tuần tra lớn hơn và liên tục cảnh báo Mỹ ngừng hỗ trợ các nước châu Á chống lại Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng những động thái này nhằm để Bắc Kinh phô diễn quyền lực của một cường quốc khu vực với thủ đoạn “chính trị, tàu chiến” thị uy gây hấn đe dọa. 
Hướng biển Đông nam giáp Nhật Bản cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Đại Hán. Giống hệt như Hoàng Sa của Việt Nam, đảo Senkaku Nhật Bản chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nhật ngày 14 tháng 1 năm 1895. Hằng thế kỷ không ai tranh chấp, Nhật xây dựng một nhà máy chế biến cá ngừ tại quần đảo này với 200 công nhân. Nhưng vài năm gần đây sau khi cướp được Hoàng Sa của VN thì TQ và cả Đài Loan đều lên tiếng đòi tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Thời gian gần đây cũng giống như chiến thuật trên biển Đông, Trung Quốc có lúc điều tới 3 tàu hải giám lượn lờ quanh khu vực đảo này buộc Tokyo đã phản ứng cứng rắn.
(Tàu tuần tiểu Nhật xua đuổi 3 tàu TQ) 
Ngày 13-8, báo Sankei cho biết tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản Shigeru Iwasaki đã hạ lệnh cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhanh chóng lên kế hoạch tác chiến chi tiết nhằm đối phó với Trung Quốc. Ông Iwasaki cảnh báo sẽ có ngày Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Senkaku. Do đó Nhật Bản cần điều tàu, khí tài cùng lực lượng đến đây ngay để ứng phó (tuoitre.online -14/8). Trước đó Thủ tướng Nhật Noda cho biết cả Hải quân và Không quân đều được nhận lệnh ngăn chặn bất kỳ hoạt động trái phép nào trên vùng biển Hoa Đông. Một tờ báo ở Tokyo, tờ Sankei Shimbun, cho biết lực lượng thủy đánh bộ Nhật sẽ được phái tới quần đảo nếu lực lượng phòng vệ bờ biển không đối phó được vấn đề. 
Xứ người là vậy, quay về biển nhà, bên kia bờ Đông, trước áp lực của Trung Quốc, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino phát biểu trước quốc dân và Quốc Hội (Dân trí-23/07/2012) đã kêu gọi toàn thể người dân Philippines đoàn kết để gửi một thông điệp tới Trung Quốc về cuộc tranh chấp lãnh thổ, khẳng định rằng đất nước ông sẽ không lùi bước trước người láng giềng khổng lồ. Ngoài việc khẩn trương trang bị nâng cấp quân đội phòng vệ tầm “gần” lên tầm “xa” của lãnh hải ông còn động viên nhân dân mình trước Quốc Hội và báo chí: 
“Không có gì là không thể nếu người dân Philippines nhận thấy rằng họ là người chủ duy nhất của chính phủ, họ sẽ dẫn dắt và lãnh đạo đất nước đến những thay đổi quan trọng” 
Ông Aquino nhấn mạnh đó là bài học mà ông đã học được sau 25 tháng nắm quyền.“Nếu ai đó bước vào sân nhà của các bạn và nói rằng anh ta sở hữu nó, liệu các bạn có đồng ý không? Liệu có phải là đúng đắn khi chúng ta từ bỏ cái thuộc về chúng ta một cách hợp pháp?” (tuoitre-online). 
Liệu đồng bào nhân dân Việt Nam chúng ta có bao giờ nghe được lời trần tình thật thà với tinh thần trách nhiệm đầy dân tộc tính, tôn trọng nhân dân tuyệt đối trong vị trí nguyên thủ quốc gia như thế này từ các người CSVN tự cho là lãnh đạo đất nước trước vấn nạn biển Đông? 
Thay vì như Tổng thống Philippines trước hiểm họa xâm phạm chủ quyền quốc gia từ Trung Quốc, động viên đoàn kết dân tộc hâm nóng bầu nhiệt huyết yêu nước của toàn dân chuẩn bị tư thế đối đầu phòng vệ dù biết rằng không cân sức thì lãnh đạo Việt Nam hành xử ngược lại. 
Trung Quốc đã xây dựng một doanh trại cấp sư đoàn trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa chiếm đoạt của Việt nam, làm quân tiền phương cho căn cứ hải quân và tàu ngầm của Hải Nam phía sau, với lữ đoàn tên lữa 827 mới thành lập tại Quảng Đông trang bị tên lữa Đông Phong 21D - diệt hạm tầm xa 3000km và ĐP 16 tầm 1200km, cùng hàng trăm tàu hải giám ngư chính có vũ trang. Những hành động này không còn tính cách răn đe mà đang là trực tiếp muốn dùng sức mạnh khống chế biển đông trước các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền. 
Nhưng lạ lùng “nhà nước, đảng CSVN” đối phó bằng cách ru ngủ nhân dân mình với hội nghị “Toàn quốc nhớ ơn Trung Quốc” còn lực vũ trang thì như bị cho uống thuốc “an thần” cũng với hội nghị “Quân Đội NDVN thắm tình hữu nghị nhớ ơn quân đội Trung Quốc” . Và hệ thống tuyên truyền cũng vậy. Thay vì xuất bản những tuyển tập nhắc lại những chiến tích oai hùng của cha ông vua Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán và Hưng Đạo Vương đại thắng quân Nguyên Mông bằng thủy chiến trên Bạch Đằng Giang hâm nóng nhiệt huyết và lòng tự tin của dân tộc thì lại xuất bản và quảng cáo ồn ào một “tác phẩm” gọi là “một thời hoa lữa”, một trận chiến thảm bại của CS miền Bắc “thí chốt” hàng chục ngàn sinh mạng con em nhân dân một cách tàn bạo để mong chiếm tỉnh Quảng Trị và Cổ Thành cho cái gọi là Chính Phủ / MTGPMN làm bản doanh để phục vụ mục đích tuyên truyền trong hội đàm Paris, nhưng sau 81 ngày đêm cố thủ thảm bại hoàn toàn. Hệ thống tuyên truyền của đảng lại còn khoa trương một cách lố bịch hơn nữa để mờ mắt dư luận trong một tuyển tập chỉ đáng gọi là tư liệu lịch sử biển của VN thì lại “nâng cấp” rùm beng là “Việt Nam dấu ấn biển Đông” – Dấu ấn nào? chỉ có máu và nước mắt quân, dân hai miền đã hòa vào biển xanh vì quân xâm lược Trung Quốc mà biển đảo trong tay giặc chưa biết cách nào thu hồi lấy lại? Đó là dấu ấn ư! hay là dấu ấn của sự im lặng như đồng tình với việc “Mao Trạch Đông” ra lệnh tấn công đánh chiếm Hoàng Sa 1974 trong tay QL/VNCH mà tư liệu dưới đây cho thấy: 
Ảnh chụp màn hình bài báo "Quyết định đánh trận cuối cùng trong đời Mao Trạch Đông: Đồng ý đánh Hoàng Sa" Tân Hoa Xã xuất bản ngày 6/8 vừa qua dẫn nguồn Nhật báo Tế Nam. Hình ảnh phía dưới là Đặng Tiểu Bình (bên phải) chỉ huy tác chiến đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974…”
Hay dấu ấn của Hội Nghị Thành Đô 1990 Sau khi Cộng sản quốc tế sụp đổ CSVN phải hy sinh quyền lợi biên cương đất đai biển đảo gia tài của cha ông để được CSTQ bảo trợ cho sự sống còn, nếu không sao không công bố cho toàn dân đồng bào biết, lại dấu như “mèo dấu kít” suốt hơn 20 năm rồi?? Để hôm nay phải phủ phục như kẻ bị chiếu bí trên bàn cờ trung Quốc mà “hạ thủ thì bất quờn” theo luật của Đại Hán?? 
Nhân sự đảng CSTQ và CSVN tham dự hội nghị thỏa hiệp Thành Đô 1990 
Bây giờ, chắc đa phần đồng bào chúng ta sẽ có cùng một quan niệm, gì thì gì, nhưng 1% cũng là điều không thể, bởi đất nước Việt Nam không phải là riêng của một nhóm người CS, mọi điều khoản liên quan đến nền độc lập cương thổ quốc gia và quyền lợi dân tộc mà không thông qua trưng cầu ý dân hay quốc hội dân chủ đều không có giá trị về công pháp, hơn nữa không có một văn bản nào cho đến hiện nay chứng minh rằng nhân dân Việt Nam chuẩn thuận cho đảng CSVN lãnh đạo dân tộc, đó chỉ là sự lạm dụng trơ tráo của độc tài cộng sản tự đưa vào trong điều 4 Hiến Pháp mà thôi. 
Ngẫm thế sự quá khứ và hiện nay mới chua xót để thấy rằng đảng CSVN đã đẩy cả Dân Tộc vào ngang trái, oan khiên, bất hạnh, trầm luân từ hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương này đến nghịch cảnh bất trắc đầy cam go máu xương khác, nối tiếp nhau mà đến nay vẫn chưa có điểm dừng đang hứa hẹn máu đổ xương rơi với kẻ thù phương Bắc nhưng hiện nay lại đang là bầu bạn đồng chí với “đảng ta”.  Thế giới cận đại hiếm có quốc gia nào bị đưa đẩy vào một bi kịch nghịch lý dai dẳng như VN hiện nay do cộng sản gây ra. Tại sao không như là Đông Tây Đức? Không như là Nam Bắc Triều Tiên hay xa hơn cao thượng nhân ái như nội chiến Nam Bắc Mỹ? tất cả đều do một tập đoàn độc tài cuồng tín và tham quyền cố vị đặt lợi ích cá nhân đảng phái lên trên quyền lợi dân tộc. 
Ngày hôm nay “nhà nước và đảng CS ta” đang nhận lại cái sự ngang ngược, bất chấp công lý lẽ phải từ Trung Quốc để ngang nhiên xâm lược y hệt như ngày trước mà họ, CSVN, đã xử sự áp dụng với Chính Phủ VNCH miền Nam trước kia. 
Bất hạnh mỉa mai thay chính họ – CSVN – đã cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội bằng vàng, tận dụng máu xương người Việt Nam đẩy quân đội Mỹ một trong những thế lực duy nhất mà TQ không thể đương đầu ra khỏi Việt Nam cho biển Đông không còn ai đủ sức canh giữ để TQ rảnh tay bành trướng bá quyền cướp đất cướp biển đảo của chính họ. Thử nghiệm suy trên thế giới có thứ lãnh đạo quốc gia nào “dại hơn”? Vậy mà vẫn cứ “Đại hội toàn quốc nhớ ơn Trung Quốc”. Thật lòng là nhân dân Việt Nam không thể hiểu nổi! 
Đất nước dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay tựa lưng vào rừng núi, đồng bằng tìm chén cơm, vượt sóng ngàn ra biển Đông tìm con cá, ngư trường truyền thống đang nằm trong âm mưu chiếm đoạt từ Trung Quốc kẻ thù truyền kiếp. Vì sự sống còn, chiến tranh là khó tránh khỏi, nhưng nhiều người tự hỏi khi chiến cuộc nổ ra không biết thanh niên nam nữ Việt Nam có chịu cầm súng hay cùng nhau trốn lệnh “động viên” chạy trốn qua Campuchia, Thái Lan, Miến Điện hoặc vượt biển qua Philippines như năm 1975? Tất cả họ không muốn bị CSVN lừa bịp như cha ông họ trước đó! Dù vẫn nặng lòng yêu nước nhưng thà phản bội quê hương trong nhất thời chứ chắc không muốn chết cho chế độ CSVN. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi