Mai Thanh Hải -
Câu chuyện 1 Chuyên viên Văn phòng Quốc hội (VPQH) sinh năm 1984, mới
28 tuổi nhưng đã là khách VIP của CLB Sân Golf Đại Lải (Vĩnh Phúc) từ
gần 3 năm nay khiến mọi người ngỡ ngàng.
Mà không ngỡ ngàng mới lạ, bởi mức lương Chuyên viên Vụ Đối ngoại, VPQH,
có tích cóp cả đời, không ăn không uống… cũng không thể bước qua cổng
Sân Golf Đại Lải được.
Tuy nhiên, khi đã vượt qua cái ngưỡng “ngỡ ngàng” này, người ta sẽ chẳng
ngỡ ngàng khi nghe chuyện cậu “Chuyên viên VPQH” thành thạo môn thể
thao quý tộc, nhiều tiền từ hồi còn 25 tuổi (mới tốt nghiệp Đại học)
thản nhiên đánh người phục vụ mình dã man, tàn bạo giữa ban ngày ban
mặt, ngay trên sân cỏ toàn những gương mặt đại gia – quan chức chỉ vì
phút nổi cáu vô cớ và người bị đánh lại là đàn bà con gái – đã phục vụ
cậu ta gần 3 năm nay, khiến phải vào Bệnh viện cấp cứu.
Sự
việc xảy ra vào chiều 12/8/2012, chị Phạm Thị Tuyết (25 tuổi, nhân viên
Câu lạc bộ golf Star Đại Lải, Vĩnh Phúc là nữ caddy – xách đồ, nhặt
bóng, kéo bao gậy, phục vụ khách chơi golf) được phân công phục vụ anh
Trần Hải Lê (khách của CLB đã gần 3 năm nay).
Khi anh Lê đánh lỗ golf thứ 16 (sân 18 lỗ), chị Tuyết phát hiện trong
khoảng cách 200m có một số người chưa đi ra khỏi vùng an toàn, nên nói
chưa được đánh. Song anh Lê vẫn phát bóng và cú đánh bị hỏng.
Nữ caddy Tuyết cho biết: Ngay sau đó vị khách trẻ tuổi nổi xung, lao
tới đạp vào đùi chị khiến ngã xuống vệ hồ nước gần đó, ngất tại chỗ.
Đồng nghiệp đưa chị đi cấp cứu với chấn thương phần mềm đùi phải, tức
ngực, không thể tự đi lại.
Tại Công an xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, vị khách khai tên là Trần
Hải Lê, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chuyên viên VPQH. Anh Lê
thừa nhận “do bực tức nhất thời vì nhóm chơi trước đi chậm, và do cãi
nhau với caddy Tuyết nên đã đá caddy gây thương tích”…
Một “bí mật” mới được phát hiện, là hôm ấy không chỉ có Chuyên viên VPQH
Trần Hải Lê mướt mải lên Đại Lải chơi golf mà còn nhiều Cán bộ – chuyên
viên khác của VPQH cũng tham gia.
Điều này được thể hiện ở chi tiết: “Một cán bộ VPQH, người cùng anh Lê
đi đánh golf hôm đó cũng xác nhận vụ việc với cơ quan Công an” và dĩ
nhiên cũng khẳng định: Việc chuyên viên VPQH đánh người diễn ra trước
mắt những Cán bộ – chuyên viên VPQH khác “cùng hội cùng thuyền” với Trần
Hải Lê 28 mùa xuân “tuổi trẻ tài cao” và những người này đều thản
nhiên, không có phản ứng, mặc kệ đồng nghiệp của chị Tuyết đưa nạn nhân
đi cấp cứu…
Nói đến đây, không thể không định nghĩa lại: “VPQH là cơ quan giúp
việc của QH, có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức
phục vụ mọi hoạt động của QH, Uỷ ban thường vụ QH, Chủ tịch QH, các Phó
Chủ tịch QH, của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của QH” và cao hơn: “QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để đặt câu hỏi: Những Cán bộ – chuyên viên VPQH có mặt ở sân Golf Đại Lải chiều 12/8 là ai?..
Đem Bảng lương của cả Cán bộ và Chuyên viên VPQH ra so sánh, hết thảy
mọi người đều thở dài bởi quả thật, mức lương chính của những “công bộc
của dân” này quá ít ỏi, nghèo nàn và phải co kéo lắm, mới đủ sống.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở VPQH, mà còn đối với Cán bộ – chuyên
viên của 3 Văn phòng còn lại: Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch
nước và Văn phòng Chính phủ?..
Thế nhưng cũng có một thực trạng không thể phủ nhận: Đã có Cán bộ –
chuyên viên – công nhân viên nào của 4 Văn phòng này rơi vào tình cảnh
đói nghèo, thiếu thốn, phải trợ cấp chưa?. Hay là đi qua 2 Văn phòng
được xem là “kém nhất về độ… oách” là Văn phòng Quốc hội (nằm trên đường
Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội) và Văn phòng Chính phủ (nằm trên đường
Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội), người ta thấy cơ man là xe hơi đời
mới, chen chúc đỗ chật vỉa hè, lòng đường…
Với đồng lương như thế, người ta dành dụm mua xe hơi đi làm đã khó, lại
còn hàng tuần đi chơi Golf ở cách xa Hà Nội vài chục km, với 1 giờ chơi
bằng vài tháng lương, liệu có nên đặt câu hỏi về mức thu nhập của những
“công bộc của công bộc”, thường ngồi ở đầu đường Hùng Vương?..
Lâu nay, ở các cơ quan đầu ngành Trung ương, đều ngầm hiểu quy luật:
“Cha truyền, con nối”: Bố mẹ nghỉ hưu, con thay vào. Quy luật này tạo ra
một đội ngũ Cán bộ – Chuyên viên, được đánh giá “vừa hồng vừa chuyên”,
đội ngũ kế cận – thay thế các vị trí trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng: Bên cạnh việc thay tên bố
mẹ trong bảng lương, các Chuyên viên trẻ này còn “tiếp quản” các mối
quan hệ của bố mẹ, thậm chí còn phát huy triệt để hơn và dần trở thành
những “hạt giống đỏ” – “tuổi trẻ tài cao”, vừa có truyền thống “con ông
này bà nọ”, trình độ học hành đỗ đạt cao và chơi sang – chơi trội – chơi
lắm tiền… và những đối tượng này, ngoài xã hội gọi là “cậu ấm cô chiêu”
– COCC.
Và Chuyên viên VPQH trẻ tuổi Trần Hải Lê, có thể là một trong những “cậu
ấm cô chiêu” – COCC như vậy. “Coi Trời bằng vung”, bất chấp mọi quy
phạm đạo đức – pháp luật, Chuyên viên Trần Hải Lê khiến một số caddy và
nhân viên CLB Sân Golf Đại Lải tránh xa, bởi Chuyên viên Lê là người dễ
nổi nóng, từng đánh chửi một số caddy khác.
Cách đây không lâu, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã phải gửi công văn đến
các Bộ ngành – địa phương cảnh báo việc một số đối tượng giả danh Cán bộ
– Chuyên viên VPCP để lừa đảo, làm tiền. Tương tự như vậy, mấy năm
trước lãnh đạo VPQH cũng đau đầu khi một số đối tượng lấy “oai” VPQH để
lừa đảo, xin việc và nạn nhân cứ nhè Trụ sở VPQH để… đòi tiền.
Mới đây nhất, khi tình trạng giả danh Chuyên viên VPCP rộ lên, lãnh đạo
VPCP phải chỉ đạo UBND một số địa phương ký văn bản gửi các Sở ngành,
địa phương trong tỉnh, cảnh báo việc giả mạo và thậm chí còn dành riêng 1
số điện thoại 08044949 chỉ để ghi nhận những thông tin giả danh…
Rất nhiều lần, chúng ta đã đặt vấn đề về chất lượng bộ máy giúp việc cho
các cơ quan Đảng – Chính phủ và trong các cuộc Hội thảo – bàn bạc về
chủ đề này, người lãnh đạo than thở thành quen chuyện “thiếu và yếu”,
“không thu hút được nhân tài”, “chất lượng không đồng đều”… để rồi quên
khuấy những câu hỏi về con số tuyển dụng, chất lượng đầu vào ở các cơ
quan Trung ương…
Ở các cơ quan Trung ương, người ta “định vị” rất rõ 1 Cán bộ – Chuyên
viên đến cơ quan lúc mấy giờ, bằng phương tiện gì, ăn sáng thức gì, mặc
quần áo ra sao, nói chuyện gì trong giờ làm việc, thậm chí răng thứ mấy
bị giắt thức ăn, sau bữa cơm trưa… – Tất cả để quy vào Thi đua khen
thưởng, thăng chức – lên lương.
Chính vậy, người ta không có lý gì để không biết 1 Chuyên viên chíp hôi,
chỉ làm công việc cạo giấy lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, là khách
VIP chơi Golf từ cách đây 3 năm, với chi phí mỗi giờ chơi tương đương
2-3 tháng lương; một nhóm Cán bộ – chuyên viên, lương của người cao nhất
cũng chỉ gần 10 triệu đồng/tháng, tụ tập chơi Golf hàng tuần từ bao năm
nay…
Và người ta không có lý do gì để không biết: Công chức – Đảng viên –
Chuyên viên “tuổi trẻ tài cao” làm việc ở một cơ quan tham mưu giúp việc
cho lãnh đạo Đảng – Nhà nước, lại có hành vi côn đồ hung hãn hơn cả đối
tượng đứng ngoài đường, và hành vi mất hết tính người ấy, được cổ vũ
bằng ánh mắt dửng dưng – rẻ rúm của những “đồng đội” cũng là Cán bộ –
Chuyên viên làm việc ở cái nơi được gọi là Trụ sở VPQH, nằm to đùng ở
đường Hùng Vương trái tim cả nước, có Cảnh vệ gác đêm ngày, nghiêm mật,
uy nghi?..
Mai Thanh Hải
* Theo Tiền Phong: Sau sự việc xảy ra, Chuyên viên VPQH Trần Hải Lê
bị trục xuất khỏi sân Golf, bị tạm giữ hành chính tại cơ quan Công an.
Đêm cùng ngày, bố đẻ của Trần Hải Lê bảo lãnh cho con về nhà.
Giám đốc điều hành sân golf Đại Lải đã có đơn đề nghị cơ quan công an làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi