dimanche 7 juillet 2013

Công lý cho gia đình Luật sư Lê Quốc Quân


Hà Minh Thảo (Bạn đọc Danlambao) - Ngày 27.05.2011, tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, Ủy ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra mắt Ban Điều hành sau khi tổ chức tọa đàm với chủ đề "Công Lý và Hòa Bình theo Giáo huấn Xã hội Công Giáo". Ủy ban là một tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được thành lập trong Đại hội lần thứ XI tại Sài gòn vào tháng 10/2010, nhằm cổ vũ công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo Hội Công Giáo Toàn cầu.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục nói:"Hòa bình là một ân huệ cao cả Thiên Chúa ban cho mọi người. Để xây dựng hòa bình từ căn bản Công lý, chúng ta cần phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa". Kế hoạch đó thể hiện rõ nét nơi hành động của Đức Giêsu. Suốt quãng đời tại thế, Đức Giêsu đã động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh: Ngài được sai đến để "loan báo Tin Mừng cho người nghèo yếu, công bố cho ai bị giam cầm biết mình được tha, cho kẻ mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa" (x. Lc 4,18-19). Vì vậy "việc noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho mọi người, nhất là những người đang phải chịu nghịch cảnh trong cuộc sống"; và"cổ vũ một nền hòa bình và công lý cho xã hội hôm nay, trước hết là mang khuôn mặt yêu thương Chúa Kitô đến với mọi người".

Sau đó, Luật sư Lê Quốc Quân, thành viên Ban Công Lý và Hòa Bình Giáo phận Vinh, đã thuyết trình về ‘Công lý Và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam’

Đáp lời khuyên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khi ban Huấn từ cho Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhân dịp Ad Limina, ngày 27.06.2009: ‘Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt’, Luật sư Lê Quốc Quân luôn cố gắng góp phần xây dựng kinh tế và chính trị Đất Nước cùng hoạt động giáo dân giúp Giáo Hội Công Giáo và góp phần cải thiện trần thế theo Học thuyết xã hội Hội Thánh. 

I. NHỮNG NGƯỜI VÔ TỘI BỊ BẮT TRÁI LUẬT.

Sáng ngày 30.10.2012, khoảng 70 công an các loại đã ập vào nhà riêng anh Lê Đình Quản, một em trai Luật sư Lê Quốc Quân và là giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn ‘Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng Doanh nghiệp’, tại quận Đống đa, Hà nội đọc lệnh và bắt anh đi với cáo buộc trốn thuế, vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự.

Chiều ngày 05.12.2012, công an Hà nội đã về tận Nghệ An bắt và giam chị Nguyễn Thị Oanh, em họ anh Quân đang về quê dưỡng thai và chăm sóc người bố bị đau nặng. Chị là cố vấn của anh Lê Đình Quản. Hành động bắt giam người đang mang thai là vi phạm Điều 88 khoản 2 Bộ luật Tố tụng hình sự qui định: "Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác..." 

Sáng ngày 27.12.2012, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt khẩn cấp (?) khi đang trên đường đưa con đi học. Sau đó, một đội công an đưa con anh trở lại gia đình và khám xét nhà, sau khi đọc lệnh khám xét văn phòng và nhà riêng của anh vì liên quan đến tội ‘trốn thuế’ vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự. Hai tiếng đồng hồ sau, họ ra đi mang theo toàn bộ máy tính, đồ đạc gia đình và một số giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, giới quan sát cũng như mọi người thiện chí, khi biết rõ quá trình hoạt động xuất phát từ con tim yêu nước và thương đồng bào của anh, đều nhận định đây là một sự trả thù của người cộng sản đối với một ‘người Công Giáo tốt và Công dân tốt’. Giới hữu trách sẽ kéo anh Quân ra Tòa án Hà nội để được xét xử dưới sự chủ tọa của thẩm phán Lê Thị Hợp. Ba luật sư Hà Huy Sơn, Trần Thu Nam và Bùi Quang Nghiêm sẽ bảo vệ cho người bị cáo gian. Hy vọng phiên tòa có Công lý! Công lý được thực thi có nghĩa là anh phải được trả tự do, không phải là tại tòa, mà trước khi phiên tòa xảy ra, thì đúng hơn, cũng như ba lần bắt trước. Hơn nữa, việc ‘trốn thuế’ đã được điều tra bởi các công an chính trị và, kết quả ngược lại, cho thấy nhà nước còn thiếu nợ ông 172 triệu đồng.

II. ANH QUÂN KHẢ MẾN

Lòng cảm mến chúng tôi dành cho anh nẩy mầm và lớn dần nơi tâm trí mình từ ngày 25.01.2008, khi anh leo hàng rào Tòa Khâm sứ ở Hà nội để mưu cứu một bé mang hoa dâng Đức Mẹ Sầu Bi và anh đã bị công an vây đánh trong buổi cầu nguyện tập thể với sự tham dự của khoảng 100 linh mục và nhiều ngàn tín hữu để yêu cầu nhà nước trả lại đất đai chiếm dụng của Giáo Hội.

Tìm hiểu về anh, chúng tôi được biết sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, anh đi dạy tại Đại học Giao thông Vận tải. Sau đó, anh được cấp học bổng sang Hoa kỳ, nhờ anh làm tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) để theo chương trình nghiên cứu của Tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy, NED) tại Washington. Hoàn tất việc nghiên cứu, trở về nước, anh đã bị bắt giữ hôm 08.03.2007 và giam tại trại của Bộ Công an vì vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự ‘tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Họ nghi anh muốn làm luật sư giúp người nghèo và bảo vệ quyền lao động của các công nhân. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, anh được trở về nhà ngày 13.07.2007.

Ngày 04.04.2011, cũng vì thương người, anh và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cùng nhiều thân hữu khác, những người muốn đòi Công lý cho đồng bào, đến theo dõi ‘Phiên tòa công khai’ xét xử ông Cù Huy Hà Vũ (tiến sĩ luật bị bắt vì ‘hai bao su xài rồi’) đã bị công an giải tòa vô cớ, sai luật. Nhị vị đã bị bắt và đưa ngay về Công an Quận Hoàn kiếm. Đồng thời, một lệnh khám nhà ngay lập tức được thực hiện trong đêm, bất chấp sự vắng mặt các chủ nhà. Khi đó, vì anh là Trưởng ban liên lạc Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công Giáo và là Ủy viên Ban Công lý-Hòa bình Giáo phận Vinh, nên ngay hôm 04.04.2011, Cộng đoàn Vinh tại Hà nội ra Tuyên cáo phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm nhân phẩm, quyền tự do cá nhân, đánh đập, bắt giữ người và thu giữ tài sản trái pháp luật và yêu cầu trả tự do lập tức cho những người bị giam trái pháp luật và trả lại các tài sản bị thu giữ. Tối hôm đó, tại đền Thánh Giêrađô Giáo xứ Thái Hà, hơn 200 thành viên Cộng đoàn Vinh đã hiệp thông cầu nguyện cho Công lý và Bình an cho các thành viên (với anh Paulus Lê Sơn và các sinh viên Vinh khác). Ngày 12.04.2011, Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công Giáo Việt Nam đã ra Tuyên cáo về việc Nhà cầm quyền bắt giữ trái pháp luật anh Quân về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ vì nhiều nhân chứng cùng đứng tại chỗ anh bị bắt đã khẳng định anh không hề có hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc bất cứ hành vi nào khác ngoài thái độ ôn hòa, xử sự đúng với quyền hạn của một công dân theo quy định của pháp luật. Nhiều Thánh Lễ khác cũng được tổ chức tại các giáo xứ trong Giáo phận Vinh.

Bổng nhiên, thật thích thú vui mừng, chúng tôi được nghe tiếng anh Quân. Hôm đó, ngày 13.04.2011, hai anh Quân và Sơn đã rời trại giam Hỏa Lò và về đến Giáo xứ Thái hà để chào tín hữu đang dự tĩnh tâm mùa Chay. Cha Bề trên Mátthêu Vũ Khởi Phụng, quý Cha, Thầy và giáo dân đã đón tiếp hai anh trong vui mừng và xúc động. Hai người vợ yêu quý của các anh cũng đến góp niềm vui lớn lao chung. Anh Quân chia sẻ rằng khi bị đưa về trại giam chung với các tù hình sự, nhưng trong phòng anh có một biểu tượng hình Thánh Giá và anh lấy làm hạnh phúc. Khi các cán bộ quét vôi lại toàn bộ tường phòng giam, anh đã nhất quyết không cho xóa đi hình ảnh này. Hàng ngày, anh siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng, trưa, chiều tối để Đức Tin trợ giúp anh chiến thắng.

Trong mùa bầu cử Quốc hội khóa 13 năm 2011, vì lòng muốn phục vụ Đất Nước và Dân tộc, anh đã xung phong ứng cử Đại biểu. Bravo. Làm chính trị chính danh là một hành động bác ái cao cấp để đem Công lý và Công bình xã hội để phục vụ Hòa Bình, niềm khao khát không nguôi cho bất cứ người Việt Nam nào. Sau khi Anh được mọi người cùng làm việc với anh đồng ý 100%, anh còn phải được sự duyệt xét bởi ‘Hội nghị cử tri cấp cơ sở’ (cái kiểu ‘đảng cử, dân bầu’ đó mà). Ngày 30.03.2011, chúng đã truất quyền ứng cử để phục vụ đồng bào vì anh bị an ninh Việt Nam bắt giam 100 ngày từ 19.03.2007. Đúng là anh gặp phải đám dốt luật hay những cán ‘búa’ cố tình không biết Tòa chưa buộc thì tội chưa thành nhất định. Đây là ‘sản phẩm’ của cái gọi là ‘Mặt trận Tổ quốc’ chỉ muốn dành chức Đại biểu Quốc hội cho những ai không biết làm luật mà chỉ chờ lệnh từ Hành pháp đưa sang.

Ngày 19.08.2012, khoảng 22 giờ 30, anh Quân đưa Chị Hiền và con đi ăn sinh nhật về. Khi vợ con đã lên trên nhà thì anh đi ra bãi gửi xe. Gửi xe xong, trên đường quay trở lại nhà, anh bị hai thanh niên chực sẵn ở đấy, dùng gậy sắt cỡ 80 centimètres đánh nhiều lần liên tiếp vào người. Anh hô hoán thì nhiều đồng bào đi ra và họ bỏ chạy. Ngoài ra, còn người thứ ba chực sẵn ở phía xa. Dĩ nhiên, công an không tìm ra thủ phạm., nếu không chỉ là một vụ ‘dằn mặt’.

Bấy nhiêu sự kiện đó minh chứng hùng hồn việc bắt và đưa anh ra Tòa chỉ vì muốn anh vâng lệnh họ và im đi. Mọi chuyện cứ để nhà nước ‘n’o, anh đừng ‘n’o (ở đây, chữ ‘n’ cần thay bởi ‘l’). Việc buộc tội ‘trốn thuế’ chỉ là một lý do che đậy một vụ án chính trị mà thôi. Anh và gia đình anh chỉ là những nạn nhân như bao đồng bào khác nơi thiên đàng cộng sản này. Chúng tôi khâm phục khi được đọc những dòng chữ anh vừa viết và gởi cho đồng bào: "Để sống đúng Sự Thật và Tin Yêu của Đồng bào, tôi nguyện sẽ bảo vệ Lương Tâm và Lý tưởng của mình trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong phiên tòa ‘công khai’ vào ngày 09.07.2013".

Đề nghị anh Quân và chúng ta cùng cầu nguyện, nhờ sự cầu bầu của Thánh cả Giuse, Bổn Mạng Giáo Hội Việt Nam và Bổn Mạng của anh và tôi tớ Chúa Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cựu Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa Bình, xin Thiên Chúa ban cho anh Quân tràn đầy Hồng Ân Người và Can Đảm vác Thánh giá theo chân Chúa.

{Ngày 05.07.2013, nhân dịp Tổng Giáo phận Rôma kết thúc giai đoạn Giáo phận của Tiền trình phong Chân Phước cho ‘Người Tù 13 Năm Không Bản Án’ Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), một cán bộ từ nhiệm Phòng Tôn giáo Bộ Công an lúc Đức Cha Thuận ‘học tập’, sau vụ Thiên An Môn, hiện là nhà phê bình văn học, ông Nguyễn Hoàng Đức đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho rời nước, ngày 02.07.2013, để tham dự dịp ‘Bế mạc phần điều tra tại địa phương’ này theo lời mời của Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa Bình. Ông cho biết Đức Cha bị tù và phải chuyển ra Bắc vì cái tội rất to là cháu của Ngô Đình Diệm và về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục với ý lót ổ để lên Tổng Giám mục.}

III. KÍNH MẸ ANH QUÂN và CÙNG CHỒNG CHỊ OANH

Chúng tôi đã đọc Thư Kêu Cứu Khẩn Cấp được lưu truyền bởi VRNs ngày 29.12.2012 của Cụ và anh. Chúng tôi xin được hiệp thông với những xót xa, phiền muộn và lo lắng mà những thân nhân anh Quân phải gánh chịu như bao nhiêu gia đình khác của những người bị tù tội vì giúp người khác (Đỗ Thị Minh Hạnh,...) hay vì yêu nước (Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha,...) trong một nước Cộng sản vắng Công lý, Sự thật và Tự do (Tự do chỉ là đặc quyền cho những ai thỏa hiệp với chúng). Không như tại các quốc gia dân chủ khác, phụ huynh được hưởng Hạnh phúc trọn vẹn khi con có hành động tốt. Ở Việt Nam, phụ huynh chỉ được hưởng diễm phúc thường trong nước mắt. Chúng tôi xin chia buồn với anh chị Nguyễn Thị Oanh bị tuột mất đứa con đầu lòng sau mấy tháng giam giữ trái luật. Kẻ sát nhân thì được thoát lưới Công lý.

IV. MỘT ƯỚC MONG TRONG NĂM THÁNH ĐỨC TIN

Trong những ngày sau khi Luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt giam này 04.04.2011, nhiều Thánh lễ, thắp nến cầu nguyện với hàng ngàn người hiệp thông được cử hành để cầu bình an cho những người vô tội tù tội vì thương người bị xử oan trong những phiên tòa phi công lý. Từ Giáo xứ Thái Hà đã tỏa rộng đến các giáo xứ khác tại các Giáo phận Vinh, Thái Bình, Hà Nội và đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Sài Gòn). Nhờ thế, người chưa là Kitô hữu có dịp đến để cùng cầu nguyện, tìm hiểu Đức Kitô, chia sẻ những nổi buồn, niềm hy vọng... Bởi thế, chị Vũ Thúy Hà, hiền thê Bác sĩ Sơn, đã nói với nữ phóng viên Khánh An (đài Á châu Tự do, RFA) ngày 12.04.2011: "Trước hết, tôi phải nói là tôi có được đến dự một buổi cầu nguyện vào tối hôm thứ Sáu ngày 8/4 vừa qua, tôi cảm thấy rất ấm lòng với tình cảm, sự chia sẻ rất nhiệt tình của đồng bào Công Giáo ở Thái Hà và các cha ở đó. Tôi rất lấy làm cảm ơn về những tấm lòng đó. Tôi nghĩ là mỗi người một tiếng nói, mỗi người một lời cầu nguyện thì những người nhà của chúng tôi là anh Sơn và anh Quân, dù ở trong tù chắc cũng cảm nhận được sự đùm bọc, sự lên tiếng, yêu thương của đồng bào đối với các anh. Tôi nghĩ rằng mỗi người một tiếng nói, một tấm lòng thì sẽ giúp được cho việc đòi công lý sớm cho chúng tôi"

Ước gì nghi thức phụng vụ này được phát triển tổ chức khắp nơi để Thánh Thể được mọi người cùng đón nhận nơi Bàn Tiệc Thánh Lương thực thiêng liêng giúp dân Chúa sống vượt qua những khó khăn hàng ngày trên Quê hương. Chúng ta hãy noi gương Vị Mục tử mà Án phong Chân phước đang tiến hành, với hai giọt rượu và một giọt nước, đã mời Đức Kitô vào Nhà tù để nuôi những tù nhân ‘không bản án’ trong hoàn cảnh thật khó sống, có nhiều khi không thể đọc một Kinh Lạy Cha như Người nói. Ngày nay, tại những Đại hội Thánh Thể, Ban tổ chức nhắc Sứ vụ Truyền Phép này đem lại niềm hoan lạc và gia tăng Đức Tin nơi người tham dự. Trong Tin Mừng của mình, Đức Kitô hứa sẽ mở cửa cho ai gõ nó.

Trong ‘Dụ ngôn người Samari tốt lành’ (Lc 10, 25-37), một ông thưa với Đức Giêsu rằng "ai là người thân cận của tôi?". Người đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Kế đến, một thầy Lêvi đi tới, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ ông săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, tôi sẽ hoàn lại’. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?’ Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’. Chúng ta là ai trong ba người đó?"


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi