English PEN * Bản dịch của Lê Thiên Hà (Defend the Defenders) - Nhà thơ, soạn giả bài hát, nhà bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu bị giam giữ tại Việt Nam từ năm 1982 do liên quan đến cuốn sổ tay ghi những bài hát và bài thơ “tố cáo” của ông.
Sau lần thăm nuôi cha hàng tháng gần đây nhất, cuộc gặp kéo dài một giờ với sự hiện diện từ đầu đến cuối của các nhân viên an ninh, người con trai Trần Ngọc Bích của Nguyễn Hữu Cầu cho biết sức khoẻ của ông đang xấu đi nhanh chóng. Mắt trái của ông đã bị mù hoàn toàn, trong khi thị lực mắt phải lại đang xấu đi. Ông gần như hoàn toàn bị điếc và bị bệnh tim nặng, căn bệnh đang xấu đi do thiếu sự chăm sóc y tế và điều kiện tệ hại của nhà tù. Đã xuất hiện những lo ngại sâu sắc rằng Nguyễn Hữu Cầu, người bị cách ly khỏi gia đình suốt hơn 30 năm qua, có thể chết trong tù.
Hãy cùng chúng tôi kêu gọi thả tự do cho ông ngay lập tức và vô điện kiện vì lý do nhân đạo.
HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP
Gửi một thỉnh nguyện thư
- Bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình sức khoẻ của nhà văn và nhà hoạt động đang bị giam cầm Nguyễn Hữu Cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng ông được tiếp cận đầy đủ với tất cả các điều kiện y tế cần thiết do tình trạng nguy cấp của ông;
- Kêu gọi trả tự do ngay lập và vô điều kiện cho Nguyễn Hữu Cầu vì lý do nhân đạo, phù hợp với Điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Thỉnh thư gửi tới:
Ngài Vũ Quang Minh
Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam
12-14 Victoria Road, London
W8 5RD
Bạn có thể muốn viết một bức thư gửi nhà chức trách theo mẫu dưới đây. Một bức thư mẫu đã được chuẩn bị, song chúng tôi muốn khuyên bạn thể hiện lời thỉnh nguyện theo cách của mình.
Gửi thông điệp ủng hộ tới Nguyễn Hữu Cầu và gia đình của ông
Việc gửi thông điệp ủng hộ trực tiếp tới các nhà văn trong tù đã cho thấy là đem lại cho các tù nhân sự đối xử tốt hơn trong tù, đồng thời mang đến nguồn cổ vũ tinh thần rất cần thiết cho các nhà văn và gia đình của họ. Nếu bạn quan tâm đến việc gửi một thông điệp ủng hộ tới Nguyễn Hữu Cầu và gia đình ông, xin hãy gửi email cho chúng tôi để hỏi các địa chỉ liên quan.
Lời kêu gọi khẩn cấp cho nhà văn bị cầm tù Nguyễn Hữu Cầu
Thưa ngài!
Tôi viết lá thư này như một người ủng hộ English PEN, trung tâm sáng lập của hiệp hội nhà văn quốc tế, để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về nhà thơ, soạn giả bài hát, nhà bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu.
Theo thông tin của PEN, Nguyễn Hữu Cầu bị công an bắt ngày 9.10.1982 do liên quan đến một cuốn sổ tay ghi những bài hát và bài thơ với nội dung ‘tố cáo’. Ông được cho là đã chép lời tố cáo tội hiếp dâm và hối lộ của hai quan chức cấp cao trong phần sau của cuốn sổ tay gốc.
Nguyễn Hữu Cầu bị cáo buộc là thủ phạm của “những hành vi phá hoại”, vốn bị cho là “gây tác hại” tới bộ mặt của chính quyền, và ngày 23.5.1983, ông bị tuyên án tử hình. Mẹ ông gửi đơn kháng án cho ông và hai năm sau, ngày 24.5.1985, Toà Phúc thẩm giảm án cho ông xuống tù chung thân. Cuốn sổ tay ghi chép kia đã không được sử dụng làm bằng chứng trong phiên toà xét xử ông nhằm bảo vệ hai quan chức liên quan.
Suốt rất nhiều năm kể từ đấy, Nguyễn Hữu Cầu được cho là đã bị giam giữ trong điều kiện biệt giam khắc nghiệt. Hiện nay, ông đã mất phần lớn thị lực và gần như điếc hoàn toàn. Ông cũng bị bệnh tim nặng, căn bệnh đang xấu đi do thiếu sự chăm sóc y tế và điều kiện tệ hại của nhà tù. Mối quan ngại về tình hình sức khoẻ của ông là rất sâu sắc.
Tôi tin rằng việc Nguyễn Hữu Cầu bị giam giữ là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện vì lý do nhân đạo, phù hợp với Điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã phê chuẩn. Tôi cũng mạnh mẽ thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam đảm bảo rằng ông được tiếp cận đầy đủ với tất cả các điều kiện y tế cần thiết do tình trạng hết sức nguy cấp của ông.
Tôi rất vui nếu nhận được bình luận của ngài về thỉnh thư của tôi.
Trân trọng!
5.7.2013
* Bấm vào đây để gửi thông điệp ủng hộ Nguyễn Hữu Cầu và gia đình ông.
Nguồn: English PEN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi