Gánh Hàng Hoa (Danlambao)
- Sáng ngày 24 tháng 1, vào lúc 10 giờ sáng, năm tên công an đã lái xe ô
tô đến công ty nơi anh Lê Anh Hùng đang làm việc, tại Hưng Yên. Hai
trong số năm tên này là công an xã, còn ba tên còn lại là công an tỉnh.
Thoạt đầu chúng vào làm việc về vấn đề "nhân lực và hộ khẩu" với
giám đốc công ty là ông Hoàng Văn Trung, trong khi một người trong bọn
đi khắp nơi dòm ngó, sục sạo. Sau một lúc chúng hỏi thẳng muốn gặp anh
Lê Anh Hùng (là người trong nhiều năm qua đã 70 lần đưa đơn tố cáo những
việc làm vi phạm pháp luật của 1 số lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản
Việt Nam), với lý do là muốn hỏi anh vài việc về vấn đề tạm trú. Giám
đốc công ty cho hay anh Hùng đang dở tay làm việc, và giám đốc sẵn sàng
đứng ra là người bảo lãnh cho anh Hùng vấn đề chỗ ở. Ông cho biết anh
Hùng đang làm việc rất tốt, cuộc sống ổn định, chỗ ăn ở và tiền lương
thâu nhập cũng được bảo đảm, không có gì phải quan tâm. Tuy vậy công an
vẫn một mực đòi gặp mặt anh Hùng.
Khi anh Hùng lên phòng giám đốc gặp công an, anh còn mặc nguyên bộ đồ
công nhân, chân đi dép lê. Tên công an tỉnh đòi xem Chứng minh thư nhân
dân để nhận định đây đúng là anh Hùng (mà không phải là ai khác lên
thay) nhưng công an xã đã gạt đi và bảo họ biết rõ mặt mũi nhân dạng của
anh Hùng qua mạng Net. Anh Hùng rất bình tĩnh, trả lời mọi câu hỏi của
công an một cách lịch sự và mạch lạc. Sau đó công an yêu cầu anh Hùng
theo ra xe để chở về trụ sở công an xã để "tiếp tục làm việc về vấn đề hộ khẩu".
Khi anh Hùng vừa đứng lên thì hai tên công an đã chạy ra đóng cửa chính
của công ty lại và đứng gác ngay đấy như sợ anh Hùng bỏ chạy, và hai
tên công an khác nhảy vào giữ hai tay anh lại. Thấy thế, ông giám đốc
công ty lập tức lên tiếng phản đối. Ông bảo "Các anh làm gì vậy, công
ty chúng tôi là doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, anh Hùng là công nhân
chính thức của chúng tôi, anh ấy không làm gì phạm pháp sao các anh đối
xử với anh ấy như vậy. Anh ấy có chạy đi đâu đâu. Tại sao các anh phải
đóng cửa? Cứ đàng hoàng mở to cửa ra cho mọi người cùng thấy".
Mấy tên công an thấy phản ứng mạnh liền thay đổi thái độ, xuống giọng giả lả rằng "Đây chỉ là 1 việc rất nhỏ, rất đơn giản, chỉ để hỏi vài câu về vấn đề hộ khẩu". Tên công an xã năn nỉ với ông giám đốc
"Thôi anh để chúng tôi làm việc, cán bộ tỉnh đã đợi sẵn trên xã để làm
việc với anh Hùng về vấn đề hộ khẩu rồi, chỉ đi một chút rồi sẽ về. Tí
nữa tôi quay lại làm việc với anh sau".
Ông giám đốc liền bảo "Các anh muốn đưa công nhân của tôi đi mà các
anh không để lại chứng từ gì cả thế này sao được. Các anh phải làm biên
bản ghi rõ ràng lý do các anh đưa người đi chứ". Đám công an từ chối không chịu viết gì để lại cả.
Anh Hùng muốn được đi thay quần áo, vì còn đang mặc đồ công nhân, mà bên
ngoài trời rất lạnh, chúng cũng không cho. Hai tên công an kèm sát
hai bên, gần như xốc nách anh ra xe chở đi mất.
3 giờ chiều cùng ngày, hai viên công an xã quay lại trên chiếc xe gắn
máy, đưa cho giám đốc công ty tờ giấy quyết định của Ủy Ban Nhân Dân
thành phố Hà Nội, Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội. Quyết định về việc
tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội II Hà
Nội.
Nội dung của Quyết định cho biết "Xét đề nghị của phòng Lao Động
Thương Binh Xã Hội quận Thanh Xuân (là nơi anh Lê Anh Hùng đăng ký hộ
khẩu thường trú) và ý kiến của phòng Bảo Trợ Xã Hội", nay ra quyết định:
1- Tiếp nhận ông Lê Anh Hùng, sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú
tại Tổ 2, phường 5, Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, là
người bị rối loạn tâm thần hoang tưởng, được vào nuôi dưỡng tại Trung
Tâm Bảo Trợ Xã Hội II, xã An Viên, huyện Ứng Hoa, Hà Nội.
2- Ông Lê Anh Hùng được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng
theo hệ số 2.5 và các khoản trợ giúp khác theo quy định hiện hành của
thành phố Hà Nội kể từ ngày có mặt ở đơn vị.
3- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị 1 tháng để tiếp nhận đối tượng vào trung tâm.
4- Các ông, bà trưởng phòng Bảo Trợ Xã hội, trưởng phòng Kế Hoạch
Tài Chính, trưởng phòng Lao Động Thương Binh Xã Hội Thanh Xuân, giám
đốc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội II có trách nhiệm thi hành quyết định này.
Khi nhận được giấy quyết định anh em cùng công sở với anh Lê Anh Hùng
rất lấy làm bức xúc và lo âu. Cách làm việc của công an rõ ràng cho thấy
họ đã cố tình đánh lừa giám đốc công ty, đánh lừa anh em công nhân,
đánh lừa chính anh Lê Anh Hùng để có cớ bắt anh đem đi. Quyết định trên
đã được ký từ trước, từ ngày 09 tháng 01 năm 2013, công an tỉnh đã có
mặt tai xã từ sớm, và họ đi đến 5 người lái xe ô tô là để bắt cho bằng
được anh Hùng vào ngày hôm đó.
Lý do đưa ra buổi sáng rằng đây chỉ là vấn đề rất đơn giản, rất nhỏ,
"chỉ để hỏi vài câu về vấn đề hộ khẩu rồi sẽ được về ngay" là hoàn toàn
láo. Cơ quan chức trách nhà nước mà lại nói láo trắng trợn, và dùng lực
lượng công an để "cướp" công dân đem đi nhốt một cách hoàn toàn phi pháp
như vậy hay sao?
Chiều ngày hôm sau, ngày 25 tháng 01, hơn 10 anh em công nhân đã cùng
với giám đốc công ty đem quần áo, đồ dùng cá nhân và chăn ấm đến Trung
Tâm Bảo Trợ cho anh Hùng, vì lúc bị bắt đi anh chỉ mặc bộ đồ công nhân
phong phanh mà tiết trời đang rất lạnh. Đến nơi, bảo vệ của Trung Tâm từ
chối không nhận bất cứ vật gì, cho dù là quần áo riêng của anh Hùng.
Đoàn người đi thăm đòi gặp lãnh đạo thì chúng chối là đang bận họp không
chịu ra gặp. Chúng khoá cửa ngoài của Trung Tâm không cho đoàn vào
trong sân, và còn gọi an ninh xã đến can thiệp. An ninh đến và xua đuổi
đoàn người đi , mặc dù mọi người chỉ xin gặp, xin gửi đồ vào cho anh
Hùng và đã đứng chờ rất kiên nhẫn, không hề la hét hay đòi hỏi gì cả.
Thật là một hành động mọi rợ khi đây chỉ là anh em công nhân đồng sở
quan tâm đến thăm anh Hùng.
Ông giám đốc công ty quá bức xức trước cách hành xử như vậy của nhân
viên Trung Tâm và an ninh nên đã lên tiếng phản đối. Ông trình bày với
an ninh rằng đây chỉ là anh em cùng công ty lo lắng cho anh, vì hôm qua
công an đã đến bắt anh Hùng đem đi. Tuy đã có quyết định từ ngày 09
tháng 01 nhưng lúc đến bắt anh lại không đưa ra quyết định này, mà nói
trí trá đi rằng chỉ làm việc vấn đề hộ khẩu. Ông khẳng định anh Lê Anh
Hùng là một trí thức, một người có học vấn, bằng cấp, có công ăn, việc
làm, chỗ ở đàng hoàng. Trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp, anh
không hề có 1 biểu hiện nào là bị bệnh tâm thần cả, anh làm việc rất
tốt, được anh em bạn bè quý mến, còn thường xuyên tham gia các công tác
xã hội và viết bài, dịch sách rất hay.
Trước những lý lẽ này, an ninh xã không bắt bẻ được nên lại vào trong
hỏi ý kiến lãnh đạo. Lãnh đạo Trung Tâm vẫn không chịu ra gặp mà chỉ đưa
ra cái đơn bà mẹ anh Lê Anh Hùng đã ký lúc bà xin vào thăm con, là
Trung Tâm chỉ được nhận đồ do mẹ anh gửi vào. Trên thực tế, anh Lê Anh
Hùng là một người trưởng thành, có gia đình vợ con, là công dân với đầy
đủ quyền lợi, lại vẫn minh mẫn và tỉnh trí, thì không có lý do gì mẹ của
anh lại phải ký một tờ đơn vô lý như vậy. Đây là môt sự áp đặt. Hơn nữa
đồ đưa vào chỉ là quần áo, vật dụng cá nhân của chính anh mà anh vẫn
thường dùng, cộng thêm chăn phòng lạnh.
Ba người an ninh xã đã mở máy vi tính và tìm xem những thông tin và bài
viết của anh Hùng ngay lúc đó. Tuy vậy họ vẫn tuân lệnh của giám đốc
Trung Tâm và vẫn nhất định không chịu nhận bất cứ món gì của anh em đưa
vào.
(hình ảnh: Ảnh chụp các bệnh nhân tâm thần trong viện, chụp từ bên ngoài vì không được vào trong)
Qua sự việc trên, chúng ta thấy rõ ràng đây là một hành động bắt người
bịt miệng trái pháp luật. Cách làm việc phi pháp và khuất tất từ trên
xuống dưới. Cách nói láo lừa gạt cả giám đốc công ty nơi anh Hùng đang
làm việc để bắt anh đem đi. Mặc dù anh Hùng chưa được bác sĩ chuyên khoa
thẩm định xem có bi bệnh gì không, và mặc dù tất cả đồng nghiệp, người
thân, bạn bè của anh đều thấy rõ anh sống và làm việc rất đàng hoàng,
các bài viết và dịch thuật của anh trên mạng được đánh giá cao... nhưng
để bịt miệng anh, chính quyền Cộng sản đã cho ra một quyết định ma,
không dựa trên báo cáo Y khoa nào, để chụp mũ anh là bị bệnh tâm thần
hoang tưởng, cho người đến bắt cóc anh mang nhốt vào trại Tâm Thần, lại
còn cách ly anh như một người tù biệt giam, không cho bạn bè đồng nghiệp
vào thăm.
Chúng ta có thể chấp nhận cách đối xử như thế này với công dân? Đất nước này có còn công lý nữa không?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi