lundi 21 janvier 2013

Nhân một phiên toà nói về sửa đổi Hiến Pháp

"Chẳng có ai đủ sức phỉ báng và làm suy yếu chế độ 
Cộng sản hơn những người đang nhân danh và bảo vệ chế độ đó". 
Lê Thăng LongNếu theo lập luận mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc chúng tôi thì không khéo sắp tới đây hàng ngàn người tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp có thể đứng trước nguy cơ bị truy tố là những người tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 2 điều 79 bộ luật hình sự. Còn những người chủ trương sửa đổi hiến pháp có thể bị kết tội theo khoản 1 của điều này là những người chủ mưu cầm đầu. Nếu lập luận này là đúng và pháp luật nghiêm minh thì Tổng bí thư có thể phải ra tòa và đối diện với án tử hình, các đại biểu quốc hội có thể bị chung thân. Những người tham gia soạn thảo hiến pháp sửa đổi có thể nhận 12 đến 20 năm tù...
*
Ngày này 3 năm trước (20/1/2010) đã diễn ra một phiên tòa đình đám lần đầu tiên xét xử một vụ án bị cho là lật đổ chính quyền nhân dân bằng diễn biến hòa bình. Những người bị cáo buộc là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long. 
Cốt lõi của lập luận do bên công tố đưa ra là những người này đã lợi dụng Internet và sử dụng những thủ đoạn bất bạo động nhằm thay đổi các chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do hiến pháp 1992 quy định. 
Những sự phi lý, bạo ngược và vi phạm luật tố tụng hình sự của phiên tòa này đã được nói nhiều, cũng giống như tất cả các phiên tòa xử các vụ án chính trị khác. Nhân lúc đảng và nhà nước phát động lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp, tôi muốn nói về một khía cạnh của vụ án này liên quan đến sự kiện này. 
Nếu theo lập luận mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc chúng tôi thì không khéo sắp tới đây hàng ngàn người tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp có thể đứng trước nguy cơ bị truy tố là những người tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 2 điều 79 bộ luật hình sự. Còn những người chủ trương sửa đổi hiến pháp có thể bị kết tội theo khoản 1 của điều này là những người chủ mưu cầm đầu. Nếu lập luận này là đúng và pháp luật nghiêm minh thì Tổng bí thư có thể phải ra tòa và đối diện với án tử hình, các đại biểu quốc hội có thể bị chung thân. Những người tham gia soạn thảo hiến pháp sửa đổi có thể nhận 12 đến 20 năm tù. Vì đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đến 20 năm nên nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng có thể bị hồi tố vì đã ký thông qua bản sửa đổi hiến pháp 1992 vào năm 2001 với rất nhiều điều khoản thay đổi các chế độ kinh tế, chính trị của hiến pháp trước đó!? 
Rõ ràng cái lập luận như trên quá dễ bị bẻ gãy cho nên tại phiên tòa 3 năm trước hội đồng xét xử đã không dám để chúng tôi tranh luận. Khi anh Thức đặt đến vấn đề này thì bị gạt ngay, anh tiếp tục nói thì bị đuổi về chỗ. Do vậy anh chỉ còn có thể nói lúc nói lời cuối cùng rằng những lập luận ép buộc như vậy là cường quyền và anh còn sẽ chống sự cường quyền đến khi nào anh còn thấy nó, chứ anh chẳng có tội gì. Còn tôi thì khẳng định rằng điều 4 hiến pháp hiện hành không ngăn cản sự hoạt động hợp pháp của các đảng chính trị khác ngoài đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả mục đích của họ là nhằm thay đổi cái điều 4 này đi nữa. Do vậy kết tội tôi hay bất kỳ ai khác vì muốn thay đổi điều này là vừa vi hiến vừa phạm luật. Còn anh Định thì sâu sắc hơn khi cho thấy rằng nếu một bản hiến pháp như vậy có thể dùng để kết tội mong muốn chính đáng của người dân thì họ rõ ràng bị mang tội trước bản hiến pháp. Nhưng cũng chính vì thế mà hiến pháp đó phải thay đổi. 
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa nhiều lần ấp úng khi bị chúng tôi hỏi ngược lại nhưng chủ tọa phiên tòa ngay lập tức nhảy vào cứu bồ bằng cách rất thô thiển là gạt ngang. Khi Viện Kiểm sát nói rằng anh Thức có mục đích viết quyển sách Con đường Việt Nam để kiến nghị đến Chủ tịch nước thực hiện theo đường lối trong cuốn sách, tức là thủ đoạn thay đổi chế độ, thì anh Thức hỏi ngược lại rằng nếu như vậy viện kiểm sát xem Chủ tịch nước là một mắt xích quan trọng cho việc lật đổ, là đồng phạm. Sao không truy tố? Chủ tọa phiên tòa can thiệp bằng cách nói là bị cáo chỉ được trả lời chứ không được hỏi!!! 
Một hội đồng xét xử như vậy đã tự chứng minh sự đúng đắn của điều mà anh Thức yêu cầu lúc khai mạc phiên tòa, là phải thay đổi tất cả hội đồng xét xử bằng những người không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt nam, vì đây là một vụ án xét xử việc bị cho là lật đổ chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chủ tọa phiên tòa đã ấp úng một lát rồi nhờ luật sư thuyết phục anh Thức rút lại lời yêu cầu. Nhưng anh vẫn giữ. Hội đồng xét xử phải vào họp thảo luận rồi ra tuyên bố rằng yêu cầu của anh Thức là không có cơ sở, hội đồng xét xử có đủ căn cứ pháp lý để bác bỏ yêu cầu đó. Khi về trại giam Xuân Lộc cùng nhau, anh Thức hỏi anh Định rằng có những điều luật nào để làm căn cứ pháp lý nói trên không. Anh Định nói vui rằng chắc lúc vào thảo luận họ tự tuyên bố tạm thời ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. Sau phiên tòa, một trung tá an ninh điều tra đã phải thừa nhận với tôi rằng yêu cầu của anh Thức là hoàn đúng luật và hợp lý nhưng điều kiện lúc đó không cho phép để thực hiện được như vậy. Họ luôn tự cho phép mình đặt ra những điều kiện để đạp lên pháp luật như thế. 
Nếu bạn được ở trong phiên tòa mà chứng kiến mọi diễn biến của nó thì bạn sẽ nghe thấy những điều phi lý đến nực cười. Cá nhân tôi đã nhiều lần không nhịn được cười và cũng làm cho mọi người phải bật cười. Nói thật là chúng tôi cảm nhận rằng phiên tòa này chẳng khác gì một vở tuồng vừa bi, vừa hài. Có rất nhiều những vấn đề của bản án này mà thân phụ anh Thức, bác Trần Văn Huỳnh đã viết ra trong đơn yêu cầu giám đốc thẩm nhưng tất cả đều không được trả lời ngoại trừ mấy chữ “đúng người đúng tội”. 
Đó là chưa kể sự chế giễu pháp luật của những người tiến hành tố tụng. Cơ quan an ninh dùng mọi cách để ngăn cản, không cho chúng tôi mang theo bản cáo trạng ra tòa. Anh Thức đã nêu vấn đề này ra và yêu cầu dừng phiên tòa qua hôm sau để hội đồng xét xử phải đảm bảo được cho chúng tôi điều kiện tối thiểu để tự bào chữa. Hơn nữa lúc đó cũng đã hơn 6 giờ tối. Chủ tọa phiên tòa đáp ứng yêu cầu này bằng cách đuổi anh Thức về chỗ và tước luôn thời gian tự bào chữa của anh rồi vội vàng tuyên án. Bao nhiêu đó cũng thấy sự đuối lý của bên công tố và tòa án là điều mà họ đã tự biết trước nên dùng mọi thủ đoạn để hạn chế khả năng tranh luận của bên bị cáo. Trong hồi ký Đường dài đến với tự do của Nelson Mandela kể lại, ông cũng phải ra tòa và đối diện với án tử hình. Giữa phiên tòa ông bất ngờ từ chối sự biện hộ của luật sư và yêu cầu tòa đảm bảo điều kiện cho ông tự bào chữa. Phiên tòa hơn nửa thế kỷ trước của một trong những chế độ độc tài bị phỉ báng nhất thế giới - chế độ phân biệt chủng tộc Aparthei đã phải tạm dừng trong mấy tuần để thực hiện yêu cầu của ông. Thời gian đó ông được đưa khỏi phòng giam chật hẹp để ở trong một phòng có đầy đủ sách luật cần thiết, và được bố trí gặp bất kỳ bạn tù nào để thiết lập lời chứng cho việc biện hộ của mình. Ông còn được xe đưa đón về văn phòng làm việc của mình cách nhà giam đến mấy chục cây số để tìm kiếm chứng cứ bảo vệ mình. Trong khi đó trong tù sách luật đối với chúng tôi là cấm kỵ, và bị cách ly hoàn toàn với nhau vì họ sợ thông cung. Anh Thức yêu cầu tạo điều kiện để anh ấy đưa bằng chứng chứng minh vô tội ra tòa và bị lơ đi mà không một lời giải thích. 
Khi tôi ra tù, những người bạn nước ngoài của tôi điện thoại thăm hỏi. Tôi kể họ nghe về phiên tòa như trên. Họ ngạc nhiên đến sửng sốt và nói rằng không thể ngờ đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn những phiên tòa mà họ chỉ được nghe trong lịch sử của mấy trăm năm trước. Rồi cuối cùng họ nhận định: "Chẳng có ai đủ sức phỉ báng và làm suy yếu chế độ Cộng sản hơn những người đang nhân danh và bảo vệ chế độ đó". 
Phiên tòa này, cũng như rất nhiều các phiên tòa tương tự, vì vậy chẳng bao giờ đủ cơ sở pháp lý để có giá trị, sớm muộn gì cũng bị hủy bỏ. Nhưng điều mà nó đã làm rất hiệu quả là hủy hoại cơ hội để có thể tránh cho đất nước một tình trạng tồi tệ như hiện nay. Một khi cường quyền còn tồn tại thì bất kỳ điều phi lý nào cũng có thể xảy ra. Nếu một lúc nào đó mà những kẻ cơ hội khống chế được hoàn toàn quyền lực trong tay thì những phiên tòa nực cười như cách đây ba năm hoàn toàn có thể tái diễn nhưng lúc đó các bị cáo sẽ có thể từng là đồng chí của những kẻ cơ hội. Những phiên tòa như vậy không những sẽ chôn chế độ mà còn chôn luôn những đối thủ đã từng cố gắng ngáng chân những kẻ nắm quyền bính tối cao mới. Những bị cáo đó rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính những giáo điều của mình bây giờ. 
Đã đến lúc, nếu không muốn bị lật đổ thì phải trả lại quyền lực cho nhân dân để đất nước có thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng nhằm đưa nhân dân thoát khỏi khó khăn và bảo vệ được đất nước. Càng trì hoãn thì càng tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ cơ hội đang tiếp tay cho ngoại bang và càng kéo dài sự khốn khổ của nhân dân. 
Tức nước thì vỡ bờ. Mọi sự vận động của xã hội đều có qui luật của nó mà chẳng ai có thể chống lại được. Và chẳng có cách gì thắng được những kẻ cơ hội tham nhũng trong tình thế hiện nay nếu không dựa vào nhân dân. Muốn vậy phải trả lại quyền lực cho nhân dân. Đó là việc mà bản hiến pháp sửa đổi phải làm. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi