Trong
Hiến pháp của tất cả các nước trên thế giới đều qui định quyền lực tối
thượng của quốc gia thuộc về nhân dân. Và tất cả những gì có liên quan
đến tự do đều thuộc về Hiến pháp. Hiến pháp không chỉ là văn kiện pháp
lý cao nhất qui định hình thức hay thể chế chính trị quốc gia, mà còn
là một văn kiện pháp lý cao nhất bảo đảm quyền của người dân chống lại
mọi trường hợp lạm quyền của chính phủ. Bổn phận của mọi quyền lực quốc
gia là bảo vệ và kính trọng phẩm giá con người.
Quốc
hội Việt Nam bắt đầu đưa bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi ra lấy ý
kiến nhân dân. Mục đích của việc lấy ý kiến của nhân dân là để cho bản
dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ hoàn thiện hơn trước khi được Quốc hội
thông qua. Tất cả mọi người dân Việt Nam đều mong muốn có một bản Hiến
pháp mới tôn trọng và bảo đảm nhân phẩm và các quyền con người. Và Hiến
pháp mới phải định định hình nên một thể chế dân chủ để cho mọi người
dân đều có quyền ngang nhau trong việc xây dựng một xã hội dân chủ,
công bằng và văn minh. Bởi quyền và trách nhiệm của mỗi công dân, chúng
ta có nghĩa vụ phải góp ý vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến sự xung đột, mâu thuẫn giữa điều 4 Hiến pháp với các quyền con người về chính trị.
Điều
2 bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi qui định “Nhà nước là của nhân dân, do
nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Điều này được hiểu là đa số người dân có toàn quyền quyết định về thể
chế chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng,… thông qua
trưng cầu dân ý. Đa số người dân có quyền lựa chọn đảng cầm quyền,
người đứng đầu quốc gia thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng. Tức
là đa số người dân có quyền quyết định đảng nào là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội. Tóm lại là đa số người dân có quyền quyết định về
mọi vấn đề của đất nước. Các tổ chức, đảng phái chính trị có trách
nhiệm đưa ra các ứng cử viên, cương lĩnh, đường lối của mình để nhân
dân lựa chọn và quyết định. Trong khi đó điều 4 của bản dự thảo Hiến
pháp sửa đổi qui định “đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội”. Điều này đã phủ nhận quyền lực của nhân dân trong
việc lựa chọn đảng cầm quyền thông qua bầu cử cũng như phủ nhận quyền
lực của nhân dân trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Qui định
của điều 4 trái với nguyên tắc của một thể chế Nhà nước dân chủ. Như vậy
rất rõ ràng là điều 4 đã mâu thuẫn và xung đột với điều 2. Nếu Quốc
hội giữ điều 4 qui định quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là của đảng
Cộng sản thì điều 2 phải sửa lại là “Nhà nước là của đảng Cộng sản, do
đảng Cộng sản và vì đảng Cộng sản. Tất cả mọi quyền lực Nhà nước thuộc
về đảng Cộng sản.” Hoặc là ngược lại, Quốc hội muốn giữ điều 2 qui định
“tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì phải sửa đổi toàn bộ
điều 4.
Điều
6 của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi qui định “Nhân dân thực hiện quyền
lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện
thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác
của Nhà nước.” Điều này được hiểu là mọi công dân Việt Nam không phân
biệt dân tộc, đảng phái, quan điểm chính trị, tôn giáo,… đều có quyền
ứng cử trực tiếp vào vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, chính
quyền từ trung ương đến địa phương. Nhưng điều 4 lại chỉ cho phép những
công dân là đảng viên đảng Cộng sản có quyền lãnh đạo Nhà nước và xã
hội. Điều 4 đã bóp chết quyền của những công dân không phải đảng viên
đảng Cộng sản thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực
tiếp. Như vậy điều 4 đã mâu thuẫn và xung đột với điều 6.
Điều
17 qui định “ Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị
phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã
hội”. Điều này được thể hiện là nhu cầu của một chủ thể tự nhiên với
tư cách một con người cần phải có và buộc phải có. Trong xã hội sẽ
không có tự do nếu không có sự bình đẳng thực sự giữa các thành viên
trong xã hội với nhau. Quyền bình đẳng còn là một giá trị nhân bản của
xã hội loài người. Quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền không bị
pháp luật phân biệt đối xử do sự khác nhau về chủng tộc, giới tính, tôn
giáo, quan điểm chính trị,… Trong đời sống chính trị, quyền bình đẳng
trước pháp luật được hiểu là mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng, có
quyền và cơ hội ngang nhau trong việc tự do tham gia ứng cử vào các vị
trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong khi đó theo tinh thần của điều 4
thì chỉ những công dân Việt Nam là đảng viên đảng Cộng sản mới có
quyền và cơ hội tham gia ứng cử vào các vị trí để lãnh đạo Nhà nước và
xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có hơn 3 triệu công dân là đảng viên
đảng Cộng sản, trong khi có hơn 80 triệu công dân không phải đảng viên
đảng Cộng sản. Như vậy, thật rõ ràng là hơn 3 triệu đảng viên đảng Cộng
sản đã tước đoạt quyền và cơ hội của hơn 80 triệu công dân khác. Như
vậy điều 4 đã phủ nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân.
Điều 4 đã mâu thuẫn và xung đột với điều 17 và trái với nguyên tắc mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt quan điểm chính
trị, đảng phái,…
Điều
29 của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi qui định “Công dân có quyền tham
gia quản lý Nhà nước và xã hội”. Theo tinh thần của điều này thì mọi
công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội,
đảng phái, quan điểm chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp, thời gian cư
trú,…đều có quyền tham gia quản lý, lãnh đạo đất nước một cách trực tiếp
hoặc thông qua đại diện mà họ lựa chọn trong việc tham gia ứng cử hay
bầu cử. Nhưng theo qui định của điều 4 thì chỉ những công dân Việt Nam
là đảng viên đảng Cộng sản mới có quyền và cơ hội để tham gia quản lý,
lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một lần nữa, điều 4 lại phủ nhận quyền và
cơ hội của những công dân không phải đảng viên đảng Cộng sản trong việc
tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Như vậy điều 4 đã mâu thuẫn và
xung đột với điều 29.
Qua
các phân tích trên, chúng ta thấy rằng các điều 2, điều 6, điều 17 và
điều 29 có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau nhằm khẳng
định các quyền con người về chính trị của công dân là bất khả xâm phạm.
Qui định của điều 4 thể hiện nguyên tắc phản dân chủ, nó trái với
nguyên tắc của một thể chế chính trị dân chủ. Điều 4 đã vô hiệu hóa việc
công dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực
tiếp. Điều 4 đã xóa bỏ quyền bình đẳng và quyền tham gia quản lý Nhà
nước và xã hội của hơn 80 triệu công dân Việt Nam không phải là đảng
viên đảng Cộng sản.
Trong
một Nhà nước dân chủ và tôn trọng các quyền con người thì quyền lực,
quyền lãnh đạo của một đảng chính trị phải do đa số người dân trao cho
thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Một đảng chính trị chân
chính, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số
người dân để nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà không cần qui định
quyền lãnh đạo của mình trong Hiến pháp.
Trong
thực tế, từ khi quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của đảng Cộng sản đã
được qui định trong điều 4 Hiến pháp 1980 đã không làm cho đảng Cộng
sản mạnh hơn. Ngược lại đã làm cho đảng Cộng sản ngày càng suy yếu về
đạo đức, năng lực lãnh đạo và quản lý. Trước hiện trạng tham nhũng trở
thành quốc nạn, giặc nội xâm của dân tộc, sự suy đồi về đạo đức và lối
sống của các đảng viên. Hầu hết những lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng
sản đều thừa nhận một thực tế hiển nhiên là họ ngày càng đánh mất uy
tín và niềm tin của nhân dân. Họ đã thừa nhận nguy cơ đảng Cộng sản bị
mất quyền lực trong một cuộc cách mạng xã hội do nhân dân tiến hành.
Quan
điểm của tôi cho rằng khi đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo
trong điều 4 Hiến pháp thì sẽ tạo ra thách thức thực sự cho đảng Cộng
sản. Từ đó, họ sẽ có động lực để chỉnh đốn đảng và xây dựng một đội ngũ
những nhà lãnh đạo có đạo đức, năng lực, uy tín để giới thiệu với nhân
dân. Thách thức đó sẽ làm cho đảng Cộng sản mạnh lên chứ không yếu đi
nếu họ dám loại bỏ những thành phần cơ hội, tham nhũng ra khỏi đảng.
Đảng Cộng sản cần phải thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và năng lực
lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong một thể chế chính trị dân chủ đa
đảng. Muốn vậy, đảng Cộng sản phải tôn trọng quyền lực của nhân dân,
tôn trọng các quyền con người, quyền bình đẳng của mọi công dân trong
xã hội.
Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2013.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi