Luật sư Nguyễn Văn Đài
Ngày 17 tháng 4 năm 2012, Tiến sĩ Nguyễn Quốc
Quân nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với mục đích du
lịch và thăm thân nhân. Trong khi làm thủ tục nhập cảnh, Tiến sĩ Quân đã bị cơ
quan an ninh điều tra bộ công an bắt khẩn cấp. Ban đầu, cơ quan an ninh điều tra
đã khởi tố Tiến sĩ Quân với tội danh khủng bố. Nhưng sau đó cơ quan an ninh đã
chuyển sang tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” được qui định
tại điều 79 Bộ luật Hình sự. Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Tòa án TPHCM sẽ đưa vụ án
của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân ra xét xử sơ thẩm.
Tôi là một luật sư, mặc dù không còn hành nghề,
nhưng thật bất ngờ tôi nhận được yêu cầu bào chữa từ Tiến sĩ Quân. Tôi chưa gặp
Tiến sĩ Quân, nhưng đã được đọc rất nhiều thông tin về ông. Tôi rất cảm động và
kính trọng ông về sự dũng cảm và những nỗ lực của ông dành cho tiến trình dân
chủ hóa Việt Nam. Tôi đã nhờ luật sư của ông là chị Ánh Hương nộp giúp giấy đề
nghị Tòa án TPHCM cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi với tư cách là bào chữa
viên nhân dân được qui định tại mục C, điều 56 Bộ luật TTHS. Thật đáng tiếc, Tòa
án TPHCM đã từ chối với lý do là nhân thân của tôi xấu.
Với sự kính trọng của mình dành cho Tiến sĩ
Nguyễn Quốc Quân, với vai trò của một luật sư đang tranh đấu cho các quyền con
người tại Việt Nam. Tôi viết bài này để bày tỏ quan điểm của mình về vụ án của
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân.Thứ nhất, Tiến sĩ Nguyễn Quốc
Quân, sinh năm 1953, mang quốc tịch Hoa Kỳ. Do vậy, ông Nguyễn Quốc Quân có
quyền tham gia, thành lập tổ chức, đảng phái chính trị. Việc tiến sĩ Nguyễn Quốc
Quân tham gia đảng Việt Tân, một tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp
tại Hoa Kỳ, là quyền theo Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ của ông Quân. Pháp luật
Việt Nam không điều chỉnh quan hệ này.
Thứ hai, điều 50 Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định
“ Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị,…., được tôn trọng.”
Điều 59 Hiến pháp qui định “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.” Điều 69
Hiến pháp 1992 qui định “Công dân có quyền …., hội họp, lập hội,..”. Theo các
qui định trên của Hiến pháp Việt Nam 1992 thì công dân Việt Nam có quyền hoạt
động chính trị, quyền thành lập hoặc tham gia các tổ chức đảng phái chính trị ở
trong hay ngoài nước. Công dân có quyền tìm tòi và học tập các kiến thức, kỹ
năng về đấu tranh chính trị bất bạo động để phục vụ cho các quyền công dân về
chính trị của mình. Điều 2 Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định “ Nhà nước Việt Nam
là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước
thuộc về nhân dân. Điều này được hiểu là hiểu công dân Việt Nam có toàn quyền
đối với Nhà nước, thể chế chính trị, luật pháp. Công dân Việt Nam có quyền thực
hiện các quyền con người về chính trị của mình để thay đổi chính phủ, thay đổi
thể chế chính trị, thay đổi luật pháp,….
Thứ ba là, phương pháp đấu tranh chính trị bất
bạo động được nhân dân các nước trên thế giới áp dụng phổ biến và rộng rãi. Được
cộng đồng quốc tế thừa nhận và ủng hộ. Phương pháp đấu tranh chính trị bất bạo
động là giúp cho người dân cũng như đảng cầm quyền có sự hiểu biết một cách rõ
ràng và sâu sắc về các quyền con người về chính trị. Từ đó, người dân có thể tự
đấu tranh đòi hỏi, thực hiện cũng như bảo vệ các quyền con người của mình. Mục
đích của phương pháp đấu tranh chính trị bất bạo động là thúc đẩy quá trình dân
chủ hóa xã hội nhằm đáp ứng một cách tốt hơn những khát vọng tự do, dân chủ của
nhân dân. Và để bảo đảm các quyền con người của nhân dân được tôn trọng và thực
thi trên thực tế. Mục đích phương pháp đấu tranh chính trị bất bạo động còn giúp
cho đảng cầm quyền có sự hiểu biết một các đúng đắn về các quyền con người, từ
đó đảng cầm quyền tiến hành sửa đổi luật pháp, cải cách chính trị nhằm bảo đảm,
tôn trọng và thực thi các quyền con người. Phương pháp đấu tranh chính trị bất
bạo động là phương pháp đấu tranh hòa bình, vừa thúc đẩy xã hội phát triển dân
chủ tiến bộ trong khi vẫn giữ được sự ổn định xã hội và kinh tế.
Do vậy, việc tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, là Ủy viên
TƯ của đảng Việt Tân tuyển mộ các công dân Việt Nam, cung cấp các kiến thức,
huấn luyện họ về phương pháp đấu tranh chính trị bất bạo động với mục đích dân
chủ hóa xã hội Việt Nam, thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ trong khi vẫn giữ
được sự ổn định xã hội và kinh tế. Việc làm này của tiến sĩ Quân không nhằm mục
đích lật đổ chính quyền nhân dân mà chỉ giúp các công dân Việt Nam có sự hiểu
biết và ứng dụng các kỹ năng của phương pháp đấu tranh chính trị bất bạo động
vào thực tiễn của Việt Nam. Việc huấn luyện, việc học phương pháp đấu tranh
chính trị bất bạo động không phải là hoạt động, tổ chức nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân. Không vi phạm vào điều 79 Bộ luật Hình sự.
Tôi mong rằng trong phiên xét xử sơ thẩm tới đây,
Tòa án TPHCM sẽ công tâm và tuyên bố Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vô tội và trả tự
do cho ông được về đoàn tụ gia đình.
Hà nội, ngày 15 tháng 1 năm 2013.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi