mardi 22 janvier 2013

Đọc biên bản phiên tòa sơ thẩm xử 3 bloggers Sài Gòn (5)

VRNs (22.01.2013) – Sài Gòn – Chúng tôi dự định loạt bài về phiên xử sơ thẩm 3 bloggers Sài Gòn đã kết thúc sau 4 kỳ (kỳ 1: Đọc lại hồ sơ vụ xét xử oan sai cô Tạ Phong Tần, kỳ 2: Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 blogger Sài Gòn, kỳ 3: Điếu Cày tố cáo sự phi pháp của phiên tòa, kỳ 4: Bằng chứng bản án bỏ túi cho phiên xử 3 bloggers Sài Gòn), vì lượng thông tin đã khá đầy đủ, giúp cho độc giả hiểu được bản chất của các phiên tòa nhân danh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà không bảo vệ người dân.
Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi được tiếp cận Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm (từ nay gọi là Biên bản), diễn ra lúc 8:00 am, ngày 24.09.2012, tại Tòa án nhân dân tp. HCM do ông Hà Đình Lăng, cán bộ tòa án ghi biên bản và được thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa ký xác nhận cùng với con dấu đỏ.
VRNs sẽ đưa ra một vài nhận xét chủ quan về Biên bản này, để quý độc giả tham khảo, còn chính quý vị mới là người tự rút ra kết luận cho chính mình sau khi đọc xong Biên bản dài 25 trang này.
Điều đầu tiên chúng tôi phải nói ngay, đó là tính chính xác của biên bản. Không có gì bảo đảm biên bản này đã ghi trung thực diễn biến phiên tòa, bởi ngay ở phần thứ hai (II) nói về Những người tham gia tố tụng đã ghi không đầy đủ thông tin, một cách cố tình. Đó là trường hợp không ghi rõ bà Đặng Thị Kim Liêng đã qua đời do chết cháy (tự thiêu hay bị người khác thiêu?). Ngay việc bà qua đời cũng không được ghi.
Cụ thể, phần nhân thân những người tham gia tố tụng (trang 1 và 2 của Biên bản), khi đề cập đến anh Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày đều cho biết rõ ông bà thân sinh đều đã qua đời (ông Nguyễn Văn Duy và bà Trần Thị Huệ). Trường hợp anh Phan Thanh Hải, biên bản cho biết cả hai ông bà thân sinh còn sống là Phan Sung và Phan Thị Bích Huyền. Riêng trường hợp cô Tạ Phong Tần thì biên bản chỉ ghi là “Tạ Văn Diễn (chết), và bà Đặng Thị Kim Liêng”. Không hề ghi bà Liêng đã chết, mặc dù, trong thực tế, thân mẫu của cô Tạ Phong Tần đã qua đời ngày 30.07.2012, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra (24.09.2012) gần hai tháng.
Điểm thứ hai cần lưu ý là Biên bản không thể hiện thời gian của từng phần (phần mở đầu, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần thủ tục xét hỏi tại tòa, phần tranh luận tại phiên tòa), nên người đọc sẽ không hình dung chính xác được phần nào diễn ra dài, phần nào chỉ diễn qua chiếu lệ, có bảo đảm được quyền lợi của các bị cáo hay không.
Điểm thứ ba đáng chú ý là sau khi Viện kiểm sát công bố nội dung cáo trạng, “Chủ tòa yêu cầu cách ly các bị cáo trong quá trình xét hỏi, và giải thích tòa sẽ công bố lại lời khai của những người tham gia trước đó”. Như vậy chỉ có từng bị cáo khai trước tòa, và trước những người tiến hành tố tụng, mà không có các bị cáo khác.
Anh Phan Thanh Hải được biên bản ghi nhận là khai đầu tiên theo hướng nhận tội và xin khoan hồng. Lời khai cuối của anh Phan Thanh Hải như sau:
“Bị cáo tham gia CLBNBTD chủ yếu là vui, nhưng sau khi tham gia biểu tình, bị bắt giữ, nên bị cáo bực bội, bị cáo có việt một số bài có nội dung hằn học, tức tối, và viết như thế thiếu đi sự khách quan. Bị cáo rất hối hận về việc làm sai trái này, đề nghị hội đồng xét xử khoan hồng”.
Về phần anh Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, anh thừa nhận mình lập blog CLBNBTD, nhưng việc đăng bài là tùy ý tác giả, không ai bị ép buộc. Việc đi Thái Lan, anh Nguyễn Văn Hải xác định mình đi một mình, không gặp anh Phan Thanh Hải, không liên quan những gì anh Phan Thanh Hải khai về chuyến đi Thái Lan.
Về cô Tạ Phong Tần, trả lời chủ tọa phiên tòa, cô Tần cho rằng mình tham gia CLBNBTD là vì cái tên, chứ không chịu trách nhiệm gì các bài trên blog này. Cô Tần chỉ nhận trách nhiệm các bài viết của mình trên blog Công lý và Sự thật mà thôi.
Khi chủ tọa hỏi: “Những bài viết của bị cáo có nội dung gì?” Cô Tạ Phong Tần trả lời, nhưng biên bản không ghi lại nguyên văn câu trả lời, mà lại ghi nhận một cách suy diễn chủ quan như sau: “Lúc này bị cáo Tần đã lợi dụng việc trả lời đã nói lớn tiếng về những hiện tượng tiêu cực đả phá hệ thống chính quyền – quản lý báo chí v.v... chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu bị cáo Tần trả lời vào những câu hỏi, nhưng bị cáo Tần không nghe và cứ phát biểu nhiều lời nói xúc phạm đến hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị, nên chủ tọa đã cắt không cho bị cáo phát biểu nữa”.
Ở phần chất vấn này, ngoài chủ tọa phiên tòa, còn có kiểm sát viên và các luật sư thẩm vấn các bị cáo.
Luật sư Hà Huy Sơn, căn cứ theo Bộ luật tố tụng hình sự, yêu cầu chủ tọa phiên tòa công bố 26 bài viết, làm cơ sở kết án Điếu Cày, nhưng chủ tọa phiên tòa từ chối.
Trong phần tranh luận, mở đầu đại diện VKS đã kiên trì theo bản cáo trạng, mà không căn cứ gì trên những lời khai tại tòa, để vẫn kết luận 3 bloggers này phạm khoản 2, điều 88 BLHS, sau đó đề nghị mức án nặng nề.
Các luật sư tham gia tranh luận.
Sau khi phản bác lại những lập luận hoàn toàn không có căn cứ của VKS, trước tòa, luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa công bố anh Nguyễn Văn Hải không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa. Luật sư Nguyễn Thanh Lương thì phủ nhận các giá trị của bản giám định các bài viết và nội dung các cuộc phỏng vấn của cô Tạ Phong Tần, yêu cầu tòa tuyên bố văn bản giám định không có giá trị. Khi nghe luật sư đọc: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” thì chủ tọa phiên tòa buộc phải ngưng, không cho diễn giải hai câu thơ này, vì chủ tọa suy diễn rằng luật sư có hàm ý xấu, vận dụng vào vụ án đang xét xử này.
Biên bản còn đề cập nhiều vấn đề khác rất đáng suy nghĩ. Xin dành lại cho quý độc giả.





















PV. VRNs

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi