vendredi 18 janvier 2013

Bằng chứng bản án bỏ túi cho phiên xử 3 bloggers Sài Gòn (4)

VRNs (18.01.2013) – Sài Gòn – Bất chấp những bằng chứng vô tội và CLBNBTD không phải là tổ chức do luật sư Hà Huy Sơn đưa ra, Tòa án vẫn theo Viện kiểm sát tuyên án 12 năm tù cho blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Bất chấp khẳng định của kết luận giám định điều tra văn hóa, số 33, ngày 16.06.2012 liên quan đến 11 bài viết, 3 bài copy từ các hãng tin BBC, RFA, 3 bài phỏng vấn của blogger Tạ Phong Tần rằng: “Một số tài liệu có nội dung xấu… Đề nghị xem xét xử lý ở mức độ chưa phải là nghiêm trọng”. Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương thì 81,2% bài viết không mang ý nghĩa tuyên truyền chống nhà nước. Thế mà Tòa vẫn cứ theo Viện kiểm sát để tuyên án 10 năm tù giam cho cô Tạ Phong Tần.
Đọc nguyên văn bản án sơ thẩm, ngày 24.09.2012, do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Phi Long ký, cùng hai hội thẩm nhân dân cùng ký (từ nay gọi là bản án), người đọc sẽ kết luận cách dễ dàng, quả thật bản án này là bản án bỏ túi.
Ngay từ trang 1 của bản án, bên trái phía trên “Bản án số:” [đánh máy và in vi tính] “354″ [viết tay] “/2012/HSST [đánh máy và in vi tính], “Ngày:” [đánh máy và in vi tính] “24-9-2012″ [viết tay]. Nguyên tắc, mỗi bản án là duy nhất cho từng vụ án riêng biệt, nên việc viết tay này chứng tỏ bản án đó đã được đánh máy từ trước khi nghị án.
Cũng ngay trang 1 của bản án, tên của ông Nguyễn Quang Vinh, kiểm sát viên, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ vai trò công tố tại tòa cũng được viết tay. Đây là điều bất thường, vì tên của vị này đã được công bố trước cả khi khai mạc phiên tòa, tại sao lại phải viết tay tên vị này vào sau? Điều này chỉ có thể giải thích, bản án đã được viết trước cả khi quyết định thành phần tham gia tố tụng và xét xử vụ án.
Ở trang 3 của bản án, phần nghi thức, bản án ghi nhận các ông Ngô Thanh Tú và Vũ Quốc Tú vắng mặt, nhưng đến trang 12 của bản án thì lại ghi lời chứng của hai ông này như bài Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 bloggers Sài Gòn
Điều đáng nói hơn cả là ở phần Quyết định, trang 19, các con số 12 (mười hai), 10 (mười) và 4 (bốn) năm tù cho các bloggers, thì một lần nữa, các con số này được viết tay vào. Như vậy, toàn bộ bản án với những phân tích, chứng minh và biện luận của tòa án đưa ra cho một tội danh cụ thể, với mức án phạt cụ thể đã được soạn trước, và khi kết thúc thì chỉ điền số năm tù và số năm quản thúc vào là xong. Như vậy, vấn đề đặt ra, nếu tại tòa xét thấy vấn đề nghiêm trọng hơn, hay ít nghiêm trọng hơn thì sẽ xử lý làm sao đây? hay cứ điền một con số bất kỳ nào đó từ 1 tháng đến 20 năm đều được?
Nếu ai còn cho rằng các phiên tòa được thực hiện dưới pháp chế xã hội chủ nghĩa công minh thì hãy đọc cụ thể bản án để thấy trước khi phiên tòa xử, đã có một nhóm nào đó soạn bản án sẵn, chắc chắn không phải VKS, vì nếu VKS thì không thể quên tên kiểm sát viên tham gia với tư cách công tố. Lại càng không thể của tòa án được, bởi vì khi kết thúc bản án, chỉ tên của thẩm phán Vũ Phi Long được đánh máy, trong khi tên hai vị Hội thẩm nhân dân được nêu danh đầu bản án lại không được đánh máy tên, mà phải ghi bằng tay.
Công lý không ở với dân Việt Nam trong pháp chế xã hội chủ nghĩa này.

























Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi