Huỳnh Thục Vy (Danlambao)
- Trước nay, trước mỗi kỳ đại hội đảng CS, thiên hạ hay bàn chuyện ông
này, ông kia có tư tưởng cải cách, có khả năng thay đổi thể chế để dân
chủ hóa đất nước. Thế rồi hết kỳ này đến kỳ khác đất nước vẫn chìm trong
độc tài - đàn áp. Giờ nghĩ lại mới thấy thời cuộc đã làm cho những ưu
tư, hy vọng về vận mệnh đất nước vỡ tan.
Cộng đồng yếu đuối mới cần cá nhân anh hùng
Có một thời, giới trí thức trong nước đã hy vọng và hết lời ca ngợi Võ
Văn Kiệt như là một chính khách có tư tưởng tiến bộ và gần đây nhất, một
số người đặt hy vọng vào Nguyễn Bá Thanh. Chưa nói đến thiện chí thực
sự của họ, một cá nhân và một số ít người trong vây cánh của ông ta quả
thật quá yếu để tin cậy, bởi không một cá nhân nào trong các chế độ độc
tài có khả năng thoát ra khỏi guồng máy cai trị để tiến hành thay đổi
thể chế nếu nó đi ngược lại ý chí của tập đoàn (chưa kể đến việc tập
đoàn này đang bị khống chế bởi một đàn anh ngoại bang), dù đó là một cựu
lãnh đạo hay là một lãnh tụ đương quyền; và càng quá phiêu lưu để giao
phó vận mệnh đất nước trong tay một vài người. Bởi con người vốn dĩ
không thể tuyệt đối tin cậy, đặc biệt khi họ có quyền lực mà ít chịu
trói buộc.
Một “cứu tinh” rồi sẽ trở thành một tên tội đồ nếu xã hội dân sự
rã rời. Cái tâm lý sai lầm cố hữu về xã hội và chính trị khiến chúng ta
luôn ngộ nhận. Người ta cứ nghĩ mọi thứ có thể giải quyết bằng một đề án
chính trị áp đặt từ trên xuống, và mọi đề án chính trị quốc gia có thể
được giải quyết với một cá nhân.
Nói đến đây chắc nhiều độc giả liên tưởng đến Gorbachov. Thật ra, trường
hợp này không mâu thuẫn với quan điểm của người viết. Tình thế Nga Sô
lúc đó buộc đảng CS phải đi đến chỗ sụp đổ. Ông Gorbachov chỉ là người
tuyên bố một sự kiện không thể đảo ngược. Cuộc cách mạng Nhung, với sự
nổi lên của những người hùng như Gorbachov và Yelsin, đã xảy đến với một
nước Nga kiệt quệ sau chiến tranh Lạnh và hầu như không có xã hội dân
sự sau thời kỳ CS. Điều đó chỉ mang lại danh tiếng cho các cá nhân này
nhưng không đem đến một tương lai đáng mơ ước cho nước Nga. Bởi khi các
lực lượng dân sự yếu đuối thì một người hùng có thể mang đất nước ra
khỏi, dĩ nhiên có khả năng đưa đất nước trở lại chế độ độc tài. Như
chúng ta có thể thấy, một ý chí đầy cảm tính đã khiến Yelsin chọn Putin -
một kẻ cực đoan, chống phương Tây - làm người kế tục ông, đã đẩy nước
Nga vào một chế độ dân chủ giả hiệu như hôm nay. Người dân Nga chẳng có
đóng góp nào cho những cuộc chuyển mình lớn lao của nước họ. Và hậu quả
là họ tiếp tục không có tiếng nói đáng kể nào trong các vấn đề đất
nước.
Đồng ý, cá nhân vượt trội luôn có vai trò không thể chối cãi trong phong
trào xã hội vì khả năng gắn kết những sức mạnh sẵn có và phát huy hiệu
quả vận động xã hội, như trong bài viết gần đây nhất của tôi về người
lãnh đạo. Nhưng đặt tất cả mọi hy vọng và toàn toàn dựa giẫm vào một cá
nhân không phải là tâm lý của một dân tộc trưởng thành. Bởi một dân tộc
trưởng thành cần một lãnh đạo chứ không cần lãnh tụ.
Chính trị là tất cả?
Không thể phủ nhận chính trị là quan trọng, bởi nếu nó không quan trọng
thì nó đã không tồn tại từ khi con người được tổ chức thành xã hội cho
tới bây giờ. Nó quan trọng đến nỗi mọi nỗ lực gạt bỏ quyền lực chính trị
(nhà nước) ra khỏi xã hội dù chỉ trên lý thuyết (chủ nghĩa Marx) cuối
cùng đã đưa đến một “siêu nhà nước” trong thực tế. Thế nhưng, từ
khi nhà nước xuất hiện, chúng ta nhận thấy toàn khối xã hội cơ bản được
chia thành hai phía: người được/bị cai trị và người cai trị, xã hội và
nhà nước, dân sự và chính trị. Hệ thống chính trị giúp xã hội được điều
hành một cách văn minh, quy củ và giữ chức năng trọng tài cho mọi tranh
chấp xã hội. Nhưng để giữ cho xã hội hài hòa, cân bằng, đảm bảo tự do cá
nhân, tất yếu không thể để nhà nước lấn át xã hội.
Thế nhưng, từ lịch sử bị cai trị chuyên quyền, người Việt Nam coi chính
trị là cái gì đó vượt lên trên xã hội, tách khỏi xã hội và độc tôn.
Nhưng, chính trị chỉ là một trong nhiều mảng hoạt động trong xã hội con
người và tương tác trực tiếp với những cái còn lại. Nhà nước là một hệ
thống nên/phải bị kiểm soát bởi sức mạnh dân sự. Khi nhận thức được
rằng, ngoài quyền lực chính trị còn có quyền lực kinh tế và quyền lực
dân sự, chúng ta sẽ không quá đề cao chính trị và coi nó là đáp án cho
mọi vấn đề.
Gần đây, tôi được hỏi rằng: khi tôi lên tiếng đấu tranh, tôi có mong cầu
một vị trí chính trị trong tương lai? Dù vô tình hay hữu ý, cách suy
nghĩ này xuất phát từ tâm lý coi quyền lực chính trị là độc tôn. Vấn đề
không phải ở chỗ người ta cho rằng: những người dấn thân và lên tiếng
nên có vị trí xứng đáng; mà vì người ta quá đề cao quyền lực chính trị.
Tất nhiên những người can đảm và có thực tài nên được trọng dụng, nhưng
tại sao không phải ở chỗ nào khác mà là trong hệ thống chính trị? Chỉ có
nắm quyền lực chính trị mới là chỗ đứng thích đáng cho người tài đức?
Không nơi đâu khác ngoài chính trị, nơi mà một cá nhân có thể trở nên
hữu ích và tỏa sáng?
Đến đây tôi nhớ đến một nhân vật rất nổi bật trong phong trào Otpor ở
Serbia - Srdja Popovic. Sau khi chế độ Slobodan Milosevic sụp đổ, anh ta
được bầu vào Quốc hội Serbia. Nhưng sau đó ít lâu, anh ta rời khỏi
chính trường và thành lập một tổ chức phi chính phủ ở Belgrade. Sự ra đi
ấy có thể được suy đoán với nhiều lý do nhưng không thể bỏ qua một lý
do quan trọng – đó là sự trưởng thành trong tâm lý và nhận thức của giới
trẻ Serbia: chính trị không là tất cả!
Vì coi chính trị là tối cao và là cứu cánh, người Việt Nam vẫn chưa thể
tìm thấy sức mạnh thực sự ở chính mình và ở cộng đồng quanh mình khi
giải quyết các vấn đề quốc gia, mà luôn trông ngóng vào một chính khách “vĩ đại” làm thay tất cả cho mình. Nhưng làm sao cá nhân nào đó lại thực hiện tốt khát vọng của chúng ta hơn là chính chúng ta? Thực ra, tình trạng chính trị chỉ là biểu hiện của năng lực dân sự. Không thể có chính trị tốt nếu quần chúng chỉ là những con người bạc nhược.
Quả thật, không phải ngoài chính trị ra, không còn “đất dụng võ” cho
những người tài năng mà vì chúng ta chưa mở rộng tâm trí và cả tâm lý
để nhìn thấy một nơi như thế. Hình như đối với chúng ta, tất cả những gì
đáng vinh danh và mong ước đều nằm ở chính trị bởi từ trước đến nay,
chúng ta chưa hề được sống trong một không gian khác, một không gian đối
trọng với quyền lực chính trị. Chính nơi ấy, một cá nhân không chỉ tỏa
sáng mà còn tỏa sáng độc lập, không bị không chế và cũng không cần dựa
giẫm vào hào quang chính trị.
Sức mạnh dân sự yếu kém, trí thức bị khinh miệt
Tâm lý dựa giẫm và giao phó đưa đến hai hệ lụy nghiêm trọng. Thứ nhất,
sự tuân phục và phụ thuộc vào quyền lực chính trị khiến cho cả xã hội,
đặc biệt là giới trí thức, không nhận thức được vị trí quan trọng của
mình trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội. Điều này tạo điều kiện
cho chế độ độc tài cai trị tùy tiện và vô thời hạn. Thứ hai, nếu một
nguyên nhân nào đó khiến chế độ độc tài sụp đổ, thì sự yếu kém của các
thế lực dân sự sẽ khiến đất nước gặp rất nhiều trở ngại trong việc xây
dựng dân chủ, mà trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là, sự xuất hiện một
chế độ độc tài mới.
Người dân ít học lơ là chuyện xã hội thì đã rõ; giới trung lưu trí thức
thì làm ngơ, hoặc có quan tâm nhưng im tiếng, hoặc dựa vào quyền lực
chính trị để tiến thân. Sự dựa giẫm vào chính trị tỏ ra đặc biệt nguy
hiểm, khi địa vị và sự vinh quang của giới trí thức trong xã hội được
ban phát bởi Nhà nước thì không thể nào có suy nghĩ và hành động độc lập
hay đối kháng. Cuộc cách mạng Pháp đẫm máu đã không mang lại tự do thực
sự cho người Pháp cũng bởi trước đó, giới trung lưu và quý tộc Pháp chỉ
là một tập đoàn người tập trung quanh vương miện vua Pháp, ca ngợi và
hưởng lợi từ đó. Hiện nay, Việt Nam không có giới trung lưu theo đúng
tinh thần: mãnh mẽ, độc lập và có năng lực đối kháng với nhà nước.
Không ngẫu nhiên và vô lý khi cả Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh và những
người CS nói chung khinh miệt trí thức. Bởi vì đối với họ, trí thức vừa
có quá nhiều chữ để có thể bị lừa gạt lâu dài, nhưng cũng quá nhu nhược
để là những đối thủ xứng tầm với họ.Tại sao trung lưu trí thức trong các
xã hội tự do là lực lượng tiên phong cho các giá trị dân chủ tiến bộ,
còn thân phận trí thức Việt Nam lại rẻ rúng như thế?
Phải chăng khi còn mang tâm lý xem chính trị là tất cả, các công dân
chưa thể thoát khỏi thân phận thần dân? Phải chăng khi trí thức chưa
nhận thấy vai trò to lớn của mình là đảm đương và lãnh đạo khối dân sự,
kiềm chế khối chính trị; mà chỉ bám vào chính trị để “vinh thân phì gia”
thì chính trị sẽ còn kiêu ngạo và mặc sức tung hoành? Phải chăng khi
khối hoạt động dân sự vẫn yếu đuối, và trí thức chỉ là người đi bên lề
mọi quyết định quan trọng của quốc gia; thì trí thức - trung lưu vẫn bị
coi thường và con đường đi đến Tự do của dân tộc sẽ vô vàn khó khăn?
Thay lời kết
Đất nước đang đối mặt với những bế tắc và khủng hoảng. Kinh tế đang kiệt
quệ. đảng CSVN đang mạnh tay đàn áp đối kháng để giành ưu thế thời gian
cho một cuộc đào thoát lớn của họ. Vận mệnh nước nhà sẽ giao vào tay ai
nếu không đặt lên vai mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt là tầng lớp
trung lưu trí thức? Đây chính là cơ hội để giới trí thức dành lại trọng
trách, khẳng định vai trò và mở rộng tầm vóc của mình. Vị trí cao quý
nhất cho những người trí thức không nhất thiết phải là trong một thế lực
chính trị mà là trong xã hội dân sự đang nhen nhóm hình thành. Người
trí thức phải nhận lấy vai trò và vinh quang của một thế lực dân sự có
khả năng kìm chế quyền lực chính trị. Còn gì quan trọng và vinh dự hơn
vai trò kiểm soát nhà nước? Còn gì nổi bật hơn vị thế “lương đống” cho
toàn khối dân sự? Còn gì đáng mong ước hơn tư cách độc lập và không bị
ràng buộc bởi bất cứ thế lực chính trị nào để chỉ hành động vì quyền lợi
quốc gia?
Để rồi từ đó, bắt đầu một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới cho Việt Nam,
trí thức giờ đây không còn chịu thân phận bề tôi mà mạnh mẽ sánh ngang
với quyền lực chính trị, để thực hiện những nhiệm vụ mà lịch sử và quốc
gia giao phó. Trút bỏ được sự ràng buộc với chính trị và tâm lý e dè đối
với quyền lực chính trị, tầng lớp trí thức Việt Nam sẽ là Hercules, có
sức mạnh nâng đỡ cả dân tộc.
Buôn Hồ, ngày 23 tháng 1 năm 2013
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi