Phạm Hồng Sơn (pro&contra) - Ngày 27/03/2013 Giáo sư Nguyễn Huệ Chi – một trong những người chủ trương và điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam – đã có một phát biểu làm nức lòng nhiều người yêu mến tự do, dân chủ. Xung quanh “sự cố Nguyễn Đình Lộc”, ông đãbày tỏ công khai: “Chọn ‘trí thức cận thần’ trước sau vẫn là một sách lược đấu tranh theo kiểu mong bề trên… cởi mở. Từ lâu trang mạng BVN đã không làm thế.” Nhưng hôm qua, 21/04/2013, trang Bauxite Việt Nam đã đăng một bài với nhan đề: “Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: TRĂN TRỞ VỀ THẾ HỆ TIẾP NỐI”. Theo như giới thiệu, đây là bài trả lời phỏng vấn của ông cho tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 818, ra ngày 10-4-2013. Khi được hỏi: “Nếu được đề xuất cải cách, Giáo sư quan tâm đến điều gì nhất?”, ông trả lời: “Thứ nhất là phải mở rộng dân chủ. Để cho người dân có quyền được phát biểu, tự do ngôn luận, miễn là những lời ấy không đe dọa trực tiếp đến Đảng cầm quyền, như Hiến pháp 1992 hiện đang quy định.”(đoạn tô thẫm là của người viết bài này.)
Qua phát biểu này (có lời khẳng định ở cuối bài rằng: “Người được phỏng vấn đã soát kỹ lại.”), dường như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi muốn đưa ra một quan niệm mới về tự do ngôn luận?
Đối chiếu với những kinh nghiệm dân chủ trên thế giới, các lý thuyết dân chủ tự do, pháp luật hiện thời và cả thực trạng hiện nay của nước Việt Nam thì thấy quan niệm này của Giáo sư Chi không có lợi cho tiến bộ của tiến trình dân chủ.
Kinh nghiệm và lý thuyết dân chủ đã cho thấy rõ rằng một trong những dấu hiệu đơn giản nhưng có khả năng phân biệt, đánh giá (mức độ) dân chủ của một chính quyền (đảng cầm quyền) là ở việc chính quyền (đảng cầm quyền) đó có (mức độ) dung thứ (để tồn tại, không coi là thù địch, không sách nhiễu, không trấn áp) thế nào đối với những chỉ trích, phản kháng, thách thức chính quyền (đảng cầm quyền) một cách ôn hòa. Nếu hoàn toàn không dung thứ thì là độc tài tuyệt đối-phi dân chủ tuyệt đối, còn ngược lại là dân chủ cao. Nhìn ở một góc độ khác của lý thuyết dân chủ thì quyền chất vấn, thách thức, thậm chí đòi lật đổ, thay thế một chính phủ, tước sự cầm quyền của một đảng chính trị một cách ôn hòa còn phải được coi là quyền đương nhiên của mọi công dân. Cách đây gần nửa thế kỷ, Nguyễn Văn Bông – học giả chính trị của chế độ “ngụy” – chính thể Việt Nam Cộng hòa – đã viết như thế này: “đặc-điểm có thể gọi là tinh-túy của dân-chủ, là khái-niệm dân-chủ bao gồm hai yếu-tố vừa bổ sung vừa mâu-thuẫn. Hai yếu-tố ấy là tham-gia và kháng cự. Thật vậy, nói đến dân-chủ là liên-tưởng đến sự đồng ý cùng sự tham-gia của đa số công dân vào chính-quyền. Dân-chủ, ở đây, tức là sự đồng hóa tối đa của nhà cầm-quyền và dân-chúng. Nhưng đồng thời, dân-chủ là kháng cự chống chính quyền. Đấy là hai yếu-tố tham-gia và kháng-cự, hai yếu-tố vừa bổ sung vừa mâu-thuẫn của ý niệm dân-chủ.”[i] Như vậy, với cơ sở như vừa nêu quan niệm trên của Giáo sư Chi là trái với tinh thần dân chủ.
Về luật pháp hiện hành, chúng ta cũng không thấy một điều luật nào cấm công dân phát biểu hay bày tỏ chính kiến “đe dọa trực tiếp đến Đảng cầm quyền.” Như vậy, quan niệm trên của Giáo sư Chi, chưa kể tính chất không rõ ràng về từ ngữ, hoàn toàn ngược với tinh thần thượng tôn pháp luật: người dân có quyền làm mọi việc pháp luật không cấm.
Còn với thực trạng xã hội hiện nay, hầu như tất cả chúng ta đều không thể phản bác được kết luận của một cựu đảng viên cộng sản, một cán bộ công an cao cấp vẫn đang còn sống rằng:“Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội” hoặc đang có biết bao ý kiến đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ độc quyền quyền lực. Vậy, những phát biểu, tự do ngôn luận lại tự kiểm duyệt, tự giới hạn trong khuôn khổ “không đe dọa trực tiếp đến Đảng cầm quyền” thì phát biểu, tự do ngôn luận đó còn bao ý nghĩa cho lợi ích quốc dân, còn bao giá trị để giải quyết vấn đề độc tôn quyền lực, sự kìm hãm xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Ngoài ra, quan niệm trên còn vô tình củng cố thêm cho tập quán thù hằn, trấn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với “các thế lực thù địch” – mà thực ra chỉ là những công dân mạnh dạn thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, dám bày tỏ những ý kiến bất đồng, những phản kháng trong tinh thần hoàn toàn bất bạo động đối với những sai lầm, suy đồi của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tình hình xã hội Việt Nam vài năm trở lại đây cho thấy rõ chính sách cơ bản của chính quyền độc tài không phải là triệt hạ, bịt kín hoàn toàn mọi chỉ trích, phản kháng – vì là điều không thể – mà là thâm nhập, thao túng, dẫn dắt, điều hướng những chỉ trích, phản biện, bức xúc, phản kháng vào những vấn đề ít nghiêm trọng và/hoặc không để những chỉ trích, phản kháng chạm đến lằn ranh “thẳng mực tàu”, triệt để hay ly khai.
Dĩ nhiên, đã ủng hộ hoặc tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ (dân chủ hóa) mà lại mong muốn tất cả những người khác phải biểu tỏ giống mình, làm y như mình hay phải nói hết những điều cần nói thì đó là một mong muốn phi dân chủ, phi thực tế. Chưa kể, công cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay gần như chỉ hoàn toàn là một phong trào xã hội có tính tự phát, tự nguyện trên cơ sở ý thức, chủ kiến, sự chịu đựng, kỳ vọng riêng của từng cá nhân thì càng không thể có chuyện trăm tiếng đều như một. Hơn nữa, trong công cuộc dân chủ hóa, mọi tiếng nói, chuyển động, phản biện vì tiến bộ từ những người có danh vị chính thống đều cực kỳ quí giá và đáng trân trọng. Nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm, tai hại nếu tiếng nói, chuyển động, phản biện đó lại đi nhầm vào hướng gây đảo ngược quan niệm về dân chủ hay củng cố thêm cho sự bất dung của cường quyền, độc tài đối với chính kiến khác biệt.
Người viết bài này hy vọng quan niệm sai lầm trên đây của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chỉ xuất phát từ nền tảng của một học giả say mê, uyên thâm văn học cổ nhưng là “tay lái” còn mới trên hành trình dân chủ. Nếu như thế, chắc chắn Giáo sư Chi sẽ sớm bẻ lại lái.
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
___________________________________
[i] Nguyễn Văn Bông (Thạc sĩ Công Pháp, Giáo sư thực thụ Luật khoa Đại học Sài Gòn, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh), Luật Hiến-pháp và Chính trị học, in lần thứ hai, Sài Gòn, 1967, trang 78.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi