jeudi 16 janvier 2014

Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Phần 2


Phạm Thanh Nghiên

Xin gửi tới quý độc giả phần hai chương trình “Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa” với hai vị khách mời tiếp theo là Linh mục Đinh Hữu Thoại tại Dòng Chúa Cứu Thế , Sài Gòn và Blogger Phạm Văn Hải tại Nha Trang. Vì đây là loạt bài phỏng vấn với cùng một chủ đề nên nội dung câu hỏi vẫn sẽ được giữ nguyên, chỉ thay đổi rất ít (nếu có) để phù hợp với từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và như đã giới thiệu trong phần đầu, những cuộc phỏng vấn này nhằm “bày tỏ mong muốn xóa đi, hoặc ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong xã hội, về quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công bằng, biết tri ân với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Để thấy được rằng, bất cứ một sự khác biệt nào cũng có thể vượt qua với một lý do chung, đó là Lòng Yêu Nước”. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến quý độc giả đã quan tâm đến những cuộc phỏng
vấn này dù nó không phải đựơc thực hiện bởi một “phóng viên” chuyên nghiệp. Rất mong quý độc giả tiếp tục đón đọc phần ba với những vị khách mời tiếp theo.
***
Trước tiên, xin cảm ơn Linh Mục Đinh Hữu Thoại cũng như Blogger Phạm Văn Hải đã nhận lời cho cuộc phỏng vấn này. Xin Cha cũng như anh Hải cho biết hiểu biết của bản thân mình về trận Hải chiến Hoàng Sa cách đây vừa tròn 40 năm?

LM Đinh Hữu Thoại: Đó là một cuộc chiến của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một cuộc chiến anh dũng của hải quân VNCH. Tuy nhiên, vì tương quan lực lượng không cân xứng nên chúng ta bị mất hai nơi này.

Blogger Phạm Văn Hải: Đó là cuộc chiến xảy ra ở nhóm đảo Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974. Hải quân VNCH đã thực thi sứ mệnh của người lính trấn giữ biên cương, nổ súng đánh đuổi quân Trung Cộng đang xâm phạm lãnh hải và chiếm giữ các hòn đảo thuộc Hoàng Sa. Cuộc đọ súng giữa 8 chiến hạm (mỗi bên 4 chiếc) diễn ra ngắn ngủi nhưng vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Cả 8 chiến hạm đều bị trọng thương, mỗi bên bị chìm 1 chiếc. Phía VNCH hy sinh 74 chiến sĩ, phía TC có khoảng 20 người đền mạng cho tội xâm lăng. Về kết quả giao tranh của 8 chiếc hạm, có thể nói là không phân thắng bại. Tuy nhiên, phía Trung Cộng nhờ có lực lượng tiếp viện đông hơn đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, trong khi 3 chiến hạm còn lại của VNCH phải rút lui.
Điều khó hiểu là nhà nước CHXHCN VN hầu như "lãng quên" cuộc chiến này trong suốt 39 năm qua, kể cả trong sách giáo khoa môn lịch sử Việt Nam.
Lm Đinh Hữu Thoại

Lm ĐHT: Vô cùng cảm phục!

Blogger PVH: Đó là sự hy sinh cao quý. Không cái chết nào cao quý hơn là bỏ mình vì Tổ Quốc.
Ngày nào Hoàng Sa chưa trở về với đất mẹ thì mỗi người dân Việt Nam phải tự coi mình vẫn còn mắc nợ sự hy sinh của 74 vị anh hùng bảo vệ Hoàng Sa.
 
Suy nghĩ của Linh mục và của anh Hải như thế nào về những người lính của cả hai bên chiến tuyến bảo vệ đất nuớc? Có sự khác biệt gì không giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông với những người lính QĐVN đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt -Trung vào năm 1979 và 1984?
 

Lm ĐHT: Người Lính nói chung, dù ở chiến tuyến nào cũng đều chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và đảm bảo sự yên bình cho người dân.

Blogger PVH: Theo tôi, không có gì khác biệt. Không riêng gì những người lính VNCH hay người lính QĐNDVN, mà tất cả những người lính dưới các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều có chung một sự hy sinh cao quý: chết vì Tổ Quốc Việt Nam.
Chính vì lẽ đó mà sự quên lãng các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa suốt 39 năm qua là một sự bất công, nếu không muốn nói là có tội với người đã bỏ mình vì nước.

Ngày xưa những nguời lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay hai người nghĩ sao về điều đó ạ?
 

Lm ĐHT: Đó là sự miệt thị của những người cộng sản, tự cho mình là “bên thắng cuộc” nên đối xử bất công với cả một chế độ. Cần phải có động thái “đính chính” và công khai xin lỗi những người đã bị xúc phạm, cho dù họ còn sống hay đã qua đời.
Blogger Phạm Văn Hải

Blogger PVH: Thời đó (sau 1975), nhiều người dân miền Nam đã không chấp nhận danh xưng này. Cụ thể trong gia đình tôi có người cô (chị của ba tôi) vẫn thường hỏi: - Ngụy là gì? Sao lại gọi là "ngụy"? Thật ra chuyện đánh tráo khái niệm và "hiếp dâm" ngôn từ của người CS không có gì lạ. Đâu riêng gì từ "ngụy", mà còn rất nhiều từ dùng sai, dùng theo kiểu áp đặt vô lối, chẳng hạn như "giải phóng miền Nam", "học tập cải tạo", "phản động"...

Có nên vinh danh những nguời lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không thưa Linh mục và Blogger PVH? Nếu có, hai người có sẵn sàng tham gia không?

Lm ĐHT: Rất nên và cần phải làm. Luôn sẵn sàng tham gia.

Blogger PVH: Tôi nghĩ nên đặt câu hỏi là: Tại sao đến bây giờ họ vẫn chưa được vinh danh? (Trong phạm vi nước CHXHCN VN thôi, còn với người Việt trên khắp thế giới thì họ đã vinh danh 39 năm nay rồi).

Có những tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nuớc và phản đối TQ xâm lấn HS, TS và Biển Đông không thưa cha cũng như Blogger PVH?
 

Lm ĐHT: Tương đồng: bày tỏ lòng yêu nước, chống xâm lược
Khác biệt: người lính thì trực tiếp chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Người dân bày tỏ bằng việc biểu tình ôn hòa.

Blogger PVH: Điểm tương đồng là cả hai cùng đặt danh dự Tổ Quốc, chủ quyền Quốc Gia lên trên hết. Còn điểm khác biệt là mức độ nguy hiểm của những người lính ngoài mặt trận cao hơn nhiều (có thể hy sinh mạng sống). Còn những người biểu tình thì chỉ ở mức bị bắt bớ, tù đày, sách nhiễu, gây khó công ăn việc làm, việc học... 

Đã 40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm đóng bởi TQ. Cần phải có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân mỗi chúng ta có thể thực hiện hay tham gia góp phần?
 

 Lm ĐHT: Kêu gọi lòng yêu nước và tìm hiểu sự thật nơi người trẻ. Khích lệ và ủng hộ mọi việc bày tỏ yêu sách với TQ về sự xâm chiếm của họ.

Blogger PVH: Việc trước nhất là khôi phục tinh thần yêu nước, biết ơn người ngã xuống vì Tổ Quốc. Sau đó là làm sao góp phần xây dựng một quốc gia cường thịnh, để lấy lại Hoàng Sa. Vấn đề này có vẻ hơi sâu xa rồi. (Làm sao để xây dựng một quốc gia cường thịnh trong xã hội độc tài tham nhũng, nhân sĩ trí thức bị ra rìa, bọn bất tài kém đức lại chiếm số đông trong bộ máy điều hành đất nước?)

Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào nguời dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nuớc nồng nàn.Thế nhưng hiện thời, trong khi một số thanh niên còn rất trẻ đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí tù đầy để nỗ lực truyền bá sự thật lịch sử, nhất là sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ thì có nhiều những bạn trẻ khác lại muốn chối bỏ sự thật lịch sử trong khi cũng “nhận” mình là những thanh niên yêu nước? Linh mục và anh Hải nghĩ sao về thực tế này?
 

Lm ĐHT: Tôi không có lòng tin vào những bạn suy nghĩ theo kiểu “cộng sản”, vì họ không tôn trọng sự thật, không làm theo sự thật mà chỉ theo “định hướng”, yêu nước theo định hướng. Nếu thật sự yêu nước, yêu tổ quốc mình thì điều đầu tiên phải làm đựợc đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật. Và phải chứng minh được một điều rằng họ đang làm theo lương tâm, trách nhiệm chứ không phải theo phong trào, theo định hướng hay phụng sự cho một thể chế, một đảng phái hay chủ thuyết nào.

Blogger PVH: Lòng yêu nước nằm trong đạo đức công dân. Đây là thời buổi đạo đức con người suy đồi nhất trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử. Vì thế lòng yêu nước có thể nói là mong manh nhất.

Dạ thưa, bốn mươi năm sau những thế hệ tuơng lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ (chúng ta) ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm Hải chiến HS năm 1974?
 

Lm ĐHT: Theo tôi, còn quá sớm để nói về điều này. Nhưng tôi tin lúc ấy mọi người dân VN được tự do bày tỏ lòng yêu nước hơn ngày nay. Còn bây giờ, tôi có linh cảm sẽ có những “con mắt hình viên đạn” theo dõi, rình rập những người tổ chức kỷ niệm 40 năm Hải chiến HS năm 1974….

Blogger PVH: Tôi không mong có ngày kỷ niệm thứ 80 cho sự kiện này. Tuy nhiên nếu định mệnh lịch sử có trớ trêu đi nữa, thì dẫu có 800 năm người dân Việt Nam cũng không được quên nghĩa vụ phải lấy lại đất Tổ, thế hệ này không được phải nhắc lại cho thế hệ sau.

Xin cảm ơn Linh mục Đinh Hữu Thoại và Blogger Phạm Văn Hải

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi