mardi 15 janvier 2013

Dân oan Lê Thị Kim Thu kháng án

Danoan2012 (Danlambao) - Ngày 27-12-2012, quan tòa huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai đã phán án Lê Thị Kim Thu (LTKT) 2 năm tù; hai em trai 18 và 8 tháng; hai anh em người làm công, người anh bị 8 tháng và người em tha bổng không ở tù ngày nào vì do công an đã giữ đúng lời hứa như lúc bị bắt ra giá mỗi người 30 triệu nếu không muốn ở tù.
Trong phiên tòa, tuy không bị bịt miệng như Linh mục Nguyễn Văn Lý, LTKT không có cơ hội nào trình bày sự việc mà chỉ được trả lời là có hay không khi quan tòa hỏi, rồi gõ búa đọc lệnh có sẳn. Hai năm tù cho tội đập bức tường trị giá 13 triệu rưỡi (khoảng 600 đô) thì quả là tòa án đã dùng cái búa quá lớn để đập con kiến nhỏ. Phán quyết này có thể nói là các quan chức tòa án đang “ngồi xổm” trên luật pháp, dùng quyền hành để trả thù/hành hạ/ép bức người dân hoặc tòa án xử theo bộ luật duy nhất là... “Luật là Tao, Tao là Luật”. Họ đang và cũng đã đẩy LTKT cũng như các nhà tranh đấu chống bất công, đòi công lý, đòi quyền làm người, bất đồng chính kiến cũng như yêu nước vào thẳng con đường “đối kháng” và họ đang xây con đường này càng ngày càng rộng để đủ cho dân cả nước đi. 
Thế là LTKT phải chống án và cương quyết đấu tranh cho lý tưởng của mình như các anh chị vừa rồi cùng cảnh ngộ. Luật sư thụ lý hồ sơ là Đoàn Thái Duyên Hải, nhưng sau này có thêm luật sư Nguyễn Minh Đức lo giùm vì vừa khi nhận việc, luật sư Hải bị xe đụng, bất tỉnh, gãy tay đưa vào bịnh viện chờ mổ, bó bột. Theo luật sư nói, vì bị bất tỉnh nên không biết ai đụng mình; vì là luật sư chỉ được nói vậy thôi khi chưa có bằng chứng; và cũng vì người gây tai nạn, sau khi bị dân bắt phải đưa luật sư vào nhà thương, biến mất khó hiểu. Theo bàn dân thiên hạ bàn ra tán vào họ có thể biết là ai, nhưng vì tôn trọng luật sư nên họ thì thầm với nhau là... “người lạ” cho đúng nghĩa bóng và đen. 
Chống án thì chống chớ thật ra không ai tin vào công lý. Theo người dân ở Huyện Vĩnh Cửu to nhỏ định nghĩa chữ TÒA là chữ Tê, là TIỀN, là TÙ, là TỘI. Vì không có khả năng hiểu sâu rộng về luật pháp, người viết chỉ muốn đưa ra vài câu chuyện nhỏ xảy ra ở thị trấn nhỏ để dễ dàng kiểm chứng là chuyện có thật với người thật. Và sau đó, ai muốn bàn rộng bàn ra thì tự do vô tư bàn. 
Chuyện thứ nhất: Định nghĩa của tòa án là TÒA=TIỀN+TÙ+TỘI 
Khi ra tòa, không có ai nghĩ đến chuyện tìm luật sư biện hộ mình vô tội, tuy rằng mình vô tội thiệt, mà họ nghĩ ngay là tìm ra TIỀN và tìm ra “CỬA QUAN” vì họ biết tòa không cần biết ai lỗi hay phải, bên nào tiền nhiều thì cán cân nặng bên đó. Nên đã có chuyện quan tòa bị bắt vì tội “nhận hối lộ không đồng đề̉u” trước phiên xử LTKT 3 ngày (thay vì ngày xử là 15-11-2012, nhưng đình lại đến ngày 27-12-2012). Quan tòa bị bắt vì quá tham, ăn tiền 2 phía. Bên này, (người khác, vụ khác, không phải LTKT), biết mình đúng nhưng cũng muốn cho chắc ăn bèn “bôi trơn” cho việc trôi chảy. Quan tòa ra giá bằng một cái điện thoại mắc tiền và sau đó xử ép vì bên kia chung chi tiền nặng hơn. Bên này bèn tố quan tham tội “nhận hối lộ có hóa đơn” của chiếc điện thoại và từ đó lòi ra nhiều vụ nữa. Hiện nay không biết ông quan tham đó đang ở đâu, có bị đem ra xử như dân ngu khu đen không? Hay chuyển công tác với chức vụ cao hơn? Hay xử lý nội bộ? Hay xử phạt hành chánh để rút kinh nghiệm lần sau? Người dân không ai dám hỏi, sợ biết rồi nói ra sẽ bị kết tội “tiết lộ bí mật quốc gia” vì vụ ăn hối lộ cũng liên quan đến “láng giềng tốt” của LTKT. 
Chuyện thứ hai: Từ NHÀ, “CHẠY” đến TÒA rồi vô TÙ 
Đường đi đến TÒA, nó còn có công thức bất thành văn là phải “CHẠY”, không chạy không bao giờ đương nhiên tránh khỏi TỘI, ra khỏi TÙ mà về NHÀ nhanh, ngay cả chờ đến phiên hầu tòa cũng phải CHẠY cho nhanh. Khi bắt đầu xảy ra câu chuyện là phải làm “Thủ Tục Đầu Tiên” với phương châm “TAM KHÔNG”: 1. KHÔNG nên quên đưa tiền cho công an để được CHẠY tắt về NHÀ; 2. Nếu lỡ quên, thì KHÔNG nên bỏ cơ hội biết điều với Viện Kiểm Sát; 3. Và nếu lỡ bỏ cơ hội biết điều, thì KHÔNG nên vì bất cứ lý do gì mà không tìm mọi cách “phải quấy” với quan TÒA. Nếu không áp dụng phương châm TAM KHÔNG thì sẽ có một cái CÓ, đó là CÓ TỘI và ĐI TÙ. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, chớ con đường “CHẠY” đến TÒA, khẳng định, không bao giờ thay đổi”. Vụ bắt LTKT cũng là bằng chứng. Khi bắt hai anh em người được mướn đập bức tường, công an bắt người (tên Định), có nói: “Hai anh không có tội gì cả, nhưng nếu muốn khỏi ở tù thì mỗi người 30 triệu”. Người anh không có tiền thì bị ở tù 8 tháng và người em không ở tù ngày nào vì đã làm “Thủ Tục Đầu Tiên” CHẠY tắt về nhà. Còn hai em của LTKT trên đường đi đến TÒA không chịu áp dụng phương châm TAM KHÔNG nên đi một mạch vào nhà TÙ. Phần LTKT thì được cho đi con đường khác, giống như hầu hết các anh chị em bất đồng chính kiến và yêu nước đã đi trước, là vô thẳng nhà tù và nằm chờ bản án “tội làm chính trị” kế tiếp. 
Câu chuyện thứ ba: Từ nhà TÙ “CHẠY” về NHÀ 
Nó cũng giống như câu chuyện thứ nhất, nhưng ngược lại là từ nhà TÙ về NHÀ. Gọi là đường đi đã định, nhưng cũng phải CHẠY,(không chạy đố mà về kịp với vợ tối nay). Ai cũng biết người cộng sản rất là “nhân đạo”, mỗi ngày lễ là ngày rằm tháng bảy, là dịp xá tội vong linh, và ai “đốt nhiều vàng mã” thì sẽ siêu thoát sớm về lại “thiên đường cộng sản”, đó là luật tự nhiên trên thiên đường. Cậu bà con của LTKT được bạn mời bửa nhậu ăn mừng vừa trúng số, ham vui cả đám đánh bài, công an rình bắt được người và tang vật chỉ có trên 3 triệu, và bị xử ở tù 1 tháng. So sánh với vụ khác, tang vật trên cả tỷ đồng, nhưng họ CHẠY quá nhanh nên từ nhà tù trở về nhà chỉ có một đêm. Suy nghiệm ra là “Nó” đã canh nhà vì biết vừa trúng số và các con bạc ai cũng “bạc bố” (không có bạc con) mà không biết CHẠY thì ở tù là phải. Nói cho có hai bên, tụi “Nó” cũng công bằng, dân nhà nghèo được “vô tư” đánh bài (vì tụi “Nó” đâu có rảnh canh nhà bắt đâu!). 
Chuyện thứ tư: Máy móc điện toán bị tịch thu. 
Chuyện này nhỏ, nhưng nó cũng có dính dáng với công an/tòa án, đó là chuyện tịch thu tài sản. Khi công an đến bắt LTKT, họ lục soát và tịch thu toàn bộ máy móc điện toán, điện thoại và những gì họ muốn, gọi là để điều tra. Khi điều tra xong và ra tòa bị kết tội “đập phá tài sản nhân dân”, cho thấy những máy móc đó không có liên quan gì với tội phạm. Thế nhưng, khi phán án họ không nói năng gì về máy móc đã tịch thu mà chỉ nói tịch thu và trả lại cái búa và vài vật dụng liên quan dùng đập tường. Nhớ lại chuyện kể của các bà già xưa rằng khi còn ngăn sông cấm chợ, người ta vì cuộc sống, đem vài ký gạo ở quê lên thành phố ăn Tết, thì bị tịch thu ở trạm “kiểm soát kinh tế”. Công an bảo rằng tạm giữ qua Tết lên gặp trả lại. Chừng lên đòi, có giấy biên nhận đàng hoàng, họ vô tư trả lời là không còn để trả lại. Các bà “mẹ chiến sĩ” (bấy giờ là mẹ theo Mỹ, sau khi sáng con mắt ra) ở gần đó, chửi đổng là tụi nó ăn dọng chia chác hết rồi còn đâu mà trả! Có ai bị hoàn cảnh này không? Yêu cầu trả lại máy móc cho gia đình LTKT đi các quan, để họ bán mắc bán rẻ mà nuôi tù. 
Nhiêu chuyện nhỏ đó thôi đã chứng minh rằng dân không còn tin tưởng vào bộ máy cầm quyền, CÔNG AN, TÒA ÁN và NHÀ TÙ thì đừng nói gì về công bình xã hội và làm sao dân an cư lạc nghiệp mưu tìm cuộc sống ấm no!!! Cũng vì thế mà dân oan LTKT sẽ không bao giờ VÔ TỘI trong guồng máy đó. Nếu LTKT vô tội thì... quan tòa làm sao ăn nói và xử ra sao với “người lạ” bên kia hàng rào? 
Xin mượn những trích đoạn đã đăng trên Dân Làm Báo để thay lời kết. 
Bài viết: “Hiến pháp 1992, sửa đổi 2013 có phải của triều đại hậu Hồ?” của Như Hà (Danlambao)
Điều 2 Hiến Pháp nói: 
“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. 
Và lời bàn của Như Hà là: 
“Đã là nhà nước pháp quyền là một nhà nước phải đặt pháp luật lên trên hết, từ cấp cán bộ lãnh đạo cao nhất, cho tới công thần có công với nước, nếu phạm tội đều lấy pháp luật ra xét xử như người dân, thưởng phạt nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ...”
Sau khi đưa ra nhiều chứng minh xảy ra trong lịch sử cộng sản xưa và nay, NH kết luận: 
“Pháp quyền được nhà nước làm ra để dành riêng của nhân dân.”
Xin mời vào link sau để tìm hiểu thêm “những gì cộng sản nói bằng hiến pháp để so sánh những gì cộng sản đã và đang làm”. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi