Nguyễn Thượng Long (Danlambao)
- Thưa ông Phan Trung Lý, Chủ Nhiệm UB pháp luật Quốc Hội - Trưởng Ban
biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Tôi là Nguyễn Thượng Long, Giáo
Viên Địa Lý, Thanh Tra của ngành GD – ĐT Hà Tây cũ đã hưu trí nhiều năm
rồi. Ngay từ những ngày còn đứng trên bục giảng, tôi đã vô cùng ngạc
nhiên khi được nghe bà Luật Sư Ngô Bá Thành nói thẳng thừng trước Quốc
Hội rằng: “Ở Việt Nam đã có cả một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Lại
càng ngạc nhiên hơn, năm 2008, giữa Quốc Hội ông Trịnh Ngọc Dương,
Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tối Cao lại tuyên bố xanh rờn: “Ở Việt Nam: xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hoà cũng được, xử thắng cũng được!”
Theo tôi ông Chánh Án đã nói thật lòng. Chúng ta đã có 4 bản HP, trừ bản
HP 1946 có nội dung Dân Chủ - Đa Nguyên dù là còn sơ khai, 3 bản HP còn
lại (1959 – 1980 – 1992), bên cạnh những điều vì dân rất chung chung vô
thưởng vô phạt thì những điều vì đảng lại rất cụ thể và không hề có
chỉ dấu nào cho biết, đó là ý nguyện của nhân dân, xin đơn cử:
- HP 1959 là HP dọn đường cho đại hội đảng 3 (1960) triển khai 2 nhiệm
vụ chiến lược thống nhất đất nước bằng vũ lực và áp chế chuyên chính vô
sản lên miền Bắc, dọn đường để cả nước tiến lên XHCN.
- HP 1980 ra đời để thích ứng với sự tan vỡ tình đồng chí cộng sản Răng
– Môi Việt Trung, còn đó những dòng chữ trong HP này rằng: “Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam”.
- HP 1992 là hiến pháp ra đời để thích ứng với thực trạng Liên Xô thành
trì của CNXH thế giới và Đông Âu cộng sản sụp đổ và Việt Nam lại ngã
nhào vào Trung Quốc sau Hội Nghị Thành Đô, hoan hỉ đón nhận phương châm
“16 chữ vàng” và “4 Tốt” từ phía Trung Quốc.
Là một người Việt Nam bình thường nào cũng vậy thôi, chẳng ai có thể yên
tâm khi đất nước của mình lại có một thứ Hiến Pháp kiểu như thế. Cho
nên vào chiều 29-12-2012 nghe ông tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: “... Nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 HP như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì là cấm kị cả”, dù trước đó ông Nguyễn Phú Trọng, sau đó là ông Đinh Thế Huynh, ông Lê Hồng Anh đã có những lời răn đe bóng gió xa gần kiểu: “...
Công An và Quân Đội phải ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc
lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đảng và nhà
nước...”, tôi vẫn không nguôi sự phấn chấn, dù chưa biết lần sửa đổi
này, “Luật Mẹ” của Việt Nam sẽ có diện mạo như thế nào? Và ngay từ đêm
Giáng Sinh 2013 tôi cũng đã thao thức những điều như thế này:
- Sửa HP hướng tới việc trở về tên nước cũ là Việt Nam – Dân Chủ - Cộng
Hoà hay là một quốc danh nào khác phù hợp với thời đại là điều cần
thiết. Tên nước là thể hiện sự hướng tới của cả xã hội. Vẫn cứ để tiếp
đầu ngữ XHCN lên trên tên nước Việt Nam là không ổn, vì danh xưng XHCN
đã được thực tế thế giới chứng minh là ảo tưởng rồi, chúng ta không nên
hướng tới một ảo tưởng, một viễn cảnh thất bại và không có thật.
- Sửa HP mà không xem xét tới việc xoá bỏ điều 4 là không sửa gì cả, vì
chỉ riêng điều 4 thôi đã vô hiệu hoá hết các điều còn lại. Điều 4 đã
biến Hiến Pháp thành ra là Đảng Pháp. Nếu chưa dám xoá bỏ điều 4 thì lần
sửa đổi này cũng rất cần phải luật hoá điều 4 cùng với luật hoá điều 69
để nhân dân Việt Nam được hưởng những quyền căn bản mà nhân loại văn
minh đã được hưởng. Luật hoá điều 4 cũng là hành động hối lỗi của ĐCS
Việt Nam, vì bao lâu nay rồi điều 4 cũng như điều 69 không hề được luật
hoá, nhưng người dân mà thực hiện điều 69 (tự do biểu tình, tự do ngôn
luận...) thì đi tù, đi phục hồi nhân phẩm, trong khi đó từ HP 1959 –
1980 – 1992... đến nay, điều 4 quy định ĐCS Việt Nam độc quyền lãnh đạo,
bên cạnh những thành công, ĐCS cũng đưa cách mạng Việt Nam lún sâu vào
bao sai lầm đau đớn: Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Công Nghiệp
Hoá, Cải Tạo công thương nghiệp TB tư doanh (2 lần), Thời kỳ quá độ...
và đau xót nhất là Việt Nam tụt hậu đến thê thảm trở thành miếng mồi
ngon trước những tham vọng vô độ của TQ. Vậy mà đảng vẫn vô tư vi hiến,
vẫn vô tư bắt nhân dân coi mình là Mùa Xuân của đất trời.
- Sửa Hiến Pháp mà vẫn khẳng định sự bất tử của học thuyết Mác – Lê là
sai lầm, vì học thuyết này đã được chứng minh là ảo tưởng, là phản khoa
học trên phạm vi thế giới rồi.
- Sửa Hiến Pháp để Hiến Pháp thực sự là một khế ước của toàn xã hội.
Hiến Pháp đó không có nhiệm vụ phải phục tùng các nghị quyết của các Đại
hội đảng.
- Sửa Hiến Pháp để ĐCS cũng phải tôn trọng Hiến Pháp, đảng CS không thể
đứng trên Hiến Pháp. Ví dụ: Sự xuất hiện Ban Nội Chính Trung Ương là để
đối phó với hiện tượng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang bị dư luận mô tả
là một chính phủ tham nhũng... Đây là dấu hiệu đảng suy yếu, phải đá lộn
sân, phải làm thay việc của chính quyền. Đây không phải là sự tôn trọng
Hiến Pháp. Triển khai 19 điều cấm đảng viên, cấm đảng viên ký tên vào
đơn thư các loại của quần chúng là vi hiến, vì như thế đảng viên không
còn tư chất của con người công dân nữa?
- Sửa Hiến Pháp phải tạo cơ sở để huỷ bỏ cơ chế song trùng giữa lãnh đạo
đảng với lãnh đạo chính quyền vô cùng cồng kềnh, kém hiệu quả, tiến tới
đảng hoạt động nhờ quỹ đảng phí của đảng, không dùng ngân sách nhà nước
như các đảng cầm quyền ở các quốc gia dân chủ văn minh.
- Sửa Hiến Pháp để thực thi cơ chế Tam Quyền Phân Lập tạo điều kiện để
xã hội Việt Nam tiến tới thể chế chính trị Dân Chủ - Đa Nguyên như các
nước văn minh.
- Sửa Hiến Pháp để Quân Đội Nhân Dân sẽ trung với nước, hiếu với dân chứ
không phải trung với đảng như lúc này. Công An Nhân Dân sẽ chỉ chí thú
vào nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an cho người dân, không phải cúi mặt
“Còn đảng - còn mình” như lúc này.
- Cuối cùng, sửa Hiến Pháp để ra đời một Quốc Hội có tính chuyên nghiệp,
các ĐBQH phải là những chuyên gia làm luật, không thể coi công tác Quốc
Hội chỉ là công việc kiêm nhiệm, công việc làm thêm để trang trí cho
thể chế này như hiện nay.
Thưa ông Phan Trung Lý!
Không biết có đúng là nói trước bước không qua không, nhưng tôi vẫn
nghĩ: Sửa đổi Hiến Pháp là để Hiến Pháp sau sẽ khác Hiến Pháp trước, tốt
hơn Hiến Pháp trước và những tháng ngày tới, nhân dân Việt Nam sẽ có
một bộ Hiến Pháp mới mà người dân Việt Nam được tham gia bàn thảo, góp ý
và phúc quyết bằng một cuộc trưng cầu dân ý chứ không phải là một bộ
Hiến Pháp từ trên đỉnh cao trí tuệ rơi xuống như những lần trước. Với bộ
Hiến Pháp mới đó, chúng ta sẽ không còn là một dị thường trong con mắt
của nhân loại văn minh và một vận hội mới sẽ mở ra trước mắt mọi người:
- Bộ HP đó sẽ tạo ra một xã hội mà trong đó các thành viên từ ông Chủ
tịch nước, ông Tổng bí thư, ông Thủ tướng… đến một người dân thường
không khác gì nhau về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trước xã hội.
- Người nông dân sẽ không dễ dàng mà trắng tay vì mất đất đai của chính
ông cha mình để lại, sẽ không thể tái diễn những gì đã xẩy ra ở Tiên
Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên, Vụ Bản - Nam Định… đội ngũ Dân
Oan theo thời gian sẽ ngày càng thưa vắng. Nhân Sĩ, Trí Thức yêu nước
không còn bị coi khinh, không bị ngược đãi như lúc này. Người Việt Nam
yêu nước thật sự không bị bỏ tù sau những bóp méo, bôi nhọ một cách vô
cớ. Ngành lập pháp (Quốc Hội), các hội đoàn quần chúng (Mặt Trận – Đoàn
thanh niên - Phụ nữ…) sẽ không thể là cánh tay nối dài của Đảng. Các
ngành hành pháp sẽ không thể tham nhũng, chia trác, chậy chọt. Giáo dục
thầy sẽ ra thầy, Y Tế thầy thuốc ra thầy thuốc, Công an sẽ không còn
những “Anh hùng Núp” cúi mặt “Chỉ biết còn đảng còn mình”. Non sông gấm
vóc, môi trường sống sẽ thoát cảnh là bãi rác như lúc này… Ngành tư Pháp
sẽ không còn những phiên toà với án bỏ túi, những phiên toà công khai
mà chẳng cho ai vào ngoài nhân viên công lực… Nguyên khí đất nước sẽ tụ
về, vận nước sẽ đổi thay cùng văn minh nhân loại…
- Bộ HP đó sẽ có tác dụng hoá giải xung đột giữa lợi ích cá nhân, bè
đảng, phe nhóm với lợi ích toàn cộng đồng, là rào cản hữu hiệu “Không
cho phép bất cứ ai có thể bước qua những chuẩn mực đạo đức truyền thống
để dành những ưu tiên riêng như một biệt lệ cho những quyền lợi vị kỷ.”
(Nguyễn Gia Kiểng – Bàn về chủ nghĩa thực tiễn).
Bộ HP đó sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người trên tinh thần: “Người
ta có quyền làm tất cả những gì mà Hiến Pháp và Pháp Luật không cấm -
Người ta không được phép làm những gì mà Hiến Pháp và Pháp Luật đã cấm”.
Và bất cứ người Việt Nam nào khác sẽ không thể bị đối xử vô lý như thế
này, nếu đất nước chúng ta có một bộ Hiến Pháp thực sự “Của Dân – Do Dân
– Vì Dân” trên tinh thần của Dân Chủ - Đa Nguyên:
“Ngày 20 – 11- 2012 vừa qua, một số giáo viên Hà Đông trong đó có tôi
đã tổ chức gặp gỡ nhau cùng một số bạn bè không ngoài mục đích động
viên nhau “ Sống vui - Sống khoẻ - Sống có ích”…vậy mà không đầy 24 h
sau tôi bị ném đá tơi bời trên Facebook, người khủng bố tôi là ai? Tôi
không quan tâm. Có thể giữa lúc “Phải kiên quyết không cho xuất hiện các
tổ chức chính trị đối lập” (NTD), tôi đã quá khinh xuất mà ngang nhiên
dùng thuật ngữ “Nhóm Giáo Hữu Hà Đông” trong bài báo đó! Chính tôi đã
hồn nhiên khởi động cho trận ném đá này mà không biết.
Sau đó, tôi liên tiếp nhận được những lời nhắc nhở cả trực tiếp lẫn
gián tiếp rằng: “Ông ta (tôi) viết càng ngày càng mạnh! Chắc là viết
thuê cho hải ngoại để ăn tiền?”. Tôi nghĩ, viết mạnh hay viết nhẹ không
quan trọng bằng viết đúng hay viết sai. Còn nói tôi viết thuê là không
biết gì về những người cầm bút. Viết thuê giỏi lắm cũng chỉ trình ra
được những dòng chữ nhợt nhạt, vô hồn, không mị được ai trong thời
Internet đã tràn vào tận buồng ngủ của mỗi gia đình, chưa kể nghề cầm
bút viết phản biện trong xã hội Việt Nam đương đại là nghề nguy hiểm
nhất trong các nghề nguy hiểm. Về việc này, ai muốn tường minh, xin đừng
hỏi các nhà báo đã bán linh hồn cho quyền lực, hãy hỏi các nhà báo Điếu
Cầy, Tạ Phong Tần, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Khương... sẽ rõ.
Về tiền bạc, tôi soi mãi 4 Bộ Hiến Pháp (1946 – 1959 – 1980 – 1992),
bộ luật hình sự hiện đang dùng... chẳng thấy điều luật nào cấm người
Việt Nam trong nước, ngoài nước không được giúp đỡ nhau bằng tiền lúc
hoạn nạn. Theo tôi giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn không kèm theo điều kiện
nào là điều rất đỗi bình thường. Nhân đây, tôi gửi lời cám ơn chân thành
tới bạn bè xa gần đã vô tư giúp đỡ tôi khắc phục những tổn thất trong
lần tôi bị khám nhà, bị thu giữ máy tính, tài liệu, thư từ, sách vở, kỷ
niệm của bạn bè... trong ngày 15-6-2010. Nhờ có sự giúp đỡ vô tư đó, tôi
có điều kiện để tiếp tục cầm bút cho đến hôm nay.
Ngược dòng lịch sử tôi thấy chỉ các cụ tiền nhân trước kia bảo vệ bờ
cõi và hưng thịnh xứ sở là không nhận gì của ngoại bang, còn những người
cộng sản Việt Nam nếu không nhận: Lý tưởng, Chỉ thị, Tiền bạc, Súng
đạn, của nước ngoài... thì làm sao họ đánh Pháp, đuổi Nhật rồi lại “Đánh
cho Mỹ cút – đánh cho Nguỵ nhào” rồi nhuộm đỏ đất nước này, dân tộc này
được! Nếu sự giúp đỡ nào cũng là có tội, thì giải thích sao đây việc
ông Đỗ Mười nhận 1 triệu USD của tư bản Hàn Quốc mà trong bài viết mới
về đảng hôm qua và đảng hôm nay cụ thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lại vừa
nhắc lại! Vậy ra hôm nay ông lớn tham nhũng này đặt lên bàn ông lớn
tham nhũng kia những “Cục gạch” to tướng bằng USD tiền thuế của dân thì
không sao, TBT đảng nhận cả triệu đô của nước ngoài không nộp lại cho
ngân sách cũng không sao hết, còn người Việt Nam giúp người Việt Nam
vượt qua khó khăn, hoạn nạn không kèm điều kiện nào lại là có tội hay
sao?
Thưa ông Phan Trung Lý!
Tôi hiểu tấm lòng ông, nhưng điều mà ông đã nói trong cuộc họp báo ngày 29-1-2013 rằng: “Không có điều gì là cấm kị cả! Kể cả điều 4!”
và những thao thức trong Đêm Giáng Sinh 2013 của tôi có nguy cơ không
trở thành hiện thực. Bản Tráng Ca “Mùa Xuân Hy Vọng” của toàn dân tộc
chưa kịp cất lên thì gậy chỉ huy trong tay các nhạc trưởng đã vung lên
đầy giận dữ và chỉ vào những giai điệu, nhịp, phách của những bi ca “Mùa
Đông Ảm Đạm” quá xưa cũ.
Buồn thay! Lẽ nào đất nước này nó thế! và dân tộc này không biết vì tiền
oan nghiệp chướng nào! Có tội tình gì trong suốt chiều dài lịch sử mà
nay lại phải sống những ngày như vậy! Thưa ông Phan Trung Lý.
Hà Đông một ngày cuối đông rét mướt 10 – 1 – 2013
- Nơi ở: Tổ 6 - Đường Văn La - Phường Phú La - Quận Hà Đông.
- Điện Thoại: 0433521066 & 0165232336
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi