mercredi 16 janvier 2013

Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 blogger Sài Gòn (2)

VRNs (16.01.2013) – Sài Gòn – Nhân chứng không được triệu tập đến trong phiên xử sơ thẩm 3 bloggers Sài Gòn, ngày 24.09.2012, mà trong bản án lại có lời khai của nhân chứng là bằng chứng Tòa án nhân dân Tp.HCM đã ngụy tạo bằng chứng để kết án cả 3 bloggers này, nhất là cô Tạ Phong Tần.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương cho biết: “Nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm còn cho thấy, nhân chứng Vũ Quốc Tú, Ngô Thanh Tú vắng mặt không trực tiếp tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm. Nhưng bản án sơ thẩm lại nói tại phiên tòa những người làm chứng được triệu tập, khai báo cụ thể như sau: ‘Ông Vũ Quốc Tú và Ngô Thanh Tú (bí danh Thiên Sầu) thừa nhận tham gia vào việc đăng viết bài cho CLBNBTD có nội dung rất xấu, thiên về nói xấu, đả kích chính quyền… xuyên tạc sự thật’ (trang 11, bản án hình sự sơ thẩm)”.
Luật sư Lương nhấn mạnh: “Hai nhân chứng này không tham gia tại Tòa sơ thẩm”.
Nhân chứng không có mặt ở tòa án, vậy thì lấy đâu ra lời khai trước tòa? Lời khai được tòa trích dẫn trong bản án sơ thẩm từ đâu ra? Có phải do thẩm phán Vũ Phi Long chủ tọa phiên tòa sáng tác ra không? Hay của một âm mưu tìm cách kết án người vô tội đã thực hiện, và vì thế lực đó quá lớn, khiến chủ tọa phiên tòa buộc phải công bố một bằng chứng giả, ngụy tạo để làm cớ kết án?
Nền tư pháp thống nhất có phân công chứ không phân quyền của pháp chế xã hội chủ nghĩa đã và đang tạo cho những nhà cầm quyền độc tài tự do hành động sai trái theo ý mình.
Phóng viên VRNs đã liên lạc với ông Vũ Quốc Tú (blogger Uyên Vũ), và được ông này cho biết như sau:
“Thật là bất ngờ khi đọc được những dòng chữ đó. Điều hết sức rõ ràng là tôi không có mặt trong cả phiên sơ thẩm lẫn phiên phúc thẩm, như thế điều họ viết như trên quả là sự vu khống trắng trợn”.
Ông Vũ Quốc Tú giải thích: “Vì tôi không tiếp cận trực tiếp được diễn biến phiên tòa, cũng không được đọc Bản án sơ thẩm đó nên không biết họ còn bịa đặt những gì. Nhưng việc họ viết chỉ cần một câu như trên đã bộc lộ toàn bộ sự gian dối trong việc tố tụng ở phiên sơ thẩm. Họ đã không mời hoặc triệu tập tôi tại phiên tòa này chắc chắn là do có ý đồ. Thêm nữa, ở phiên phúc thẩm họ ‘cố gắng’ làm cho phiên tòa có vẻ đàng hoàng hơn, nên có triệu tập. Nhưng họ đã đến nhà thăm dò ngay trước phiên tòa và khi thấy không thể ‘kiểm soát’ được tôi nên ngày xử họ đã điều quân đến ngăn cản”.
Chúng tôi qua trung gian một người để hỏi ý kiến ông Vũ Thanh Tú (blogger Thiên Sầu), và được blogger này cho biết như sau:
“1- Cá nhân em tham gia CLBNBTD chỉ là viết về du ký, du lịch, chứ chẳng có bài viết gì trên trang chính của CLBNBTD. Do đó, làm gì có chuyện em thừa nhận viết bài để đả kích chính quyền, xuyên tạc sự thật.

2- Phiên tòa sơ thẩm em có được dự đâu, trong khi trong phiên tòa phúc thẩm em có nói trước tòa là những buộc tội trong cáo trạng là không đúng. Anh Lê Xuân Lập cũng bác bỏ cáo trạng của Viện Kiểm Sát đưa ra”.
Blogger Uyên Vũ (trái) và blogger Thiên Sầu
Như vậy cả hai nhân chứng tên Tú đều xác nhận đúng như luật sư đã cho biết là họ không hề được mời hay triệu tập đến tòa tham dự phiên xử sơ thẩm. Riêng trong phiên phúc thẩm cả hai đều có thư mời, nhưng blogger Uyên Vũ bị công an tổ chức chặn đường từ đầu hẻm, không cho phép rời nhà, nên không đến được tòa, còn blogger Thiên Sầu thì đến được tòa, nhưng tại tòa blogger này không hề “thừa nhận tham gia vào việc đăng viết bài cho CLBNBTD có nội dung rất xấu, thiên về nói xấu, đả kích chính quyền… xuyên tạc sự thật”, mà còn công khai phê phán bản cáo trạng của Viện kiểm sát đưa ra là sai sự thật.
Mọi sự đã rõ, tòa án đã dựng chuyện từ không ra có để kết án người vô tội. Phiên tòa sơ thẩm đã thế, đến phiên xử phúc thẩm, thay vì xem xét lại những vi phạm pháp luật của xét xử sơ thẩm, như là chức năng chính của xét xử phúc thẩm, thì tòa án tối cao lại tuyên y án, tức là công nhận bản án dựa trên bằng chứng ngụy tạo là đúng.
Như thế pháp chế xã hội chủ nghĩa là cơ chế cho phép tòa án hoặc một bộ phận nào đó có quyền có thể đổi trắng thay đen theo ý mình, bất chấp sự thật, bất chấp công bằng.
PV.VRNs

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi