mercredi 9 janvier 2013

Từ tham nhũng đến Mafia buôn người

Huỳnh Tâm (Danlambao)LTG: Chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc một thiên phóng sự "Từ tham nhũng đến Mafia buôn người". Nội dung, nói lên nỗi đau của tuổi thanh xuân vấp phải chế độ mồm loa quảng cáo cụm từ: "Lao động xoá đói giảm nghèo" một chương trình nguyên thủy đầy lý tưởng, sau đó nhà nước CSVN biến thành của riêng lợi ích nhóm. 
Ở buổi đầu tưởng rằng nhà nước CSVN mở cửa, khuyến khích cho dân đổi đời! Nhưng hoàn toàn ước mơ của hơn 146.500 tuổi lao động, hóa đầy nghịch cảnh, người dân bị bán làm nô lệ.....nói đúng hơn nhà nước buôn bán người, từ năm 2000 cho đến nay (2013) vẫn còn tiếp tục, có lẽ rồi đây con số thanh niên lao động bất bình thường tăng lên vùn vụt. Một hồ sơ khác nhà nước CSVN đồng lõa bán trên 1 triệu người dân ra hải ngoại, như trẻ em dưới tuổi vị thành niên làm gái mãi dâm, những chị-em làm vợ người Trung Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan, và người dân đi lao động hải ngoại bị nhà nước ăn tiền lót đầu, tiền chia mỗi tháng và tiền ký tái hợp đồng v.v... Đứng trước đau thương này, chúng tôi cầu nguyện quý bạn đi lao động ở xứ người được bình an, dù đang vấp phải chương trình "Lao động xoá đói giảm nghèo". Bạn hãy lấy hết sức mình để vượt qua hành trình cuộc đời lao động bất đắc dĩ, cho dù đang trôi nổi, gian nan, vô định, vẫn phải sống, và đem lại tin vui cho gia đình. 
Chúc quý bạn lấy nghị lực làm thành công. Huỳnh Tâm.

*
Tác giả Huỳnh Tâm, đội chiếc mũ đen, đến với anh, chị, em đi lao động bất hợp pháp, tạm sống trong rừng Nam Téteghem, tỉnh Dunkerque, phía Bắc nước Pháp, chúng tôi cùng nhau ngồi bên bếp lửa sưởi ấm vào buổi sáng mùa Đông. Ảnh: Mỹ Dung. 
Những bước chân đổi đời gian nan. 
Trước đôi mắt ngỡ ngàng của chúng tôi: Thấy những người Việt đang ngậm ngùi tham dự lễ hoả táng của bạn đồng hành nhập cư trái phép, tại nhà quàn tỉnh Dunkerque, hưởng dương 27 tuổi. Anh này chết khi rơi từ mui xe tải xuống đường, bỏ lại vợ và con ở Việt Nam. Chi phí an táng do người dân địa phương bảo trợ. 
Chúng tôi đặt vấn đề, tiếp cận nguyên nhân, được biết: Những cánh rừng Nam Téteghem, miền Bắc nước Pháp, bỗng dưng xuất hiện trạm dừng chân của người Việt lao động bất hợp pháp. Do chuyên viên bảo vệ rừng thuộc tỉnh Dunkerque, miền Bắc nước Pháp phát hiện khá đông người Việt sống bất hợp pháp trong rừng. Ở đây, các trạm trung gian nhập cư bất hợp pháp trải rộng trên xa lộ A 16 có ba khu rừng Téteghem, trên 50 bãi đậu của xe vận tải. Còn xa lộ A 26, N 24 và N 25 có trên 200 nhà kho chứa vật liệu xuất nhập cảng bỏ hoang lâu năm. Bốn xa lộ liên tỉnh kết nối vào nhau có khoảng 70 bãi đậu công cộng dành riêng cho xe vận tải cỡ lớn, đến từ các nước Âu châu và nội địa nghỉ ngơi trước khi vào hải cảng Calais. Những địa chỉ trên là môi trường tạo ra hoạt động của đường dây đưa người lao động bất hợp pháp vào Anh quốc. 
Từ Paris đến khu rừng Nam Téteghem trên ba trăm cây số, chúng tôi vào rừng đi theo đường mòn gồ ghề, sình lầy. Giữa khu rừng hoang, chúng tôi bất ngờ chứng kiến đời sống cơ cực của người Việt ở đây. Sau khi đưa cho những người này xem tư liệu trên các trang báo tại Dunkerque, Calais và Téteghem nói về sự xuất hiện người Việt Nam tại khu rừng Nam Téteghem, và vụ tai nạn hồi tháng Sáu vừa qua, họ mới chịu trò chuyện với chúng tôi. Một thanh niên cho biết, anh ta được người hướng dẫn đưa đến rừng này vào cuối tháng 11.2008. Lúc đó, có ba người khác sống trong rừng. Ở chừng nửa tháng, ba người kia được đưa đi đâu không rõ. Theo anh ta, mỗi ngày có nhiều người Việt đến khu rừng này ở chung nhưng không thấy người dẫn đường quay lại. Những người Việt tự tìm bao nilông khâu lại, rồi dựng cây làm lều. Người thanh niên cho biết, anh ta đã 30 lần leo lên xe tải để trốn sang Anh, nhưng đến biên giới thì bị cảnh sát Anh bắt lại, đuổi về Pháp. Cảnh sát Pháp bắt giam một ngày để thẩm vấn, rồi thả ra. Sau mỗi lần được thả, anh ta phải đi bộ mấy chục cây số về lại khu rừng vì không biết đi đâu và cũng không biết cách nào trở lại quê nhà. 
Túp lều, bếp lửa của 24 người Việt Nam mới xuất hiện trong rừng Téteghem. Ảnh: Huỳnh Tâm. 
Một thanh niên khác, độ tuổi hai mươi, tóc dài chấm ngang vai, thân thể gầy còm, khuôn mặt vàng da, đôi mắt thâm quầng đen, thuật lại hành trình tới Pháp qua ngả Nga và Đức. Nhóm sáu người của anh tới Nga, sau đó chỉ có anh ta được chở qua Đức rồi đến Pháp. Anh này kể lại, khi đến mé bìa rừng đầu tháng 2.2009, họ chỉ đi theo đường mòn vào rừng, sẽ gặp người Việt. Mùa đông ở rừng Téteghem khắc nghiệt. Anh này nói: "Ở Nga tuy rất lạnh nhưng được ở trong nhà, có lò gas sưởi ấm, còn ở đây là rừng chỉ có hai lều vải và nilông nhỏ, lại đúng lúc mùa đông, chân tay tê cóng, mất cảm giác. Áo len không đủ ấm, lạnh thấu xương, da thịt nứt nẻ như thể đã thấy trên cánh đồng bị hạn hán ở miền Trung quê mình". 
Một phụ nữ lớn tuổi, giọng Nghệ An, cho biết, quê ở Anh Sơn. Hành trình từ Hà Nội đi máy bay sang Nga, qua Đức và tới khu rừng này mất một tháng bảy ngày. Nghe có tổ chức giới thiệu người đi Anh làm việc, cô đã cẩn thận kiểm tra, trước khi thế chấp căn nhà từ đường đã ba đời của bên nhà chồng với số tiền là 7.000 Euro để đi lao động, hòng đổi đời cho hai người con trai. Cô cho biết, đơn vị tổ chức hứa hẹn rằng, tới Anh làm việc hai tháng là đủ tiền lấy lại sổ đỏ. Ở Moscow được 20 ngày, cô được cho 60 USD để tiêu, thì có người lạ mặt đến gặp, cho biết mười ngày nữa lên đường nhưng phải trả chi phí 2.000 Euro, do khoảng chi trước chỉ lo tới Nga. Tự đánh giá là gặp bọn lừa đảo, người phụ nữ này vẫn cố nuôi hy vọng gỡ gạc nên đồng ý gọi điện thoại về nhà, thế chấp sổ đỏ để được sang Đức, qua Pháp. Cô cho biết, ở khu rừng này, cô gặp 26 người đồng cảnh ngộ, tất cả đều ở miền Trung. Nghe mức chi phí 9.000 Euro của người phụ nữ đến từ Nghệ An, có nhiều người cho biết, họ mất tới 13.000 Euro. Người nữ trạc tuổi ba mươi nói: "Bố mẹ em thế chấp ba thửa ruộng cho ngân hàng đến 300 triệu đồng, tương đương 16.000 Euro". 
Hiện nay trong rừng Téteghem có tất cả 20 nam 4 nữ. Bếp cơm tập thể do những người Việt Nam tại tỉnh Dunkerque cứu trợ. Y tế do linh mục Phạm Xuân Đào vận động hội y sĩ Pháp viếng thăm mỗi tuần. 
Lán đường Cỏ bỏ mạng đường xe. Đi đường bãi bỏ mạng đường tàu. Ảnh: Huỳnh Tâm. 
Những chuyến xe tử thần.
Trong số 24 người Việt ở rừng Téteghem, có một thanh niên nói giọng Huế, giới thiệu mình quê ở Phường Đúc. Anh này cho biết, tháng Tám có 27 người, chết một, hai người trốn được sang Anh, còn lại 20 nam và bốn nữ. Theo anh này, ngoại trừ một chị 50 tuổi và một chị 45 tuổi, phần lớn trong độ tuổi từ 30 tới 40 và ba thanh niên mới 19, 17, 16 tuổi. 
Đời sống trong rừng. 
Người nói giọng Huế nhìn nhận, khu rừng Téteghem có thể xem là đoạn cuối của hành trình từ Việt Nam, sang Nga, qua Đức rồi tới Pháp. 24 người Việt hầu như không đủ tiền để đi tiếp và theo họ, đường dây đưa lao động cũng khó đưa họ sang Anh trót lọt. Mấy tháng đầu, họ toàn ăn rau rừng để cầm hơi, nhịn đói khát đến mấy ngày liền. Theo lời kể của họ, gần đây mới có người tiếp tế thực phẩm và dụng cụ nấu nướng. Chàng trai quê ở Phường Đúc cho biết thêm, tuy có cơm ăn nhưng họ vẫn tiếp tục hái rau trong rừng để thay thế rau chợ. Anh này nói: "Đủ ăn, có đồ ấm là nhờ cô chú gốc gác người Sài Gòn định cư tại Dunkerque cho lương thực, tặng mền len, quần áo và giày, chính quyền địa phương cũng cho thịt gà và bạt nilông, để chúng tôi dựng lại hai túp lều lớn khang trang một chút". 
Một cô gái độ tuổi 30 cho biết, nguồn nước chính lấy từ hồ nước lớn bên cạnh (Lac de Téteghem). Cô nói: "Những tháng gần đây có quý cô chú và chính quyền cho nước lọc để uống và đồ dùng vệ sinh". Tinh thần của 24 người này gần đây bớt bi quan và thoái chí hơn trước do được hỗ trợ về thức ăn và hội y sĩ Pháp thăm bệnh mỗi tuần nhờ sự vận động của một linh mục người Việt Nam. 
Nhìn hai cái lều dựng bằng bạt nilông như vậy, khó hình dung nó có thể che chắn cho những người Việt ở đây qua được mùa đông rét giá. Vậy mà chàng trai xứ Huế lại cho rằng, chịu dãi nắng dầm mưa, rét buốt, đói khổ thế nào cũng chưa bằng những giờ phút kinh hoàng khi nhảy xe trốn sang Anh. 

20 lần đối mặt tử thần. 
Đang trò chuyện với những đồng hương, chúng tôi thấy ba thanh niên vào khu trại. Một người trẻ ngồi bên cạnh giới thiệu: "Ba người này đi nhảy xe không được mới về lại rừng. Họ đi bộ từ sáng đến chiều trên bảy mươi cây số mới về tới đây lúc 5 giờ chiều". Chúng tôi ngạc nhiên: "Đi từng ấy người mà không sợ bị phát hiện sao?" Một bạn, người Hải Dương giải thích, dù bãi đậu xe ở gần hay xa cũng vẫn phải đi ba hay bốn người, vì xe quá cao cho nên phải đứng lên vai chồng lên nhau, rồi mới lên mui xe được, sau đó nối tay nhau kéo lên xe, còn nữ thì đi theo nam nhưng lên xe trước. Trước khi đi, người nhảy xe phải ăn thật no vì phải nhịn đói cả ngày. 
Theo lời kể của những người có kinh nghiệm, nhảy xe có nhiều cách như chui vào thùng xe, nằm trên mui hay đeo dưới lườn xe. Trong khi chui vào thùng xe có nguy cơ bị ngạt thở, ngồi trên mui tuy thoải mái nhưng hiểm nguy rình rập khi xe thắng gấp hoặc lên hay xuống dốc. Còn đeo dưới lườn xe thì đòi hỏi phải đủ sức khoẻ chịu được quãng đường 40km từ bãi tới cảng Calais. Theo họ, khi xe lên tàu thuỷ sang Anh, người nhảy xe phải tìm mọi cách để lọt qua cửa khẩu. 
Chàng trai xứ Huế trong ba tháng 20 lần nhảy xe nhưng không lọt. Một phụ nữ cho biết cô có bảy lần nhảy xe lên tới cửa khẩu nhưng phải quay lại do kiểm soát quá gắt. Cô này nói: "Mỗi lúc đi nhảy xe để đổi đời cũng không khác nào đi vào cửa chết, rủi trước mắt, còn may mắn thì ít hy vọng". Theo cô, tuy sức lực có hạn, nhưng nghĩ tới người thân ở nhà đang cần có tiền gửi về để chuộc sổ đỏ đã cầm cố hay có vốn để làm ăn là cô lại tiếp tục nhảy xe. 
Qua lời kể của những người Việt ở đây, phần đông đi lao động bất hợp pháp là người miền Trung, nhiều nhất là người ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Trị, Huế, Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Xuất thân miền Bắc có người Thái Bình, Hải Dương. Hai khu rừng bên kia xa lộ A16 có khoảng 300 người, còn sống trong kho hàng thì nhiều, phần lớn là dân Đông Âu chiếm cứ khu vực đó khá lâu. Luật chơi không thành văn của giới lao động nhập cư bất hợp pháp là mỗi nước chiếm cứ một phương. 
Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi lý do vì sao phải đến Anh mà không qua Đức, Bỉ hay Hà Lan hay ở lại Pháp. Tất cả đều nói giống nhau: "Chúng tôi đến Anh là vì nơi đó tìm kiếm việc làm dễ hơn, lương cũng cao hơn và sẽ có giấy tờ cư trú hợp pháp, cũng như nơi ăn ở đã có chủ lo hết". Qua tìm hiểu, công việc lương cao, chủ bao là trồng cỏ hay bán sản phẩm quốc cấm, còn nữ có khả năng phải làm trong ngành buôn hương bán phấn, dịch vụ mới phát triển tại Anh quốc do người Việt làm thầu. 
Còn tiếp...

Huỳnh Tâm
danlambaovn.blogspot.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi