Đức Cha Nguyễn Thái Hợp thăm và dâng lễ cầu cho các nạn nhân chìm tàu Quảng Bình
Lữ Khách (Giáo Phận Vinh)
- Một chiều buồn. Chúng tôi trở lại giáo xứ Cồn Sẻ trong không khí ngập
tràn tang tóc. Những dãy cờ màu đen phần phật bay trước sân nhà thờ
càng gợi cảm giác thê lương. Trong nhà thờ, 14 di ảnh được sắp làm hai
hàng trước gian cung thánh. Không khí như sánh lại, u trầm...
Mấy chục dãy ghế đầu tiên được bố trí dành cả cho 14 gia đình nạn nhân
là giáo dân xứ đạo Cồn Sẻ trên tàu của anh Phêrô Nguyễn Phong và 9 nạn
nhân thuộc họ đạo Tân Định, xứ Cồn Nâm. Nhà thờ rợp kín khăn tang. Thỉnh
thoảng, những tiếng khóc nghe ai oán cất lên và có người ngất lịm...
Không ai oán, không ngất đi sao được trước nỗi đau quá lớn: Vợ trẻ mất
chồng, đoàn con thơ dại - có bé còn nằm trong tã – mất cha, gia đình mất
đi trụ cột, nợ nần chồng chất lại càng chất chồng thêm lên, có gia đình
mất đi một lúc 6 người con, giáo xứ mất đi những người con dạn dày kinh
nghiệm sóng gió nhất và đau đớn nữa là đến giờ phút này mới chỉ tìm
được một thi thể là anh Phêrô Mai Khương Duy.
Đã đến Cồn Sẻ ba bốn lần nhưng tôi cũng không thể hình dung được rằng
mình sẽ trở lại thăm xứ đạo vùng cồn bãi sông Gianh trong một dịp tang
thương như thế này.
Tại giáo xứ Cồn Sẻ
Hôm nay, chiều 5.1.2013, sáu ngày sau thảm họa chìm tàu, lúc mà Đức Giám
mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các giáo dân
gặp nạn thuộc hai xứ Cồn Sẻ và Cồn Nâm, người dân vẫn chưa hết bàng
hoàng. Đọng lại trong ánh mắt mỗi người là những buồn đau, tiếc nuối,
xót xa.
Ngoài sự hiện diện của vị Chủ chăn giáo phận còn có linh mục Tổng đại
diện Phêrô Nguyễn Văn Viên; linh mục Chánh văn phòng TGM Phêrô Nguyễn
Văn Hương; linh mục giáo sư Đại chủng viện Phaolô Bùi Đình Cao; linh mục
quản xứ Tam Tòa Phêrô Lê Thanh Hồng, và đại diện Caritas giáo phận. Các
ngài đến đây mang theo tinh thần liên đới, đồng cảm với khó khăn của
đoàn chiên đang hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Trong tâm tình đau buồn, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chia sẻ những
mỏng dòn, mong manh, gian truân, lận đận của kiếp người. Xét theo
phương diện nhân loại, mọi sự chia ly đều kéo theo nỗi buồn, nỗi đau và
nước mắt. Từ cuộc chia ly này, chúng ta sẽ mãi vĩnh viễn không được nhìn
thấy khuôn mặt khả ái của những anh em chúng ta nữa. Đây sẽ là một
thương đau, mất mát lớn lao nhưng trong niềm tin vào Chúa Kitô tử nạn và
phục sinh, chúng ta lại được an ủi và chứa chan hy vọng vì biết rằng sự
sống chỉ thay đổi chứ không mất đi...
Tại giáo xứ Cồn Nâm
Đức Cha Phaolô chia buồn sâu sắc tới gia đình tang quyến 14 nạn nhân xứ
Cồn Sẻ và gửi tặng 100 triệu đồng. Đây là quà tặng của giáo phận và
Caritas Vinh nhằm hỗ trợ thân nhân vượt qua những khó khăn ban đầu.
Trước đó, Đức Cha đã đến trao phần quà động viên trị giá 65 triệu đồng
tới 9 nạn nhân thuộc giáo họ Tân Định, xứ Cồn Nâm.
Khi giả dối lên ngôi
Tạm khép lại nội dung chuyến thăm của vị chủ chăn giáo phận, gặp gỡ linh
mục và bà con giáo dân giữa lúc sinh ly tử biệt, chúng tôi đã cảm
nghiệm sâu sắc thêm về tình người, về sự hỗ trợ những lúc khẩn cấp và cả
những tắc trách đáng ngờ trong các hoạt động cứu người phía chính
quyền. Không giữ được xúc động, linh mục Phêrô Hoàng Anh Ngợi đã kể lại
đầu đuôi diễn biến câu chuyện từ lúc xảy ra cơn sóng gió cho đến khi êm
xuôi.
Trong đêm 30.12.2012, nhiều đội tàu Cồn Sẻ lâm nạn trên đường vào tránh
gió tại cửa Gianh, Quảng Bình. Sau khi nhận được thông tin, cha xứ đã
gọi điện cầu cứu chính quyền tỉnh và các lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh
Quảng Bình vì có phương tiện tối tân hơn song đã không nhận được sự hỗ
trợ kịp thời nào. Và sự việc đau thương đã xảy ra: Chiếc tàu mang biển
hiệu QB 93714 do thuyền trưởng Nguyễn Phong, trú tại Cồn Sẻ đã bị sóng
lớn đánh chìm, 14 thuyền viên mất tích.
Không trông chờ sự giúp đỡ của chính quyền, giáo xứ với tinh thần “huynh
đệ chi binh” đã đưa hàng loạt tàu đánh cá với mục đích cứu giúp những
người sống sót mặc cho sóng gió gào thét, vùi dập.
Sau khi xác định tọa độ tàu chìm, các đội tàu đã rà soát mà không tìm
được thuyền viên nào. Giáo xứ đã bắt đầu trục vớt bằng cách thuê xà-lan
cẩu của một công ty Hà Tĩnh đang đậu tại cảng Hòn La và nhờ cha xứ huy
động đội lặn giáo xứ Đông Yên, quê nhà của ngài. Đến 20h30’ ngày
02.01.2013, xà-lan đã trục vớt tàu thành công, kéo tàu về đậu tại bến
tàu giáo xứ.
Tất cả hoạt động này đều do cha xứ, hội đồng mục vụ phối hợp với các đội
tàu giáo dân trong xứ thực hiện. Chi phí cho công tác cứu hộ cứu nạn
mặc dù chưa thống kê hoàn chỉnh nhưng đã lên tới gần 2 tỷ đồng, riêng
thuê xà-lan cẩu trục vớt là 120 triệu đồng do cha xứ chi trả.
Đáng buồn thay là sự thờ ơ, lạnh nhạt của các cấp chính quyền, hải đội
biên phòng và các lực lượng cứu nạn. Bỏ qua vấn đề chi phí tiền bạc, vấn
đề trước tiên ở đây chính là “tình người” và tinh thần cứu giúp người
trong cơn hoạn nạn của những người tự nhận mình là “đầy tớ nhân dân”.
Đã thế, chương trình Thời sự của VTV1 phát đi tối ngày 3.1.2013 và nhiều
tờ báo khác đã thông tin sai lệch về vai trò của chính quyền và bộ đội
biên phòng hoạt động cứu nạn và nhất là trục vớt. Họ đã không giúp gì mà
chỉ đứng ngoài nhìn, thế nhưng trên truyền hình hết lời kể công họ và
lờ đi tác nhân chính thực hiện công việc này chính là cha xứ, đội lặn và
các đội tàu trong xứ.
Giữa lúc tang tóc này, lòng dân Cồn Sẻ, nhất là những người tham gia
trục vớt đang rất đau lòng và phẫn nộ trước cung cách làm việc của báo
chí nhà nước. Người ta biết rằng, khi sự gian dối lên ngôi thì đã đến
lúc vĩnh biệt một niềm tin đã chết. Chút niềm tin hiếm hoi vào chính
quyền hầu như đã mất hẳn nơi những người dân Cồn Sẻ mấy ngày này bởi họ
biết mình đã bị đánh lừa như thế nào.
Rời Cồn Sẻ, trong thâm tâm tôi vẫn tự vấn về sự tắc trách của chính
quyền và các lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Bình. Thiển nghĩ, giá
như có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, có lẽ hai giáo xứ
Cồn Sẻ và Cồn Nâm đã giảm thiểu phần nào những mất mát nói trên...
Lữ Khách
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi