mercredi 9 janvier 2013

Vụ xử 14 thanh niên Công giáo: 'Phiên tòa chưa khách quan, bản án không thuyết phục’

Luật sư Trần Thu Nam.

Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 83 năm tù tổng cộng cho 14 nhà hoạt động xã hội và chính trị trẻ tuổi sau hai ngày xét xử 8/1 và 9/1 về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ngay sau khi phiên xử kết thúc, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự, tổ chức đại diện pháp lý cho 7 người trong số các thanh niên Công giáo này, trao đổi với Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA về diễn tiến và kết quả phiên tòa.


Luật sư Thu Nam: 15 giờ chiều nay, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa ra một phán quyết kết tội các bị cáo. 14 người trong vụ án đều bị kết án vi phạm vào điều 79 với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

VOA: Ban đầu chính quyền thông báo phiên tòa diễn ra từ ngày 8/1 kết thúc ngày 10/1. Nhưng hôm nay 9/1 họ đã kêu án, như vậy phiên tòa đã chính thức kết thúc?

Luật sư Thu Nam: Phiên tòa đã kết thúc rồi.

VOA: Kết quả cụ thể thế nào, thưa ông?

Phiên tòa chưa đáp ứng được kỳ vọng của luật sư, chưa được khách quan, chưa mang tính chất thuyết phục, một bản án không thuyết phục...
Luật sư Thu Nam: Trong 4 người bị khoản 1 điều 79, có 3 người bị 13 năm tù và 5 năm quản chế bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu. Còn Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng khoản 1 nhưng bị mức án 8 năm tù. Còn lại 10 bị cáo ở khoản 2 lãnh từ 3 đến 6 năm tù. Đặc biệt có Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc bị 3 năm án treo, thả tự do ngay tại tòa.

VOA: Có sự chênh lệch rất lớn giữa các mức án từ án treo tới 13 năm tù. Những yếu tố nào quyết định sự chênh lệch này, thưa luật sư?

Luật sư Thu Nam: Theo quy kết của đại diện Viện Kiểm sát và lời luận tội của tòa, Hội đồng xét xử căn cứ vào các hành vi tham gia vào tổ chức Việt Tân, tham gia vào khóa học (đấu tranh bất bạo động), lôi kéo thành viên khác để phát triển lực lượng cho đảng Việt Tân. Đấy là quy kết của Viện Kiểm sát và căn cứ luận tội của tòa cũng như căn cứ vào thái độ thành khẩn khai báo từ giai đoạn điều tra đến tại phiên tòa, cùng các tình tiết giảm nhẹ khác như gia đình có công với cách mạng. Người ta căn cứ vào những điểm này để đưa ra mức án cho từng bị cáo.

VOA: Bên luật sư có những phản hồi thế nào trước các luận điểm tòa đưa ra?

Luật sư Thu Nam: Chúng tôi có 4 luật sư tham gia gồm Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Nguyễn Thị Huệ, và tôi là Trần Thu Nam. Luật sư Sơn và Huệ đưa ra các luận cứ bác bỏ lời luận tội và cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát và đề nghị tuyên các bị cáo vô tội và thả tự do ngay tại tòa. Tôi và luật sư Thanh đưa các chứng cứ có căn cứ và thuyết phục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì các chứng cứ trong hồ sơ này rất yếu, chưa đầy đủ để kết tội một người với tội danh rất nặng. Tội này chỉ sau tội phản bội tổ quốc với mức hình phạt cao nhất lên tới tử hình. Để kết tội họ như vậy cần phải điều tra bổ sung. Nếu điều tra bổ sung có thể có các chứng cứ có thể nói rằng họ không có tội. Chúng tôi đã đề nghị và đưa ra các luận cứ, luận điểm. Thế nhưng, Hội đồng xét xử không chấp nhận các quan điểm của luật sư chúng tôi. Chúng tôi rất buồn và thất vọng về phiên tòa hôm nay.

VOA: Luật sư nói thiếu chứng cứ và đề nghị điều tra bổ sung. Những khoản nào cần phải điều tra bổ sung để làm rõ, thưa ông?

14 người Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền' (ảnh: thanhnienconggiao).
​​Luật sư Thu Nam: Có mấy vấn đề. Về thủ tục tố tụng vụ án, điều tra truy tố và xét xử. Trong việc bắt giữ có sai. Ví dụ như thời gian các bị cáo bị bắt thực tế từ ngày 30 và 31/7/2011 nhưng lệnh bắt thì có từ ngày 2/8/2011. Khoảng thời gian giữa lúc bị bắt trên thực tế tới lúc có lệnh tạm giữ và lệnh bắt chính thức thì không có một văn bản nào nói về việc này. Sau khi các bị cáo khai ở tòa thì mới lộ ra việc họ bị bắt giữ mà không có lệnh tạm giữ, lệnh bắt. Đó là một cái sai trong tố tụng. Thứ hai, cáo trạng của Viện kiểm sát không đưa ra được những thiệt hại theo quy định của tố tụng. Điều 167 của Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định cáo trạng phải đánh giá và đưa ra được những thiệt hại do hành vi những người phạm tội gây ra. Ở đây, đại diện Viện kiểm sát không chứng minh được những thiệt hại. Ngoài ra, những cái sai trong tố tụng khác như trong hồ sơ có một số chứng cứ liên quan tới hỏi cung, đối chất được ghi âm, ghi hình. Nhưng tại phiên tòa, trong hồ sơ không có những chứng cứ này. Về mặt đánh giá hành vi và điều luật, chúng tôi cũng đưa ra các quan điểm như điều luật nói rằng ‘tham gia’, nhưng tham gia như thế nào cũng không chứng minh được, làm những việc gì, hành vi gì mới gọi là tham gia. Hồ sơ cũng thiếu một chứng cứ quan trọng là tôn chỉ, mục đích, hiến chương, điều lệ của đảng Việt Tân không thu thập được mà nói Việt Tân là một đảng phản động thì cũng chưa đầy đủ. Điều luật nói rằng nếu tham gia đảng phái nhằm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ thì sẽ phạm vào điều 79. Chúng tôi cũng đã tìm các văn bản hướng dẫn nhưng không có văn bản nào nói về điều liên quan đến ‘an ninh quốc gia’. Bản thân luật sư chúng tôi còn thấy bối rối trước việc áp dụng điều 79 cho một số hành vi cho các bị cáo tại tòa hôm nay. Theo tôi, vụ việc chưa được thông suốt, chưa đầy đủ.

VOA: Các bản án đưa ra với 14 thanh niên Công giáo hôm nay chủ yếu là vì họ liên quan đến Việt Tân, họ tham gia các công tác của Dòng Chúa Cứu Thế, hay là vì các hoạt động xã hội và chính trị của họ?

Luật sư Thu Nam: Họ bị quy kết về hành vi tham gia đảng Việt Tân. Cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam cho rằng đảng này phản động, hoạt động với tôn chỉ mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cho nên, họ đã quy kết các bị cáo vào điều 79, chứ không phải liên quan đến vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế, không phải liên quan đến các hoạt động chính trị như biểu tình chống Trung Quốc. Chủ chốt của vụ án này là tham gia đảng Việt Tân.

VOA: Tại tòa, 14 người này nhận hay không nhận có liên quan hoặc tham gia với Việt Tân?

Luật sư Thu Nam: Trong 14 người này, có 8 người nhận tội  và 6 người không nhận tội.

VOA: ‘Nhận tội’ ở đây nên được hiểu như thế nào?

Luật sư Thu Nam: Họ nói rằng họ có thực hiện các hành vi và có vi phạm pháp luật Việt Nam.

VOA: 6 người không ‘nhận tội’ gồm những ai?

Luật sư Thu Nam: Gồm Hồ Đức Hòa là người đầu vụ, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật.

VOA: Những người không ‘nhận tội’ đó là những người lãnh các bản án nặng nhất?

Luật sư Thu Nam: Cũng không phải. Theo điều 46 Bộ Luật hình sự, khoản 1, khoản 2, nếu có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên sẽ được áp dụng vào điều 47 là sẽ được xử dưới khung hình phạt.

VOA: Nhận xét chung về phiên tòa hôm nay, phiên xử có số bị cáo đông nhất về vi phạm điều 79, luật sư có suy nghĩ thế nào?

Luật sư Thu Nam: Phiên tòa chưa đáp ứng được kỳ vọng của luật sư, chưa được khách quan, chưa mang tính chất thuyết phục, một bản án không thuyết phục.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi