samedi 13 avril 2013

Liệu Vietnam Airlines có theo bước Vinashin?

Bẳng đi mấy năm không có dịp trở lại khu xuất nhập cảnh quốc tế của sân bay Nội Bài, mới đây nhân một chuyến du lịch, tôi được “gặp” lại khu này và không khỏi ngỡ ngàng về sự xuống cấp của nó.
Dưới ánh sáng dù tù mù bên trong khu nhà ga người ta vẫn đễ dàng nhận thấy tình trạng cũ kỉ lỗi thời đến mức quê mùa của phòng ốc, trang thiết bị và phong cách làm việc tại đây. Có lẽ đối với những du khách mới đến đây lần đầu thì mọi thứ tại đây thật xa lạ so với các sân bay mà họ từng đi qua. Sự khác biệt toát ra từ những viên gạch lát sàn dưới chân đến những quầy hải quan to, thô nhưng bất tiện, và từ bản thân những người nhân viên với những cử chỉ ngượng ngộ trong bộ đồng phục không mấy phù hợp khiến họ trở nên yếu ớt và không chuyên nghiệp. 
Khác hẳn với tất cả các sân bay quốc tế, ở Việt Nam nhân viên Hải quan và bảo vệ thường có dáng gầy gò lại ăn mặc quá rộng và có thể nói tềnh toàng như dân thường vậy!; họ không quen đứng thẳng chân và tay, .mà đứng khụy một chân trong khi một hoặc cả hai tay đút túi quần trông thật thảnh thơi!…Tất cả khiến họ mất thế oai nghiêm cần thiết của một người đang thực thi công vụ. Lẽ đương nhiên đó không chỉ là bề ngoài, mà còn cho thấy thực chất  công việc.

Có lẽ vì cảm thấy lạ lẫm nên đám hành khách bổng trở nên trầm lắng khi bước vào khu dành cho khách đến . Sự yên tĩnh đó chỉ bị phá vỡ khi mọi người tỏa ra các nơi để tìm cho mình một chiếc xe đẩy hàng.  Nhưng ngay cả  những chiếc xe đẩy hàng đối với họ cũng là một sự lạ lẫm thì phải (?) Chúng trông nặng nề và thô kệch, lại còn han rỉ, thậm chí khó di chuyển hoặc khó lái theo ý muốn; khi chúng chuyển động thì mỗi vòng lăn bánh đều phát ra tiếng kêu cót két…  
Không chỉ vậy, những tiếng gầm rú kéo dài phát ra từ các dãy băng chuyền “hòa tấu” cùng tiếng cót két của những chiếc xe đẩy để tạo nên một giàn hợp xướng đặc biệt chào đón du khách đến sân bay Nội Bài -Thủ đô của Việt Nam!

Sẽ là phiến diện nếu không thấy một sự tiến bộ nào đó tại nơi đây. Cũng có đấy! Đó là việc giảm bớt hẳn trong khâu khám xét hành lý một cách “đại trà” như đã từng diễn ra trước đây. Nhưng thay vào đó, nghe nói nạn mất cắp  hành lý kí gửi đang khiến hành khách rất lo lắng. Đó là lý do mà người HDVDL của đoàn chúng tôi đã liên tục nhắc nhở mọi người không nên để bất cứ thứ gì có giá trị trong hành lý ký gửi, đặc biệt trong chặng bay về nước!  

Đúng là ở nước Việt Nam thường nếu được cái này thì mất cái kia, chẳng bao giờ được trọn vẹn cả!. Ví dụ, trong khi ở  tất cả các sân bay trên thế giới, xe ô tô đưa đón khách đều được phép vào sảnh, thì ở Nội Bài xe bus đón đoàn khách đông người phải đứng tít bên ngoài. Vậy là hôm đó chúng tôi được may mắn không ai bị khám xét … và đổi lại chúng tôi phải cuốc bộ ra ô tô. Kết  quả  cuối cùng về đến nhà không quá muộn là tốt lắm rồi!. 
Theo các nguồn tin cho thấy hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đến nay dù chiếm ưu thế độc quyền với nhiều ưu ái của Nhà nước vẫn đang gặp rất nhiều thua lỗ, mà nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế. Có nhiều điều để nói, nhưng ở đây chỉ xin đơn cử về đường bay HN-Seoul -Tokyo mà tôi vừa đi qua . Cùng ngày có 5-6 đoàn du khách người Việt đi Nhật Bản và Hàn Quốc thì tất cả đều sử dụng hãng hàng không SENA của Hàn Quốc với cả hai chiều đi và về. Khách đông đến nỗi các chuyến bay của SENA luôn đầy ắp trong khi các chuyến bay của Vietnam Airlines chỉ được 1/2. Thời gian qua liên tục lan truyền tin xấu về tình trạng dịch vụ và thái độ phục vụ yếu kém của Vietnam Airlines, như giá vé cao nhưng không thuận tiện cho người mua với những quy định bất tiện về thanh toán; thái độ tiếp viên mất lịch sự, thiếu chu đáo đối với hành khách, làm bắn nước chè hoặc thức ăn vào hành khách mà không xin lỗi, v.v…Đó là chưa kể nạn ăn cắp xăng dầu máy bay, sự tắc trách trong công tác duy tu bảo dưỡng trang thiết bị và trong cả khâu điều hành bay cùng với tình trạng buôn lậu đang lan tràn trong ngành khiến người ta lo ngại về độ an toàn của các chuyến bay.
    
Phải chăng những dấu hiệu nói trên đây cho thấy thời kỳ hoàng kim của Vietnam Airlines với tư cách một hãng bay độc quyền quốc gia sắp kết thúc? Nếu vậy liệu còn kịp hay không để rút bài học xương máu từ sự đổ vỡ của Vinashin có cùng hoàn cảnh để có cách nào khắc phục trước khi quá muộn?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi