vendredi 12 avril 2013

Nhìn lại cuộc sống hay khát vọng đa nguyên

Bs. Phạm Hồng Sơn - Martin Luther King Muhamad Gaddafi đều là những người không khoan nhượng, đều đã chết và đều bị giết chết bởi những viên đạn thù địch. Sự không khoan nhượng dẫn đến cái chết của King là sự bất khoan nhượng trước những thách thức, đe dọa của bất công xã hội, còn Gaddafi lại là sự nhất quyết không khoan nhượng với những tiếng kêu đòi công lý, công bằng của con người. Rất có thể nếu Gaddafi biết trước được cái chết của mình như thế nào và những gì sau khi chết thì Gaddafi đã sớm từ bỏ sự không khoan nhượng đó - điều đã chứng tỏ rất xứng với cái tên: ngoan cố. Suy cho cùng mọi sự ngoan cố đều, nói theo kiểu uyển ngữ phương Đông, là do vô minh, còn nói một cách thẳng thắn, là do ngu dốt. Và ai là con người lại dám tự nhận không bao giờ ngu dốt và không bao giờ chết? Song, cái chết là đương nhiên còn sự vô minh-ngu dốt lại có thể tránh được hay giảm thiểu.
Không có những từ to tát cao giọng như trên, cũng không có những gợi tả hiện thực bi thảm hay hùng tráng, bài viết sau đây vẫn khiến ta phải suy tư rất nhiều về đời sống con người, sự tồn tại của con người – người thừa tiền, kẻ đói cơm, người yếm thế, kẻ cường quyền…, và cả về cái thể chế hay vũ trụ mà trong đó con người đang tồn tại. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu:
Nhìn lại cuộc sống hay khát vọng đa nguyên
Nguyễn Huy Canh * 
Chúng ta đã biết, cuộc Cải cách ruộng đất (1950-1956), tổ chức Hợp tác xã toàn xã (1976 – 1977) và công cuộc cải cách Công thương nghiệp ở miền Nam sau 1975 là một sai lầm lớn. Sự đổ vỡ của hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cũng là kết quả của một loạt sai lầm lớn. Người ta đã cho những sai lầm đó thuộc về đảng Cộng sản, và nói rộng hơn thuộc về chúng ta đã không hiểu và áp dụng đúng triết học Marx-Lenin.
Không, chúng ta không sai lầm. Nếu có, theo tôi, chỉ là ở chỗ chúng ta đã không dám nhìn ra những sai lầm và lỗi thời của triết học ấy. Dĩ nhiên chúng ta cũng thấy rằng những tư tưởng triết học của các ông đã đáp ứng được những đòi hỏi mà thời đại các ông đặt ra, các ông đã có những cống hiến to lớn cho nền triết học thế giới.
Thế giới ngày nay đã có quá nhiều biến đổi về công nghệ và quan hệ chính trị. Và đặc biệt chúng ta, từ một đất nước bị nô dịch bởi ngoại bang một cách chính thống đã trở thành một nước có chủ quyền chính thống. Và mỗi chúng ta từ thân phận thần dân và nô lệ đã trở thành công dân chính thống của một nước độc lập chính thống, và cao hơn còn là dân trong một thế giới có hiến pháp.
Ở mức độ triết học, tôi gọi mỗi chúng ta đã sinh ra ở “điểm” phân rã của thế giới hiện thực. Y là một hữu thể.
Thời đại chúng ta đang sống cần phải có một trào lưu triết học riêng, một tư tưởng triết học riêng để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Chủ nghĩa duy vật hiện đại là một sự hạn chế. Gần 50 năm đã qua chúng ta đã đi trên con đường còn nhiều hạn chế đó.
Không thay đổi để có một cách nhìn mới, không vượt lên trên triết học đó chúng ta không thể tiến lên nổi một bước nào về phía trước.
Tôi ý thức sâu sắc rằng thay đổi một quan niệm, lối suy nghĩ đã thành thói quen của một thế hệ nhiều người là một điều rất khó khăn. Do vậy công việc này đòi hỏi phải có sự đóng góp của rất nhiều người.

Tồn tại và hiện thực

Sự suy nghĩ triết học về thế giới, tức là về các sự vật và hiện tượng xung quanh cho đến con người và lịch sử là nội dung trả lời cho câu hỏi nó được sinh ra như thế nào? Bản chất của nó là gì? Có hay không?
Câu hỏi về vạn vật của thế giới đã được triết học đặt ra và giải quyết từ lâu với những nội dung khác nhau.
Với triết học Mác-xít, thế giới là có bản chất, và được hiểu là vật chất. Rằng vạn vật trong thế giới từ cái cây, hòn đá, cái xanh, cái vàng là những dạng tồn tại cụ thể của nó, là vật chất được biểu hiện ra ở một hình thái xác định.

Nhưng vật chất là gì? Ăng ghen có giải thích rằng sau vô hạn phép loại trừ những phẩm chất, tính chất riêng biệt, đặc thù ở các sự vật, cái chung nhất còn lại trong chúng là vật chất. Sự giải thích này của ông đã bộc lộ ít nhất hai hạn chế: 1, sự loại trừ ấy là vô hạn, nên vật chất với tính cách là vật chất là một khái niệm không định nghĩa được. 2, nó đã ngầm xác quyết sự tách rời, xác định giữa vật chất và ý thức.
Lenin sau này cũng có nói rằng khi ta định nghĩa chẳng hạn “Con lừa là một động vật” ta đã đặt chủ từ con lừa vào vị từ động vật có ngoại diên rộng hơn. Vật chất là vô hạn, vô tận nên người ta không thể đưa ra định nghĩa theo cách đó được.
Điều đó có nghĩa là theo quan điểm Bản thể học, chúng ta không xác định được vật chất cũng như cơ cấu tồn tại tổng quát của nó là gì? [nhớ rằng quan điểm “thực tại khách quan” của Lenin chỉ là phạm trù của lí luận nhận thức. Và ngay trong cái giới hạn vẻn vẹn này ông cũng đã sai lầm khi vạch ra sự phân chia tuyệt đối giữa vật chất và ý thức. Vậy đâu là cơ sở để chúng ta khẳng định vật chất là một bản chất chung nhất có trong vạn vật: rằng cái bàn, hòn đá, cái xanh, cái đỏ là hình thái tồn tại cụ thể; là biểu hiện cụ thể của vật chất?
Chúng ta phải có một sự thừa nhận Tồn Tại đã phát triển từ vô cơ đến giới hữu cơ, từ không có sự sống đến sự xuất hiện của các sinh vật. Tồn tại tự quy định cho bản thân nó, trong giai đoạn đầu là Đồng nhất với chính nó. Một sự đồng nhất trừu tượng. Tôi gọi là Tồn- Tại -Thuần- Túy.
Tồn tại thuần túy không phải là tồn tại trống rỗng. Nó là giai đoạn đầu của Thế giới hiện thực. Nó chưa biểu lộ mình, chuyển mình ra ở Tồn-Tại- Khác. Trái Đất hôm nay đã có nhiều biến đổi, nhưng khoa học địa lý vẫn cho chúng ta biết được cái gì đó đã từng tồn tại hàng tỷ năm về trước. Rất nhiều các sự vật như thế: Mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, bụi khí... đã có “lịch sử” tồn tại lâu dài. Chúng ta gọi nó là những bộ phận của Tồn tại thuần túy.
Sự tồn tại của Tồn tại thuần túy là có thực. Nó được suy ra từ kinh nghiệm của khoa học tự nhiên, kinh nghiệm đời sống của mỗi chúng ta, rằng nó không phải là một tiền đề giả định của triết học. Một quá trình phát triển về sau đã làm xuất hiện cảm giác ở con người. (Đó là một quá trình lâu dài của thế giới. Những phản xạ tự nhiên, những cảm giác thích thú, đau đớn chúng ta đã thấy có ở những loài động vật bậc cao. Cảm giác, ý thức ở con người là kết quả tiếp theo của sự biến đổi tự nhiên ấy). Cảm giác là hình ảnh đầu tiên của Tồn tại về chính mình, là Tồn tại lần đầu tiên biết về mình, mở ra mình như là thế trong hình thái xác định ở con người nguyên thủy. Trong trạng thái Đồng nhất trừu tượng, Tồn Tại chưa như là cái gì. Sự xuất hiện của cảm giác nói lên một điều: Tồn Tại thuần túy đã phát triển đến trình độ Bản chất, tức là đến cái trình độ có khả năng biểu hiện mình qua cái khác, Tồn- Tại- Khác. Tồn tại xuất hiện mình ra như là ... là Tồn tại trong tính quy định bản chất, còn cảm giác chỉ là biểu hiện bên ngoài của thế giới trong tính cụ thể - Nó là hiện tượng thế giới. Tồn tại biểu hiện mình ra như là cái cây, hòn đá ấy trong lĩnh vực của Tồn tại là những mặt, những bộ phận, khía cạnh, tính chất hợp thành của vật chất. Nó là thực – tồn của Bản chất.
Sự thống nhất, đồng nhất giữa Bản chất và Hiện tượng giữa vật chất và cảm giác là ở trong tính thực tồn của Bản chất, còn sự khác biệt là ở trong tính hình ảnh của cảm giác, tính bị quy định. Theo nhận thức luận, sự thống nhất và khác nhau giữa chúng là ở trong tính khách quan do Tồn tại quy định và trong tính chủ quan của cảm giác. Nhờ tính khác biệt này giữa tư duy và Tồn tại, giữa Bản chất và hiện tượng thế giới mà trong sự phát triển về sau khi đã có một sự tồn tại độc lập của Hiện tượng, của bề ngoài, cũng tức là năng lực tư duy trừu tượng, tư duy đã phân chia, chia cắt Tồn tại ra thành những bộ phận, những mảnh vụn để nghiên cứu xem xét. Tính ưu việt này của tư duy cũng là hạn chế của nó. Chính từ đây đã làm nảy sinh ra biết bao sai lầm và rắc rối của tư duy triết học.
Ta xét một ví dụ: Các nhà triết học vẫn xem ngôi nhà có một bản chất, đó là nơi mà người ta dùng để ở. Tất cả các ngôi nhà khác (họ gọi là các hiện tượng) đều giống nhau ở bản chất ấy. Các triết gia duy tâm cũng như các nhà duy vật đều nói như vậy. Khái quát nên, vạn vật tuy khác nhau nhưng đều chứa một Bản chất ấy. Sự khác nhau chỉ ở trong cách giải thích của họ.
Nhưng thực ra cái bàn, hòn đá vỡ, lá cây run rẩy, mưa rơi không phải là những hiện tượng của một bản chất nào đó. Nơi người ta dùng để ở không phải là bản chất của nhà, mà cái nhà chỉ là một bộ phận hợp thành của Bản chất thôi, rằng nơi người ta dùng để ở chỉ là đặc tính chung của các ngôi nhà đó.
Hiện tượng chỉ là cảm giác, là ý thức và ngược lại, hòn đá, cái cây, màu xanh trong cảm giác mới là hiện tượng (thế giới). Trong lĩnh vực thực- tồn, cái cây, hòn đá, màu xanh không có một sự tồn tại riêng, độc lập với những bộ phận khác, cái khác. Nó chỉ là những bộ phận, những mặt hợp thành không tách rời của Tồn tại.
Khi khoa học đặt ra câu hỏi cái nhà này có bản chất gì? Hạt mưa rơi có bản chất gì? Tức là họ đã đi tìm đặc tính chung của các vật đó, hoặc là tìm hiểu về cấu tạo, về cơ chế hoạt động của chúng, hoặc là những nguyên nhân đã tạo ra chúng .. điều đó là đúng. Nhưng với triết học, câu hỏi đó đáng ra phải được đặt ra là cái nhà trong cảm giác chúng ta, hạt mưa rơi ... trong cảm giác chúng ta có từ đâu, có bản chất gì? Tổng quát phải là câu hỏi về vạn vật trong cảm giác chúng ta có bản chất gì?
Sự sai lầm của một thời đại triết học chính là ở chỗ chúng ta cứ loay hoay đi tìm và tranh cãi về bản chất của những vật trong thực-tồn-bản chất, trong thực tại khách quan giống như phương pháp mà tư duy thông thường cũng như tư duy khoa học đã làm. Cảm giác như chúng ta thấy thông thường được sinh ra từ sự tiếp xúc trực tiếp của giác quan với sự vật. Cảm giác mặn sinh ra khi tiếp xúc với muối, nên chúng ta thường hiểu lầm rằng:
1. Mọi cảm giác chúng ta có được là do các vật ấy đem lại (khi có sự tiếp xúc) hoặc các vật ấy biểu lộ ra trong cảm giác.
2. Cảm giác đó là kết quả của quá trình nhận thức của riêng chúng ta về đối tượng bên ngoài chủ thể, tức là về thế giới khách quan.
Điều này chỉ đúng một phần, thực ra đó là kết quả vận động của toàn bộ Tồn tại đem lại: bộ óc của chúng ta không tách rời khỏi cơ thể, cơ thể không tách rời khỏi môi trường… Do đó mọi suy nghĩ của chúng ta có được về khách thể cũng là của Thế giới: cảm giác ta có về cái mặn là Tồn tại tự biểu lộ mình ra như là mặn ở cảm giác; là thế giới đang tự nhận thức về bản thân mình, nhận thức về những mặt, những phẩm chất, những bộ phận của mình theo cách lộ ra, mở ra như thế. Đó cũng là những hình thái xác định cụ thể của Tồn tại, của thế giới trong tính hiện thực.
Như vậy trong tư thế này, con người chỉ là kẻ, là vật mang cái quá trình nhận thức ấy của Tồn Tại. Y chưa bao giờ-trong tư cách ấy-là chủ thể của Tồn Tại cả. Quan điểm triết học về tính chủ thể đã từng tồn tại trong lịch sử từ Kant đến E.Husserl trên nền của cái siêu nghiệm cho đến quan điểm chủ thể của Marx-dù đã được bổ sung bởi hoạt động thực tiễn- là một sự nhầm lẫn của nhân loại trong những cố gắng suy tư về chủ thể
Khi ta nói Tồn tại trong hình thái là xanh, là mặn thì nó có nghĩa là:
1. Cái xanh, cái mặn... chỉ là bộ phận, là một tính quy định không tách rời cái Tuyết đối ấy,

2. Tính quy định ấy (tức là cái xanh, cái mặn) phải gắn liền, phải đồng nhất (trong sự khác biệt) với cái xanh, cái mặn trong ý thức do cái toàn thể tuyệt đối đem lại.
Tồn tại tự biểu lộ mình ra ở cảm giác, đó là một quá trình chuyển hóa vật chất thành ý thức. Bản chất chuyển mình, đổi mình ra ở Hiện tượng. Quá trình này được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn của con người được hiểu như là điều kiện, là cơ chế của nó. Hình thức hoạt động đầu tiên ta tìm thấy ở lao động tìm kiếm thức ăn và sản xuất ra công cụ lao động. Hiện tượng thế giới ở trình độ ban đầu (dĩ nhiên) còn nghèo nàn, chủ yếu mang tính hiện thực trực tiếp, cụ thể. Do đó nó còn “gần”, còn gắn chặt với thực – tồn bản chất, bị phụ thuộc nhiều vào Tồn tại. Nhưng dần về sau, hàng nghìn năm chậm chạp trôi đi, thông qua lao động sản xuất đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, rằng tri thức con người có được trở nên phong phú về nhiều mặt, sự hiểu biết về khí hậu, thời tiết các mùa, cách gieo trồng, chăn nuôi trong nông nghiệp, những tri thức về khai thác mỏ, nghề mộc, nghề rèn cho đến sự hiểu biết trong lĩnh vực về kinh tế tài chính cho đến chính trị và quân sự. Lúc đầu những tri thức này ở dạng thói quen và những kinh nghiệm được đúc kết sau rất nhiều năm và rồi nó được tổng hợp, khái quát hóa thành các khái niệm và trên đó những hệ thống lý thuyết mới được ra đời. Như vậy hoạt động thực tiễn diễn ra đã làm cho tri thức ngày càng được hình thành, củng cố và phong phú. Và hiện tượng thế giới ngày một hút vào trong mình nhiều tính quy định của Bản chất. Tri thức ngày càng một tiến gần chân lý khách quan luôn biến đổi.
Thực tiễn đồng thời còn là sự vận dụng, ứng dụng những kinh nghiệm, những tri thức nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống con người. Môi trường sống, hoàn cảnh sống và những điều kiện sản xuất luôn được cải tạo, thay đổi và làm mới (con người đã biết làm ra nhà cửa, xây dựng làng mạc, thay đổi phương tiện đi lại, cải tạo đất đai khô cằn thành những đồng ruộng phì nhiêu, những công cụ sản xuất mới dùng trong nông nghiệp như cuốc, cày đã thay đồ đá, đồ đồng trước đó).
Đặc biệt là sau thế kỷ 18 trở đi, với sự ra đời của máy hơi nước, nền công nghiệp đã xuất hiện thay cho kỹ thuật sản xuất thủ công, cơ bắp. Thế giới hiện thực như đã có được bộ mặt hoàn toàn mới. Một khối lượng sản phẩm khổng lồ được tạo ra làm thay đổi hẳn nhu cầu về ăn, ở và đi lại của con người cũng như trong các lĩnh vực sản xuất...) Quá trình đó là sự chuyển hóa tất yếu, sự phủ định tất yếu. Hiện tượng thành Bản chất. Ý thức phát triển thành Tồn tại ở trình độ mới ngày càng cao. Như vậy trước mắt chúng ta có hai quá trình của một vòng khâu sinh thành của thế giới đã được thực hiện. Sự vận động, phát triển của thế giới là một chuỗi những vòng khâu như thế.
Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng vòng khâu sinh thành ấy không phải cứ tuần tự diễn ra đến vô tận như một công thức có sẵn, một quy luật giản đơn của Tồn tại mà trên thực tế, quy luật ấy đã “xuyên qua” rất nhiều bước quanh co và thăng trầm của thế giới.Thậm chí qui luật ấy còn bị đổ vỡ, không bao giờ xảy đến ở một “khu vực” của Tồn tại.
Cuộc khủng khoảng của chế độ nô lệ ở châu Âu, chiến tranh diễn ra liên miên ở Trung Quốc cổ đại; Thế giới trong thế chiến thứ 2, ngày nay là cuộc chiến vùng vịnh, Afghanistan, những xung đột gay gắt ở Trung Đông và Bắc phi. Đó là những hình ảnh tàn khốc và bi thương trong những ấn tượng của chúng ta về lịch sử thế giới.
Sự khủng khoảng, đổ vỡ của thế giới hiện thực không chỉ diễn ra trong phạm vi lịch sử nhân loại mà nó còn diễn ra từ một hướng khác, một chiều kích khác. Kể từ khi hiện tượng đạt được sự phong phú của tính quy định Bản chất cũng như sự phát triển bề ngoài (tức là tính chủ quan) của nó, đã làm cho con người – kẻ mang Hiện tượng thế giới – bứt được mình ra khỏi thế giới ấy và tồn tại như những Hữu thể độc lập.
Giới tự nhiên trở thành một đối tượng bên ngoài của quá trình nhận thức, tìm kiếm và khai thác của các hữu thể như những chủ thể chân chính của lịch sử và của những suy tư triết học.
Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên cũng như cân bằng sinh thái bị vi phạm nghiêm trọng đã đặt thế giới hiện thực vào một tình huống, một nguy cơ mới. Những nguồn năng lượng để duy trì trình độ bản chất, tính quy định vật chất của Tồn tại ngày một suy kiệt. Cơ sở của thế giới hiện thực đang có nguy cơ bị phá vỡ, phá hủy... có thể rồi đây nó phải quay về với Tồn tại Thuần túy. Trả lời câu hỏi này cũng là sự lo ngại và quan tâm của toàn nhân loại trong thế kỉ 21 này.
Kết luận:
Trong những suy nghĩ của chúng tôi, thế giới ban đầu là Tồn tại Thuần túy. Tồn tại Thuần túy không phải là cái gì khác mà chính là Tồn tại... trong chính nó. Tức là trình độ còn đồng nhất với chính bản thân nó. Ở trình độ này, Tồn Tại được “hình dung” như một khối đồng chất chưa có bất kỳ một sự phân chia nào, một sự khác biệt nào trong bản thân nó. Mưa rơi, gió thổi, hệ động- thực vật…như chúng ta thấy trong tâm thế tự nhiên, trong bức tranh của khoa học tự nhiên như là cái gì có sẵn, có trước ý thức, bên ngoài ý thức bày ra như thế. Đúng là có mưa rơi, có gió thổi, mặt trời, những đám mây; có cái xanh, cái đỏ, cái vàng…Nhưng thực ra chúng chỉ là những bộ phận của Tồn Tại chưa được mở ra ở ý thức như là thế. Và do đó nó không phải là Tồn Tại trong cái hình thái xác định ấy. Không có mưa, không có gió, không có thời gian và không gian, không có độ dài, khối lượng, không có cái xanh, cái đỏ, cái vàng…như là Tồn Tại đang mở ra như thế, mà chỉ có một khối đồng chất chưa phân chia. Đây cũng chính là điều mà những bộ óc vĩ đại nhất của khoa học tự nhiên cũng không thể nào hiểu được: thế giới như là thế… không phải là cái gì có sẵn, có trước, khách quan, bên ngoài sự quan sát của các nhà khoa học.
Từ trình độ còn đồng nhất với chính nó, Tồn tại phát triển đến trình độ Bản chất, tức là hiện mình ra ở cảm giác, biểu tượng và nói chung là ý thức. Chúng ta có thế giới hiện thực. Đó là sự thống nhất hai mặt vật chất và tinh thần, trong đó vật chất là cơ sở, là nền tảng, là Bản chất của thế giới trong đó có sự tồn tại, và tham dự của chúng ta.
Cái xanh, cái đỏ, cái mặn được đem lại trong cảm giác là thực–tồn bản chất. Nó là những mặt, những bộ phận hợp thành bản chất được xác định như là thế bằng cách mở ra ở ý thức. Còn cảm giác, ý thức đó là Hiện tượng thế giới, và chỉ có nó mới là hiện tượng. Sự thống nhất của chúng là thế giới, là Tồn Tại trong hình thái xác định, cụ thể như là cái xanh, cái đỏ ấy. Sự thống nhất này luôn hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chúng ta có một định nghĩa:
a. Con người là một bộ phận của lĩnh vực thực – tồn vật chất. Hoạt động thực tiễn của nó là hoạt động mang tính quy định của vật chất, tức là mang tính phổ biến, tất yếu.

b. Quá trình chuyển hóa qua lại giữa tư duy và Tồn tại trong vòng khâu sinh thành của hiện thực chỉ được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn.

Hữu thể

Hiện tượng thế giới trong những giai đoạn khởi đầu còn mang tính trực tiếp của hiện thực. Nó là những dấu hiệu lẻ tẻ, đơn nhất xuất hiện ở trình độ cảm giác, biểu tượng trong đầu óc con người.
Hàng vạn năm trôi qua của con người nguyên thủy, có thể tính từ người tinh khôn, hiện tượng thế giới, tức là tri thức mà nó có được chỉ là những phản ánh trực tiếp, đơn giản những sự vật, thế giới xung quanh trong việc tìm kiếm thức ăn có sẵn trong tự nhiên (hoa quả, tôm cá, thú vật) cũng như trong việc mài, đẽo những công cụ và đồ trang sức bằng đá.
Cuộc sống của nó từ ăn, mặc, đi lại đến việc thực hiện quá trình sản xuất cũng như các quan hệ giao tiếp với cộng đồng, cho đến việc duy trì nòi giống cho chúng ta thấy một bức tranh chung là con người còn gắn chặt, còn lệ thuộc gần như hoàn toàn vào giới tự nhiên giống như các động vật khác.
Dần dần theo thời gian, cùng với quá trình lao động tri thức của con người về thế giới cũng đã đạt được sự phong phú nhiều mặt: Nó phát hiện ra tác dụng của kim loại đồng và sắt đối với quá trình sản xuất. Nhờ những công cụ mới được làm ra như cuốc, cày đã làm cho các nghề chăn nuôi, trồng trọt và thủy lợi trong nông nghiệp, nghề rèn, mộc, gốm trong thủ công nghiệp cũng như việc buôn bán thương mại dần ra đời và phát triển mạnh mẽ trong suốt hàng nghìn năm sau đó.
Từ những kinh nghiệm, những tri thức dân gian (ca dao, tục ngữ) trong sản xuất, trong chiến tranh quân sự, trong tôn giáo và thi ca được tích luỹ lâu dài giúp con người khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa để hình thành nên hệ thống tri thức và lý thuyết mới.
Hơn hai nghìn năm phát triển, hiện tượng thế giới đã đạt được phong phú đa dạng và tính độc lập trong sự tồn tại của nó. Tính độc lập thể hiện ở chỗ xuất hiện một đội ngũ những người lao động trí óc và các ngành học ngày càng chuyên biệt: thi ca, sử học, thiên văn học, toán học, chính trị học. Nếu trước kia ở giai đoạn nguyên thuỷ, hiện tượng trực tiếp sinh ra từ Bản chất, thì giờ đây từ những tri thức kinh nghiệm có sẵn, những mệnh đề, tiên đề có sẵn những kiến thức mới được hình thành, tức là Hiện tượng đã sinh ra từ trong bản thân nó (như trong toán học, định nghĩa về hai đường thẳng // và tiên đề 5 Ơ-clít người ta suy ra hệ quả: hai đường thẳng cùng // với đường thẳng thứ ba thì //)
Hiện tượng sinh ra hiện tượng, chính khả năng này làm cho nhiều hệ thống lý thuyết đạt được sự độc lập tách rời với các quá trình của lĩnh vực bản chất. Nhưng quá trình sản xuất ra đời sống của mình, tức là phát triển và thỏa mãn các nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại cũng với quá trình đấu tranh xã hội luôn là giới hạn cho sự thống nhất giữa Hiện tượng và Bản chất, giữa Tư duy và Tồn tại. Tức là những chân lý được kiểm chứng, được phát hiện. Sự phát triển độc lập của Hiện tượng thế giới luôn được đặt trong những giới hạn đó. Tuy nhiên, do sự tự hình thành nên những giới hạn trên cũng luôn bị phá vỡ (chúng ta tìm thấy điều này rất rõ nét trong những lý giải sai lầm của con người về thế giới, về bản thân mình).
Sự phát triển của tri thức, của sự hiểu biết của con người đối với thế giới gắn liền với sự mở rộng của quá trình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã làm cho tính lệ thuộc, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giới tự nhiên không những đã mất đi mà nó còn làm chủ được, kiểm soát được giới tự nhiên trong những mức độ nhất định.
Trong quan hệ xã hội là sự tan rã của tổ chức nguyên thuỷ đưa tới cộng đồng làng xã với những quan hệ láng giềng (bên cạnh quan hệ huyết thống) và tổ chức Nhà nước ra đời.
Con người không còn là một bộ phận không tách rời của cộng đồng nữa. Chế độ chiếm hữu tư nhân về của cải xuất hiện; mảnh vườn này là của tôi, còn căn nhà kia là của anh là những ý niệm rất rõ ràng của nó. Cùng với ý thức, con người đã biết hành động để bảo vệ, để giữ gìn mảnh vườn, căn nhà và những công cụ sản xuất đơn giản, nhỏ bé cho cuộc sống của mình. Nhờ những của cải, những tài sản riêng này mà đời sống của Y được tồn tại. Ngược lại Y có thể bị rơi vào hàng ngũ những người nô lệ, hoặc bị chết vì đói rét.
Như vậy ở vào thời kỳ nguyên thuỷ, xét theo bản chất, con người cũng gần như cái cây, hòn đá, con lừa, sự khác nhau chỉ ở hình thái của nó. Rằng chúng cùng là một Bản chất trong những hình thái xác định của Tồn tại. Nhưng ở vào thời kỳ lịch sử sau con người đã xuất hiện ra như những tồn tại mang tính quy định cho riêng mình: Một lực lượng tách rời, độc lập, hiện hữu bên cạnh thế giới. Tuy nhiên trong thời kỳ này tính độc lập của nó mới chỉ đạt tới trình độ đặc thù. Tính chưa phổ biến của tồn tại người thể hiện ở hai mặt. Một là, bên cạnh tầng lớp quý tộc, tầng lớp thị dân và nông dân tự do còn có một giai cấp cơ bản ở vào địa vị nô lệ, hoàn cảnh sống, số phận của họ hoàn toàn phụ thuộc vào giới quý tộc. Mặt khác trong nhiều hoạt động sản xuất cải tạo tự nhiên nó mới chỉ thực hiện được bằng những công cụ thủ công, cơ bắp và sức kéo của gia súc. 
Công cụ đơn giản và kỹ thuật canh tác nghèo nàn (chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán và phong tục) cứ lặp đi lặp lại như vậy hàng ngàn năm. Sự thất thu của mùa màng, bệnh dịch và thiên tai vẫn hoành hành đe doạ sự sống của con người. Ơn trời, nhờ trời là tâm lý phổ biến của con người thời kỳ phong kiến. Trong các quan hệ xã hội, gia đình, con người còn bị lệ thuộc nhiều vào chế độ gia trưởng: Lớp trẻ phụ thuộc vào người già, người dưới phụ thuộc vào bề trên và tất cả đều là thần dân của vua. Sự phụ thuộc này còn được nâng lên thành các giá trị đạo đức: con nghe lời cha; vợ chung thủy với chồng; bề tôi trung với vua; kẻ sỹ học và làm theo đạo của bậc thánh hiền ... được coi là chuẩn mực của đạo làm người.
Từ thế kỷ 18 trở đi, thế giới như có sự thay đổi về chất. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học tự nhiên theo hướng thực nghiệm đã làm cho con người hiểu biết ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn các tính chất và quy định của thế giới như các quy luật vận động cơ học, điện, cảm ứng điện từ, tính chất của ánh sáng, các tính chất, phản ứng hoá học của các chất cho đến sự tồn tại của các giống loài.
Nhờ những phát hiện này về mặt lý thuyết mà quá trình sản xuất luôn được mở rộng. Đặc biệt với sự ra đời của máy động lực và máy công cụ, thế giới bước vào cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất, giới tự nhiên từ trên rừng, trong lòng đất cho đến những khoảng không bao la đều được con người tìm hiểu, khai thác và chiếm đoạt với một khối lượng khổng lồ chưa từng có (như chúng ta đã nói ở phần I).
Từ những điều trình bày trên có thể thấy rằng Hiện tượng thế giới không chỉ ngày càng đạt được tính độc lập mạnh mẽ mà nó còn mang vào trong mình sự phong phú của tính Bản chất: lĩnh vực Bản chất bị “hút”, bị “tát cạn” nhiều hơn vào Hiện tượng.
Nhờ kết quả này, con người từ thế kỷ 19 đến nay xuất hiện như một lực lượng độc lập, bên ngoài. Còn giới tự nhiên như một khách thể, một nguồn của cải vô hạn trong sự khai thác, sự chiếm đoạt, cải biến của nó. Trong xã hội, tầng lớp những người nô lệ, nô tỳ bị xoá bỏ hoàn toàn; không còn tầng lớp những nông nô bị ràng buộc vào các chúa đất, những nông dân phụ thuộc vào đất công làng xã. Mối quan hệ ruột rà máu mủ, ơn huệ, quan hệ trên dưới, quân - thần cùng với hàng trăm xiềng xích khác của chủ nghĩa phong kiến bị tuyên án. Quan hệ trực tiếp giữa người và người trong gia đình, làng xóm, bằng hữu, nghề nghiệp giờ được thực hiện phần lớn là gián tiếp thông qua quan hệ hàng - tiền.

Con người đã tự do: tự do chiếm đoạt, mua bán tài sản; tự do sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất; tự do mua bán sức lao động. Và hơn thế, y không còn bị ràng buộc vào những tín điều, những hệ tư tưởng. Y được tự do trong việc tìm kiếm niềm tin, những giá trị, những quan điểm sống, cách sống mà trước đó y có được phải nhờ vào sự ban ơn .Y không phải là những chủ thể, chủ nhân của quá trình lịch sử. Tự do giờ đã trở thành nhu cầu như cơm ăn, như nước uống. Và nhu cầu ấy đã được ghi nhận vào trong Hiến pháp như những quyền sống cơ bản của con người (dĩ nhiên khả năng và thực tế thực hiện cuộc sống tự lập, tự do này không phải là đồng đều như nhau với tất cả mọi người ở mọi nơi trong xã hội và trên thế giới. Còn rất nhiều những người lao động bị lợi dụng; cũng như việc còn nhiều quốc gia lạc hậu, nghèo đói bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, áp bức mà đến tận nửa cuối thế kỷ 20 mới giành được tự do, thoát khỏi sự thống trị của nó hay nhiều dân tộc lại trở thành nô lệ kiểu mới cho giới cầm quyền đồng tộc. Tuy nhiên, tất cả những điều đó, không làm mất đi ý nghĩa con người như một Tồn tại độc lập, tự do thực hiện khả năng chiếm hữu tư nhân trước thế giới mà những thiên niên kỷ trước đó nó không có được trong sự phân tích của chúng tôi).
Nhờ mang hiện tượng thế giới diễn ra trong sự phân đôi giữa Bản chất và Hiện tượng ngày càng mạnh mẽ mà con người có được năng lực tách mình ra khỏi thế giới và người khác như một lực lượng độc lập, một thế giới độc lập. Quan hệ giữa con người và thế giới cũng như giữa nó với người khác không phải là giữa các bộ phận của thế giới với nhau cũng như cái bộ phận với cái tổng thể. Mà đây là quan hệ cướp đoạt, chiếm hữu, lừa đảo, tiêu diệt lẫn nhau, hoặc đối thoại, trao đổi ngang nhau giữa các tồn tại riêng biệt, hiện thực riêng biệt nhằm duy trì sự tồn tại lớn mạnh của chính mình. Con người hiện đại, có thể nói, đó là một tồn tại xuất phát từ bản thân và hồi quy vào chính mình.
Tính độc lập tách rời của con người trước thế giới ngày nay càng lớn bao nhiêu thì sự cạnh tranh giữa nó với nhau càng khốc liệt bấy nhiêu. Cuộc sống của nó có thể như tất cả được đặt vào các quyết định của chính mình. Cuộc sống của nó nghèo nàn, không anh em, không bạn bè thân thích, không vợ con có thể đem lại trong nó cảm giác yếu đuối, bất an, cô độc và trống rỗng; sự mất mát, sự thất bại nhiều lần có thể dẫn Y đến với sự đau khổ, tuyệt vọng và cái chết. Đối xử với nhau như các phương tiện, sự mưu mô và tàn nhẫn sẽ đem lại trong Y kinh nghiệm và những thủ đoạn sống; sự ổn định, sự tăng tiến trong nghề nghiệp, trong nấc thang địa vị xã hội sẽ đem lại trong Y sự yên tâm và những lời nói tốt đẹp trước đám đông.
Nói tóm lại cái tồn tại của Y, cuộc sống của Y là vợ con, nhà cửa, tiền bạc, đất đai và các phương tiện sinh hoạt, công cụ sản xuất cùng các quan hệ xã hội, nghề nghiệp và địa vị đã được Y sở hữu riêng như thế, tách riêng ra như thế sẽ được tự biểu lộ trong suy nghĩ, những ước mơ, trong những quan niệm và thái độ của Y đối với cuộc sống.
Nếu chúng ta đã hiểu rằng thế giới là một bản chất bởi là chỗ Tồn tại tự biểu lộ mình ra ở cảm giác và ở những suy nghĩ, thì rõ ràng mỗi một tồn tại người, trong sự phân tích của chúng ta, nó cũng là những bản chất: vì mình - cho mình. Khác với hòn đá, cái cây, con vật, mặt trời, mặt trăng- chúng chỉ là những bộ phận của Thực- Tồn- Bản chất, chưa bao giờ với tính cách đó, chúng là một Bản chất, có bản chất, bản ngã và cũng chưa lúc nào ở trong chúng có một sự tồn tại độc lập, riêng rẽ. Con người là một bản chất, một thực tại hữu hạn, riêng biệt bên cạnh Tồn tại. Ta gọi đó là những hữu thể.
Dĩ nhiên trước đó Y cũng là một bộ phận của bản chất, do Tồn tại sinh ra, quy định. Nhưng khi Y đã trưởng thành và tồn tại với tư cách là một hữu thể. Y không bị lệ thuộc, không bị trói chặt vào cái Bản chất (nguyên sinh) như một định mệnh nghiệt ngã.
Xã hội hiện thời (xã hội Việt Nam hôm nay) đang tạo ra nhiều chính sách, cơ chế và điều kiện sản xuất, thuận lợi hơn so với trước đây, cho đời sống hữu thể vươn lên thể hiện tài năng, nội lực trong sự phát triển bản chất và nhân cách của nó trong nền kinh tế đa thành phần sở hữu. Hữu thể, nghĩa là bản chất, bản ngã được tạo ra trước hết từ qui luật phân đôi của Tồn Tại, và đặc biệt hơn được làm mới bởi ý chí, bởi quyết tâm và khát vọng trong đời của nó. Nhiều cuộc đời nghèo khó đã được thay đổi nhờ vào thời cơ và những nỗ lực của nó. Nhưng cũng nhiều hữu thể đã xoá bỏ bản chất của mình chỉ vì những ham muốn quá độ, hoặc tầm thường không vượt qua được, chỉ vì đem đặt bản chất của mình vào những quyết định mạo hiểm nhiều rủi ro, hoặc bất chính, bất minh chỉ vì cái lợi của mình, của nhóm mình, hoặc trong những toan tính có tính chất đỏ đen.
Hữu thể, chứ không phải con người trong hình thái cá nhân, cá thể trong sự phân tích của chúng tôi. Bởi vì tồn tại của anh ta, trong bản chất của anh ta có bao hàm cả vợ, con, những người thân, nhà cửa, tiền bạc, đất đai, các tư liệu sản xuất, các quan hệ và địa vị đã được tách riêng ra, sử dụng riêng ra như thế.
Với tính cách hữu thể, mỗi một con người là rời nhau (theo nghĩa phân chia, tách rời. Mỗi cuộc sống xét trong cộng đồng, trong xã hội là một sở hữu riêng với hành vi chiếm hữu, sản xuất tư nhân. Các Hữu thể có những điểm giống nhau về cấu trúc tồn tại, nhưng không quy được về nhau là vì thế. Đó chính là tính đa nguyên của thế giới, của Tồn Tại người). Tha nhân và Y đó là những đối tượng chiếm hữu lẫn nhau, sử dụng nhau như những phương tiện, hoặc tiêu diệt lẫn nhau hoặc trao đổi, hợp tác, cạnh tranh cùng tồn tại và phát triển vì – mình và cho- mình.
Chiếm đoạt, khủng bố, ly khai (cả những bất ổn, bất định trong đời sống hữu thể) hay tôn trọng sự tồn tại của nhau cùng liên doanh, liên kết, tự do và bình đẳng trong quan hệ giữa các hữu thể (trong hình thái người, cộng đồng hoặc quốc gia) là nét chủ yếu của xã hội hiện đại, của lịch sử hiện đại. Nội dung cụ thể của các quan hệ này như thế nào, suy đến cùng cũng là do cái xã hội hiện tồn, khu vực và thế giới bên ngoài quyết định.
Với tư cách là con người mang hiện tượng thế giới, mỗi chúng ta chỉ là những bộ phận không tách rời của cái toàn bộ, là biểu hiện khác nhau, biến thể khác nhau của Tồn tại; là hình thái xác định cụ thể của cùng một bản chất trong tư duy, trong cảm giác.(rằng chúng ta, xét theo tư cách ấy cũng chỉ giống như cái cây, con lừa, hòn đá mà thôi-không có bản chất, bản ngã riêng. Rằng nó chỉ là những bộ phận của cùng một Bản chất). Nhưng kể từ khi mỗi một chúng ta được sinh ra từ trong quy luật phân đôi của thế giới, chúng ta đã là, còn là những thực tại độc lập- nghĩa là tôi và anh không phải là những cái riêng, những hình thái của một bản chất. Rằng tồn tại của tôi, đời sống của tôi được tự lộ ra, tự cảm xúc trong những nhu cầu, những khát vọng. Tôi không cần phải thông qua (nhờ đến) cái khác, người khác, hữu thể khác tôi mới có được những hiểu biết đó,mới nhận ra cái nhu cầu đó của mình - và luôn sáng tạo ra bản chất của mình bằng cách hành động chiếm lấy cái bên ngoài nó (bằng sự chiếm đoạt, cướp đoạt hoặc trao đổi) cho mình nhờ sự thôi thúc của nhu cầu, của ước vọng cùng với những điều kiện có được của đời sống.
Trong ý nghĩa đó và chỉ trong giới hạn đó, ta nói lịch sử có yếu tính đa nguyên. Đa nguyên đang là một “quy luật”, một phương thức chi phối xã hội hiện đại- đó là điều không thể lẩn tránh. Chính nó đã và đang thúc đẩy lịch sử các dân tộc hiện đại tiến lên.

Không gian và thời gian


Vì không có sự lựa chọn đúng đối tượng nghiên cứu của mình, vì những quan niệm sai lầm về thế giới nên cũng dẫn chủ nghĩa duy vật hiện đại tới những kiến giải lệch lạc về hình thức tồn tại của nó, về thời gian và không gian của thế giới hiện thực.
Thời gian biểu thị quá trình nhanh, chậm của sự biến đổi của sự vật. Sự vật trôi đi từ quá khứ- hiện tại và tương lai. Ngày, giờ, năm, tháng là những đơn vị đo khoảng dài ngắn của thời gian.
Còn không gian là nói tới độ to nhỏ, cao thấp, khoảng cách giữa các vật.
Chúng ta phải nói ngay rằng đây là không, thời gian của vật lý học khi nó nghiên cứu về sự vận động và biến đổi của các vật ở lĩnh vực thực tồn Bản chất. Thế giới hiện thực, như chúng ta đã trình bày ở trên, do đó không, thời gian của nó nhất thiết phải có mặt của ý thức hiểu như là hiện tượng thế giới, nhờ đó Tồn Tại mới xuất hiện ra như thế này hay thế kia, nghĩa là cái bộ phận, là những cái hữu hạn nhờ đó thế giới mới có tính không-thời gian. Sự có mặt của ý thức cũng có nghĩa đó là sự tham gia của đời sống thực tiễn con người.
Chúng ta hiểu thời gian nói lên sự lâu (chóng); trình tự trước - sau của Hiện thực và chúng ta cảm nhận nó thông qua tốc biến đổi của đời sống chúng ta cũng như đời sống xã hội. Thời gian sẽ như ngừng lại, trôi đi chậm chạp nếu các đồ vật quanh ta, cách thức mà chúng ta sản xuất hầu như không thay đổi từ năm này qua năm khác trong nhiều nghìn năm. Đây cũng là nét đặc trưng của thời gian ở con người phong kiến, thời đại phong kiến. Đó là sự kéo dài quá khứ trong hiện tại, còn tương lai như không bao giờ hiện diện. Thời gian đối với họ sẽ không trôi theo một hướng từ quá khứ → hiện tại → tương lai mà chỉ có như một vòng tròn: quá khứ → hiện tại → quá khứ. Ngày nay con người hiện đại đã biết đến tương lai trong những dự án, những kế hoạch và trong những hành động hiện thực hóa của họ. Thời gian đã có tính tuyến tính. Đó là nét đặc trưng của thời đại chúng ta chăng? Tuy nhiên với con người hiện đại, với không ít cuộc đời, không ít hữu thể, thời gian với họ còn được khám phá theo chiều cách phi tuyến tính: quá khứ bị xóa bỏ, bị lên án, bị cắt bỏ và cần phải cắt bỏ như một gánh nặng, một sự phi lí; tương lai thì không bao giờ đến. Cuộc sống, đó là hiện tại. Chỉ có hiện tại. Điều này đã trở thành triết lí đời sống của họ. Sống và hưởng thụ hết mình những gì đang có do bố mẹ đem lại, hoặc do cơ chế này đang tạo ra; hoặc hôm nay còn đang cười nói với cuộc đời ngày mai đã bất ngờ phải vào nhà giam bóc lịch. Một ngày mai không hề có với Y: giờ này còn đang trên đường thăm thú, phút chốc một hiểm họa khó lường xảy đến dù Y đã được cảnh báo, được chuẩn bị. Y đã không còn có mặt trên trần thế; những ngày qua Y sống trong sự say sưa của chiến thắng bởi nhờ kinh doanh, nhờ quan hệ, nhờ sức mạnh của cường quyền đã đưa Y từ một công chức hạng trung trở thành tỉ phú: nhà cửa, đất đai, tiền bạc ùn ùn chảy đến. Một ngày kia sàn giao dịch chứng khoán bất ngờ tụt dốc thảm hại, thị trường nhà đất đóng băng, dân chúng nổi dậy phản ứng mạnh mẽ..., Y không bao giờ ngờ tới. Y không còn gì cả, chỉ còn nơi trại giam, bệnh viện tâm thần, hay cái chết chờ đợi Y. Chúng ta hiểu đó là tính dễ vỡ của thời gian ở con người hữu thể
… Ngày, giờ, năm, tháng là những đơn vị đo của thời gian vật lý, nó không phải là đơn vị đo của thời gian thực hiện (hay gọi là thời gian triết học) nhưng giữa chúng không có sự tách biệt nhau. Chúng ta vẫn dùng nó như một đại lượng ám chỉ sự trôi đi nhanh hay chậm của thời gian hiện thực mà chúng ta sống trong đó.
Nếu thời gian biểu thị tốc độ biến đổi của hiện thực, thì không gian biểu thị sự rộng hẹp của thế giới trong quá trình phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người và cũng như thời gian, thông qua hoạt động đó Y sẽ cảm nhận được rõ nhất tính không gian của đời sống hiện thực.
Như chúng ta nói ở trên, thế giới trở nên ngày một phong phú tính quy định chính là nhờ vào những hoạt động thực tiễn của con người. Sự phát triển phong phú của đời sống tinh thần và của các tiện nghi, đồ vật, công cụ sản xuất và cách thức mà con người tiến hành sản xuất nói lên không gian của thế giới này càng mở rộng và đa chiều. Con người đặt chân tới đâu, hoạt động thực tiễn của mình vươn tới đâu thì không gian được mở rộng tới đó. Ngược lại những hoạt động sản xuất, giao tiếp của con người bị cản trở, bị ngăn cấm, bị chiếm đoạt, cướp đoạt vì nhiều lí do, nhiều hoàn cảnh thì khi ấy Y cảm nhận rõ nhất những giới hạn, những đổ vỡ, và những khoảng trống khủng khiếp có thực của không gian.
Hoạt động của con người nói chung ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực: Hoạt động sản xuất ra đồ vật, hoạt động văn hoá, hoạt động giáo dục, giao tiếp... tôi gọi mỗi hoạt động đó là một chiều của không gian. Con người phải đặt mình vào các chiều không gian đó. Khi đời sống và hoạt động của Y có thể được diễn ra, thực hiện trong các chiều kích đó: Chúng ta bảo không gian của Y là toàn vẹn.
Con người phong kiến, xã hội phong kiến có một không gian chật hẹp, đơn chiều, ổn định, ít đổ vỡ .[i]
Không gian con người hiện đại (hữu thể) đa chiều và mở rộng nhưng lại xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn, bất định, ngẫu nhiên, không ngờ được, nhiều khoảng trống xuất hiện, không gian có thể bị co hẹp lại, bị bẻ gãy vụn ra (giống như thời gian) vào bất cứ lúc nào. Đây là nét đặc trưng của thế giới hiện đại.○

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi