Trang Wikileaks lại
vừa công bố một loạt điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ trong đó
có nhiều tài liệu liên quan đến Hoa Kỳ, Trung Quốc và Bắc Việt
Nam vào giai đoạn 1973-1976.
Bức điện cũng nói truyền thông Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt các bài báo của Bắc Việt Nam và lược bỏ những đoạn ‘chống Mỹ cứng nhắc' khi đăng lại ở Trung Quốc.
Tuy thế, dù thái độ bên ngoài khác nhau, Hà Nội và Bắc Kinh đã “không khác biệt nhiều trong cách nhìn nhận Nam Việt Nam”, và cùng coi vùng Đông Nam Á sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam mở ra nhiều cơ hội, theo bức điện tín.
Hòa hoãn Mỹ - Trung
Chủ đề của bức điện tín 29/6 và nhiều bức khác trong năm 1973 là nói về giai đoạn hòa hoãn (detente) trong quan hệ Mỹ – Trung.“Hà Nội có thể phản ứng chống lại sức ép về một thỏa thuận [với miền Nam ] mà Bắc Kinh và Moscow muốn áp đặt lên họ. Nhưng Hà Nội và Bắc Kinh không khác nhau nhiều về chiến thuật với Nam Việt Nam, cho dù về lời lẽ có khác nhau,” bản điện tín 29/6 viết.
Bức điện cũng dự liệu về sự lo ngại lẫn nhau giữa Bắc Việt và Trung Quốc trong tương lai:
“Về lâu dài, Hà Nội và Bắc Kinh rất có khả năng sẽ lo ngại lẫn nhau nếu tình hình Đông Dương còn tiếp tục bất ổn.”
“Cả hai thừa nhận nhu cầu của Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ có thể xung đột với quyền lợi của Bắc Việt Nam muốn chiến thắng chung cuộc, và với khả năng Bắc Kinh duy trì ảnh hưởng với Hà Nội”.
Trong một ngôn ngữ ngoại giao tế nhị, bản điện tín ghi nhận rằng người Mỹ tin rằng Bắc Kinh chỉ muốn “hòa bình” bằng mọi giá, hàm ý không muốn cho Bắc Việt Nam chiến thắng.
“Ngay trước khi có thỏa thuận ngưng bắn, các công bố phát biểu chính thức của Bắc Kinh và cả bình luận báo chí đã khác xa với bình luận của Hà Nội.”
“Lời lẽ công kích mạnh người Mỹ hoặc Hoa Kỳ trên báo chí Việt Nam đã bị lược bỏ khi Bắc Kinh truyền tải lại các bài viết của Bắc Việt.”
"Tuy vậy, cũng sẽ nhầm lẫn nếu cho rằng một thứ ‘hòa bình’ bằng cách nào đó là cách Trung Quốc và Bắc Việt Nam chấp nhận để Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục tồn tại."
Và dù khác biệt, hai đồng minh cộng sản cũng chia sẻ quan điểm rằng sự thoái lui của Hoa Kỳ mở ra cho họ các cơ hội tại Đông Nam Á, theo đánh giá của bức điện.
“Dù có căng thẳng rõ rệt giữa Hà Nội và Bắc Kinh, có vẻ như vào thời điểm hiện nay [1973], cả hai đồng ý chung về các đánh giá tình hình Đông Dương và về chuyện cần phải làm gì.
“Có vẻ họ cùng tin rằng sự thoái lui của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam sẽ tạo đà cho một loạt xu hướng lịch sử thuận lợi [cho họ] trong khắp cả vùng Đông Nam Á,”
“Cả hai cũng không thấy có nhiều khả năng để chế độ hiện hành tại Sài Gòn có thể tồn tại mãi mãi.”
Vì quyền lợi riêng
Nếu như phía Trung Quốc làm rõ rằng mục đích cao nhất của họ khi đề cập tới Đông Dương là để cải thiện quan hệ chiến lược với Mỹ, phía Bắc Việt Nam cũng vẫn cần Trung Quốc viện trợ và đã chỉnh sửa cách nói của mình về cuộc chiến.Bản điện tín viết:
"Sau chuyến thăm của Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng, Bắc Kinh cam kết viện trợ với số lượng không rõ là bao nhiêu nhưng có thể là ít hơn trước"
Điện tín ngoại giao Hoa Kỳ
"Hà Nội cũng muốn Trung Quốc viện trợ tiếp tục, và sau chuyến thăm của Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng, Bắc Kinh cam kết viện trợ với số lượng không rõ là bao nhiêu nhưng có thể là ít hơn trước.”
Bản điện tín cũng ghi rằng dù có thay đổi về ngôn từ, không có bằng chứng là Bộ Chính trị tại Hà Nội bỏ chiến lược quân sự với miền Nam.
Điều giới ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận ngay từ giữa năm 1973, gần hai năm trước khi Sài Gòn sụp đổ là “sự tự tin của Hà Nội”.
Tài liệu này tiết lộ một thái độ ngạc nhiên, thậm chí nể phục của giới ngoại giao Hoa Kỳ khi viết về Bắc Việt, kể cả khi đồng minh Trung Quốc có thể không tin vào điều Hà Nội tin tưởng:
“Người Bắc Việt Nam thật sự tự tin rằng chiến lược của họ sẽ đem lại thắng lợi cuối cùng. Thật khó mà tin rằng Bắc Kinh cũng ‘mua trọn gói’ toàn bộ các mặt của cách phân tích, nhận định tình hình như thế hay chấp nhận mọi góc độ của chiến lược đó.”
Trong các bản điện tín khác, phía Hoa Kỳ có vẻ như nhìn nhận rằng Trung Quốc sau các tính toán trên đã có động thái riêng thể hiện trong vụ chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974.
Cùng lúc, Trung Quốc vẫn muốn giữ quan hệ tốt với Bắc Việt Nam, thậm chí còn tìm cách mô tả ‘chiến thắng Tây Sa’ (Paracels) như một ‘thắng lợi chung của nhân dân Trung – Việt’ chống lại Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, theo một bản điện tín khác của Hoa Kỳ ngày 19/03/1974.
BBC sẽ tiếp tục khai thác các nội dung từ điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan đến chủ đề chính trị khu vực Đông Nam Á trong các bài tới. Mời quý vị xem lại chuyên đề Bấm Hòa đàm Paris 1973.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi