samedi 11 janvier 2014

Vụ hối lộ $1 triệu: 'cốc mò, cò xơi,' Vạn Thịnh Phát và Vincom

Tư Ngộ/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vẻ mất toi số tiền lót đường để đón đầu dự án hàng tỉ đô la “biến đổi công năng Cảng Sài Gòn”, trong khi tập đoàn Vincom của tài phiệt Phạm Nhật Vượng trúng mối. 
 Phối cảnh dự án biến khu vực cảng Sài Gòn ở khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội thành một khu đô thị mới
cao cấp với trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư, biệt thự. (Hình: TBKTSG)
Ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng khai ở tòa hai lần đưa cho ông thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công An, 510,000 USD, đưa 20,000 và một chai rượu quý cho ông đại tá Thanh, cục trưởng Cục Điều Tra Tội Phạm Tham Nhũng, và đưa 10,000 USD biếu ông cục phó tên Sơn của cục này để chạy án cho mình.

Ông Dũng còn khai, trước đó, là đã ôm tới nhà ông Phạm Quý Ngọ 1 triệu đô la lo lót dùm bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát để ông Ngọ đừng cản trở việc làm ăn của bà tại dự án “chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn”.


Sau lời khai đó, Đại diện Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội “đề nghị hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi làm lộ bí mật công tác. Đồng thời đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền Dương Chí Dũng khai đã đưa cho những người nêu trên, nếu có căn cứ thì xử lý theo pháp luật.”

Lý do nêu ra để mở điều tra là “Lời khai đó phù hợp với cuốn nhật ký mà Dũng đã ghi trong sổ theo dõi hành trình bỏ trốn, phù hợp với lời khai của Vũ Tiến Sơn tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa rằng "Dương Tự Trọng đã nói với bị cáo là: “Có sếp to trên bộ Công an bảo lánh đi”.

“Căn cứ vào các quy định và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát điều tra làm rõ hành vi nhận 510,000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines, hành vi nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của công ty Vạn Thịnh Phát và dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nếu có căn cứ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.” Báo Một Thế Giới tường thuật.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Vạn Thịnh Phát. (Hình: Zing)
Nếu cuộc điều tra chứng minh được bà Trương Mỹ Lan hối lộ số tiền lớn như thế, bà có thể bị kết án tù đến chung thân. Còn người nhận hối lộ số tiền lớn như ông Phạm Quý Ngọ có thể bị án chung thân đến tử hình. Đây là những số tiền mặt rất lớn không phải dễ dấu đút tại một xó kẹt trong nhà. 

Như chạm phải nọc, trên trang nhà của mình  hôm Thứ Năm 9/1/2014, Công ty một thành viên Cảng Sài Gòn (tức công ty con của Tổng công ty vận tải biển quốc doanh Vinalines), ra một bản thông cáo báo chí thanh minh rằng “Hiện nay công tác thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã hoàn tất và không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn.”

Bản thông cáo của Cảng Sài Gòn trình bày chi tiết vụ việc như sau:

“Ngày 29/12/2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2471/TTg-KTN đồng ý cho phép Cảng Sài Gòn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội theo Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg.

“Ngày 30/3/2012, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có Nghị quyết số 687/NQ-HHVN, chấp thuận chủ trương cho phép Cảng Sài Gòn thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và giao Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn làm đầu mối tìm kiếm đối tác, lập dự án đầu tư và báo cáo Tổng công ty xem xét, quyết định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2471/TTg-KTN (thời điểm này ông Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và chuyển công tác sang Cục Hàng hải Việt Nam từ ngày 06/02/2012).

"Theo chỉ đạo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại Nghị quyết số 687/NQ-HHVN ngày 30/3/2012, Cảng Sài Gòn đã đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong quá trình đàm phán, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút và không tham gia dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Tháng 6/2013, Cảng Sài Gòn đã trình Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt phương án thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.”

Còn đối với lời khai của ông Dương Chí Dũng ở tòa án, Cảng Sài Gòn nói “Cảng Sài Gòn khẳng định đây là mối quan hệ cá nhân giữa ông Dương Chí Dũng và bà Trương Mỹ Lan, hoàn toàn không liên quan và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn.”

Ông Phạm Nhật Vượng được Forbes bầu chọn là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. (Hình: Getty Images)
* Một triệu đô la đi đâu?

Người ta không được biết đích xác ông Dương Chí Dũng cầm tiền của bà Trương Mỹ Lan mang tới nhà ông Phạm Quý Ngọ và thời điểm trước (tức khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) hay sau (tức khi đã về làm Cục trưởng Cục Hàng hải ở Bộ Giao Thông Vận Tải).

Bản thông cáo báo chí của Cảng Sài Gòn không nói đối tác “quý nhân” nào đã trúng mánh “dự án chuyển đổi công năng” miếng đất của cảng Sài Gòn (khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội) hàng chục ha đất được coi như đất vàng.

Với những chi tiết được tiết lộ thì có vẻ như bà Trương Mỹ Lan đã mất toi số tiền chạy thuốc trước đón đầu dự án và lại còn có thể mang họa.

Theo một bản tin ngày 27/11/2013 của báo Đầu Tư (báo của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN) thì “Theo kế hoạch, Khu cảng Nhà Rồng và Khánh Hội sẽ chuyển đổi công năng từ kinh doanh cảng biển sang trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ…” Đây là lý do các đại gia tài phiệt địa ốc ở Việt Nam xúm vào ăn có.

Sau nhiều màn giành mối, mặc cả ngầm thế nào đó ở hậu trường, báo Đầu Tư nói “Công ty TNHH Đầu tư phát triển Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Vingroup đã cơ bản hoàn tất mọi thỏa thuận trong thương vụ hợp tác: thực hiện dự án chuyển đổi công năng khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (từ kinh doanh cảng biển) thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ. Theo hình thức hợp tác này, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Cảng Sài Gòn sẽ góp quyền sử dụng đất, còn Vingroup sẽ đầu tư tài chính để thực hiện dự án BT.”

Thế là đã rõ chuyện “cốc mò cò xơi”. Nếu số tiền một triệu đô la của bà Trương Mỹ Lan coi như đổ xuống sông xuống biển, tay tư bản đỏ Phạm Nhật Vượng phải trả giá bao nhiêu lần thì dành được mối cho cái dự án lên hàng tỉ đô la? Những khoản lót đường hay chia phần cho những kẻ gật đầu là bao nhiêu, được mặc cả trước thế nào, chỉ có ma xó may ra mới biết.

Nhưng ít nhất, những dự án lớn như dự án này, tuy chủ đầu tư bề nổi là “Công ty TNHH đầu tư phát triển Cảng Sài Gòn”, ngồi trên đầu nó là tổng công ty Vinalines. Ngồi trên đầu Vinalines là Bộ Giao Thông Vận Tải, ngồi trên đầu Bộ Giao Thông Vận Tải là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà ở Sài Gòn thì lại còn có ông Lê Thanh Hải bí thư thành ủy và các ban bệ cầm quyền của ông.

Theo tin tức, ông Nguyễn Tấn Dũng đòi dùng 20% diện tích đất của cảng Sài Gòn để “xây dựng nhà ở xã hội”, nhưng ông chủ đầu tư Cảng Sài Gòn thì có vẻ sợ không đủ ăn. Các ông đòi cả dự án chỉ dành cho các công trình xây dựng cao cấp mà thôi.

Dự án dời Cảng Sài Gòn tới cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp đã có từ năm 2005, dự trù hoàn tất năm 2010 nhưng ỳ ạch tới nay vẫn chưa xong vì thiếu vốn đầu tư.

Hồi Tháng 5 năm 2013, cảng Sài Gòn đã tạm dừng thi công cảng Sài Gòn - Hiệp Phước có tổng mức đầu tư 2,735.3 tỉ đồng, sau hơn bốn năm thi công mới chỉ được 38% khối lượng công trình. Một trong những ký do chính đang kẹt là “chưa xây dựng đường D3 nên không có đường cho xe ra vào cảng giao nhận hàng hóa”.

Theo báo Trí Thức Trẻ, ông Huỳnh Văn Cường - phó tổng giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, nhà đầu tư (không biết nhà đầu tư nào) sẽ ứng trước vốn 350 tỉ đồng xây dựng đường D3 dài 2.3km cho sáu làn xe, trong đó sẽ xây dựng mới cầu Mương Lớn 2 và Rạch Gộp 2. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 11/2013 và hoàn thành vào giữa năm 2015. Vậy ít ra là cảng mới (Sài Gòn-Hiệp Phước) phải đợi thêm ít nhất một năm rưỡi nữa.

Chuyện “cốc mò cò xơi” có vẻ còn lắm điều hay. 
(TN) 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi