mercredi 30 avril 2014

RSF vinh danh Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và Lê Ngọc Thanh là "anh hùng thông tin"

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm nay 29/04/2014 công bố danh sách « 100 anh hùng thông tin » nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5 năm 2014. Trong danh sách này có ba nhà báo, blogger Việt Nam là Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh. Đây là lần đầu tiên Phóng viên Không biên giới đưa ra danh sách « 100 anh hùng thông tin ».

Theo RSF, với lòng can đảm mẫu mực, « 100 người hùng » này bằng công việc hay cuộc chiến đấu của mình đã đóng góp vào việc xúc tiến tự do báo chí được ghi trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, « tìm kiếm, tiếp nhận và lan truyền mà không quan tâm đến biên giới, các thông tin và ý tưởng do dù bằng phương tiện biểu hiện nào ».
Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF trong thông cáo báo chí tuyên bố : « Ngày Tự do Báo chí Thế giới, từ sáng kiến của RSF, là dịp để vinh danh lòng can đảm của các nhà báo và blogger, hàng ngày đã hy sinh sự an toàn và đôi khi cả mạng sống cho thiên chức của mình. Các anh hùng thông tin là nguồn cảm hứng cho mọi người nam cũng như nữ có khát vọng tự do. Không có quyết tâm của họ và những người như họ, thì hoàn toàn không thể nào mở rộng được tự do ».
Danh sách này gồm các nhà báo và blogger từ 25 đến 75 tuổi thuộc 65 quốc tịch khác nhau. Người trẻ tuổi nhất là phóng viên ảnh Oudom Tat của Cam Bốt, và người lớn tuổi nhất là nhà báo Pakistan Muhammed Ziauddin. Châu Á- Thái Bình Dương có 25 nhà báo được vinh danh, trong khi châu Âu chỉ có 8 người. Các quốc gia có từ ba « anh hùng thông tin » trở lên là Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Iran, Azerbaijan, Mêhicô và Eritrea.
Tại Việt Nam, có nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người đã từ bỏ đảng để dành tâm trí cho những bài viết phản biện với chính quyền. Từng là sĩ quan quân đội, Phạm Chí Dũng có thời gian làm trợ lý cho ông Trương Tấn Sang – người đến năm 2011 trở thành Chủ tịch nước. Nhà báo Phạm Chí Dũng có các công trình nghiên cứu về chính sách an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế và tôn giáo.
Các bài báo tố cáo tham nhũng và yếu kém của chính quyền khiến ông bị bắt vào tháng 7/2012 vì các tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền » và « tuyên truyền chống nhà nước ». Được đình chỉ điều tra, ông ra tù 7 tháng sau đó. Nhưng bằng tiến sĩ kinh tế, 11 tác phẩm đã xuất bản cùng với vô số bài viết trên các đài phát thanh quốc tế trong đó có RFI của ông vẫn không ngăn trở được việc ông bị tịch thu hộ chiếu vào tháng 2/2014 lúc chuẩn bị đi Genève tham dự một hội nghị về nhân quyền với vai trò diễn giả.
Bên cạnh đó là blogger Trương Duy Nhất, đã bỏ nghề báo để viết blog « Một góc nhìn khác ». Trong ba năm, ông đã đăng trên 1.000 bài trên mạng, trong đó có những bài do chính ông viết. Sau bốn lần được lệnh đóng blog, tháng 5/2013 Trương Duy Nhất bị bắt và bị kết án hai năm tù vì 12 bài báo.
Người thứ ba là linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, làm việc cho Truyền thông Chúa Cứu Thế từ thập niên 90. Năm 2012 ông bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ khi đi Bạc Liêu dự đám giỗ 49 ngày bà Đặng Thị Kim Liêng - mẹ blogger Tạ Phong Tần đã tự thiêu phản đối bản án dành cho con bà. Năm 2013 ông lại bị câu lưu lần nữa trong một cuộc biểu tình ủng hộ blogger Đinh Nhật Uy, và hiện vẫn đang bị công an theo dõi thường xuyên.
Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ ngay sau khi được biết tin, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết cảm tưởng :



Nhà báo Phạm Chí Dũng - TP Hồ Chí Minh
 
29/04/2014
by Thụy My
 
 
« Tôi thấy vui lắm ! Tại vì khi tôi được đình chỉ điều tra một năm trước đây, lúc đó tôi trở lại viết và viết phản biện. Tôi nghĩ rằng cần phải đóng góp một cái gì đó cho xã hội, và không thể không viết. Tóm lại, đã không biết viết thì thôi, trước hiện tình xã hội hiện nay, nếu biết viết mà không viết thì cảm thấy có lỗi rất lớn. Thành thử tôi ráng viết, và tôi nghĩ tới một lúc nào đó, những bài viết của tôi có thể có một hiệu ứng nào đó đối với xã hội. Đóng góp một phần nho nhỏ cho công cuộc cải tạo, dân chủ xã hội, làm cho công bằng và tốt đẹp hơn.
Với Phóng viên Không biên giới là tổ chức đã lên tiếng ngay từ đầu khi tôi bị bắt, tôi cho là tôi có duyên với họ. Đây cũng là sự tưởng thưởng nói chung cho giới báo chí ở Việt Nam – những người được coi là dấn thân, đang đấu tranh cho một nền báo chí độc lập ở Việt Nam. Tôi vui về điều đó và tôi nghĩ rằng những thế hệ cùng với tôi cũng như những thế hệ sau tôi còn có thể được nhận những niềm vui lớn hơn, nếu họ dấn thân đấu tranh nhiều hơn ».
Xin mời quý thính giả theo dõi bài phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng trên RFI Việt ngữ ngày mai.

mardi 29 avril 2014

Mẹ mình và mẹ người ta.

29 avril 2014, 
Buổi kinh cầu nay dài thêm mấy nữa
Tiếng Di Dà lay động được rèm thưa
Tuần nhang hết tuần nhang sau tiếp nối
Hương khói nhạt nhoà, dáng Phật vẫn trầm tư.


Thời gian ơi, xin đi như giấc mơ
Cho thơ con viết thôi dứt màu nhung nhơ
Rồi hôm nao, hạn trời con qua hết
Mẹ xem kìa
Tượng Ngọc
Sáng hào quang.


Đây là đoan cuối một bài thơ tôi viết vào tháng 4 năm 1995, gửi cho mẹ tôi. Thấm thoắt đã gần 20 năm. Tôi nhớ khi bài thơ viết xong, anh bạn tù tên Toàn vốn là hoạ sĩ, bị kết án vì tội làm giả giấy tờ , anh Toàn xem bài thơ rồi lặng ngắt người một hồi mới nói

- Không biết bao giờ anh em mình qua hết hạn này.

Trong bài thơ tôi hinh dung mẹ mình ngồi trên điện Phật tụng kinh liên miên để cầu nguyện cho tôi được bình an. Tôi gửi về cho mẹ, chị tôi vào thăm nói mẹ đọc thơ khóc nhiều lắm, thôi mày đừng viết nữa. Nhiều năm sau tôi về, có lần lục tìm giấy khai sinh để đi xin việc, tôi thấy bài thơ của mình được giữ trong cái tủ con con của mẹ. Cái tủ mà mẹ dùng đựng sách kinh Phật.

Năm 2009 cục điều tra an ninh A92 đưa tôi về căn nhà mà tôi đã sinh ra để khám xét. Tôi bình thản , không nói gì, chỉ lặng lẽ cởi thắt lưng, thay đôi giày buộc dây bằng đôi giày không dây, bỏ lại chìa khoá, ví tiền. Chỉ cầm theo ảnh Tí Hớn cỡ 4x6. Lúc đó người ta chưa nói tôi sẽ bị bắt. Nhưng những thứ tôi bỏ lại là những thứ trại giam cấm mang vào. Người chỉ huy cao tuổi của nhóm khám xét quan sát thái độ tôi và lắc đầu, không biết anh ta nghĩ gì.

 Cuộc khám xét đến khu điện thờ Phật của mẹ. Tôi nói với người chỉ huy.

- Em nghĩ anh không nên khám xét chỗ này, đời em làm gì cũng dám làm, nhưng chưa bao giờ em động đến chỗ này.

Người chỉ huy già lặng lẽ khoát tay xua các anh ninh xuống khói điện thờ Phật. Ông ta bước tới ban thờ lấy ba nén nhang châm rồi cắm vào bát hương, chắp tay vái ba cái rồi bảo tôi đi xuống.

Khi ông ta đọc lênhh bắt, người an ninh trẻ lấy ra cái còng mới toanh. Tôi hỏi.

- Không có còng cũ à.?

Anh ta lắc đầu.

- Không anh ạ, có còng mới thôi.

Tôi nói.

- Còng mới sắc cạnh, cậu đừng xiết chặt quá nó cứa vào tay anh.

Anh ta gật đầu, chúng tôi trao đổi về cái còng bằng thái độ và âm điệu như bàn về cái gì đó bình thường trong cuộc sống. Người chỉ huy lần nữa khoát tay.

- Thôi, cất còng đi, không cần thiết đâu.


Phải nói đời tôi dây dưa đến nhà tù nhiều, bạn bè, người thân, hàng xóm...và cả bản thân mình. Có những tháng năm tôi mở công ty làm quảng cáo, tưởng như êm đềm. Thế nhưng có những đêm đột ngột điện thoại gọi đến, buộc lòng phải dậy dắt đồ vào người đi trong đêm. Lúc đi trong lòng chán ngắt vô cùng, một là người ta chém mình, hai là mình chém được người ta. Mà người ta chém mình thì mình chết hay bị thương, mình chém được người ta thì trốn tránh hoặc tù đày. Biết là thế nhưng vẫn phải đi, sợ thì chăngr sợ nhưng trong lòng chán ngắt. Chính sự chán ngắt đó khiến cho con người tôi lạnh và điềm tĩnh mỗi khi phải xung đột khắc nghiệt. Đôi khi sự chán chường lại đem lại tỉnh táo.

Làm quảng cáo có chút tiền nhưng hay phải đi xa, tôi quay sang làm nghề cầm đồ, bóng đá.

Lúc Tí Hớn 3 tuổi, một đêm mưa tôi mở cửa đợi con ong mẹ về cái tổ nó làm trên trần nhà tôi. Cả đêm mưa gió bão bùng, sáng hôm sau con ong mẹ không về. Đêm ấy tôi viết bài Con Ong, thằng bé và cơn mưa, bài viết được đăng trên báo SGTT. Tôi mang súng, kiếm ra sông thả. Mọi khoản người ta nợ tôi , tôi quyết định quên đi. Còn những khoản tôi nợ ai, tôi bán đồ trả. Vợ tôi đang đi chiếc xe Dylan 150, tôi nói em đi làm bằng xe ôm, anh lấy xe bán trả nợ. Vợ tôi để giấy tờ, chìa khoá rồi ra đường gọi xe ôm đi, chẳng nói một lời. Phải đến một tháng sau tôi mới mua lại cho vợ chiếc xe Drem cà tàng để vợ tôi đi làm, đón con.

Tôi giã từ giang hồ bằng cách dứt khoát bỏ sạch. Thậm chí sau này có người mang tiền trả, tôi lắc đầu không nhận. Tôi nói tôi dứt điểm không dây dưa nữa. Mình nhận lại tiền, rồi lúc khác nó khó khăn nó lại đến mình, cứ dây dưa mãi thế biết bao giờ. Những người có qua lại làm ăn với tôi thời đó sau này người đi tù, người bị bắn chết , người bán nhà đi lang thang, người gia đình tan nát.

Còn tôi đi làm thuê cho một công ty quảng cáo, chịu trách nhiệm tổ chức thi công sản xuất.

Cứ tưởng là dứt khỏi những chuyện cửa quan, tù đày, ly biệt. Mối dây dưa duy nhất là thỉnh thoảng tôi có tiền cho vợ con bạn bè cũ một vài triệu khi họ ở trong tù.

Thế rồi loanh quanh, bỗng nhiên một ngày tôi trở thành đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ vì dăm ba bài viết trên mạng và vài lần đi xem biểu tình. Bóng dáng công quyền, nhà tù lần này còn khủng khiếp và ráo riết hơn những lần tôi làm xã hội đen. Cũng như những lần khác, lần này tôi  cũng không sợ. Vì sự chán chường ngập trong tôi, nhưng cái khác biệt là sự chán chường này là  từ một xã hội đầy rẫy những bất công, những điều thối nátmà tôi mới thấy . Từ một thế giới đáy cùng xã hội đầy đen tối, tôi bỏ hết tài sản bước ra để rồi lại thấy một xã hội lớn còn kinh khủng hơn. Những tay maphia đội lốt doanh nghiệp, quan chức còn thủ đoạn tàn nhẫn hơn cả những tay anh chị của cái xã hội đen mà tôi đã sống trước đó.

Cái xã hội đen trước kia có thể huỷ hoại cuộc đời tôi. Nhưng cái xã hội lớn này nó huỷ hoại cả đời con tôi, ở đó có thực phẩm độc haị, ô nhiễm môi trường, gian manh và trí trá. Trước tôi vì mình dấn thân vào xã hội đen, tự tôi chọn, không ai rủ rê hoặc xúi giục. Nay tôi làm những điều ở xã hội này vì con mình, tuyệt không có ai xúi giục hay kích động.


 Số phận tôi bỗng có một bước ngoặt, tôi được đi học ở nước Đức. Trong thư mời người Đức ghi rõ vì trân trọng khả năng báo chí và văn chương của tôi họ mời tôi đến Đức để sống một thời gian sáng tác và học hỏi thêm xã hội Đức. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có tài năng về văn chương hay báo chí. Những thứ tri thức cao xa mà cần phải có đào tạo cơ bản mới có được.

Tôi đi chẳng phải để khẳng định mình có tài năng về văn chương, báo chí. Tôi đi để mẹ tôi và vợ con tôi không phải thấp thỏm khi thấy đêm tôi không về. Tôi đi để mẹ tôi có quãng thời gian ngắn ngủi được yên lòng, thảnh thưởng thức mùi nhang trên điện Phật để phân biệt nhang của hàng nào thơm hơn hàng nào.


 Ở đây tôi sẽ không thấy mẹ tôi lo buồn vì tôi phải vào tù. Thế nhưng ở đây tôi lại gặp một bà mẹ Việt Nam khác đang lang thang từ đất nước này sang đất nước khác để kêu cứu cho con gái mình đang bị tù đày. Đó là bà Trần Thị Ngọc Minh , mẹ của nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Là đàn ông, ở tuổi Hạnh tôi đi tù vì mưu lợi cho mình. Còn Đỗ Thị Minh Hạnh thì đi tù vì cô lo cho xã hội, cho giai cấp công nhân mà có thấy tận mắt những bất công mà họ phải gánh chịu.

Người ta tha phương khất thực đã là điều đau đớn, bà Minh tha phương để khất tự do cho con gái mình. Một cô gái trẻ trong trắng và hồn nhiên với tầm lòng nhân hậu. Với những gì trải qua trong đời, tôi ứa nước mắt nhìn một bà mẹ tha hương nay đây mai đó để gõ cửa từng ngõ ngách mong tìm kiếm sự bênh vực, bảo vệ cho con gái của mình.

Tôi thấy những đứa con đi đòi tự do , công lý cho mẹ. Giờ thì tôi lại thấy mẹ đi tìm công lý, tự do cho con.

Khi mà một cô gái vì bênh vực công nhân, gây mâu thuẫn quyền lợi với chính quyền, mà bị kết án tù gấp 2 lần án tù của một công an '' làm chết người ''  thì khó mà nói pháp luật chính quyền ấy có tình, có lý.

Đỗ Thị Minh Hạnh hiện đang bị giam giữ cách xa nhà hàng ngàn cây số, cô bị bệnh nặng. Đường sá xa xôi khiến sự chăm nom của gia đình khó khăn , trắc trở.

Tôi tự hỏi những người đang nắm giữ số phận của Đỗ Thị Minh Hạnh, họ có mẹ và con hay không.?

Nếu họ thương mẹ và thương con họ, chắc giờ này họ hiểu nên làm gì để giữ được chút phúc phận cho đời sau.








Theo Facebook Người Buôn Gió

Tối hậu thư đòi chấm dứt phân biệt đối xử trong kinh doanh


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-04-29
 

Doanh nghiệp nhà nước thực tế được ưu đãi rõ ráng về quyền lợi, về vốn và ngay cả về thuế
Doanh nghiệp nhà nước thực tế được ưu đãi rõ ráng về quyền lợi, về vốn và ngay cả về thuế
Files photos

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vừa gởi một tối hậu thư tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chấm dứt đặc quyền đặc lợi dành cho doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp mọi thành phần.
Doanh nghiệp tư nhân kếu cứu
Tối hậu thư của 493.000 doanh nghiệp tư nhân đang thoi thóp hoạt động, trong khi 300.000 doanh nghiệp dân doanh khác đã chết trên thực tế, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đúc kết từ 300 kiến nghị và đệ trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội.
Theo tin trong nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổng hợp 300 kiến nghị đó và đặt lên bàn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 8 nhóm giải pháp lớn. Nhưng nổi bật và quan trọng nhất là kiến nghị Chính phủ phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/4, TS kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà hoạt động dân quyền ở TP.HCM nhận định:
Tôi nghĩ là có sự bất công, bất bình đẳng rất lớn không khác gì chỉ số GNI về bất bình đẳng xã hội đang tồn tại trong xã hội Việt nam giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
TS Phạm Chí Dũng
“ Tự do kinh doanh là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế thị trường, đó là sự tự do kinh doanh trên cơ sở bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phải chỉ giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau mà chính là giữa các doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước. Nó có vấn đề rất lớn tồn tại trong nền kinh tế được gọi là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách.
Một doanh nghiệp tư nhân chuyên pha màu vi tính ở TPHCM. files photos
Một doanh nghiệp tư nhân chuyên pha màu vi tính ở TPHCM. files photos

Nhưng họ hoạt động rất tệ, có thể nói ít nhất 25% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội mà thôi. Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân ngay từ năm 2.000 khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời họ đã có một sức sản xuất vượt bậc so với các doanh nghiệp nhà nước, có thể chưa vượt bậc so với nước ngoài nhưng so với doanh nghiệp nhà nước thì hơn hẳn. Chính vì vậy tôi nghĩ là có sự bất công, bất bình đẳng rất lớn không khác gì chỉ số GNI về bất bình đẳng xã hội đang tồn tại trong xã hội Việt nam giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.”
Theo TS Phạm Chí Dũng, vấn đề mà các doanh nghiệp tư nhân nêu ra là cần có những điều kiện tiêu chí tôn chỉ về tự do kinh doanh là đúng đắn, cũng giống như chúng ta đang tiến tới ngày tự do báo chí quốc tế vậy. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“ Cần phải có một thái độ và cái “hồn” về tự do, tự do một cách thực chất một cách thành tâm thì mới có thể giải quyết được vấn nạn của nền kinh tế hiện nay mà không bị các nhóm lợi ích nhà nước lũng đoạn. Đó chính là  tinh thần khi các doanh nghiệp tư nhân nêu ra vấn đề này và tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, chỉ có điều họ đã nêu ra quá lâu mà tới nay chẳng ai chú ý tới những kiến nghị của họ và chẳng ai giải thích cho họ là tại sao lại không thay đổi.”
Nếu nhìn về vấn đề TPP Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, theo TS Phạm Chí Dũng các doanh nghiệp tư nhân đã đặt vấn đề rất đúng. Ông nói:
“ Họ đang đưa ra một điều gọi là lợi thế so sánh khi mà nhà nước Việt nam đang dợm bước chân vào TPP. Trong TPP vấn đề cạnh tranh  bình đẳng và tự do kinh doanh để tiến tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như điều ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn yêu cầu phía Mỹ và TPP cho phép Việt Nam làm điều đó. Chính là một điều kiện cần để cho Việt Nam có thể tham gia đầy đủ vào TPP. Nếu không có tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với nhau, đặc biệt không chỉ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài mà giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì sẽ không thể nói tới một tinh thần chung là Việt nam có thể đạt được một nền kinh tế với qui chế thị trường theo đúng nghĩa của nó trong hiện tại và tương lai.”
DN tư nhân ngày càng khẳng định vị thể trong nền kinh tế
DN tư nhân ngày càng khẳng định vị thể trong nền kinh tế

Nếu không có tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với nhau, đặc biệt không chỉ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài mà giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì sẽ không thể nói tới một tinh thần chung là Việt nam có thể đạt được một nền kinh tế với qui chế thị trường theo đúng nghĩa của nó
TS Phạm Chí Dũng
Trong buổi gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào sáng 28/4 ở Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh ông còn có 4 Phó thủ tướng, 9 Bộ trưởng thứ trưởng và lãnh đạo ngành. Một điều mà truyền thông nhà nước cho là chính phủ đặt quyết tâm hành động để giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua sóng gió, hồi sinh và ra biển lớn. Các giới chức Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ví von cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như đội thuyền thúng, hoặc những đội quân bé li ti không thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Các giới chức này cảnh báo trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường sâu rộng, nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà là một thực tế, chưa kể sự kiện các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp và thương hiệu Việt.
Nói mãi không làm
Nhận định về vấn đề vừa nêu, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
Những cảnh báo này từ thời điểm năm 2.000 khi chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ họ cũng đã cảnh báo thuyền ra biển lớn, kỳ vọng lắm nhưng mà không làm gì cả. Có thể nói bây giờ sau 13-14 năm trình độ doanh nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ về trình độ pháp lý về khả năng cạnh tranh, đặc biệt về độ minh bạch
TS Phạm Chí Dũng
“Theo tôi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng Thương mại Công nghiệp không còn tư cách để cảnh báo nữa, họ quá quan liêu. Họ đưa ra những điều gọi là cảnh báo trên thái độ của những người quản lý với sự trịch thượng kẻ cả trong suốt 14 năm qua. Bởi vì những cảnh báo này từ thời điểm năm 2.000 khi chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ họ cũng đã cảnh báo thuyền ra biển lớn, kỳ vọng lắm nhưng mà không làm gì cả. Có thể nói bây giờ sau 13-14 năm trình độ doanh nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ về trình độ pháp lý về khả năng cạnh tranh, đặc biệt về độ minh bạch.
Tình trạng vẫn không cải thiện được ngay sau khi tiến sang giai đoạn thứ hai, năm 2007 khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Như vậy thì làm sao có thể gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam mà nói rằng thuyền thúng, thuyền nan…hay là thuyền đang rách nát. Tôi có cảm giác hình dung ra cả con thuyền chính trị nữa cũng đang rách nát, mà như vậy bây giờ tiến ra biển lớn mà không bị lật. Đó chính là câu trả lời tôi xin nhường lại cho những người mà tôi gọi là một tầng lớp quan liêu thủ cựu trong các bộ ngành quản lý ở Việt Nam.”
Có một sự trùng hợp đặc biệt khi hai sự kiện liên quan tới tình hình kinh tế Việt Nam diễn ra cùng ngày 28/4. Buổi sáng Hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ở Hà Nội, thì buổi chiều tại TP.Hạ Long đã khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014. Đây là nơi các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế thảo luận để tìm  lời giải đáp cho câu hỏi: tại sao cải cách thể chế kinh tế nói mãi mà không làm? Đây chính là là chìa khóa để tháo gỡ mọi điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam.   

Các TNLT đồng loạt tuyệt thực – Yêu cầu cán bộ trại giam thực hiện đúng trách nhiệm và tôn trọng quyền lợi của các tù nhân


Tê rê sa (Danlambao) - Theo tin từ thân nhân gia đình các tù nhân lương tâm cho biết: Để phản đối hành vi ngang ngược thu giữ sách, thư từ trái pháp luật và đối xử phân biệt đối với các tù nhân lương tâm của các cán bộ trại giam.

Từ trại 5 Lam Sơn – Thanh Hóa, tù nhân lương tâm Đậu Văn Dương đã thực hiện chương trình tuyệt thực 7 ngày bắt đầu từ ngày 11/04/2014 đến ngày 17/04/2014 sau khi được trả lại số sách bị thu giữ trái pháp luật, anh Dương đã ngừng tuyệt thực và ăn trở lại. Hiện nay 2 tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức và Trần Minh Nhật ở trại giam K3 - Phú Sơn 4- Tỉnh Thái Nguyên đã tuyệt thực từ thứ 6 ngày 18/04/2014 và nay vẫn đang tiếp tục. Được biết gia đình anh Trần hữu Đức đã có chuyến thăm anh vào hôm thứ 6 ngày 25/04/2014 vừa rồi.


TNLT Đậu Văn Dương (trái); Trần Hữu Đức (giữa); Paul Minh Nhật (phải)

Theo lời kể của chi Trần Thị Hoài Tô em gái của anh Đức: 'gia đình chúng tôi lên xe vào tối thứ 5 ngày 24/04 và đến sáng thứ 6 ngày 25/04 sau khi trải qua 3 chặng đường bắt xe gia đình đã có mặt và xuất trình thủ tục thăm gặp cho cán bộ trực tại cổng trại giam K3- Phú Sơn 4 vào lúc 8h00’ nhưng gia đình vẫn phải chờ đợi gần 2 tiếng đồng hồ mặc dù gia đình là người đến trước, chúng tôi có thắc mắc: 

“Tại sao lại bắt chúng tôi phải chờ đợi thế này, các ông làm việc phải theo trình tự chứ người đến trước gặp trước người đến sau gặp sau”?

Thì nhận được câu trả lời của cán bộ trực trại rằng: “Trường hợp của Trần Hữu Đức phải chờ, các cán bộ đang hội ý gia đình thắc mắc lát nữa vào thăm thì hỏi cấp trên chưa tôi k biết, tôi chỉ làm theo sự chỉ đạo”.

 Sau khi hội ý xong khoảng 9h50’ gia đình chúng tôi được vào thăm, trước lúc vào chúng tôi phải mang hết quà đặt lên bàn cân và cân đúng 7kg còn lại gia đình tôi phải mang về dù gia đình có nói hết tình hết lý vì đường sá xa xôi mang ra tận đây là cả một quá trình rất cực, của không là bao nhưng cái công nó lớn, tất cả là quà của bà nội, ngoại, anh em họ hàng góp người ít gửi cháu thế nhưng vẫn bị bỏ ngoài tai. 

Gia đình đành mang cất đi vào gầm xe taxi để vào thăm anh, khác với những lần gặp trước lần này gia đình gặp anh Đức tại một cái bàn tròn ngoài trời giành cho các cán bộ ngồi nghỉ mát uống nước. Trước khi gặp cán bộ Nguyễn Xuân Quỳnh Trưởng trại giam cùng một cán bộ tên Chiến và hai cán bộ khác làm nhiệm vụ trinh sát đã có sự trao đổi cùng gia đình, bảo gia đình khuyên nhủ anh Đức ăn uống giữ gìn sức khỏe để hôm sau còn về với gia đình vì Đức cũng chỉ còn thời gian nữa là về rồi, tiếp đến họ quán triệt gia đình về việc cấm quay phim chụp hình và đề nghị cất hết các thiết bị có thể ghi âm chụp hình vào túi trước lúc thăm gặp để tránh đăng tải lên mạng những hình ảnh thông tin sai sự thật. Trao đổi xong Nguyễn Xuân Quỳnh gọi điện thoại cho người dẫn anh Đức ra, gia đình rất bất ngờ trước thân hình tiều tụy, gầy gòm và nước da xanh xao của anh khi không thể đi nổi, phải có sự hỗ trợ của một anh bạn tù xốc ra.

Mẹ và tôi đã òa khóc khi nhìn thấy anh, hôm nay đã là ngày thứ 7 anh tuyệt thực, anh yếu hẳn đi ngồi không vững phải có người dựa, gia đình trò chuyện với anh cùng với sự giám sát của 3 cán bộ trinh sát, anh hỏi thăm tình hình ở nhà, bà con hàng xóm, bạn bè và tất cả mọi người, anh căn dạn mọi người đừng lo lắng cho anh đặc biệt là cha mẹ, không phải lo gì cho Đức đâu, Đức sẽ luôn cầu nguyện và Chúa sẽ luôn gìn giữ Đức. Anh nói: lúc đầu họ định không cho Đức gặp gia đình ta, trước lúc ra đây họ đã đưa Đức ra làm việc dù Đức rất mệt và ngồi không vững. 

Đức bảo với họ rằng: “Tôi gặp gia đình là quyền của tôi, tôi không vi phạm các ông đâu được quyền quyết định thay tôi. Anh trao đổi về việc các sách báo, thư từ, đơn khiếu nại của anh đều đang bị thu giữ và không được giải quyết ngoài ra còn có sự đối xử phân biệt miệt thị giữa các tù nhân chính trị và hình sự, bị ngăn cấm nhiều cái vô lý, cán bộ làm việc chưa đúng trách nhiệm… Ba cán bộ ngồi giám sát với mục đích lúc nào có sự trao đổi bất lợi cho trai giam thì chen vào cắt ngang nhưng anh chẳng nề sự ngăn cản đấy, mặc dù cuộc trò chuyện chỉ kéo dài 30 phút và đã có sự tham gia mấy lần của những vị khách không mời.”

Anh bảo: “Tôi làm những việc này không phải vì tôi ghét hay thù hằn gì cán bộ cả, giáo lý của chúng tôi dạy tôi phải yêu cả kẻ thù của mình huống gì tôi xem cán bộ như những người bạn, vì tình người tình đồng loại nên chúng ta sông với nhau cho đúng nghĩa. Chính vì tôi yêu cán bộ tôi muốn cán bộ nên tốt tôi mới góp ý để cán bộ sửa sai, tôi không ghét con người cán bộ tôi chỉ không đồng tình với những hành vi của cán bộ.”

Rõ ràng những thư từ, đơn khiếu nại và sách vở của tôi và của gia đình tôi gửi vào cán bộ đâu được quyền giữ nó, nếu xét thấy hợp lý thì cán bộ phải trao nó cho tôi hoặc nếu không thì phải trả lại cho gia đình tôi vì đó là tài sản của gia đình tôi đằng này cán bộ lại thu giữ trái pháp luật, hai quyển sách tôn giáo gia đình tôi gửi hôm mồng 03/03/2014 qua đường bưu điện cán bộ cũng không chuyển cho tôi mà tự ý thu giữ, tôi đã gửi đơn khiếu nại và đề nghị cán bộ trả lại sách cho tôi nhưng cán bộ không giải quyết mãi đến ngày 21/04/2014 sau khi tôi đã tuyệt được mấy ngày thì cán bộ mới chịu trả.

Hôm đó cán bộ cũng tự ý bóc thư của tôi trong khi chưa có sự ký nhận của chính chủ nhân nó, cán bộ làm như vậy là sai pháp luật tôi đâu được biết gia đình tôi đã gửi gì cho tôi, đấy là may chỉ có hai cuốn sách tôn giáo nhỡ cán bộ bóc rồi tự bỏ vào đó bọc ma túy để vu khống cho tôi thì tôi biết phải làm sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Hôm đó làm việc với tôi chính cán bộ Quỳnh cũng thừa nhận hành vi sai trái đó, còn các đơn từ khiếu nại của tôi, tôi đã gửi đơn rất nhiều nhưng cán bộ vẫn không chịu giải quyết rõ là cán bộ không tôn trọng tôi.

Anh đang nói thì một cán bộ cắt ngang bảo: “Anh đừng đòi hỏi quá đáng, mỗi năm ngân quỹ nhà nước chi cho mỗi trại giam không đủ để đáp ứng, anh còn sướng hơn những người ở tù hình sự theo quy định thì mỗi phòng cho phạm nhân phải rộng 2m vuông nhưng thực tế họ đâu được như vậy hầu hết chỉ ở phòng rộng có 1m vuông thôi. Ngân quỹ thì hạn hẹp hơn nữa anh cũng chỉ còn ít thời gian nữa là được về đoàn tụ cùng gia đình rồi, anh hãy cố gắng ăn uống mà giữ gìn sức khỏe, hôm sau về cho khỏe mạnh cường tráng, tội gì anh phải làm như vậy, mạng sống là trên hết.”

Anh tôi bảo: “Vâng, đúng như cán bộ nói sự sống là vô giá, tôi rất yêu quý mạng sống của tôi, tôi yêu cả những cái công lý tồn tại trong cuộc sống này. Tôi làm như vậy không phải vì tôi ghét bỏ mạng sống tôi, không phải vì tôi muốn hủy hoại nó, chính vì tôi yêu nó nên tôi không muốn nó phải hòa lẫn với những cái sai trái, những cái tội, cái nhơ nhớp của ma quỷ, là để tôi bảo vệ mạng sống của tôi và đòi lại để nó được là chính nó. Tuy thời gian tôi ở lại trại không còn dài và dĩ nhiên là tôi vào đây ngày nào thì đúng ngày đó tôi sẽ ra vì vậy nên tôi sẽ đấu tranh đến cùng, dù là chỉ còn ở lại một hai ngày mà tôi vẫn còn nhìn thấy những việc làm sai trái của cán bộ. Vì vậy tôi vẫn sẽ tiếp tục tuyệt thực và tôi sẽ chờ đợi câu trả lời của cán bộ.”

Cán bộ báo hết thời gian, gia đình động viên anh và nhận lời nhắn gửi của anh thăm hỏi đến tất cả mọi người và xin mọi người cầu nguyện nhiều cho anh để anh luôn vững tâm và xin Chúa luôn gìn giữ các anh luôn được bình an trong Chúa. Anh nhắn vội vẫn còn rất nhiều sách của anh Sơn gửi vào và của anh và anh Nhật đang bị thu giữ, em nhớ gửi lời cám ơn sâu sắc tới mọi người giúp anh và bảo mọi người đừng lo lắng nhiều cho anh. Anh sẽ luôn được bình an trong Chúa!

Rồi gia đình giã từ anh trong những cái ôm nấc nghẹn.'

Xin được lưu ý thêm: Hai thanh niên yêu nước Phê rô Trần Hữu đức và Paul Trần Minh Nhật đã cùng tuyệt thực từ thứ 6 thuần thánh ngày 18/04/2014 và vẫn còn tiếp tục đến nay đã là ngày thứ 11.

Lời nhắn gửi của blogger Điếu Cày nhân ngày Tự do Báo chí


Điếu Cày vẫn đầy lạc quan và kiên cường trong nhà tù CS 

Danlambao - Ngày 27/4/2014, con trai blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải là Nguyễn Trí Dũng cùng một số nhà hoạt động đã đến trại giam số 6 (Thanh Chương – Nghệ An) để làm thủ tục thăm nuôi định kỳ hàng tháng.

Như thường lệ, chỉ một mình Nguyễn Trí Dũng được vào bên trong để thăm gặp bố. Lúc 15:15 phút chiều, Điếu Cày với mái tóc cắt ngắn bước ra gặp con với một tâm trạng đầy vui vẻ và lạc quan.

Theo lời kể của Nguyễn Trí Dũng, hai bố con bị ngăn cách bởi một cánh cửa sắt. Sức khỏe của Điếu Cày đang chuyển biến xấu do chứng bệnh 'Giời leo' (y học gọi là zona), tay trái gần như mất cảm giác, thường xuyên đau nửa đầu. Mặc dù đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu được chăm sóc y tế và khám chuyên khoa, nhưng phía trại giam chỉ thực hiện các thủ tục đo tim mạch và cho uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Kiên trì đấu tranh

Năm nay bước sang tuổi 62, với thời gian ngồi tù tổng cộng 6 năm nghiệt ngã, blogger Điếu Cày vẫn cho thấy bản lĩnh của một tù nhân lương tâm đầy kiên cường và bất khuất.

Ở trong tù, anh vẫn tiếp tục đấu tranh và gửi đơn thư phản đối bản án bất công mà nhà cầm quyền CSVN đã cố tình áp đặt. Cho đến nay, Điếu Cày vẫn chưa nhận được bản an phúc thẩm và quyết định thi hành án. Theo anh, điểm mấu chốt là phía CA đã sử dụng những bằng chứng không đúng sự thật để kết tội anh cùng các thành viên CLB Nhà báo Tự Do, đặc biệt là trong phiên xử kín tất cả quyền của bị can - bị cáo đã bị tước bỏ.

Điếu Cày liệt kê tổng cộng anh đã gửi 12 lá đơn từ lúc chuyển sang trại 6 Nghệ An. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có hồi âm. Một vài lần, VKSND Nghệ An và VKSND Tối Cao đã cho người xuống hứa hẹn nhưng đây cũng chỉ là hình thức câu giờ nhằm tránh thời điểm 'nhạy cảm'.

Anh nhắn nhủ gia đình và bạn bè bên ngoài tiếp tục thực hiện các thủ tục kháng nghị, tố cáo những vi phạm nghiêm trọng trong vụ án các blogger CLB Nhà Báo Tự Do.

Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải là người sáng lập CLB Nhà Báo Tự Do, bị kết án 12 năm tù giam với cáo buộc 'tuyên truyền chống phá nhà nước'. Hiện anh đang bị giam tại trại giam số 6 - Nghệ An.

Về đời sống trong tù, Điếu Cày cho biết hiện tại anh vẫn đang bị biệt giam, bị cách ly và cô lập hoàn toàn. Cán bộ trại giam số 6 đã tước đoạt hoàn toàn các quyền được học tập và sinh hoạt văn hóa của anh.

Trong tù, Điếu Cày chỉ được đọc duy nhất tờ báo Nhân Dân, sau khi nội dung tờ báo của đảng này đã được qua một khâu kiểm duyệt gắt gao của cán bộ trại giam. Nhiều tài liệu, sách vở về pháp luật do gia đình gửi vào cũng bị phía trại giam từ chối không nhận.

Về bệnh tật, do điều kiện giam giữ khắc nghiệt và không được chăm sóc y tế đúng mức, bệnh tật của Điếu Cày đã chuyển biến nặng hơn, đặc biệt là đối với chứng bệnh zona thần kinh (bệnh giời leo).
Tinh thần lạc quan
Tại buổi thăm gặp, Nguyễn Trí Dũng đã cập nhật cho bố một số thông tin về các hoạt động đấu tranh bên ngoài, trong đó có việc EU đề nghị chính phủ VN được vào thăm gặp blogger Điếu Cày nhưng liên tiếp đều bị từ chối.

Điếu Cày tỏ ra rất vui khi biết có nhiều nhà hoạt động đã đi cùng Nguyễn Trí Dũng vào tận trại 6 - Nghệ An để ủng hộ tinh thần. Anh gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người về các nỗ lực đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền trong thời gian qua.   

Tại buổi thăm gặp, Nguyễn Trí Dũng đã đọc cho bố nghe bức thư của bà Dana gửi đến Điếu Cày. Mặc dù bức thư bị CA giật lấy ngay sau đó với lý do 'thư chưa kiểm duyệt', nhưng Điếu Cày vẫn có thể nghe và hiểu được sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Điếu Cày gửi lời hỏi thăm và cảm ơn đến tất cả mọi người, các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Điếu Cày cũng chuyển lời cảm ơn Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã có nhiều nỗ lực nhằm vận động trả tự do cho anh.

Tháng 11/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (The Committee to Protect Journalists, gọi tắt là CPJ) đã trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế lần thứ 23 cho Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải. Đây là một giải thưởng danh giá nhằm vinh danh những người đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ các quyền tự do ngôn luận trên thế giới.

Lời nhắn gửi nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới

Cũng tại buổi thăm gặp, Điếu Cày nhắn nhủ gia đình và bạn bè bên ngoài cần làm các thủ tục kháng nghị bản án bất công, đặc biệt là vận dụng các cơ chế Nhân Quyền của Liên Minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc để tiếp tục gây áp lực.

Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thê Giới 5/3 sắp tới, Điếu Cày tiếp tục kêu gọi các nỗ lực đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Điếu Cày cho biết, điều anh hết sức quan tâm hiện nay không phải là luật hay hiến pháp 2013 mà Việt Nam trưng ra, mà chính là những thông tư nghị định do chính phủ ban hành.

"Theo thông lệ thì khi một văn bản thấp hơn mà lại có nội dung trái lại với văn bản cấp cao hơn thì cán bộ nhà nước phải thực hiện theo văn bản cấp cao hơn. Nhưng tại Việt Nam thì những thông tư, nghị định, chỉ thị là thứ duy nhất được thực hiện triệt để và đa số chúng đều vi hiến và vi phạm pháp luật..."

"Hiến pháp và pháp luật là do 500 đại biểu Quốc hội bầu ra phê duyệt, nhưng thông tư nghị định và chỉ thị lại chỉ do một người trong nhà nước ký duyệt, vì vậy mà việc ban hành và thi hành thông tư nghị định đó đã hoàn toàn vứt bỏ tất cả những lá phiếu của nhân dân vào sọt rác", blogger hiện đang bị kết án 12 năm tù giam phân tích.

Về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, trong tư cách là một người sáng lập CLB Nhà Báo Tự Do, Điếu Cày khẳng định: "Hơn 700 tờ báo tại VN chỉ ưu tiên định hướng dư luận theo ý nhà nước chứ không phải là đưa những thông tin xác thực đến với người dân."

'Tạm xong nhiệm vụ'
Lúc 15:45, buổi thăm nuôi kết thúc sau 30 phút ngắn ngủi. Khi chia tay, Nguyễn Trí Dũng cố gắng chạy đến chỗ cổng ra vào để ôm bố.

Trong lúc hai bố con ôm nhau, Điếu Cày vẫn tỏ ra đầy lạc quan và mạnh mẽ. Anh vui vẻ nói với con: "Mọi người cố gắng lên, tinh thần bố rất tốt. Không có gì đâu. Bố bây giờ như người đã tạm làm xong nhiệm vụ, xem như bố tạm nghỉ ngơi thôi mà, có gì đâu mà". 

Sau nụ cười dí dỏm, anh liền ngẫu hứng xuất khẩu một câu thơ 'con cóc': "Sài Gòn là chốn biểu tình - Trại 6 là chỗ chúng mình nghỉ ngơi" - "Con nhớ chưa? Thơ cho dễ nhớ...[cười]"

Khi bố bị đưa đi mất dạng, Nguyễn Trí Dũng bị CA giữ lại khoảng nửa tiếng để lập biên bản và gửi trả một số đồ đạc mà trại giám không cho nhận như: sách nhạc, bản đồ thế giới, sách pháp luật...
Chia sẻ cảm nghĩ sau cùng về buổi thăm gặp bố, Nguyễn Trí Dũng cho biết: "Trong suốt buổi gặp, bố tôi cười rất nhiều. Bố còn nói "Bố bây giờ như người tạm làm xong nhiệm vụ", có thể nói là ông đang cảm thấy rất thư thái. Tất cả đều nhờ vào sức mạnh của công luận quốc tế, và tất nhiên bố lúc nào cũng biết bạn bè ở ngoài cũng đang nỗ lực rất nhiều"

Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu gia tăng trừng phạt Nga, nhắm vào các quan chức và công ty Nga

DienDanCTM – 29/4/2014
Ô. Hennadiy Kernes

Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố gia tăng sự trừng phạt đối với việc Nga tiếp tục gây bất ổn tại Ukraine bằng cách trừng phạt thêm 7 quan chức và 17 công ty Nga có liên hệ gần gũi và ủng hộ Tổng Thống Vladimir Putin.
Việc gia tăng trừng phạt này đến ngay sau khi Thị Trưởng của thành phố Kharkiv ở miền Đông Ukraine là ông Hennadiy Kernes bị bắn vào lưng trọng thương vào ngày hôm qua và hiện đang vật lộn với tử thần. Ông Kernes trước đây là người ủng hộ cựu Tổng Thống thân Nga Viktor Yanukovych (hiện đào tị tại Nga) nhưng sau đó đổi lập trường để ủng hộ một
Ukraine thống nhất.
Ô. Putin & Ô. Sechin
Trong những ngày qua, những lực lượng thân Nga ở Ukraine, được trang bị vũ khí gậy gộc, đã tiến chiếm một số văn phòng của chính phủ và tấn công những người chủ trương Ukraine thống nhất khiến một số người bị thương trong các cuộc đụng độ. Những thành phần thân Nga cũng bắt giữ khoảng 40 người tại thành phố Sloviansk bao gồm các nhà báo, những người ủng hộ chính phủ Ukraine và 7 quan sát viên quân sự thuộc tổ chức OSCE (Organisation for Security and Co-operation in Europe - Tổ chức An Ninh và Hợp Tác tại Âu Châu), và 3 nhân viên an ninh của Ukraine.
Các quốc gia Tây phương cáo buộc Nga đứng đằng sau những cuộc nổi loạn này.
Hiện có khoảng 40 ngàn binh sĩ Nga đang đóng ở biên giới Ukraine.

Ngay sau khi Nga sáp nhập đảo Crimea, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã lập tức trừng phạt Nga qua việc rút thông hành và đông lạnh tài sản của một số quan chức Nga và một số công ty thân cận của ông Putin.
Hoa Kỳ cũng tuyên bố là Nga đã hoàn toàn không đáp ứng những cam kết tại cuộc gặp gỡ và thoả thuận tay tư tại Genève vào ngày 17/4/2014 theo đó các phe phải ngừng sử dụng vũ lực và chấm dứt những hành động khiêu khích.
Trong số những nhân sự bị trừng phạt lần này có:
- Ông Sechin, cựu nhân viên KGB trong các nhiệm kỳ đầu ông Putin làm Tổng Thống.
- Ông Chemezov là một người trước đây được Hoa Kỳ coi là một đồng minh đáng tin cậy.
- Ông Alexei Pushkov, Chủ Tịch của Ủy Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Nga.
Một số công ty xuất cảng kỹ thuật tân tiến của Nga có tiềm năng đóng góp cho khả năng quân sự của Nga cũng nằm trong danh sách. Tất cả 17 công ty bị trừng phạt đều liên hệ tới 3 nhân vật là Arkady, Boris Rotenberg và Gennady Timchenko là những những người đã có tên trong danh sách bị trừng phạt lần đầu.
Cùng lúc, các nhân viên ngoại giao Bỉ tại Brussels cũng cho biết là chính phủ Liên Hiệp Âu Châu cũng đã đồng ý với một danh sách 15 người nữa bị trừng phạt sẽ được công bố trong ngày hôm nay./.

Hội nghị quốc tế giúp Ukraina thu hồi tài sản bị chế độ cũ tẩu tán


Dân chúng Ukraina phát hiện dinh thự sa hoa của cựu Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, sau khi ông Ianoukovitch bỏ trốn ngày 22/02/2014.
Dân chúng Ukraina phát hiện dinh thự sa hoa của cựu Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, sau khi ông Ianoukovitch bỏ trốn ngày 22/02/2014.
REUTERS/Konstantin Chernichkin

Tú Anh
Tại Luân Đôn, trong hai ngày 29 và 30/04, sẽ diễn ra một cuộc họp quốc tế giúp chính phủ Ukraina, đang bị Nga và khủng hoảng kinh tế đe dọa, thu hồi tài sản bị chế độ tham nhũng của Ianoukovitch đánh cắp. Nỗ lực này do Diễn đàn Ukraina, một tổ chức quốc tế do Anh và Hoa Kỳ lãnh đạo.

Theo thông báo của bộ nội vụ Anh, đại diện cao cấp của các chính phủ, cơ quan tài chính, tổ chức quốc tế, luật gia, chưởng lý… sẽ tham gia thảo luận và đóng góp khả năng chuyên môn trợ giúp nhân dân Ukraina. Theo nguồn tin này, nỗ lực chính là trợ giúp Ukraina phát hiện, nhận diện và thu hồi tài sản quốc gia đã bị chế độ của ông Ianoukovitch đánh cấp và tẩu tán ra nước ngoài.
Bộ trưởng nội vụ Anh Theresa May nhấn mạnh đến thông điệp “quốc tế tiếp tục ủng hộ Ukraina như đã cam kết" và bà nói là sẽ làm cho « những chế độ hay cá nhân tham nhũng gặp khó khăn hơn khi tẩu tán và cất dấu tài sản bất chính ».
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết thêm, Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế sẽ kiên quyết giúp chính quyền mới và người dân Ukraina « trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng ».
Diễn đàn Ukraina thẩm định hội nghị quốc tế tại Luân Đôn là « sự kiện quan trọng » đối với Ukraina trong tiến trình xây dựng nhà nước điều hành theo luật pháp và hợp tác quốc tế.
Ban tổ chức hy vọng sẽ huy động được sự đóng góp đông đảo của cộng đồng quốc tế để truy tìm tài sản của Ukraina bị cất giấu ở nước ngoài, qua các thủ thuật tài chính phức tạp.
Cựu tổng thống Ianoukovitch đã trốn sang Nga từ tháng 02/2014 trước áp lực của dân chúng Ukraina, sau khi ông từ chối ký hiệp ước làm thành viên liên kết với Lien Hiệp Châu Âu.

lundi 28 avril 2014

DI CHÚC CỦA CHỊ CẤN THỊ THÊU - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÃ BỊ BẮT SÁNG 25-04-2014







"Khi tôi bị bắt vào tù, tôi xin nhờ gia đình và bà con gửi cho tôi một ít chăn màn, quần áo, nhất là quần áo rét, nếu cần phải 'lụy' công an để được đem các thứ này vào thì gia đình và bà con cũng cố gắng giúp tôi.

Khi tôi bị bắt thì gia đình và bà con hãy photo giấy ủy quyền này để mỗi người đi đòi sự công bằng cho tôi đều cầm trong tay một bản làm bằng chứng là đã có sự ủy quyền của tôi.

Khi tôi bị bắt nếu Công an dùng nhục hình để ép cung, mớm cung và tra tấn đánh đập tôi đến chết thì tôi nhờ bà con và gia đình mang xác tôi đến các cơ quan chính quyền của thành phố Hà Nội và Chính phủ để làm sáng tỏ sụ việc. Nếu chính quyền làm ngơ trước cái chết của tôi thì gia đình và bà con hãy đưa thông điệp này đến Hội đồng nhân quyền Thế giới kêu gọi can thiệp giúp đỡ để lấy lại sự công bằng cho tôi và cả dân tộc Việt Nam".



 

Dân oan biểu tình, tưởng niệm Quốc Hận 30-4 trước nhà hát Lớn Sài Gòn



Video và phụ đề Anh ngữ: Nguyễn Hùng (Danlambao)

CTV Danlambao - Sáng 28/4/2014, bà con dân oan các tỉnh miền Nam đã tổ chức biểu tình, tưởng niệm 39 năm ngày Quốc Hận 30-4 ngay trước cửa nhà hát Lớn Sài Gòn -  nơi trước năm 1975 từng là tòa nhà quốc hội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Đoạn video về cuộc biểu tình đã được tác giả Nguyễn Hùng viết phụ đề tiếng Anh và phổ biến trên youtube. Ước tính, có khoảng 20 dân oan đã tập trung căng biểu ngữ ngay tại khu vực trung tâm văn hóa quan trọng bậc nhất Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này bị đổi tên thành Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai tấm biểu ngữ nền vàng, chữ xanh được giăng ngang với các khẩu hiệu:

"Hãy thực thi 14 điều cam kết về Nhân Quyền ở Liên Hiệp Quốc và Công Ước Chống Tra Tấn"

"Hãy trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân"

Khu vực xung quanh nhà hát Lớn Sài Gòn tập trung nhiều khách sạn sang trọng và có nhiều du khách quốc tế qua lại. Video cho thấy hình ảnh một số nhân viên mặc áo thanh niên xung phong, quản lý đô thị, công an thường phục và sắc phục... xuất hiện chung quanh.    

Bà con dân oan cho biết cuộc biểu tình nhằm tưởng niệm 39 năm Quốc Hận 30-4-1975, ngày mà chế độ cộng sản đưa quân cưỡng chiếm miền Nam, áp bức nhân dân, cướp nhà cướp đất khiến người dân phải ra đường khiếu kiện.

Video và phụ đề Anh ngữ: Nguyễn Hùng
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

TIN NÓNG - DÂN DƯƠNG NỘI BẮT ĐẦU BIỂU TÌNH TẠI BỘ CÔNG AN

Sau trận cưỡng chế ở Dương Nội ngày hôm qua, hôm nay bà con đã có mặt ở Bộ Công an số 1 Nguyễn Thượng Hiền Hà nội biểu tình đòi chính quyền trả tự do cho 5 người bị công an vô cớ bắt giữ.




Bà con cũng đã tới trung tâm biểu tình quen thuộc là Bờ Hồ, rồi sau đó đến trụ sở TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - 46 Tràng Thi, mặc dù biết rõ nơi này chỉ là chỗ bày cây cảnh:






Nguồn tin và ảnh: Gio Lan man - Chinh Minh - Mai Duong