Trà Mi-VOA
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung |
Nguyễn Tiến Trung, sáng lập viên của Tập hợp Thanh niên Dân chủ, bị tuyên án cùng với các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, và Lê Thăng Long trong cùng phiên xử hồi năm 2010 gây chú ý công luận quốc tế.
Trước khi ra tòa, Trung đã ‘nhận tội’ và ‘xin khoan hồng’ trước ống kính của truyền thông nhà nước và sự thất vọng của nhiều người ủng hộ cả trong lẫn ngoài nước.
Sau 3 lần được giảm án xuống còn 5 năm rưỡi, Nguyễn Tiến Trung được trả tự do sớm 8 tháng hôm 12/4/14 trong đợt phóng thích tù nhân lương tâm hiếm hoi của Việt Nam giữa những áp lực của quốc tế và các cuộc thương lượng đầy điều kiện của Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hà Nội đang tham gia.
Ngày ra tù, Tiến Trung đã chia sẻ với Tạp chí Thanh Niên VOA những suy tư về việc đóng góp cho quá trình dân chủ hóa đất nước, những gì khiến anh hài lòng và hối tiếc trên con đường dấn thân vì dân chủ, và bài học rút ra từ bản án sau các hoạt động ôn hòa kêu gọi đa đảng tại Việt Nam.
Nguyễn Tiến Trung: Trải qua những ngày tháng trong đó đương nhiên rất nặng nề nhưng phải cố gắng lạc quan để vượt qua từng ngày. Trung đã đọc nhiều những tác phẩm của những người tù chính trị trong và ngoài nước cũng hình dung được trong tù như thế nào, thời đại sau này khá hơn nên Trung nghĩ điều kiện tù cũng phải đỡ hơn.
Trà Mi: Những gì trải qua Trung thấy có ‘đỡ hơn’ không so với những gì đã biết trước đó?
Nguyễn Tiến Trung: Trung biết nhiều người khác cũng bị đối xử rất tệ. Riêng trường hợp Trung, Trung thấy điều kiện trại giam đối với Trung có tiến bộ. Phần ăn đảm bảo ăn chín uống sôi. Trung cũng được nhận sách báo gia đình gửi vô. Trung cũng được tập thể dục, cũng đỡ hơn nhiều người khác. Cùng vụ án với Trung nhưng anh Trần Huỳnh Duy Thức không được nhận sách báo gia đình gửi vô, chẳng hạn, hay như trường hợp của Điếu Cày. Trung bị giam ở buồng giam riêng, ở một mình trong phòng suốt ngày. Tới tối có người vào ngủ chung. Trong trại, Trung được đọc báo Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên.
Trà Mi: Trung có được biết, bằng cách này hay cách khác, sự ủng hộ và quan tâm từ bên ngoài đối với mình ra sao không?
Nguyễn Tiến Trung: Trung không được biết. Mỗi lần gia đình thăm có cán bộ ngồi bên cạnh canh. Tháng 7 năm ngoái, Trưởng đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam có vào thăm Trung, qua đó, Trung mới biết cộng đồng quốc tế, bà con, bạn bè bên ngoài lúc nào cũng quan tâm, giúp đỡ mình. Trung rất cảm động. Điều đó thêm cho Trung sức mạnh rất nhiều.
Trà Mi: Những điều kiện để đổi lấy vụ phóng thích sớm của Trung là gì?
Nguyễn Tiến Trung: Trong quyết định đặc xá của Chủ tịch nước không ghi lý do. Còn quản giáo nói do Trung lao động tốt, chấp hành tốt nội quy trại nên được đặc xá nhân lễ 30/4.
Trà Mi: Trung đã cam kết những điều gì trong các văn bản ký trước khi rời trại giam?
Nguyễn Tiến Trung: Trung cam kết chấp hành quản chế 3 năm, tuân thủ pháp luật nhà nước. Nhưng pháp luật như thế nào suy diễn mỗi người một kiểu, Trung cũng không biết được. Trung xem Bộ luật hình sự không thấy điều gì trước đây Trung làm bị pháp luật cấm cả.
Trà Mi: Sau khi Trung bị bắt, truyền thông trong nước đăng tải hình ảnh Trung ‘nhận tội’, ‘xin khoan hồng’. Trung không thấy việc mình làm vi phạm pháp luật, tại sao lại ‘nhận tội’ ‘xin khoan hồng’? Phải chăng Trung thừa nhận các hoạt động cổ xúy dân chủ mà Trung theo đuổi là sai trái, là tội phạm?
Nguyễn Tiến Trung: Thật sự không phải như vậy, nhưng mỗi người có một hoàn cảnh và có những ràng buộc. Trung rất tiếc là không thể nào làm trái lại được. Chỉ mong mọi người hiểu cho, ai cũng có gia đình cả, nhất là ở Việt Nam thì nó khác nữa. Có những cái mình phải chấp nhận thôi.
Trà Mi: Hành vi ‘nhận tội’ ‘xin khoan hồng’ của những nhà dân chủ khi bị bắt có người thông cảm nhưng cũng có người chê trách, Trung nghĩ thế nào?
Nguyễn Tiến Trung: Trung rất hiểu tâm tư, tình cảm của những người chê trách. Trung xin lỗi mọi người và mong mọi người thông cảm cho. Hiện tại Trung chưa thể nói gì được hơn.
Trà Mi: Trung từng được giới hữu trách hứa hẹn đặc xá nhiều lần nhưng đã nhiều lần bị thất vọng. Theo Trung vì sao lần này lại có sự đột phá đặc biệt như vậy?
Nguyễn Tiến Trung: Cùng được thả với Trung cũng có chú Vi Đức Hồi. Trước đó, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và hai người nữa cũng được phóng thích. Tổng cộng được 5 người. Trung biết nguyên nhân được thả ra phải là một vấn đề khác chứ không phải do ‘lao động tốt’ mà được xem xét đặc xá đâu.
Trà Mi: Việt Nam đồng ý thả 5 tù nhân lương tâm một lúc như vậy là một việc hiếm có. Phải chăng đây là một tín hiệu thay đổi đáng mừng?
Nguyễn Tiến Trung: Cái đó Trung không biết được tính toán của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay thế nào. Trung mong đây là một biến đổi về chất, để nhiều bạn bè anh em khác vẫn còn trong tù sẽ được thả hết trong thời gian tới.
Trà Mi: Các vụ phóng thích trước thời hạn cho tù nhân lương tâm trước nay thường liên quan đến các thời điểm hay sự kiện đối ngoại quan trọng. Nếu việc phóng thích trước thời hạn của Trung nằm trong gói mặc cả của Việt Nam để đạt những mục đích nào đó, đổi lấy sự nhượng bộ nào đó từ quốc tế, thì Trung nghĩ thế nào?
Nguyễn Tiến Trung: Xưa nay Trung quan sát thì thấy có chuyện đó, ví dụ trước đây Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình được thả trước khi Việt Nam vào WTO. Việt Nam nên cải cách một cách thật lòng, chứ không nên vì quốc tế gây sức ép mới đổi mới hoặc mới thả tù nhân chính trị. Thật ra tất cả những gì các anh em dân chủ làm, trong đó có Trung, cũng chỉ mong đất nước tiến bộ hơn, đâu có làm gì đả phá, chống phá. Không nên vì quốc tế ép mà phải tự thân nhận thấy đất nước mình cần phải thay đổi để tiến lên.
Trà Mi: Những nhà hoạt động cùng bị bắt với Trung năm 2009 trong vụ án gây chú ý công luận ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ lần lượt được giảm án và được phóng thích trước thời hạn như Lê Thăng Long, Lê Công Định, và giờ là Trung. Duy chỉ có Trần Huỳnh Duy Thức vẫn phải thi hành nguyên mức án 16 năm tù. Vì sao có sự khác biệt này, là người trong cuộc Trung hiểu như thế nào?
Nguyễn Tiến Trung: Chắc chắn sự khác biệt này là do anh Thức không ‘nhận tội’ và ‘xin khoan hồng’.
Trà Mi: Nói vậy có nghĩa lối thoát duy nhất cho những tù nhân lương tâm là phải ‘nhận tội’ ‘xin khoan hồng’. Ngoài ra không một áp lực nào có thể cứu vãn được tình thế?
Nguyễn Tiến Trung: Tiếng nói của cộng đồng quốc tế là quan trọng lắm, như Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn trước đây cũng không ‘nhận tội’ hay ‘xin khoan hồng’, nhưng để Việt Nam vào WTO thì các anh vẫn được thả thôi. Tùy theo hoàn cảnh lúc đó thế nào.
Trà Mi: Liệu bản án này có khép lại tinh thần dấn thân vì dân chủ và niềm khát khao dân chủ-tiến bộ cho Việt Nam đối với Trung?
Nguyễn Tiến Trung: Lúc nào mình cũng mong đất nước có dân chủ. Trung mong những người lãnh đạo thực hiện đúng cam kết của họ là xây dựng một đất nước dân chủ, công bằng và văn minh.
Trà Mi: Nghĩa là niềm khát khao dân chủ trong Trung vẫn còn đó. Trung hoạch định tương lai sắp tới của mình như thế nào?
Nguyễn Tiến Trung: Trung vẫn còn 3 năm quản chế, mới từ một phòng giam nhỏ ra một phòng giam lớn hơn một tí.
Trà Mi: Nhưng Trung nhìn thấy mình sẽ như thế nào trong tương lai: trở lại thành một thanh niên an phận thủ thừa như bao nhiêu thanh niên khác ở Việt Nam không quan tâm đến chính trị hay dân chủ, hay vẫn là một Nguyễn Tiến Trung như đã từng gây xôn xao công luận?
Nguyễn Tiến Trung: Hiện tại Trung mới về nên chưa nắm nhiều thông tin, chưa biết rõ tình hình bên ngoài như thế nào, nên chưa suy nghĩ cụ thể về đường hướng tương lai của mình.
Trà Mi: Ngày tháng trong tù trong gần 5 năm qua có lúc nào Trung nghĩ đến tương lai của mình sau này thế nào không?
Nguyễn Tiến Trung: Có chứ nên trong tù Trung vẫn cố gắng tự học nhiều kiến thức khác để sau này trở về đời thường vẫn có thể làm việc được.
Trà Mi: Trong thời gian đó có bao giờ Trung nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ hẳn những chuyện đã gây rắc rối cho mình?
Nguyễn Tiến Trung: Từ bỏ hẳn cũng không hẳn vì đương nhiên lúc nào mình cũng quan tâm và theo dõi rồi. Còn trong khả năng Trung có thể đóng góp thế nào cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam thì Trung sẵn sàng.
Trà Mi: Trước khi Trung về nước có nhiều ý kiến khuyên ngăn vì những rủi ro trông thấy sau các hoạt động nổi bật của Trung ở nước ngoài, nhưng Trung vẫn bỏ ngoài tai và trở về. Vì sao?
Nguyễn Tiến Trung: Lúc đó mình ở tuổi thanh niên và Trung thật sự nghĩ rằng mình đâu có làm gì có tội. Trung đi gặp chính khách các nước vận động, mong họ nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam làm theo đúng hiến pháp và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trung nghĩ tất cả điều đó không vi phạm gì luật pháp Việt Nam cả. Luật pháp Việt Nam cũng không hề cấm lập hội. Cho nên Trung tự tin mình không làm gì sai pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói dân được làm những gì pháp luật không cấm mà.
Trà Mi: Trung về nước với một niềm tự tin. Sau khi bị bắt, Trung có hối hận về sự lạc quan của mình lúc đó?
Nguyễn Tiến Trung: Trung không tự tin là mình không bị bắt, Trung tự tin là mình làm đúng hiến pháp và pháp luật do chính quốc hội của đảng cộng sản viết ra.
Trà Mi: Bây giờ nếu trở lại thời gian, Trung có sẽ hành động khác đi?
Nguyễn Tiến Trung: Trung cũng sẽ làm như vậy.
Trà Mi: Nhìn lại chặng đường đã qua với những năm tháng nhiệt huyết nhất của tuổi trẻ, cống hiến và trả giá cho lý tưởng mình theo đuổi, điều gì Trung cảm thấy hài lòng nhất và điều gì hối tiếc nhất?
Nguyễn Tiến Trung: Hài lòng nhất là đã qua được giai đoạn vừa rồi mà vẫn mạnh khỏe. Tiếc nhất là có nhiều người thân và anh em dân chủ khác mất mà Trung không được gặp lại họ nữa.
Trà Mi: Nhưng nói về những gì hài lòng là đã làm được và hối tiếc là chưa làm được, đối với Trung là gì?
Nguyễn Tiến Trung: Trung hài lòng vì những việc Trung làm đã giúp cho một số người chú ý hơn tới nền dân chủ cho Việt Nam, đất nước cần phải dân chủ hóa thế nào.
Trà Mi: Điều đó đã được chứng minh bằng sự ra đời của Tập hợp Thanh niên Dân chủ khi giới trẻ trong và ngoài nước cùng lên tiếng nói, cùng hoạt động vì khao khát dân chủ cho Việt Nam. Trung hối tiếc nhất những việc gì mình đã làm?
Nguyễn Tiến Trung: Thật sự tới giờ phút này Trung chưa nghĩ tới điều gì mình đã làm mà phải hối tiếc cả.
Trà Mi: Thế Trung có thấy mình thiếu sót gì không trong những gì đã trải qua?
Nguyễn Tiến Trung: Có thiếu sót chứ để dẫn tới việc mình ‘nhận tội’, ‘xin khoan hồng’.
Trà Mi: Từ bản án đó Trung rút ra cho mình bài học gì?
Nguyễn Tiến Trung: Rằng đã bước vô chuyện đấu tranh dân chủ phải nhớ rằng lúc nào mình cũng có thể bị bắt, đừng lạc quan quá. Thứ hai, phải cẩn thận trong mọi ngôn ngữ và hành vi của mình, mình không thể biết được chuyện gì có thể thành cớ để họ bắt.
Trà Mi: Đã trải qua thời gian ở nước ngoài, ở trong nước. Nếu được lựa chọn, Trung sẽ chọn quãng đường kế tiếp của mình ở trong hay ngoài nước?
Nguyễn Tiến Trung: Trung vẫn đang suy nghĩ. Tất nhiên nếu có thể đi học được ở nước ngoài cập nhật lại kiến thức thì rất tốt.
Trà Mi: Tương lai sau này, một Tiến Trung ngoài nước và một Tiến Trung trong nước có gì khác nhau không trong suy nghĩ, hành động, niềm tin và lý tưởng dân chủ?
Nguyễn Tiến Trung: Bằng cách này hay cách khác, mình cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Đất nước phải được dân chủ, công bằng, văn minh vì dân chủ chẳng có gì nhạy cảm cả. Đó cũng chính là khẩu hiệu của đảng cộng sản Việt Nam thôi.
Trà Mi: Với những người trẻ ủng hộ dân chủ, ủng hộ sự tiến bộ, là người đi trước Trung sẽ nói gì với họ?
Nguyễn Tiến Trung: Thứ nhất mình phải chấp nhận là có thể bị tù đày, khó dễ, đe dọa. Phải sẵn sàng chấp nhận. Gia đình, người thân của mình sẽ bị sách nhiễu, bị theo dõi, nhiều thứ lắm. Phải chuẩn bị tinh thần.
Trà Mi: Sau những gì trải qua, Trung có sẽ nói với mọi người rằng những hoạt động đó, những ước mơ đó, niềm tin đó rốt cuộc cũng sẽ dẫn tới kết cục như thế đó mà thôi?
Nguyễn Tiến Trung: Không, Trung tin là đất nước sẽ mỗi ngày một tiến bộ hơn chứ. Trung thấy giờ cũng có rất nhiều bạn trẻ đã lên tiếng.
*
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 bắt đầu được mọi người biết đến từ các cuộc vận động cho dân chủ Việt Nam trong thời gian anh du học tại Pháp từ năm 2002 đến 2007 trong đó có việc thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ quy tụ sự tham gia của nhiều người trẻ trong và ngoài nước; tổ chức chương trình "Marathon Nối Vòng Tay Lớn" thu thập chữ ký kêu gọi quốc tế thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền; gặp gỡ lãnh đạo cao cấp của các nước như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu kêu gọi hỗ trợ dân chủ hóa Việt Nam.
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 bắt đầu được mọi người biết đến từ các cuộc vận động cho dân chủ Việt Nam trong thời gian anh du học tại Pháp từ năm 2002 đến 2007 trong đó có việc thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ quy tụ sự tham gia của nhiều người trẻ trong và ngoài nước; tổ chức chương trình "Marathon Nối Vòng Tay Lớn" thu thập chữ ký kêu gọi quốc tế thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền; gặp gỡ lãnh đạo cao cấp của các nước như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu kêu gọi hỗ trợ dân chủ hóa Việt Nam.
Tháng 8/2007, Tiến Trung về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin ở Pháp. Bảy tháng sau, Trung có lệnh gọi vào quân đội nhưng bị loại ngũ sau hơn 1 năm với cáo buộc vi phạm nội quy bao gồm không chịu tuyên thệ Mười lời thề danh dự của quân đội nhân dân. Ngay sau khi bị loại ngũ, Trung bị bắt và bị khởi tố về điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Việt Nam nói các hoạt động của Trung là “kích động chống phá nhà nước”,“phản động” và “xuyên tạc.”
DienDanCTM
nguồn: http://www.voatiengviet.com/
DienDanCTM
nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi