mercredi 23 avril 2014

Cần Thơ: Hai Dân oan tiếp tục nhận những bản án oan sai - CA bắt 2 thành viên Hội PNNQVN

VRNs – Sài Gòn
Dân oan Cần Thơ
Sáng nay, 22-4-2014, vào lúc 8 giờ, tại tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, tòa tuyên y án đối với dân oan Nguyễn Thị Ánh Nguyệt với bản án 3 năm tù giam, còn đối với dân oan Nguyễn Thị Tuyền được giảm 6 tháng tù giam, tức còn 2 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm. Hai bà bị kết án với tội danh “gây rối trật tự công cộng” Điều 245 BLHS.

Ông Phạm Văn Cờ, chồng của bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết tinh thần bà Nguyệt rất tốt và không nhận tội vì bà Nguyệt không có tội. Ông Phạm Văn Cờ cho hay: “Họ không chấp nhận lời bào chữa của Luật sư. Tinh thần bà Nguyện tốt, khẳng khái. Tôi rất vui và hãnh diện vì bà Nguyệt không khuất phục [cái xấu].”

Ông Trương Văn Thạnh, chồng của bà Nguyễn Thị Tuyền nhận xét rằng, hiện nay sức khỏe của bà Tuyền là vợ ông rất yếu. Ông Thạnh quả quyết đây là bản án không đúng pháp luật và bắt người trái phát luật nên dù có giảm án hay không giảm án thì hành vi của nhà cầm quyền bỏ tù bà Nguyệt và bà Tuyền vi phạm pháp luật.
Ông Thạnh nói: “Sức khỏe hơi yếu do bị bệnh trong [trại giam]. Bà Tuyền xin giảm án. Tôi rất bức xúc [khi họ bắt giam vợ tôi] vì đất đai cha mẹ tôi để lại, bị họ cướp mất mà bây giờ còn bắt giam oan vợ tôi. Đây là bản án không đúng pháp luật vì bắt người vô tội, vợ tôi vô tội.”

Được biết, có khoảng 50 dân oan đến từ các tỉnh phía Nam đến tham dự phiên tòa hôm nay. Và, bà Trần Thị Hài và cô Lụa, con gái Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía bị công an bắt và đưa đi về đâu không rõ.

Bà Hài (người thứ nhất phía trái) và cô Lụa (người thứ ba từ trái sang)
Dân oan Hai Cho, sống ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, đi tham dự phiên tòa và chứng kiến cảnh công an bắt bà Hài và cô Lụa mang đi đâu không rõ, kể lại: “Rất đông công an. Hai người bị bắt lên xe. Tụi tôi không theo xe họ được.”

Đến giờ này, vào lúc 16 giờ cùng ngày, chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì về bà Hài và cô Lụa. Bà Hài và cô Lụa là thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với VRNs, ông Phạm Văn Cờ, chồng của bà Nguyệt, cho biết vào ngày 10.09.2013 công an đã mời bà Nguyệt lên đồn công an làm việc nhưng gia đình không thấy bà trở về nhà. 3 ngày sau đó, gia đình ông Cờ mới biết bà Nguyệt bị bắt giam. Ông cờ kể lại: “Vào ngày 20-22.08.2013, bà con dân oan đến UBND huyện Cờ Đỏ yêu cầu gặp ông Chủ tịch huyện để [trình bày sự việc], nhưng ông Chủ tịch đã không tiếp bà con. Và họ nói vợ tôi là gây rối trật tự công cộng thì tại sao không bắt ngay lúc đó, mà phải đợi đến 10.09.2013 bắt cóc vợ tôi đi. Công an bắt người sai pháp luật [vì] không có lệnh. Ngày 10.09.2013, vợ tôi bị công an triệu tập lên Công an huyện Cờ Đỏ nhưng không thấy trở về nhà. Ba ngày sau, gia đình tôi nhận được thông báo vợ tôi đang bị tạm giam ở trại giam Long Tiền, Tp. Cần Thơ.”

Thế nhưng, báo Thanh Niên vào ngày 03.12.2013, viết rằng: “Từ ngày 20 – 22.8, Nguyệt và Tuyền mặc áo thun có viết nội dung khiếu kiện trên áo cùng một số người kéo đến UBND H.Cờ Đỏ căng băng rôn, chửi bới chính quyền, chặn xe ô tô không cho ra vào cổng UBND huyện rồi kéo đến phòng làm việc của Chủ tịch UBND H.Cờ Đỏ la hét, chửi bới, yêu sách… Ngày 30.8, cơ quan ANĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyệt và Tuyền.”

Nhưng ông Thạnh, chồng bà Tuyền quả quyết thông tin đăng trên Thanh Niên là sai sự Thật. Ông Thạnh khẳng định: “Sự thật là không có vì vợ tôi đi đòi lại đất để canh tác, kiếm sống nuôi con. Ngày 10.09.2013, công an bắt cóc vợ tôi giữa đường nên gia đình tôi không biết vợ tôi đi đâu. Vợ tôi bị bắt lúc 8 giờ sáng thì 3 giờ chiều [nhà cầm quyền] mới thông báo cho gia đình tôi hay.”

Ông Cờ, chồng bà Nguyệt kể lại sự việc gia đình ông đi khiếu kiện suốt 38 năm qua nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa giải quyết thỏa đáng cho gia đình ông. Ông Cờ nói: “Vào năm 1976 trong khi đang sinh sống và canh tác bình thường trên phần đất của chúng tôi thì bộ đội vào dùng vũ lực cưỡng chế chiếm đất của nông dân chúng tôi để thành lập nông trường Quyết Thắng. Họ mượn 3 năm để trồng lương thực nuôi quân nhưng sau 3 năm làm ăn không hiệu quả, họ [hủy dự án] nhưng họ đã giao đất cho ông Trần Ngọc Hoằng thay vì trả lại đất cho chúng tôi. Đến năm 1993, họ bồi thường cho gia đình tôi (20 giạ/ 1công/ 17 năm), chúng tôi thấy như thế là không thỏa đáng nên vợ chồng tôi đã đi khiếu kiện nhiều nơi.”

Ông Cờ, chồng bà Nguyệt bộc bạch: “Nỗi oan ức của tôi là suốt 38 năm nay bị mất đất, con tôi thất học và cơm không đủ ăn. Tôi yêu cầu [nhà cầm quyền] hãy trả lại tự do cho vợ tôi. Tôi rất mong những nhà nhân sĩ trí thức quan tâm và lên tiếng nói cho những người dân bị mất đất như chúng tôi, cũng như hàng vạn người dân VN.”

Như VRNs nhận định: “Thời gian gần đây, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký văn bản cho phép các cơ quan nhà nước đơn phương chấm dứt giải quyết khiếu nại, không cần nêu lý do! Với văn bản này tất cả các cơ quan không được nhận đơn khiếu nại của công dân. Đó là cách mà nhà cầm quyền hành xử với công dân Việt Nam liên quan đến tài sản do mồ hôi nước mắt họ làm ra.”

Được biết, trong phiên tòa sơ thẩm hồi ngày 21.01.2014, dân oan Nguyễn Thị Ánh Nguyệt bị kết án 3 năm tù giam và dân oan Nguyễn Thị Tuyền 2 năm 6 tháng tù giam.


HT.VRNs

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi