vendredi 18 avril 2014

Quý I/2014: Ít nhất có 7 trường hợp Chính phủ Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo


VRNs (18.04.2014) – Sài Gòn – Hội bào vệ quyền tự do tôn giáo vừa phổ biến Báo cáo về các trường hợp Chính phủ Việt Nam xâm phạm tự do tôn giáo của công dân trong Quý I/2014. Theo đó, từ ngày 01.01 đến 31.03.2014, có ít nhất 7 vụ, trong đó, Phật giáo Hòa Hảo đã bị tấn công một cách có hệ thống.

Báo cáo về các trường hợp Chính phủ Việt Nam xâm phạm quyền tự do tôn giáo của công dân

Báo cáo số 01/2014: Quý I năm 2014


Điều 24, Hiến Pháp 2013, được Quốc Hội thông qua, ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ ngày 01.01.2014 quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Nhưng từ ngày 01.01.2014 đến 31.03.2014 có ít nhất 7 vụ các cơ quan thuộc hệ thống Chính phủ Việt Nam đã xâm phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo.

THÁNG 01.2014
1. Ngày 1, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chuyến bay Huế – Sàigòn:
Công an ngụy tạo lý do, bắt thành viên lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Sáng ngày 1 tháng giêng năm 2014, trên chuyến bay từ Huế đi Saigon, Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị công an bắt rời máy bay, lấy cớ khám xét hành lý vì có ‘nguy cơ’ đặt bom nổ máy bay. Công an đã “làm việc” suốt 13 tiếng đồng hồ, tố cáo ông Cầu vi phạm luật pháp vì hoạt động với tổ chức không được thừa nhận là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Công an cho rằng ông Cầu mang trong hành lý những tài liệu bất hợp pháp cho nên họ phải tạm giữ ông để mời về cơ quan công an điều tra hầu làm rõ sự việc. Tài liệu họ nói chỉ là những văn kiện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà họ cho là những văn kiện bất hợp pháp. Ông đã bị quản chế tại nhà với sự canh gác của trên 15 công an sắc phục và thường phục (Phỏng vấn của phóng viên Ỷ Lan đài RFA với anh Lê công Cầu)
2. Ngày 10, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Tu viện Long Quang, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa thiên Huế:
Hòa thượng Thích Như Đạt, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự tính tổ chức tại Tu viện Long Quang ở Huế lễ Hiệp kỵ chư Lịch đại Tổ sư, chư Tiền bối Hữu công và chư Thánh tử đạo. Dự tính mời khoảng 300 đại biểu của các Ban Đại Diện Giáo hội và Gia Đình Phật tử Việt Nam trên toàn quốc về tham dự.
Nhưng nhà cầm quyền Thừa thiên Huế đã ngăn cấm kể từ ngày 1 tháng giêng, không cho các phái đoàn Tăng Ni, Gia Đình Phật tử từ các tỉnh phía Nam về Huế. Hòa thượng Thích Chơn Tâm bị trục xuất  khỏi Tu viện Long Quang hôm 9 tháng giêng đưa về Sài Gòn, 17 Huynh trưởng Gia Đình Phật tử bị bắt đi làm việc và ra lệnh quản chế từ ngày 7 tháng giêng.
3. Ngày 18, Giáo hội Công giáo VN, Thái Nguyên :
Tù nhân lương tâm Paul Trần minh Nhật là một giáo dân Công giáo, hiện đang chịu án tù tại nhà tù Thái Nguyên, đã gởi một lá thơ tới  Đức tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo VN. Nội dung thơ nêu lên những hạn chế nhằm mục đích tước đoạt toàn bộ quyền con người của tù nhân trong đó có quyền tự do tín ngưỡng bao gồm: quyền tiếp cận những ấn phẩm tôn giáo, quyền thực hành những nghi thức, sinh hoạt tôn giáo.
4. Ngày 21, Giáo hội Công giáo, giáo phận Kontum – Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa, Gia Lai đề nghị thuyên chuyển linh mục Vũ Văn Bằng ra khỏi nhiệm sở:
Ngày 21.01.2014, Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã gởi văn thứ số 77/UBND-VX đến Tòa giám mục Kontum đề nghị thuyên chuyển linh mục Vũ Văn Bằng ra khỏi địa bàn thị xã Ayun Pa. Với lý do Ban tôn giáo TP. Hồ Chí Minh không công nhân cha Bằng là linh mục. Trong khi đó, theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (Việt Nam, 2004), Ban tôn giáo cũng như tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, đều không được luật trao trách nhiệm công nhận hay không công nhận chức danh linh mục của đạo Công giáo.
Đây là hành vi lạm quyền và vi phạm pháp luật để xen vào nội bộ, gây rối tổ chức tôn giáo.

THÁNG 02
5. Ngày 20, Phât Giáo Hòa Hảo, Lấp Vò – Đồng Tháp:
Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang cư ngụ tại huyện Lấp Vò -  Đồng Tháp liên tục bị sách nhiễu, đe dọa sau khi Bà Bùi Thị Minh Hằng, Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh bị bắt giam một cách tùy tiện cách đây 9 ngày tại đây. Ông Nguyễn Văn Hoa – một tín đồ Phât Giáo Hòa Hảo – đang cư ngụ tại xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong cuộc nói chuyện với phóng viên An Nhiên đài RFA cho biết bản thân Ông và gia đình thì bị chặn đường, đe dọa bắt giam, công an kéo đến nhà rất đông gây áp lực buộc Ông phải lên công an xã làm việc, nhưng Ông kiên quyết từ chối vì ông lo sợ nếu ông đến công an xã làm việc có thể bị đánh đập, bị nguy hại đến tánh mạng. Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn liên tục sách nhiễu, đe dọa một số các gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang cư ngụ tại đây
Một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho biết, hiên nay số lượng Phật tử PGHH có khoảng trên 2 triệu khắp ở Việt Nam, đa số tín đồ tập trung ở Miền Tây Nam Bộ, nhiều tín đồ PGHH chân tu tại Miền Tây đã bị hành hung, giam cầm, đe doạ thường xuyên chỉ vì Đức Tin Tôn Giáo và quyết không theo Giáo Hội PGHH mà do chính quyền Việt Nam lập ra.
Chính quyền Việt Nam luôn nói với dư luận quốc tế là nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên việc tiếp tục tấn công vào tín đồ PGHH tại các tỉnh Miền Tây cho thấy hành động của chính quyền địa phương đi ngược lại với những gì mà chính quyền trung ương đã nói.

THÁNG 03
6. Ngày 19 – 25, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Chợ Mới, An Giang:
Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Việt Nam thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại,vào ngày 25 tháng 2 âm lịch (năm 2014 nhằm ngày 25 tháng 3 dương lịch).
Một số tín đồ PGHH tại Chợ Mới, An Giang dự định sẽ tổ chức lễ kỷ niệm này tại nhà ông Nguyễn Văn Vinh số 393, Tổ 10, Ấp Long Hòa, Xã Long Giang, Chợ Mới (An Giang).Tuy nhiên, trưa ngày 18.03, nhà cầm quyền tỉnh An Giang đã đến cấm tổ chức và đe dọa trừng phạt, nếu dám tổ chức.
Ông Tống Văn Chính và ông Nguyễn Văn Vinh (chủ nhà) cương quyết phản đối, và hai ông cho rằng dù phải bị tù tội hay là bị bắn thì tín đồ PGHH vẫn phải tổ chức cho bằng được ngày Đại Lễ này.
Cụ Lệ Quang Liêm, Hội trưởng Trung ương PGHH Thuần Túy đưa ra Lời phán đối tối hậu, từ Sài Gòn.
7. Đêm ngày 19, Giáo hội Công giáo, Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Hà, Hà Nội:
Nhà cầm quyền Hà Nội đêm 19 tháng 3 2014 đã sử dụng máy xúc và máy ủi để đổ đất lấp hồ trong tu viện DCCT Hà Nội mà họ chiếm dụng làm bệnh viện Đống Đa. Linh mục Lưu ngọc Quỳnh đại diện DCCT Hà Nội đã liên lạc với ông Lê Hưng giám đốc bệnh viện Đống Đa để yêu cầu dừng ngay việc phá hủy hiện trạng của khu đất hồ và tu viện cho nhà Dòng.
Ông Lê Hưng viện lí do nạo vét, cải tạo hồ để đổ đất xuống. Tuy nhiên, theo các nguồn tin đáng tin cậy cho biết: Nhà cầm quyền Hà Nội dự định xây trên khu đất hồ một tòa nhà cao tầng và lí do nạo vét hồ chỉ là một động thái ngụy tạo mà thôi. Như thế, cảnh quan và khuôn viện tu viện và nhà thờ Thái Hà sẽ bị phá hủy một cách trầm trọng.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Phượng, phó bề trên kiêm chính xứ Thái Hà cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để giáo dân phản đối một cách ôn hòa. Tuy nhiên, nếu như nhà cầm quyền cứ ngang nhiên phá hủy tu viện thì nhà cầm quyền phải tự chịu lấy những hậu quả do sự phẫn uất của giáo dân”.
Hiện tình, linh mục Phượng còn cho biết: “Giáo xứ Thái Hà đã mất mát quá nhiều do sự thiếu tôn trọng pháp luật của nhà cầm quyền. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã trở nên những linh mục oan, tu sĩ oan, và giáo dân oan.Chúng tôi chung chia thân phận dân oan với những người dân đang bị đàn áp trên khắp đất nước Việt Nam”.
Bên cạnh tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đang bị cưỡng chiếm, khu Hồ Ba Giang của giáo xứ cũng đang bị xâm hại trầm trọng và có nhiều dấu hiệu của tham nhũng.

Báo cáo đầu tiên nay, chúng tôi có thể còn thiếu xót rất nhiều những hoạt động xâm phạm tự do tôn giáo của chính phủ, do thiếu thông tin. Để khắc phục thiếu xót này, chúng tôi đề nghị quý vị khi thấy có hoạt động nào vi phạm tự do tôn giáo ở đâu trong nước Việt Nam xin vui lòng gởi ngay báo cáo về cho chúng tôi, với những bằng chứng là văn bản, hình ảnh, ghi âm ghi hình, và thời gian địa điểm cụ thể. Xin vui lòng gởi đến chúng tôi qua điện thư:quyentongiao@gmail.com.
HỘI BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO
—–
Ghi chú:

HỎI ĐÁP VỀ HỘI BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

 

Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo được thành lập trên cơ sở luật pháp nào của Việt Nam?
Căn cứ theo các điều 24 và 25 của Hiến Pháp 2013, được Quốc Hội thông qua, ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ ngày 01.01.2014.
“Điều 24
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Điều 25
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Cho đến nay, chưa có văn bản luật nào dưới Hiến pháp quy định thêm về việc Lập Hội, do đó, điều 25 của Hiến Pháp vừa là luật pháp Mẹ, vừa là văn bản luật pháp duy nhất quy định về việc lập hội để công dân thực thi quyền của mình.

Mục đích của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo là gì?
Mục đích tối cao của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo là giúp mọi công dân có thể thực thi quyền tự do tôn giáo, chống lại tất cả mọi hoạt động nhằm hạn chế hay cản trở quyền này.

Những ai có thể trở thành Hội viên của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo?
Những người hội đủ các tiêu chuẩn sau đây đều có thể ghi danh trở thành Hội viên:
1. Đang thực hành đức tin trong một tôn giáo. Lưu ý tôn kính ông bà tổ tiên, không phải là tôn giáo, mà là một truyền thống hiếu thảo lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đạo bác Hồ cũng không phải là tôn giáo.
2. Dám công khai danh tánh để hoạt động cho Hội.
3. Sẵn sàng dấn thân vì công ích, không cần hỗ trợ tài chánh khi hoạt động.
4. Đồng ý với mục đích và các hoạt động của Hội

Hội bảo vệ tự do tôn giáo sẽ có những ưu tiên hoạt động nào trong giai đoạn hiện nay?
Hội đang ưu tiên triển khai các dự án:
1. Lập báo cáo về việc chính phủ Việt Nam xâm phạm tự do tôn giáo theo mỗi quý.
2. Đòi Chính phủ Việt Nam phải chăm sóc đời sống tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo cho các quân nhân (những người đang thi hành nghĩa vụ quân sự).
2. Đòi quyền tự do tôn giáo cho các tù nhân, nhất là tù nhân lương tâm.
3. Yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo hiện hành, hoặc ít ra phải soạn lại Luật tôn giáo mới theo hướng bảo đảm quyền tự do tôn giáo của công dân chứ không phải nhằm giúp chính phủ quản lý tôn giáo như hiện nay.

Khi nào Hội bảo vệ tự do tôn giáo sẽ giải tán?
Đó là khi mọi công dân Việt Nam công nhận quyền tự do tôn giáo đã được thực hiện dựa trên các đánh giá khách quan của các tổ chức độc lập trong nước và quốc tế.
VP. Hội bào vệ Quyền tự do tôn giáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi