vendredi 18 avril 2014

Phạm Thanh Nghiên : Mẹ tôi - Những ngày Mẹ sống và những ngày Mẹ mất.

(Viết sau lễ giỗ 49 ngày của mẹ)
                                                                                                       “Hôm nay cõng Mẹ đi chơi
                                                                                                        Một mai ngồi khóc bên trời
                                                                                                        Hôm nay cõng Mẹ đi chơi
                                                                                                        Một mai Mẹ bỏ con rồi
                                                                                                        Mẹ để con mồ côi
                                                                                                                            mồ côi... ”
                                                                                                                                    Trần Quế Sơn

Mẹ tôi sinh năm 1937, đó là theo trí nhớ “mang máng” của các ông bác họ ở quê. “Nhớ mang máng” cũng đúng thôi vì bà ngoại tôi mất khi mẹ chưa đầy hai tuổi. Năm mẹ bốn tuổi thì ông ngoại qua đời. Mẹ bắt đầu cuộc đời mồ côi, đi ở đợ, làm con nuôi cho người từ đó. Và cũng thất lạc với hai người anh trai và người chị gái đến khi trưởng thành mới gặp lại.
Hình chụp mồng 5 tết Giáp ngọ, bên giàn trầu không mẹ trồng.
Mẹ nghiện thuốc lào từ năm 12 tuổi. Và bà bắt đầu bị rụng răng khi mới ngoài ba mươi tuổi. Tức là khi chưa sinh tôi. Đến ngoài sáu mươi, chiếc răng cuối cùng mới chịu từ biệt mẹ, giải thoát bà khỏi những khó chịu, nhức nhối.


Có cả một câu chuyện thương lắm, quanh việc mẹ nghiện thuốc lào. Ngoài những công việc đồng áng, việc nhà như nấu cơm, trông em cho nhà chủ. Nhiều đêm, mẹ tôi cùng bà cô họ xa, quẩy đôi quang gánh, cuốc bộ ngót nghét hai chục cây số từ trong quê ra thành phố mót phân về bón ruộng. Những đêm đông, một tấm áo không thể chống chọi với cái lạnh thấu xương của miền Bắc. Bà cô họ nghĩ ra một cách chống rét: rít thuốc lào cho ấm người lên. Thế là hằng đêm, hành trang của hai cô cháu trong những buổi đi gánh phân lại có thêm cái điếu cày. Hút mãi thành quen. Từ đó, mẹ tôi nghiện thuốc lào.

Tôi rất sợ hơi thuốc lá, nhưng lại quen thuộc với khói thuốc lào. Mẹ tôi lo con cái xấu hổ (mà anh em chúng tôi có xấu hổ về việc đó đâu) nên không bao giờ bà hút thuốc khi nhà có khách. Đến năm 61 tuổi, mẹ tôi tuyên bố bỏ thuốc. Cả nhà nói nếu mẹ muốn thì cứ hút. Bà bảo: “con cháu đầy đàn, hút người ta cười cho”. Và bà bỏ thật, không phải đem điếu đi chôn, không phải ngậm kẹo, cũng không bao giờ hút lại, dù chỉ một lần.

Cuộc đời gian truân của mẹ tôi, cũng như của bao nhiêu bà mẹ khốn khó thuở ấy, không thể chỉ mấy trang viết mà kể hết ra cho được. Nhưng có những khoảnh khắc mẹ tôi đã trải qua không là trải nghiệm của những bà mẹ khác.

Một chiều thu tháng 9 năm 2008, tôi dắt chiếc xe đạp vào nhà. Dù rất cố gắng giấu diếm nhưng sự nhạy bén của một người mẹ vẫn nhận ra nét đau đớn trên gương mặt của con với chiếc kính cận bị cong vênh, méo mó. Đấy là lần đầu tiên tôi bị hành hung giữa đường sau khi dám... cả gan viết đơn khởi kiện UBND TP Hà Nội vì không cho phép biểu tình trái pháp luật và Đơn Khiếu Nại v/v Không Thụ Lý Đơn Khởi Kiện Trái Pháp Luật.  Việc này lúc ấy của tôi là một việc làm “chưa từng có trong lịch sử từ sau năm 1975” như lời công an Hải Phòng nói khi họ gây sức ép với luật sư Lê Trần Luật để anh từ bỏ việc giúp đỡ pháp lý cho tôi. 

Bà cũng từng hai lần chứng kiến hàng chục công an đến khám nhà, thu giữ tài sản chỉ trong vòng một tuần lễ. Còn gì kinh khủng hơn khi chứng kiến con mình nằm trên giường bệnh, xung quanh là hơn chục công an đứng chờ bác sĩ truyền xong chai nước để đưa bằng được con gái bà đi thẩm vấn, trong khi hàng chục tên khác đứng ngoài cổng trực chiến?

Ngày 18 tháng 9 năm 2008, tôi bị bắt.

Họ còng tay tôi. Tôi cúi xuống hôn mẹ. Một cái hôn vội vã (lẽ ra tôi không nên vội vã như thế). Bà vẫn ngồi yên như thế trên chiếc ghế hàng ngày bà vẫn ngồi. Hời hợt đáp lại nụ hôn của tôi. Bà quan tâm đến những kẻ bắt con gái bà hơn.

- Như vậy là các anh đã bắt con tôi về tội yêu nước!

Câu nói đó đã khích lệ tôi suốt 4 năm tù. Phải nhiều ngày sau tôi mới lý giải được vì sao mẹ không đứng dậy tiễn tôi. Không phải bà không muốn. Mà mẹ tôi, khi đó đã không còn đủ sức để đứng dậy. Sức lực còn lại bà đã dồn cả vào câu nói cuối cùng để không chỉ kết tội những kẻ đã bắt con bà, mà còn là sức mạnh truyền sang cho tôi.

Sau bốn năm tôi trở về, với một thể trạng ốm yếu. Ý nguyện sẽ chăm sóc và phụng dưỡng mẹ già nung nấu từ hồi trong tù trên thực tế đã hoàn toàn bị... đảo ngược. Nhiều khi tôi phải giận dỗi, mới giành được phần nấu cơm, rửa bát. Bốn năm ấy, đôi khi chỉ với một ý nghĩ thoáng qua (chỉ dám thoáng nghĩ thế thôi) rằng mẹ sẽ ốm, sẽ gặp chuyện chẳng lành đã đủ khiến cơn sợ hãi, hoảng loạn ám ảnh tâm trí rồi. Tôi không đủ can đảm để đối mặt nếu chuyện đó xảy ra. Tôi không dám nghĩ tiếp.

Trong ngôi nhà thân yêu của mình, tôi bị công việc cuốn đi. Tình yêu, sự nhiệt thành của mẹ mang lại sự bình an kỳ diệu. Dần dần, mọi cơn sợ hãi đã không còn hiện diện trong đầu óc tôi nữa.

Tôi, rất hồn nhiên nghĩ rằng, mẹ sẽ luôn đồng hành với mình và sẽ chẳng bao giờ đi đâu hết.

Mồng chín tết, tôi bệnh. Đó là lần ốm nặng nhất, dai dẳng nhất từ ngày trở về nhà. Mẹ chăm sóc tôi, bằng sức lực dường như chưa bao giờ vơi cạn. Sau những đêm thức trắng, giọng cười mẹ vẫn hồn hậu, ánh mắt vẫn ấm áp... Hạnh phúc quá, tôi tận hưởng tình yêu và hơi ấm của mẹ. Tôi quên rằng mẹ đã già yếu.

Mười bẩy ngày sau tôi bình phục. Có lẽ chỉ chờ thế thôi, hôm sau mẹ tôi đi. Mẹ đi thật. Lẳng lặng bỏ chúng tôi đi thật. Đi mà không lời giã biệt.

Cả một trời tan vỡ. Cả một trời đau đớn mẹ ơi!

Tôi, cho đến ngày hôm nay vẫn không hiểu hết tấm lòng của mẹ.

…“Cuối đời là một trò chơi lên trời”

Vì mẹ là mẹ của một đứa con mang TỘI YÊU NƯỚC cho nên cuộc từ bỏ Cõi Tạm để đến với Cõi Trời thênh thang, mẹ vẫn phải đi qua một hành trình đầy gian khó. Người ta không muốn mẹ ra đi thanh thản.

Mẹ đột ngột ra đi, người đến đầu tiên là những tên mật vụ. Sự xuất hiện của họ báo trước những nguy cơ. Hôm ấy là ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tức ngày 26 tháng 2 năm 2014.

Đầu tiên, người ta tự tiện thiết lập cái gọi là Ban Tổ chức Lễ tang với thành phần gồm bà Chủ tịch Hội phụ nữ, một số cán bộ của Ủy ban phường đến ông tổ trưởng tổ dân phố. Tức là một danh sách hoàn toàn “đỏ” và không một ai là thân quyến của người quá cố. Tôi đã rất lịch sự cảm ơn và khước từ “sự giúp đỡ” ấy nhưng ông tổ trưởng nhiệt tình đến kinh ngạc. Dù chị em tôi đã nhẫn nại giải thích rằng khi còn sống, mẹ đã dặn: nếu sau này mẹ mất, việc tang lễ cho mẹ phải do gia đình, họ hàng thân thuộc đứng ra lo liệu và nhất là tuyệt đối không được dính dáng gì tới hai chữ “chính quyền”. Nhưng ông vẫn ra sức đôi co. Mặt ông đỏ gay, nước bọt từ miệng ông bắn cả vào mặt tôi. Giọng nói và thái độ áp đảo cả mấy đứa con của người quá cố. Giành giật mãi, cuối cùng quyết định không có Ban tổ chức Lễ tang. Đồng nghĩa với việc tổ dân phố, thực chất là chính quyền địa phương bị mất quyền... cầm micro, giới thiệu thành phần khách khứa tới thăm viếng. Cũng là hình thức kiểm soát, hạn chế và tự quyền loại bỏ những ai được liệt vào diện “nhạy cảm” trong số những người vào phúng viếng như từng diễn ra tại tang lễ của một số nhân vật đấu tranh cho Dân chủ trong quá khứ. Người sẽ đọc lời giới thiệu việc phúng viếng do bên (dịch vụ) Công ty Phục vụ Tang Lễ Thiên Thảo - đã hợp đồng với gia đình trước đó - đảm nhận.

Không chỉ là sự tang thương, đau buồn mà cả một bầu không khí lo âu, căng thẳng bủa vây lấy chúng tôi. Thay vì toàn ý lo cho mẹ, tưởng nhớ và đau nỗi đau mất mẹ, anh em chúng tôi phải dốc sức đối phó với thế lực có quyền.

Thất bại trong việc dựng lên một Ban Lễ tang, người ta cố gắng giành giật quyền để được soạn thảo và đọc điếu văn trong Lễ truy điệu (ngày 29 tháng Giêng). Những kẻ nhân danh cán bộ ủy ban phường, hội phụ nữ, ủy ban mặt trận tổ quốc... và cả một số kẻ lạ mặt liên tục tiếp cận anh trai tôi để thuyết phục và gây sức ép. Không ít lần đang lúc túc trực bên linh cữu của mẹ để đáp lễ khách phúng viếng, anh trai tôi bất đắc dĩ phải bỏ vị trí đi ra ngoài.

Thậm chí, một cán bộ của hội phụ nữ còn giúi vào tay anh chiếc điện thoại đã sẵn người chờ. Anh tôi vội vã đi vào trong phòng tắm, đóng cửa nghe điện thoại. Chị phụ nữ đứng ngoài canh. Tôi đi theo, không giấu diếm ý muốn kiểm soát. Tôi ghé tai vào cửa để nghe (nghe lén người khác nói chuyện là việc xấu, lần này tôi tự cho phép mình làm thế). Chị ta phân bua, cố ý nói thật to để tôi không nghe thấy nhưng tôi vẫn hiểu được phần nào nội dung cuộc nói chuyện điện thoại của anh trai với kẻ bên kia đầu dây. Chị ta mắng tôi là “quá đáng!”.

Anh trai tôi muốn (bắt buộc thì đúng hơn) dành cho họ quyền được đọc điếu văn trong Lễ truy điệu. Không! Tôi đã từng tham dự nhiều đám tang, gần nhất là của ông anh họ. Anh không phải là đảng viên, chẳng phải người có chức quyền gì. Anh cũng chỉ ốm hai ngày rồi qua đời. Thế mà trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu, người ta ngang nhiên tuyên bố rằng: “…Mặc dù đã được đảng ủy, chính quyền địa phương và gia đình tận tình cứu chữa nhưng vì bệnh nặng, anh không qua khỏi và đã từ trần hồi…”. Không biết bao nhiêu người dù đã nằm trong quan tài, bất đắc dĩ chịu “ơn đảng” như thế. Với mẹ tôi, không chừng ngoài việc phải “ơn đảng” còn phải nghe đảng kết tội vì đã sinh ra đứa con ngỗ ngược, dám chống chính quyền. Người chết làm sao có thể bật nắp quan tài mà dậy thanh minh cho được. Tôi không cho phép họ có cơ hội để mạ lỵ linh hồn mẹ tôi, hạ gục ý chí của tôi.

Theo hợp đồng, Công ty Phục vụ Tang lễ Thiên Thảo chỉ gửi 5 nhân viên đến phục vụ nhưng có lúc lực lượng này đã vượt quá con số năm gấp mấy lần. Không khó để nhận ra họ là ai mặc dù những tên này cũng mặc đồng phục Thiên Thảo. Thái độ hung hăng, bặm trợn, ánh mắt thiếu thiện cảm, nhiều khi lấm lét. Điều họ làm không liên quan tới việc phục vụ tang lễ. Họ, khi thì áp sát bàn đăng ký lễ viếng, tự tiện mở sổ tang ra xem, đi lại trong nhà như chỗ không người, không ngại ngần theo sát tôi mỗi lần phải nói chuyện điện thoại... Và nhiều việc khác mà tôi không thể bao quát hết. 

Theo tường thuật của Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, một trong những người thuộc phái đoàn anh em Dân chủ Hà Nội tới thăm viếng: 

“Điều chứng kiến được ở đám tang này, là sự "chăm sóc" kỹ càng của một lực lượng chủ tang không mời, chẳng trả tiền cũng không cho ăn cơm.

Họ đứng nhan nhản khắp nơi, rình rập, quay trộm, nghe lén... đủ trò. Thậm chí là bắt cóc người đến viếng về phường để thị uy rồi chở ngược lên bỏ ở Hải Dương, tấn công người đến dự đám tang, công an các loại canh gác các ngả... Nhưng trò bẩn nhất là giật băng tang trên các vòng hoa viếng người quá cố”. http://phamthanhnghien.blogspot.com/2014/03/mot-chuyen-vieng-am-ma-e-chung-kien.html#more

Cụ thể, các băng tang trên các vòng hoa mà Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đề cập đến là các vòng hoa của: Mạng lưới Blogger Việt Nam, Đài Phát thanh Đáp Lời Sông Núi, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Cựu Tù nhân Lương Tâm Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ (đã bị cướp ngay ngoài đầu ngõ trong sự sợ hãi, ngỡ ngàng của cô nhân viên bưu điện). Thậm chí, vòng hoa của Công ty Én vàng Quốc tế (hãng tắc-xi) nơi anh rể tôi làm việc cũng bị giật. Không hiểu sao, chúng sợ chữ Quốc tế đến thế. Tất cả được thay bằng dải băng gắn xộc xệch, vẻn vẹn chữ “Kính viếng” hoặc “Thành kính phân ưu” đã được công an chuẩn bị sẵn. Người bị bắt cóc, “đem ra phường để thị uy rồi chở ngược lên bỏ ở Hải Dương” là facebooker Peter Vũ. Rất dũng cảm, Vũ tiếp tục bắt xe từ Hải Dương, vượt hơn năm chục cây số lộn về Hải Phòng để đưa tiễn mẹ tôi. Vũ đã bị lũ công an mật vụ trả thù bằng một trận đòn theo lời tường thuật của những người chứng kiến thì “rất đau”. Chúng đánh Vũ ngay tại cổng nghĩa trang Ninh Hải, nơi mẹ tôi vừa được hỏa táng.

Các anh em Dân chủ Hà Nội là “tâm điểm” chú ý của lũ mật vụ. Họ đại diện cho một số hội nhóm, một số anh chị em ở xa không thể tới dự tang lễ. Đó là các Blogger Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, Gió Lang Thang, Binh Nhì. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cô Nguyễn Thị Huần, vợ chồng luật sư Lê Thị Công Nhân, bác Lê Hùng, chú Nguyễn Anh Dũng các anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân, Lô Đề Việt Nam, Nguyễn Việt Hưng, chị Lan Lê, Thảo Theresa. Các bạn trẻ Ngủ Chưa Say, Peter Vũ, Bạch Hồng Quyền và một số người khác. Những người này hầu hết đã nhận được lời “khuyến cáo” của công an Hà Nội rằng: không nên đi đám tang mẹ Phạm Thanh Nghiên.

Chiếc ô tô chở họ vừa dừng bánh, lập tức lũ côn đồ, mật vụ bu kín. Quá sợ hãi, người lái xe phải bỏ chạy.
http://ntuongthuy.blogspot.com/2014/02/am-tang-ba-nguyen-thi-loi-lai-xe-bo-cua.html#more.

Gần đến giờ đưa tang. Nhân viên của Công ty phục vụ tang lễ, theo sự yêu cầu của tôi đọc điếu văn. Xong phần điếu văn, người chú họ của tôi thay mặt gia quyến lên nói lời cảm ơn. Chú đã được chúng tôi dặn kỹ từ trước, rằng không được cảm ơn chính quyền địa phương hay đảng bộ gì hết. Vì họ không những không giúp gì, ngược lại đã phá đám tang lễ mẹ tôi. Họ đã phá vỡ sự bình yên của mẹ tôi khi bà còn sống cũng như lúc qua đời. Quan trọng hơn, họ là cộng sản, thủ phạm của mọi nỗi đau thương dân tộc.

Ngay ngày hôm đó, chú tôi bị mật vụ hỏi thăm.

Trong suốt hai ngày diễn ra tang lễ, ngoài nỗi đau mất mẹ anh em chúng tôi đã phải gồng mình lên chống đỡ. Tưởng loại được thành phần Ban tổ chức Tang Lễ toàn là đảng viên cộng sản, dành được phần đọc điếu văn, lời cảm ơn không nhắc tới chính quyền đã là công việc cuối cùng; nhưng không, đúng lúc đang chuẩn bị khiêng linh cữu mẹ đi, chúng ngang nhiên tiến vào, ngang nhiên cầm lấy micro và giới thiệu dõng dạc:

- Sau đây là phần truy điệu của Hội người cao tuổi phường Đông Hải 1.

Chúng tôi ngỡ ngàng.

Cái gọi là “Hội Người cao tuổi” gồm khoảng gần hai mươi người. Trong đó, đếm trên đầu ngón tay chưa tới 5 người thực sự là cao tuổi. Mấy người này bị đứng hàng cuối cùng tận ngoài cửa. Phần lớn những tên còn lại đều là cán bộ đương chức của Ủy ban phường, tức không thể được gọi là “ người cao tuổi”. Chúng ùn ùn tiến vào sát linh cữu, nhìn tôi với ánh mắt đắc thắng và thách thức.

Quá phẫn nộ, chị gái lớn của tôi xông vào, giật lấy tờ giấy của tên trưởng đoàn. Tên này giật lại và cầm micro bắt đầu đọc. Tôi bị đẩy ra khỏi cửa. Càng xông vào tôi lại càng bị chúng đẩy ra thô bạo hơn. Anh trai lớn khi đó, đã phải quỳ xuống mà lạy: “Thôi, cứ để họ đọc, cho mẹ tôi được yên”. Không ai trong số năm người con gái lại gần được bên linh cữu của mẹ.

Lúc này, lẽ ra linh cữu phải được khiêng ra ngoài rồi, nơi rất nhiều người đang chờ đưa tiễn mẹ tôi. Trong nhà, tên đảng viên vẫn đang đọc điếu văn: “…được sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền địa phương và đảng bộ…”. 

Chị gái nhỏ của tôi không kiềm chế được, chị nói trong giàn giụa nước mắt:

- Mẹ tao mất mà lũ chúng nó không cho yên. Chính quyền nào, đảng cộng sản nào lo tang cho mẹ tao? Chúng mày khốn nạn quá. Mẹ tao sống chúng mày khủng bố, sách nhiễu. Mẹ tao chết chúng mày tới phá đám, tới xuyên tạc. Trời ơi! Trời ơi!

Tôi chạy theo chị:

- Chị cứ để cho chúng sủa. Chúng càng gây tội bao nhiêu thì mẹ mình càng được phước bấy nhiêu. Rồi chúng sẽ bị quả báo. Đạo Trời sẽ không tha cho chúng.

Chưa bao giờ tôi có cảm giác cay đắng, thất bại và bất lực như thế. Mẹ tôi nằm kia, trong cỗ quan tài nghi ngút khói hương. Bà có bảy người con và một đàn cháu chắt. Nhưng trong giờ phút quan trọng và linh thiêng này, chỉ có hai người con trai, mấy cô cháu họ được ngồi phục bên bà. Chị em chúng tôi bị tống ra khỏi cửa, bất lực đứng nhìn lũ chó sói nhảy múa bên linh cữu của mẹ. Nỗi đớn đau, cơn căm phẫn làm đầu óc tôi muốn nổ tung. Không hiểu sao khi ấy tôi không khóc.

Tôi ghé tai nói nhỏ với người nhân viên phục vụ tang lễ. Anh ta gật đầu đồng ý. Tên cán bộ quèn đọc xong bài ca ngợi đảng. Tôi cầm lấy chiếc micro người nhân viên vừa đưa cho, lấy hết bình tĩnh tuyên bố:

- Tôi thay mặt cho tang quyến, cảm ơn Hội người cao tuổi đã đến viếng mẹ tôi. Nhưng xin phép không nhận lời điếu này.

Chẳng phải tôi thông minh gì mà trong lúc cấp bách, tôi nhớ đến đám tang của tướng Trần Độ nên học theo cách của anh con trai trưởng tướng Độ hầu hóa giải đòn mạ lỵ của lũ man di mọi rợ. Tôi nghĩ, mẹ không thất vọng về con gái bà.

Ngoài ngõ, người đưa tang đứng chật ních. Không khí nhốn nháo, căng thẳng vì lũ côn đồ, mật vụ không ngừng gây hấn với các anh em Dân chủ Hà Nội. Trong sân khi ấy chỉ còn lại đoàn Phật tử, một số bà con thân thuộc. Lũ đảng viên, phái đoàn của chính quyền địa phương mang danh Hội người cao tuổi đã làm sai lệch giờ đưa tang, một điều tối kỵ trong phong tục của người Việt.

Lũ người kia bước ra, mặt mũi thâm sì vì tức giận. Khác hẳn thái độ ngang ngược, đắc thắng khi tiến vào vì bị tôi từ chối lời điếu của họ.

Người đưa tang rất đông. Tôi đi sát bên mẹ. Đau đớn, buồn khổ, hụt hẫng, mệt mỏi, căm giận và căng thẳng. Tiếng còi không ngớt của cảnh sát giao thông, tiếng còi xe gắn máy, xe ô- tô inh ỏi, huyên náo ngay từ đầu ngõ ra tận đường lớn. Khu Phương Lưu chả mấy khi có cảnh sát giao thông trừ khi nhà tôi trở thành “điểm nóng”. Mật vụ, lưu manh côn đồ đông không kém người đi dự tang lễ.

Trên đường đưa mẹ từ nhà tới Đài Hóa thân Hoàn Vũ thuộc nghĩa trang Ninh Hải, các con vẫn không thể quây quần bên mẹ. Chị em chúng tôi phải chia nhau ra để bảo vệ những vị khách từ xa tới viếng. Tiếng là bảo vệ thôi, chị gái tôi thậm chí còn suýt bị một tên mật vụ hành hung ngay trước cổng nhà khi phản đối trò giật băng tang của chúng.

Ra tới đường lớn, các phương tiện tham gia giao thông dưới sự hướng dẫn của cảnh sát đều phải nhường đường cho đoàn xe tang lễ của mẹ. Tới cổng nghĩa tranh Ninh Hải, thấy ít nhất ba, bốn đám tang đến trước đều dừng lại. Mẹ tôi vào trước.

Đoạn đường từ cổng nghĩa trang tới nhà tang lễ, tôi trông thấy nhiều người lạ. Họ đứng rải rác hai bên đường, cúi đầu khi linh cữu mẹ tôi đi qua. Họ nhìn tôi, ánh mắt đầy sự sẻ chia, thương cảm. Phút chốc, tôi thấy lòng ấm áp.

Tôi đứng lặng người, nhìn linh cữu của mẹ từ từ được đưa vào đài thiêu. Đầu óc tôi rất tỉnh táo. Tôi không hề khóc. Chỉ thấy toàn thân run rẩy, rồi từ từ quỵ xuống. Tôi vẫn không khóc. Có ai đó dìu tôi ra khỏi nghĩa trang, lên ô- tô về nhà.

Tôi đứng trước cổng! Mẹ không còn ở trong nhà nữa. Tôi đổ xuống. Một người bế tôi vào nhà.

Trời tối rồi. Tôi hốt hoảng vùng dậy. Phải đi lấy tro cốt rồi đưa mẹ về nằm cạnh bố. Tôi chạy xuống nhà. Không còn đông đúc như lúc trước nữa. Khách khứa đã ra về hết, chỉ còn lại vài người bà con thân thuộc. Tôi bần thần, ngồi ngây như kẻ mất trí. Nước mắt trào ra. Các anh chị, các cháu đã đưa mẹ tới nghĩa trang Đằng Lâm, nơi bố an nghỉ từ mười năm trước.

Đấy chưa là tất cả những gì tôi được biết trong Tang lễ của mẹ mình. Tôi đã hiểu vì sao anh trai tôi có lúc phải quỳ xuống “xin để mẹ tôi được yên”. Phải chấp nhận làm chậm giờ đưa tang trong khi đối với anh đó là điều tối kỵ. Để dành cơ hội cho cái gọi là Hội người cao tuổi vào đọc điếu văn mà thực chất là một trò mạ lỵ, chơi xấu của chính quyền địa phương. Sự thật này, mấy hôm sau chị em tôi mới biết.

Có “lệnh miệng” từ Ủy ban Nhân dân phường Đằng Lâm chỉ thị cho Ban quản lý Nghĩa Trang chuyển tới anh trai tôi một quyết định rằng: mẹ tôi không thuộc diện được phép chôn cất ở nghĩa trang này. Lý do: liên quan tới chính trị. 

Mặc dù Ban quản lý nghĩa trang Đằng Lâm đã giải thích với Ủy ban phường rằng trước đó mấy năm, gia đình tôi đã mua lô đất này và xây sẵn ngay cạnh ngôi mộ của bố. Mọi thứ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đều hợp pháp. Nhưng chỉ duy nhất một lý do: Liên quan đến chính trị, mọi trật tự, mọi đạo lý đều có thể bị đảo ngược.

Không biết rủi hay may. Một anh công an quận, thường hay tiếp cận với anh trai tôi biết chuyện đã sốt sắng, nhiệt tình giúp đỡ. Anh ta chỉ cần “nói giúp một tiếng” (không biết nói những gì, nói với ai) thế là mọi việc lại êm xuôi. Mẹ tôi đã được hưởng cái quyền đương nhiên của một người chết là: được chôn cất. Dù thực hư thế nào, cũng xin cảm ơn anh công an. Đất nước này chỉ một người được phong Thánh là đủ, không cần đến người thứ hai. Được phong Thánh, tức là không được chôn, cũng chẳng được thiêu. Hàng năm tiêu tốn vô số tiền của của người dân lao động vất vả để “bảo tồn” cái xác chết đó. Nhưng xác chết vẫn cứ là xác chết, không hơn không kém, phải không anh?

Đã qua lễ giỗ 49 ngày của mẹ nhưng sự đau buồn vẫn chưa vơi bớt. Sự lo âu, căng thẳng thậm chí ngày một lớn hơn. Kể từ sau tang lễ, một số người thân của tôi liên tục bị đe dọa. Một sự đe dọa có chọn lọc. Đó là những thành viên được “điểm mặt” và bị cho rằng đã bày tỏ thái độ không thỏa hiệp và phản đối chính quyền địa phương trong việc muốn cầm chịch tang lễ của mẹ tôi. Hình thức khủng bố là: chặn xe giữa đường, gọi điện thoại và nhắn tin đe dọa (bắt đi tù, gây tai nạn, đe giết, hành hung, bắt cóc…)

Trong tương lai, nếu bất cứ thành viên nào trong số hơn hai mươi người ruột thịt của tôi gặp tai họa, như bị gây sự ngoài đường, bị hành hung, bị mất việc làm, bị công an triệu tập hay bị bắt giữ bởi một sự việc “từ trên trời rơi xuống” hoặc bất cứ một hình thức nào nằm ngoài sự tiên liệu của tôi. Tôi khẳng định, tất cả những tai họa đó nhằm mục đích chính là để trả thù cho những hoạt động vì Tự do, Nhân quyền của tôi.

Dầu sao, khó khăn đấy, nhọc nhằn đấy, sóng gió đấy nhưng mẹ tôi đã đi qua, trọn vẹn một kiếp người.

Mẹ đã sống một đời lương thiện. Chắc chắn giờ này, mẹ đang ở một nơi rất tốt đẹp.

Mẹ ơi! Chúng con yêu Mẹ!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi