mardi 29 avril 2014

Tối hậu thư đòi chấm dứt phân biệt đối xử trong kinh doanh


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-04-29
 

Doanh nghiệp nhà nước thực tế được ưu đãi rõ ráng về quyền lợi, về vốn và ngay cả về thuế
Doanh nghiệp nhà nước thực tế được ưu đãi rõ ráng về quyền lợi, về vốn và ngay cả về thuế
Files photos

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vừa gởi một tối hậu thư tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chấm dứt đặc quyền đặc lợi dành cho doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp mọi thành phần.
Doanh nghiệp tư nhân kếu cứu
Tối hậu thư của 493.000 doanh nghiệp tư nhân đang thoi thóp hoạt động, trong khi 300.000 doanh nghiệp dân doanh khác đã chết trên thực tế, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đúc kết từ 300 kiến nghị và đệ trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội.
Theo tin trong nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổng hợp 300 kiến nghị đó và đặt lên bàn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 8 nhóm giải pháp lớn. Nhưng nổi bật và quan trọng nhất là kiến nghị Chính phủ phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/4, TS kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà hoạt động dân quyền ở TP.HCM nhận định:
Tôi nghĩ là có sự bất công, bất bình đẳng rất lớn không khác gì chỉ số GNI về bất bình đẳng xã hội đang tồn tại trong xã hội Việt nam giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
TS Phạm Chí Dũng
“ Tự do kinh doanh là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế thị trường, đó là sự tự do kinh doanh trên cơ sở bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phải chỉ giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau mà chính là giữa các doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước. Nó có vấn đề rất lớn tồn tại trong nền kinh tế được gọi là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách.
Một doanh nghiệp tư nhân chuyên pha màu vi tính ở TPHCM. files photos
Một doanh nghiệp tư nhân chuyên pha màu vi tính ở TPHCM. files photos

Nhưng họ hoạt động rất tệ, có thể nói ít nhất 25% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội mà thôi. Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân ngay từ năm 2.000 khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời họ đã có một sức sản xuất vượt bậc so với các doanh nghiệp nhà nước, có thể chưa vượt bậc so với nước ngoài nhưng so với doanh nghiệp nhà nước thì hơn hẳn. Chính vì vậy tôi nghĩ là có sự bất công, bất bình đẳng rất lớn không khác gì chỉ số GNI về bất bình đẳng xã hội đang tồn tại trong xã hội Việt nam giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.”
Theo TS Phạm Chí Dũng, vấn đề mà các doanh nghiệp tư nhân nêu ra là cần có những điều kiện tiêu chí tôn chỉ về tự do kinh doanh là đúng đắn, cũng giống như chúng ta đang tiến tới ngày tự do báo chí quốc tế vậy. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“ Cần phải có một thái độ và cái “hồn” về tự do, tự do một cách thực chất một cách thành tâm thì mới có thể giải quyết được vấn nạn của nền kinh tế hiện nay mà không bị các nhóm lợi ích nhà nước lũng đoạn. Đó chính là  tinh thần khi các doanh nghiệp tư nhân nêu ra vấn đề này và tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, chỉ có điều họ đã nêu ra quá lâu mà tới nay chẳng ai chú ý tới những kiến nghị của họ và chẳng ai giải thích cho họ là tại sao lại không thay đổi.”
Nếu nhìn về vấn đề TPP Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, theo TS Phạm Chí Dũng các doanh nghiệp tư nhân đã đặt vấn đề rất đúng. Ông nói:
“ Họ đang đưa ra một điều gọi là lợi thế so sánh khi mà nhà nước Việt nam đang dợm bước chân vào TPP. Trong TPP vấn đề cạnh tranh  bình đẳng và tự do kinh doanh để tiến tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như điều ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn yêu cầu phía Mỹ và TPP cho phép Việt Nam làm điều đó. Chính là một điều kiện cần để cho Việt Nam có thể tham gia đầy đủ vào TPP. Nếu không có tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với nhau, đặc biệt không chỉ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài mà giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì sẽ không thể nói tới một tinh thần chung là Việt nam có thể đạt được một nền kinh tế với qui chế thị trường theo đúng nghĩa của nó trong hiện tại và tương lai.”
DN tư nhân ngày càng khẳng định vị thể trong nền kinh tế
DN tư nhân ngày càng khẳng định vị thể trong nền kinh tế

Nếu không có tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với nhau, đặc biệt không chỉ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài mà giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì sẽ không thể nói tới một tinh thần chung là Việt nam có thể đạt được một nền kinh tế với qui chế thị trường theo đúng nghĩa của nó
TS Phạm Chí Dũng
Trong buổi gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào sáng 28/4 ở Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh ông còn có 4 Phó thủ tướng, 9 Bộ trưởng thứ trưởng và lãnh đạo ngành. Một điều mà truyền thông nhà nước cho là chính phủ đặt quyết tâm hành động để giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua sóng gió, hồi sinh và ra biển lớn. Các giới chức Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ví von cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như đội thuyền thúng, hoặc những đội quân bé li ti không thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Các giới chức này cảnh báo trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường sâu rộng, nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà là một thực tế, chưa kể sự kiện các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp và thương hiệu Việt.
Nói mãi không làm
Nhận định về vấn đề vừa nêu, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
Những cảnh báo này từ thời điểm năm 2.000 khi chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ họ cũng đã cảnh báo thuyền ra biển lớn, kỳ vọng lắm nhưng mà không làm gì cả. Có thể nói bây giờ sau 13-14 năm trình độ doanh nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ về trình độ pháp lý về khả năng cạnh tranh, đặc biệt về độ minh bạch
TS Phạm Chí Dũng
“Theo tôi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng Thương mại Công nghiệp không còn tư cách để cảnh báo nữa, họ quá quan liêu. Họ đưa ra những điều gọi là cảnh báo trên thái độ của những người quản lý với sự trịch thượng kẻ cả trong suốt 14 năm qua. Bởi vì những cảnh báo này từ thời điểm năm 2.000 khi chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ họ cũng đã cảnh báo thuyền ra biển lớn, kỳ vọng lắm nhưng mà không làm gì cả. Có thể nói bây giờ sau 13-14 năm trình độ doanh nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ về trình độ pháp lý về khả năng cạnh tranh, đặc biệt về độ minh bạch.
Tình trạng vẫn không cải thiện được ngay sau khi tiến sang giai đoạn thứ hai, năm 2007 khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Như vậy thì làm sao có thể gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam mà nói rằng thuyền thúng, thuyền nan…hay là thuyền đang rách nát. Tôi có cảm giác hình dung ra cả con thuyền chính trị nữa cũng đang rách nát, mà như vậy bây giờ tiến ra biển lớn mà không bị lật. Đó chính là câu trả lời tôi xin nhường lại cho những người mà tôi gọi là một tầng lớp quan liêu thủ cựu trong các bộ ngành quản lý ở Việt Nam.”
Có một sự trùng hợp đặc biệt khi hai sự kiện liên quan tới tình hình kinh tế Việt Nam diễn ra cùng ngày 28/4. Buổi sáng Hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ở Hà Nội, thì buổi chiều tại TP.Hạ Long đã khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014. Đây là nơi các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế thảo luận để tìm  lời giải đáp cho câu hỏi: tại sao cải cách thể chế kinh tế nói mãi mà không làm? Đây chính là là chìa khóa để tháo gỡ mọi điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam.   

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi