samedi 16 novembre 2013

Cần chấm dứt bịp dân

Nguyễn Quang Duy
Không biết bên trong Hội Nghị 8 chuyện gì đã xảy ra? Chỉ biết sau đó Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng biểu lộ ý tưởng phải kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội dù “…xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hòan thiện ở Việt Nam hay chưa.” 
Khi ý tưởng của ông Trọng còn đang được bàn tán xôi nổi lại xuất hiện 3 Youtube các lời phát biểu của Giáo sư Trần Phương góp ý cho Hội thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XI tổ chức vào khỏang tháng 10-2010. Được biết Giáo sư Trần Phương nguyên Phó thủ tướng và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, chính ông Phương đã đặt vấn đề đến hết thế kỷ này không biết đã hình dung được chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam hay chưa.
Mục đích của Giáo sư Trần Phương là khuyến cáo đảng Cộng sản đừng tiếp tục bịp dân, cần đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội Marx Lenin để theo con đường kinh tế thị trường, thực hiện xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền.

Chỉ Là Bịp Dân

Giáo sư Trần Phương cho biết tất cả những dự báo của Marx về chủ nghĩa xã hội và về chủ nghĩa cộng sản là sai. Chủ nghĩa xã hội mà ông Marx dự kiến là xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, lấy chế độ công hữu làm nền tảng, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động nhằm thực hiện công bằng xã hội đều chỉ là ảo tưởng. Thực tế đã chứng minh nó sai. Vì nó sai nên sau 70 năm xây dựng tại Liên Xô, người dân nước này đã dứt khoát từ bỏ nó.
Trong trường hợp Việt Nam nó cũng đã thất bại. Giáo Sư Phương cho biết: “Thất bại thì rõ ràng rồi! nói chế độ công hữu, thì chế độ công hữu làm mất động lực của xã hội, phải trở lại chế độ tư hữu đấy. Nói là chuyên chính vô sản, thì phải trở lại chế độ dân chủ đấy. Nói là phải kế hoạch hóa tập trung, cuối cùng phải trở lại kinh tế thị trường đấy. Đó là một sự thất bại rõ ràng rồi, thế thì nói cái gì đây? Cho nên, nói chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng của đảng ta, thì tôi không hiểu, xác định nền tảng tư tưởng, thì cái gì là nền tảng, còn cái gì không là nền tảng?"
Ông Phương còn cho biết “Ngay Đại Hội X, tôi đã phát biểu thẳng với các anh lãnh đạo rồi. Tôi nói là, định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì, phải ghi ra. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta tiến tới là cái gì, phải ghi ra. Nhưng mà một câu thách đố đơn giản như vậy mà họ không làm nổi”.
Ông Phương kết luận khái niệm chủ nghĩa xã hội được đưa ra chỉ để bịp thiên hạ: “Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái chủ nghĩa xã hội mà chúng ta sẽ đi là cái chủ nghĩa xã hội gì đây?”
Về Cương lĩnh của đảng Cộng sản, Giáo Sư Trần Phương nhận xét: “Cương lĩnh tức là cái đảng này phải tiến lên đến đâu, nó đi theo con đường nào. Thế mà cương lĩnh, nói chủ nghĩa Marx – Lenin, thì chủ nghĩa Marx – Lenin có điều đúng và có điều sai, nhất là những dự đoán của Marx và Lenin về cái gọi là chủ nghĩa xã hội, sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi… Cho nên tôi đề nghị là nếu muốn trung thực thì cái cương lĩnh đó phải xác định cái định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì? Mà cái chủ nghĩa xã hội theo đuổi, nó sẽ là cái gì.”
Giáo Sư Trần Phương tiếp tục nhận định vì không có nền tảng tư tửơng nên đảng Cộng sản chẳng đưa ra được chiến lược xây dựng công bằng xã hội nào. Theo ông Phương, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, đến trên 70 phần trăm dân số sống tại nông thôn, đảng Cộng sản lại không mấy ngó ngàng đến nông dân và nông thôn. Bởi thế nông thôn xưa đã nghèo và lạc hậu nay vẫn thế. Thậm chí còn tệ hại hơn xưa.

Chủ Nghĩa Xã Hội mang mầu sắc Trung Quốc

Mặc dù nhận định đảng Cộng sản không tư tưởng, không hướng đi, không biết đang làm điều gì, chỉ nói để bịp người dân. Trong ba bài phát biểu Giáo Sư Trần Phương không nhắc đến lý do đảng Cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại là nhờ dựa vào mô hình tư bản nhà nước.
Nhà nước nắm cả độc quyền kinh tế lẫn chính trị, tận khai tài nguyên và nhân lực gia tăng xuất cảng chiếm thị trường thế giới. Bởi thế tất cả những sai lầm của mô hình nhà nước tư bản nói trên, như bóc lột nhân công, cướp đất nông dân, tham nhũng, cửa quyền, bất công và bạo lọan xã hội, thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đã bộc lộ nguyên hình.
Trung Quốc là một nước lớn và đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ tại sao họ áp dụng mô hình này, bởi thế khi mô hình được áp dụng vào Việt Nam nó lại bộc lộ những yếu điểm của đảng Cộng sản Việt Nam. Thí dụ trong khi cán cân thương mãi quốc tế Trung Quốc bội thu và trở thành người chủ nợ lớn nhất thế giới, thì ngược lại Việt Nam bội chi và nợ nần thế giới ngày càng chồng chất.
Biết rõ nhưng yếu điểm của mô hình đang đeo đuổi, Hội nghị trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Tập Cận Bình cho biết “những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ”. Theo hãng Reuters đưa tin: "Vấn đề cốt lõi là cần làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực và cải thiện vai trò của chính phủ".
Những lĩnh vực sẽ phải cải cách mạnh mẽ, gồm thủ tục hành chính, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách mở cửa và cải cách. Theo đó, chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị trường ở tầm vĩ mô.
Trong khi ấy, đảng Cộng sản Việt Nam lại vẫn chưa chấp nhận những sai trái trong hệ thống và cơ chế, vẫn tiếp tục lừa bịp người dân phải kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội lấy chủ nghĩa Marx Lenin làm nền tảng.

Cuộc Đấu Tranh Tư Tưởng

Những lời phát biểu của Giáo Sư Trần Phương phần nào xác nhân một cuộc đấu tranh tư tưởng bên trong và bên trên của đảng Cộng sản đang xảy ra và dường như cuộc đấu tranh này đã bước sang một giai đọan mới.
Ngày 9-11-2013 vừa qua, phát biểu trong Ngày Pháp luật Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Hiến pháp năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt”. Ông cho biết“Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật”.
Các phát biểu trích dẫn bên trên rõ ràng mâu thuẫn với tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng“Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương Lĩnh của đảng”. Và thật vô cùng phũ phàng khi một đảng với Cương Lĩnh chỉ gồm những điều bịp bợm lại áp đặt như Hiến Pháp một quốc gia.

Mô Hình Tự Do Dân Chủ Xã Hội

Trong bài phát biểu, Giáo sư Trần Phương cho biết: “Nói là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà ông cóc hiểu dân chủ xã hội chủ nghĩa khác cái dân chủ tư sản là cái gì! Trong khi đó ông mời hết các cái thằng luật gia của chủ nghĩa tư bản nó đến nó dạy ông.” Giới trí thức Hà Nội như Giáo Sư Trần Phương đến nay chỉ thảo luận quanh hai từ “dân chủ”. Thực ra chính tự do, và nhất là tự do chính trị, mới chính là động lực phát triển quốc gia.
Giáo sư Phương cũng nhắc đến hai quốc gia Thụy Điển và Na Uy, hai nước Bắc Âu thường được giới trí thức Hà Nội xem như mô hình thành công của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Trong bài “Tù Mù Về Chủ Nghĩa Marx” người viết đã giải thích các quốc gia Bắc Âu là những quốc gia tự do. Họ đều là những quốc gia tự do và dân chủ nhất trên thế giới. Các đảng dân chủ xã hội tại các quốc gia Bắc Âu không theo bất cứ một chủ thuyết nào, họ chỉ theo khuynh hướng xã hội và sử dụng đấu tranh nghị trường thực hiện xã hội tự do dân chủ công bằng và bình đẳng.
Chính nhờ hệ thống đa đảng, cương lĩnh của các đảng dân chủ xã hội Bắc Âu đã phải tự thay đổi để thích ứng với hòan cảnh chính trị. Thí dụ các đảng dân chủ xã hội từ các đảng của tầng lớp công nhân, ngày nay đã điều chỉnh và trở thành đảng của tòan dân, hay phải ủng hộ các cải cách vi mô, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tạo cạnh tranh và hiệu quả cho nền kinh tế quốc gia.
Chính nhờ sự ưu việt của mô hình tự do dân chủ, càng ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới trở thành các quốc gia tự do. Các quốc gia tự do thì càng ngày càng trở nên tự do hơn. Thế giới đang trở thành một thế giới tự do.

Việt Nam Cũng Sẽ Tự Do

Trở lại trường hợp Việt Nam, gần đây khi sang Hoa Kỳ hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền chính trị và bảo đảm thị trường kinh tế tự do, để được cứu xét tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương.
Ngày 12-11-2013, Việt Nam lần đầu tiên có ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hứa sẽ "thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc".
Chúng ta có thể không tin vào những lời hứa hẹn của giới cầm quyền cộng sản, nhưng những lời hứa của ba ông Sang, Dũng và Minh cho thấy Việt Nam không còn con đường khác hơn con đường tự do. Việc chúng ta có thể làm là một mặt thúc đẩy họ phải thực hiện các cam kết quốc tế. Nếu họ không làm chúng ta cần tích cực tố cáo họ cũng chỉ bịp dân.
Ngược lại, trong một thế giới với một hệ thống thông tin mở, mọi thông tin đều được nhanh chóng phổ biến đến mọi tầng lớp xã hội, thì các khẩu hiệu tiến lên chủ nghĩa xã hội kiểu Marx – Lenin của Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đều chỉ là bịp bợm và cần phải chấm dứt.
Tự Do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng tự nó cũng không thể mang lại công bằng và bình đẳng cho toàn dân.
Muốn ở cuối thế kỷ này đất nước chúng ta có thể đạt được những tiêu chuẩn công bằng và bình đẳng xã hội như các quốc gia Bắc Âu thì những người theo khuynh hướng xã hội vừa phải nỗ lực xây dựng tự do dân chủ, vừa phải không ngừng đấu tranh cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của các tầng lớp nông dân, công nhân, sắc tộc thiểu số và dân nghèo thành thị.
Xã hội công bằng không phải tự nó có được hay do ban bố của giới chức cầm quyền, mà có được từ quá trình đấu tranh nghị viện thông qua các chính sách an sinh xã hội.
Melbourne, Úc Đại Lợi
14-11-2013
Nguyễn Quang Duy

DienDanCTM

* Nghe các lời phát biểu của Giáo sư Trần Phương:
http://www.youtube.com/watch?v=3BhkOu_4TtU
http://www.youtube.com/watch?v=MaZIjlOLWKo
http://www.youtube.com/watch?v=mlaPA606M-c

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi