jeudi 28 novembre 2013

Nhật, Nam Hàn bất chấp vùng phòng không

Tàu dưới vùng phòng không của Trung Quốc
Vùng phòng không của TQ bao gồm cả đảo mà Nhật Bản và Đài Loan nhận chủ quyền
Nhật Bản và Hàn Quốc cho máy bay di chuyển qua vùng phòng không mà Trung Quốc định ra nhưng không báo cho Bắc Kinh, theo các quan chức của hai nước.

Trong khi đó Hàn Quốc cũng có chuyến bay qua vùng phòng không theo Bộ Quốc phòng ở Seoul.Máy bay của Nhật Bản có "hoạt động tuần tra" thường lệ qua vùng Biển Hoa Đông, phát ngôn viên chính phủ ở Tokyo nói.
Trung Quốc nói các máy bay qua vùng họ định ra phải gửi lịch trình bay.
Vùng phòng không mà Bắc Kinh tuyên bố bao gồm quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền tại vùng đảo này.
Hiện Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku.
Ngoài ra vùng phòng không cũng bao gồm vùng đá ngầm mà Seoul coi nhận là của họ.
Trung Quốc nói các máy bay di chuyển qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ đối mặt với "các biện pháp phòng vệ khẩn cấp" nếu không báo cáo kế hoạch bay.
Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lên án hành động của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ coi đó là "động thái gây bất ổn nhằm thay đối hiện trạng trong vùng và Washington đã cho hai máy bay B-52 không mang vũ khí bay qua vùng phòng không mà không tuân theo yêu cầu báo cáo của Trung Quốc.

'Không thay đổi'

Các quan chức Nhật Bản không nói các chuyến bay diễn ra vào thời gian nào nhưng xác nhận hoạt động giám sát.
"Kể từ khi Trung Quốc tạo ra vùng phòng không, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động tuần tra như trước đây ở Biển Hoa Đông bao gồm cả trong vùng đó," phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết.
"Chúng tôi sẽ không thay đổi hoạt động này vì Trung Quốc," ông nói thêm.
Phía quân đội Hàn Quốc nói một máy bay của họ đã vào vùng phòng không hôm thứ Ba.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói với Hãng thông tấn Yonhap hôm thứ Tư rằng vùng phòng không làm cho "những tình huống vốn đã phức tạp ở trong vùng thêm khó khăn."
Hôm thứ Năm Hàn Quốc và Trung Quốc có đàm phán về vùng này nhưng không mang lại thỏa thuận nào.
Hôm thứ Năm Trung Quốc vẫn bảo vệ việc thiết lập vùng phòng không và phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nói với truyền thông nhà nước rằng đó là chuyện "hoàn toàn hợp lý và hợp pháp."
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ với Trung Quốc khi ông tới thăm nước này theo kế hoạch định sẵn.
"Hiện có đe dọa Trung Quốc sẽ kiểm tra không phận [ở Biển Đông]... Nó biến cả một không phận thành không phận nội địa của Trung Quốc."
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ông Biden sẽ "thể hiện lo ngại của chúng tôi một cách trực tiếp và tìm hiểu lý do đằng sau động thái này của Trung Quốc vào thời điểm hiện nay," một quan chức chính quyền Hoa Kỳ nói.
Trong khi đó Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario nói quyết định về vùng phòng không của Trung Quốc có thể tác động liên đới tới tranh chấp lãnh hải ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông.
Vị ngoại trưởng đưa ra tuyên bố khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và các tàu hộ tống có chuyến đi mà Trung Quốc coi là tập huấn ở Biển Đông.
"Hiện có đe dọa Trung Quốc sẽ kiểm tra không phận [ở Biển Đông]," ông Del Rosario nói với truyền thông Philippines.
"Nó biến cả một không phận thành không phận nội địa của Trung Quốc. Đó là sự vi phạm và phương hại tới an toàn hàng không dân dụng," ông nói và thêm rằng nó "cũng gây phương hại tới an ninh quốc gia của các nước liên quan".

Ngoài Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có những tuyên bố chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi