“Chạy chức là vấn đề nhạy cảm”!
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại một lần nữa không khẳng định có hay không nạn chạy chức, chạy quyền và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị mà bộ đã nghiên cứu rất kỹ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại dẫn văn kiện của Đảng tại Đại hội XI: “Cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục được” và cho biết đây là tài liệu “gối đầu” để nghiên cứu, đề ra các biện pháp khắc phục...
Thế Kha (NLĐO) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dù chưa khẳng định có hay không có tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay nhưng việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn nghị quyết ra đọc tức là thừa nhận có tiêu cực, có tham nhũng.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 20-11 “nóng” với hàng loạt câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề trong tuyển dụng cán bộ, chất lượng đội ngũ công chức, nạn chạy chức chạy quyền...
“30% cán bộ không làm được việc”
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình xuất hiện với một chồng tài liệu dày cộp để chuẩn bị cho phần trả lời chất vấn của các ĐBQH. Vấn đề ông phải trả lời nhiều nhất liên quan đến “30% cán bộ không làm được việc”.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) thẳng thắn: “Trong khi rất nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp thì có khoảng 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc. Xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và hướng giải quyết”. Sau đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đưa ra dẫn chứng: Năm 2012, cả nước có khoảng1,7 triệu viên chức và có hơn 500.000 công chức, trong đó có khoảng 64.000 cán bộ công chức chưa qua đào tạo chuyên môn. “Đó là điều rất đáng buồn, tôi đề nghị bộ trưởng đánh giá việc triển khai luật cán bộ công chức, trong khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có hơn 30% cán bộ công chức không làm được việc?” - ĐB Nghĩa chất vấn.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu thực trạng trong khi nhiều con em dân tộc
thiểu số thất nghiệp, số cán bộ không làm được việc lên đến 30% Ảnh: BẢO TRÂN
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị làm rõ việc tinh giản công chức nhưng không đạt kết quả, thậm chí bộ máy còn “phình” ra rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết trong khi tổng kết ngành nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có dư luận như vậy, chứ đây không phải ý kiến của Phó Thủ tướng. “Về quan điểm của Bộ Nội vụ thì đây là những phản ảnh, kiến nghị, mong muốn cần phải đổi mới cải cách công vụ, công chức nhiều hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.
Không hài lòng, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho biết cử tri cho rằng có 30% cán bộ không làm được việc, lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước cũng phản ánh con số này mà nếu tính ra là khoảng 700.000 cán bộ, công chức, viên chức và mỗi năm phải mất 17.000 tỉ đồng đồng chi lương cho họ. “Nếu tỉ lệ cán bộ, công chức không làm được việc không phải là 30%, vậy là bao nhiêu?” - ĐB Hà thắc mắc.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng việc đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu thì không có cơ sở vào thời điểm này. Còn biên chế dựa trên cơ sở xác định vị trí việc làm, bố trí đội ngũ cán bộ cho hợp lý.
Cán bộ là khâu yếu!
Vấn đề tham nhũng trong đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ và nạn chạy chức chạy quyền được ĐB Chu Sơn Hà chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình. Tuy nhiên, do Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tránh trả lời thẳng vào câu hỏi khiến ĐB Chu Sơn Hà phải chất vấn lại: “Vấn đề tôi hỏi là chạy chức, chạy quyền và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không vẫn chưa được bộ trưởng làm rõ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nói “chạy dự án là có nhưng đến giờ, chúng tôi chưa phát hiện và chưa xử lý được”. Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế và nếu có thì trong thời gian tới khắc phục chuyện này như thế nào?”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại một lần nữa không khẳng định có hay không nạn chạy chức, chạy quyền và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị mà bộ đã nghiên cứu rất kỹ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại dẫn văn kiện của Đảng tại Đại hội XI: “Cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục được” và cho biết đây là tài liệu “gối đầu” để nghiên cứu, đề ra các biện pháp khắc phục.
Khi bộ trưởng vừa dứt lời, nhiều ĐBQH tỏ ý không đồng tình.
Phải làm rõ tham nhũng trong cán bộ công chức
Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình “rất đầy đủ” nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nhiều ĐB và kể cả bộ trưởng cũng chưa bằng lòng với các đánh giá về tình hình hiện nay. Công tác tổ chức, cán bộ, chất lượng bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức vẫn còn nhiều vấn đề. Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cần phối hợp với các bộ, ngành để làm rõ tỉ lệ cán bộ, công chức không làm được việc là 1% như báo cáo hay 30% như dư luận. “Bộ Nội vụ cần phải có đánh giá đầy đủ, minh bạch về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay” - Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dù không khẳng định có hay không có tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay nhưng việc dẫn nghị quyết ra đọc tức là thừa nhận có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy cán bộ, công chức. “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phải làm rõ tham nhũng, tiêu cực là ở bộ phận nào và cụ thể là bao nhiêu?” - Chủ tịch QH nhấn mạnh, đồng thời đề nghị bộ này phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tư pháp... để làm rõ các tiêu cực trong cơ quan nhà nước, trong công tác cán bộ để có chuyển biến ngay trong năm 2014.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH:
Nói “tôi”, đừng nói “chúng ta”
Tôi cũng như nhiều ĐB chưa hài lòng về phần trả lời một số bộ trưởng trong 2 ngày chất vấn vừa qua. Điều mà ĐB và cử tri cần là những thiếu sót trong thời gian qua đã được khắc phục như thế nào, có giải pháp hữu hiệu gì và có chuyển biến thực sự không? Thế nhưng, có những câu trả lời còn nặng về kể lể quá trình công tác, xây dựng văn bản, công việc... của bộ, ngành mình.
Qua phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng trong 2 ngày qua, tôi chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Có lần, tôi đề nghị thành viên Chính phủ nói rõ trách nhiệm của mình bởi bản chất của chất vấn là làm rõ trách nhiệm cá nhân chứ không quy trách nhiệm tập thể. Tôi cho rằng với bộ trưởng hoặc trưởng ngành, khi trả lời chất vấn nên xưng “tôi” chứ không “chúng ta” vì nếu dùng “chúng ta” sẽ làm mờ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu bộ, ngành đó. Còn nếu như là trách nhiệm chung chung “chúng ta” hoặc “ngành chúng tôi” thì sẽ không bao giờ có giải pháp đúng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Cử tri thấy nhàm
Nói chung, các bộ trưởng đã trả lời được cơ bản chất vấn của các ĐB nhưng vẫn còn chung chung, đặc biệt là giải pháp cụ thể và thời hạn khắc phục, xử lý. Trong nhiều kỳ họp QH, vấn đề nông dân, nông thôn; phân bón giả, được mùa mất giá, chất lượng hàng nông sản không cao; việc xả lũ gây ngập... đã được đề cập nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Khi trả lời, bộ trưởng phải đưa ra giải pháp cụ thể; cứ trả lời thế này thì ĐB và cử tri thấy nhàm.
Vấn đề xả lũ đang được quan tâm nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương bận công tác, không có mặt, cử tri xem truyền hình cũng không biết được trả lời như thế nào nên đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương có giải trình sau.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng):
Trả lời như vậy thì ai cũng làm bộ trưởng được!
Tôi cho rằng các bộ trưởng đã có cố gắng nhưng không đi vào trọng tâm của câu hỏi. ĐB và các cử tri mong muốn các bộ trưởng phải nói việc làm được và việc không làm được, không thể nói loanh quanh những vấn đề bức xúc của cử tri.
Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ rất rõ ràng, để bộ máy có đến 64.000 người chưa qua đào tạo, phình ra rồi chuyện có bộ có đến 7-8 thứ trưởng trong khi quy định chỉ có 4, trong khi Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ cải cách hành chính mà trả lời như vậy là không được. Bộ trưởng mà trả lời như vậy thì ai cũng làm bộ trưởng được.
T.Kha - N.Dung ghi
|
Thế Kha
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi