vendredi 15 novembre 2013

“Thiết thực lập thành tích” mừng Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền


Hoàng Trúc (Danlambao) - Chỉ khoảng một tuần trước khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhân viên an ninh đã lại tiếp tục đến nhà hăm dọa cụ bà Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi, mẹ của nhà báo Đoan Trang - một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam.

Được biết, vào thứ ba tuần trước, nữ nhân viên an ninh tên Tuyết, tự giới thiệu là người của Tổng cục 2, Bộ Công an, đã gọi điện hẹn “làm việc” với cụ bà Thiện Căn vào buổi sáng thứ tư, 6/11. Ngay từ đầu, cô này đã tỏ rõ ý định trấn áp khi nhấn mạnh “sẽ đến để hỏi về các hoạt động hiện nay của Đoan Trang”, và đe dọa: “Lần này không phải là để trao đổi thân tình, thăm hỏi như lần trước nữa đâu, mà là để làm việc. Bác có tiếp không? Nếu bác không tiếp thì để chúng tôi gửi giấy mời lên phường”.

Tuyết còn cẩn thận dặn dò thêm: “Lần này mà bác còn mời các bạn của Trang đến như lần trước thì sẽ gặp phiền phức đấy”.

Cụ bà Bùi Thị Thiện Căn
Cụ bà Thiện Căn vốn là nhà giáo hưu trí, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học ĐH Sư phạm I và từng dạy học tại nhiều trường ở thủ đô; bản tính hiền lành, nho nhã và mô phạm, cho nên không quen với những lời lẽ và giọng điệu hăm dọa, chỉ nói: “Cô có đến thì cứ đến, việc gì phải căng thẳng như vậy?”. Tuyết hẹn sáng hôm sau sẽ tới.

Trên thực tế, tới chiều hôm sau cô nhân viên an ninh mới đến nhà dân, báo hại bà cụ phải chuẩn bị trà nước, chờ đợi lòng vòng suốt buổi sáng và trưa. Bà Thiện Căn rất bực mình, vì với thói quen đúng giờ của một nhà giáo, bà không ưa thói sai hẹn, và bà quyết định không tiếp nhân viên công quyền nữa. Gần 3 rưỡi chiều cô này mới tới, tình cờ cũng đúng lúc một người con dâu của bà Thiện Căn đến nhà thăm mẹ chồng. Hai người trao đổi, và cô Tuyết tiếp tục có những lời lẽ hăm dọa một cách rất vô luật, không giống chút nào với một người vốn được coi như đại diện của pháp luật.

Chẳng hạn, Tuyết yêu cầu gia đình cho biết thông tin về “các việc làm hiện nay của Đoan Trang” - có ý nói tới phong trào Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam phản đối Điều 258 Bộ luật Hình sự. Tuyết cũng yêu cầu gia đình khuyên nhủ, tác động để Đoan Trang chấm dứt các hoạt động sai trái, chống phá Nhà nước (?!), và đe: “Nếu Đoan Trang tiếp tục thì sẽ gây ảnh hưởng đến mẹ, và không chỉ mẹ mà cả hai anh trai và chị dâu. Gia đình sẽ phải chịu hoàn toàn hậu quả”.

Chị Thư, chị dâu của Đoan Trang, cũng phải thấy bực mình trước những lời hăm dọa vô lý và vô luật đó, nên lên tiếng nhắc nhở Tuyết: “Cụ nhà tôi già rồi, còn cô Trang cũng là công dân trưởng thành, trên 18 tuổi lâu rồi, tự chịu trách nhiệm về việc mình làm. Cô để yên cho bà cụ thì hơn. Cụ làm sao biết cô ấy đang làm gì”. Tuyết nhấn mạnh: “Bà ấy là mẹ, phải biết”.

Thông điệp chung của buổi “làm việc” mà Tuyết lặp đi lặp lại và muốn thân nhân của Đoan Trang phải hiểu, là Đoan Trang phải ý thức được sự sai trái của mình và chấm dứt viết những bài nhạy cảm, “chống phá”. Đồng thời, an ninh cũng muốn gia đình hợp tác cung cấp thông tin về Đoan Trang: đang ở đâu, làm gì, có dự định gì; và yêu cầu cả nhà có trách nhiệm khuyên nhủ, thuyết phục để Đoan Trang “đi đúng đường”. Nếu không, cả mẹ và các anh chị của cô sẽ phải trả giá.

Nhà báo / blogger Đoan Trang cùng với blogger
Nguyễn Anh Tuấn, đại diện MLBVN trao 
Tuyên bố 0258 cho đại diện 
Văn phòng 
Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền
 
Nhà báo Đoan Trang vốn là phóng viên của báo điện tử VietNamNet, báo Pháp luật TP.HCM. Cô cũng là một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam. Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, cô đã cùng một số blogger trong Mạng lưới đem Tuyên bố 258 đi trao cho đại diện của Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) khu vực Đông Nam Á và một số tổ chức quốc tế khác, như Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), Ủy bao Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), v.v... Vào ngày 9/8, khi cô đang ở Bangkok, nhân viên an ninh cũng đã đến “làm việc” với gia đình nhằm mục đích khai thác thông tin và bắt đầu bắn tín hiệu đe dọa...

Cần nói rõ rằng những việc này xảy ra khi Nhà nước Việt Nam đang hối hả tranh cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Gọi là “tranh cử” không hẳn đúng, vì chỉ có bốn thành viên vận động để được ngồi vào bốn ghế của khu vực châu Á.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi Việt Nam trở thành “tân thành viên” của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tại khóa học “Quyền con người và phát triển xã hội” do Đại học Oslo (Nauy) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, nhân viên an ninh đã gây sức ép, buộc các học viên không phải là sinh viên của trường phải bỏ dở khóa học sắp hoàn thành mà không thông báo lý do, dù việc đăng ký và tham gia của họ là hoàn toàn hợp thức. Phải chăng vì họ nghĩ người dân Việt Nam hiểu về nhân quyền rồi nên không cần học nữa?


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi