dimanche 9 mars 2014

Tại Sao Trung Quốc Lại Chọn Vũng Áng?

Tam giác căn cứ quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt, và nguy 
cơ Việt Nam một lần nữa bị chia cắt làm hai miền tại Vũng Áng
(chân núi phía Bắc của dãy núi Hoành Sơn).

Cuối năm 2013 và những ngày đầu năm 2014 vừa qua, hãng truyền thông quốc RFA cũng như giới Blogger Việt Nam đã phát tín hiệu về nguy cơ người Trung Quốc có mặt ở Hà Tĩnh. Mà trong đó, vị trí xung yếu là khu vực Vũng Áng, huyện Kỳ Anh. 
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng với diện tích 227,81 km2, có tổng vốn đầu tư vào loại lớn nhất nước, ước khoảng 20-30 tỷ USD (1), với những người quan tâm đến vận mệnh đất nước, bên cạnh nỗi lo thời gian cho Trung Quốc thuê quá dài: đến 70 năm, còn nỗi lo ở góc độ vị trí chiến lược của Vũng Áng xét về an ninh-quốc phòng của cả nước.
 
Trong một bài viết trước đây đăng trên Bauxite VN, tác giả Nguyễn Hữu Quý đã đề cập đến “tam giác căn cứ quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt” (2), bài báo đó chỉ mới đề cập về nguy cơ đến từ hướng Biển Đông.


Rõ ràng, nguy cơ TQ chia cắt Việt Nam còn có thể đến từ hướng Lào. Trước đây, trong cuộc chiến chống Mỹ, người Việt đã một phần dựa vào lãnh thổ Lào để tiếp viện từ Bắc vào Nam, và góp phần làm nên chiến thắng. Trong tương lai, một khi TQ làm chủ Bắc và miền Trung của Lào thì họ hoàn toàn có thể chia cắt Việt Nam thành hai miền tại Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình.
 
Theo góc nhìn đó, một gọng kìm từ hai hướng Biển Đông và Lào sẽ là yếu tố tiên quyết để TQ chia cắt Việt Nam thành hai miền sẽ diễn ra trong tương lai.
 
Những hậu quả và âm mưu của TQ liên quan đến Vũng Áng 
 

- Việc tỉnh Hà Tĩnh cho TQ thuê đất và có mặt ở KKT Vũng Áng trong 70 năm là cả một dự tính chiến lược của người TQ, và đến thời điểm này, với sự đầu tư ban đầu, xây tường bao xung quanh tạo thành một lãnh địa riêng, người Việt không thể vào được, thì đó là thắng lợi bước đầu của TQ. Tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, rằng, ở chỗ nào người TQ vào đầu tư, thì người Việt cấm cửa không được vào (thực tế, trên khắp Việt Nam đã là như vậy). 
 

- Với tốc độ đầu tư và di dân hiện nay, đến cuối thế kỷ 21 này, người TQ tại Lào sẽ có khoảng 4-5 triệu (năm 2012 dân số Lào là 6,646 triệu), và chiếm khoảng 30-35% dân số Lào, dự kiến dân số Lào khi đó là khoảng 13-15 triệu. Không sớm thì muộn, TQ sẽ thôn tính nước Lào. 
 

- Trong bài viết đăng vào cuối năm 2012 “Trung Quốc mưu tính gì sau đầu tư khủng vào Lào, Campuchia?” (3), có đoạn đáng chú ý: “Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, phân tích: Trung quốc rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà đoạn cuối Tây Nguyên thì CPC và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ…. 

Đứng về chiến lược quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ hành lang quan trọng của bán đảo Đông Dương. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm như thế”. 
 

- Không biết là vô tình, hay cố ý; cuối năm 2010, không hiểu từ đâu, giới khoa học Việt Nam dự định và mở hội thảo “Mở tuyến xa lộ song hành xuyên Đông Dương” (4) với dự tính: “mở hướng lưu thông mới phía thượng nguồn, thẳng từ khu vực đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình, qua lãnh thổ Lào, Campuchia xuôi về Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cần được tính đến. Về chi phí đầu tư, dựa vào các tuyến đã có sẵn thì cả phần dựng rào sắt ngăn cách ven đường để đảm bảo an ninh cũng chỉ hết 14-15 tỷ USD”. 
 

Đáng chú ý là, với nguồn vốn lớn như thế, rõ ràng, TQ sẽ là nhà tài trợ và trúng thầu xây dựng, vô hình dung họ có mặt ở địa bàn dọc Tây Trường Sơn một cách hợp pháp. Và chắc chắn, một khi họ đã nhảy vào thì có đủ lý do để công trình hoàn thành trong vòng 20-30 năm, đủ để hình thành một thế hệ người TQ khoảng 1 triệu người dọc hành lang quan trọng này. Rất may, dự án bị sự phản đối của dư luận và buộc phải dừng lại. 
 

Dễ dàng nhận thấy, việc TQ chọn Vũng Áng làm vị trí quân sự chiến lược của mình trên đất Việt Nam, ngoài việc cùng với quân cảng Du Lâm trên đảo Hải Nam có thể khống chế miền Bắc và Vịnh Bắc Bộ khi chiến sự xảy ra, thì vị trí Vũng Áng dễ dàng cho kết nối với tuyến hành lang đường bộ từ Vân Nam dọc Lào xuống đến Tây Nguyên. Tạo nên gọng kìm để chia cắt Việt Nam trong tương lai. 
 
Tạm kết luận: 
 

1. Không còn nghi ngờ gì nữa, TQ đang hình thành một gọng kìm từ hai hướng là Biển Đông và tuyến hành lang đường bộ từ Vân Nam dọc Lào xuống đến Tây Nguyên và thông sang CPC. Vị trí Vũng Áng sẽ là điểm cắt chiến lược để chia Việt Nam làm hai miền. 
 

2. Không ai khác, chính TQ là thủ phạm để chia đôi Việt Nam thành 2 miền tại vĩ tuyến 17 (ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) ở Hiệp định Geneve năm 1954; và họ đã thất bại bằng sự thống nhất của người Việt vào năm 1975. Tuy nhiên, chính họ chứ không ai khác xúi giục để có cuộc chiến “giải phóng miền Nam”, mà hậu quả nặng nề về mọi mặt còn đến ngày hôm nay. Lần này, những học trò kế tiếp của Mao đang âm thầm giở lại bài học cũ một lần nữa, và với tham vọng còn lớn hơn, là chia đôi Việt Nam tại Vũng Áng (chân núi phía Bắc của dãy núi Hoành Sơn) trong mưu đồ thôn tính toàn bộ Biển Đông.
  
3. Sự sai lầm của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam kể từ 1975 đến nay, đang dần đưa miền Bắc và Trung Lào trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Và cùng với việc chia cắt Việt Nam tại Vũng Áng, khi đó, Việt Nam chỉ là mảnh đất Đại Việt của hơn nghìn năm trở về trước, và nguy cơ bị đồng hóa, xóa sổ cả 3 nước Đông Dương như đã được nhìn thấy từ hôm nay.
 
08.3.2014

  
H.M. 
Bài tham khảo:
 
(1) Phải chăng đã nhận ra sai lầm tại Vũng Áng?
http://boxitvn.blogspot.com/2014/03/phai-chang-nhan-ra-sai-lam-tai-vung-ang.html

(2) Trung Quốc đang có âm mưu gì ở Hà Tĩnh và Quảng Trị?
http://boxitvn.blogspot.com/2014/02/trung-quoc-ang-co-am-muu-gi-o-ha-tinh.html

(3) Trung Quốc mưu tính gì sau đầu tư khủng vào Lào, Campuchia?
http://phunutoday.vn/anh-nong/trung-quoc-muu-tinh-gi-sau-dau-tu-khung-vao-lao-campuchia-19534/trang-10.html

(4) Mở tuyến xa lộ song hành xuyên Đông Dương
http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2010/11/140262.cand

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Phản Hồi