Nguyễn Trung (VOA)
- Mới đây, một ca sĩ mới nổi ở Việt Nam đã phải lên tiếng xin lỗi
người hâm mộ sau khi vấp phải nhiều chỉ trích vì bị coi là quảng bá cho
ứng dụng chat của Trung Quốc có sử dụng bản đồ hình lưỡi bò gây tranh
cãi ở biển Đông.
Trước đó, một người đẹp ở trong nước cũng bị ‘ném đá’ vì tuyên bố cô
toàn dùng hàng Trung Quốc trong khi có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng
hóa của nước láng giềng phương bắc.
Một số nhà quan sát nhận định rằng những động thái như vậy cho thấy tinh
thần dân tộc và tâm lý bài Trung Quốc ở Việt Nam gia tăng trong bối
cảnh sức nóng từ các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển được coi là có trữ
lượng dầu khí lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt Ngữ, ông Vũ Tường, Giáo sư môn khoa
học chính trị tại Đại học Oregon, cho rằng các cuộc biểu tình như vậy
thể hiện chủ nghĩa dân tộc kiểu mới.
Ông nhận định: ‘Đó là những biểu hiện của tinh thần dân tộc nhưng mà nó
khác với biểu hiện cũ, với chủ nghĩa dân tộc cũ, vì theo tôi chủ nghĩa
dân tộc cũ nó có đối tượng là thực dân đô hộ. Bây giờ không có thực dân
đô hộ nữa mà chỉ có tranh giành biển đảo. Nó là một phong trào thì đương
nhiên nó phải có ảnh hưởng chính trị. Ảnh hưởng chính trị của nó tùy
theo thái độ, phản ứng của nhà cầm quyền’.
Nhà giáo làm việc ở Hoa Kỳ này nhận định rằng phong trào dân tộc mới thể
hiện sự trỗi dậy của tinh thần tự trọng dân tộc hoặc tự tôn dân tộc
trước các quốc gia khác.
Đường 9 đoạn, hay còn được gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, của Trung
Quốc bao trọn 4 nhóm quần đảo và bãi đá ngầm lớn trên biển Đông trong đó
có Hoàng Sa và Trường Sa, và cchiếm phần lớn diện tích ở vùng biển này.
Anh Lã Việt Dũng nói anh chỉ là
người dân bình thường lên tiếng về các vấn đề xã hội. |
Anh Dũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng đội bóng ra đời vì các thành viên
muốn tạo một sự đoàn kết trong tất cả mọi người đã lên tiếng về những
vấn đề về xã hội.
Anh nói: ‘Chắc chắn là nó thể hiện tinh thần dân tộc bởi vì rõ ràng cái
đường lưỡi bò của Trung Quốc rất là ngang ngược, và rõ ràng chúng tôi
muốn mỗi người dân Việt Nam đều phải hiểu, đều phải biết tới sự ngang
ngược đó của Trung Quốc’.
Theo kỹ sư tin học này, tinh thần dân tộc ‘thể hiện niềm tự hào dân tộc
cũng như sự đau xót trước việc đất nước khi bị xâm lăng, xâm lược và
thậm chí là phụ thuộc quá đáng vào một quốc gia nào đó’.
Về các tuyên bố nhận chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc,
ông Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, cho
rằng ‘dã tâm lãnh thổ của họ rất là ghê gớm’.
Ông cho hay: ‘Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập tháng Mười năm
1949. Lúc đó, Trung Quốc chưa có một chỗ đứng nào ở biển Đông cả. Thế
nhưng mà năm 1956, họ chiếm một nửa Hoàng Sa từ tay quân đội Pháp khi họ
chưa kịp bàn giao cho chính quyền miền nam Việt Nam. Rồi đến tháng
Giêng năm 1974, họ chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Rồi đến
tháng Ba năm 1988, họ chiếm 6 -7 cái đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa ở
biển Đông thuộc Việt Nam'.
Ông Dy nói tiếp: 'Trước đây, khi Tưởng Giới Thạch năm 1947 đề ra đường
lưỡi bò, trong lúc giao tiếp giữa chúng tôi với người Trung Quốc, hỏi
đường lưỡi bò, họ trả lời rằng, ờ, cái đó là của bọn Quốc dân Đảng ấy
mà. Ý là đấy là của Quốc dân Đảng, chứ cộng sản chúng tôi thì không phải
như thế. Nhưng thực chất, đến bây giờ thì họ lại đi đúng con đường như
Quốc dân Đảng’.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho VOA Việt Ngữ biết rằng báo chí Trung Quốc,
nhất là các trang mạng ngoài lề, hầu như không có ngày nào là không nói
về biển Đông.
Ông Dy nói thêm: ‘Một số báo mạng có tính chất không phải là đại diện
chính thống thì những ngôn từ, những luận điệu họ nói về biển Đông, nói
về Việt Nam, nói về Philippines có thể nói rất là láo xược và ngông
cuồng’.
Ông Dy còn cho biết rằng báo chí Trung Quốc gần đây ít nhắc tới Việt
Nam, còn với Nhật Bản và Philippines thì ‘họ cao giọng này kia’. ‘Có thể
là vì phía Việt Nam chúng ta không làm mạnh mẽ bằng như trước đây nữa’,
ông nói.
Cũng giống như Manila và Hà Nội, Tokyo hiện có tranh chấp với Bắc Kinh
về quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên vùng biển Hoa
Đông.
Hồi năm 2012, một làn sóng biểu tình chống Nhật đồng loạt xảy ra ở nhiều
thành phố của Trung Quốc để phản đối chính phủ xứ sở mặt trời mọc mua
một số đảo của quần đảo trên từ tay một chủ sở hữu tư nhân, gây thiệt
hại cho các nhà đầu tư Nhật ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Qua theo dõi của mình, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng chính quyền
Bắc Kinh biết cách khơi gợi tinh thần dân tộc và được nhiều người dân
ủng hộ trong vấn đề đòi chủ quyền biển đảo.
Ông nói: ‘Nếu so với năm 1979, khi họ đánh Việt Nam, thì họ huy động, họ
làm dư luận nhân dân rất khó nhưng bây giờ chính mạng của họ công nhận
rằng 92% dân mạng đồng ý rằng chủ quyền ở biển Đông là của họ, và đánh
Việt Nam bây giờ, gây chiến với Việt Nam hay Philippines và Nhật Bản thì
họ không khó khăn gì trong việc động viên dư luận. Dân họ nói chung là
họ đồng ý đấy chứ. Số người phản đối, không đồng tình, theo tôi là rất
ít. Chúng ta đừng đặt nhiều hy vọng vào con số những người giác ngộ
này’.
Ông Dy nhận xét rằng với chủ nghĩa bá quyền và ý đồ lâu dài của Trung
Quốc, từng bước thâu tóm biển Đông, thì việc ‘thương thuyết, đàm phán
với họ là đều không có hiệu quả’.
Về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, anh Dũng cho biết những
người tham gia, trong đó có anh, chỉ là những người dân bình thường lên
tiếng.
Thành viên đội bóng ‘No-U’ nói: ‘Rõ ràng chúng tôi không chống đối chế độ hay không có âm mưu gì để làm trái pháp luật cả’.
Anh Dũng nói: ‘Biểu tình thì tất nhiên là có nhiều báo họ phản ánh, họ
lên án, chẳng hạn như báo Hà Nội Mới. Tôi nghĩ đấy chỉ là một góc nhìn,
bởi vì đôi khi mình cứ nhìn thấy biểu tình là một tập hợp người thì họ
có thể nghĩ rằng có thể xảy ra bạo động, bạo loạn hay mất kiểm soát,
nhưng thực tế, chúng tôi hoàn toàn chỉ có một góc độ duy nhất là chúng
tôi biểu tình để phản đối sự ngang ngược của Trung Quốc’.
Anh Dũng cho biết, trước đây, người dân rất thờ ơ trước vấn đề biển Đông, nhưng giờ họ đã được thức tỉnh.
‘Tôi chỉ lấy ví dụ như là có một cái hình ảnh người phụ nữ là chị Hài
giơ nắm đấm phản đối Trung Quốc từ năm 2007, khi mà đưa trên mạng thì
đến nay đã có 150 nghìn người like (thích) bức ảnh đó’, anh cho biết.
Nhiều cuộc phản đối chống Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội và TP HCM trong những năm qua.
‘Nó thể hiện hai điều, thứ nhất là sự quan tâm của cộng đồng Việt Nam và
thứ hai là họ cũng đã mạnh dạn lên tiếng. Việc thay đổi là rất tích cực
từ năm 2011 trở lại đây’.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi