Nguyễn Văn Thạnh - Từ khi đăng ký tham gia phong trào Con đường Việt Nam, tôi biết việc đó sẽ xảy ra.
15h30 ngày 15/01/2013:
- Cốc, cốc, cốc,... có anh Thạnh ở nhà không?
- Vâng, có tôi đây. Ai đó?
- Em là N. công an phường An Hải T, có giấy mời cho anh.
- Mời anh vào nhà.
Anh công an viên đến đưa giấy mời tôi còn khá trẻ, nhỏ hơn tôi, mặc thường phục chỉ có vớ màu xanh đặc trưng ngành công an.
- Anh là công an sao không thấy mặc quân phục, phù hiệu?
- Dạ, em đưa giấy mời cho anh thôi.
Tôi xem qua giấy mời:
…..
Kính mời: ông (bà) Nguyễn Văn Thạnh
….
Đúng 08 giờ 00 ngày 16.01.2013
Có mặt tại công an Tp ĐN, địa chỉ 80 L.L, quận H.C
Để làm rõ một số vấn đề liên quan đến Câu lạc bộ máu khó đông.
…..
Tôi hơi ngạc nhiên vì câu lạc bộ máu khó đông tôi và một số bạn thành
lập từ năm 2006, lúc còn là sinh viên, để truyền bá thông tin về bệnh
máu khó đông và kêu gọi một số chính sách cho bệnh nhân. Câu lạc bộ đã
lâu không có sinh hoạt mà chỉ duy trì thông tin tại website: www.maukhodong.org.
- Câu lạc bộ này tôi thành lập đã lâu-gần 7 năm rồi- lâu nay không thấy công an làm việc, nay sao lại mời làm việc?
- Việc này em không biết, em chỉ đưa giấy mời cho anh thôi.
Sau khi mời anh công an ngồi, tôi xem lại giấy mời rồi nói:
- Hiện tại tôi không có thời gian để sáng mai đến trụ ở công an làm việc được.
- Anh là công dân, cơ quan nhà nước có giấy mời anh, anh phải có nghĩa vụ đến làm việc.
- Tôi nghĩ thế này: trong nhà nước pháp quyền-dân chủ, công dân với nhà
nước phải bình đẳng. Công dân có công việc, cuộc sống của công dân, nhà
nước có công việc nhà nước, công dân đóng thuế để thuê nhân viên nhà
nước làm các công việc chung như giữ gìn trật tự, bảo đảm an ninh. Nhân
viên nhà nước cũng phải có trách nhiệm với công việc, các anh không thể
“thảy” một giấy mời là công dân phải chạy lên để “hầu chuyện”, hình ảnh
đó chỉ có thể có ở thời Vua chúa độc tài mà thôi.
- Công dân phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước.
- Tôi nghĩ, tôi là công dân tự do, không phải là tên tội phạm, đây chỉ là giấy mời, tôi chỉ có thể phối hợp làm việc với tinh thần tự nguyện, thiện chí mà thôi. Hiện nay tôi không có thời gian nên không phối hợp làm việc được. Còn nếu các anh muốn tôi bỏ công việc lên để phối hợp với anh các làm việc, nghĩa là được việc cho các anh mà hỏng việc tôi thì các anh phải bồi thường thiệt hại do tôi nghỉ việc, số tiền bồi thường phải dựa trên sự thỏa thuận.
- Vậy anh cứ nhận giấy mời, sáng mai lên cơ quan báo cáo các anh là anh bận. Anh ghé đó 10 phút thôi.
- Không, tôi đang bận, tôi không đi được nên tôi không nhận giấy mời được.
Tôi với anh công an viên đã tranh cãi một lúc về vấn đề trên. Anh công
an thì viện lý do anh là đại diện cơ quan nhà nước, đến gửi giấy mời,
tôi phải nhận, không có thời gian thì lên hẹn lại. Tôi thì lấy lý lẽ tôi
là người tự do, không phải tên tội phạm, trong nhà nước pháp quyền tôi
bình đẳng với nhà nước, tôi không có thời gian để hợp tác với chính
quyền thì tôi không đi và không nhận giấy mời. Cuối cùng anh an ninh đi
về.
Chiều đó tôi có việc đi đến 9h tối mới về.
7h 30 tối đó, vợ tôi được anh M, tuyên giáo quận S.T gọi điện mời đi
uống café trao đổi một số việc. Trước đó, khi tôi mới tham gia vào phong
trào CĐVN công khai tên tuổi thì công an tỉnh có về xã tôi ở Bình Định
để tìm hiểu lý lịch tôi xem gia đình, dòng họ có ai theo "Ngụy", theo
"phản động" không, việc này gây sức ép rất lớn lên ba má tôi. Ba má tôi
liên tục gọi điện cho tôi, thậm chỉ cử em tôi đến đòi tịch thu máy tính
để tôi không có phương tiện liên lạc với “phản động”. Không những gây
sức ép lên gia đình ở quê, công an còn đến gia đình vợ tôi, đến cơ quan
vợ để làm việc. Thời gian đó không khí rất căng thẳng, cả nhà làm như
tôi là tên phản động chuyên nghiệp, tên ngu dại làm chuyện bao đồng lo
thiên hạ để thiệt thân, sắp bị bắt đi tù tới nơi. Phải tốn một thời gian
rất lâu mọi người trong gia đình mới phần nào yên tâm.
Vợ tôi là một giáo viên có năng lực, thuộc diện cảm tình Đảng, nhà
trường có kế hoạch kết nạp vào Đảng. Anh M là tuyên giáo quận nên cũng
đã nhiều lần làm việc với nhà trường và vợ tôi.
Đi uống café ngoài anh M còn có anh T, cán bộ công an Tp ĐN. Hai anh
trao đổi với mục đích vợ tôi về thuyết phục tôi hợp tác làm việc với
công an. Được mời đi uống café như thế vợ tôi rất lo lắng.
Tối đó vợ tôi, các em tôi đều rất lo lắng và sợ, cho rằng tôi chống lại
lệnh của công an nên sẽ bị bắt. Tôi thì thuyết phục mọi người rằng chẳng
việc gì phải sợ, nhà nước cũng phải làm việc theo luật, mình là người
tự do, mình có quyền từ chối làm việc theo giấy mời, với lại mình phải
làm thế để họ biết là nhà nước pháp quyền thời nay khác với thời vua
chúa. Họ cần phải tôn trọng công dân, tôn trọng thời gian, cuộc sống,
công ăn việc làm, lâu nay nhiều người sạt nghiệp vì bị mời đi làm việc mà không biết quyền từ chối của mình.
Tôi chẳng có gì phải sợ.
15h chiều ngày hôm sau 16.01.2013.
- Cốc, cốc,... có anh Thạnh ở nhà không?
- Có, ai đó.
- Chúng tôi là công an Tp, công an phường đến làm việc với anh.
- Mời các anh vào nhà, đợi tôi thay đồ xíu.
Tôi mời họ vào nhà, họ lần lượt giới thiệu tên, gồm có công an phường,
công an khu vực, công an phòng PA61, đại diện tổ dân phố. Trong đó công
an phường, công an khu vực có mặc quân phục, mang số hiệu, một người tự
giới thiệu là thượng tá thuộc phòng PA61 chỉ mặc thường phục.
Họ đưa tôi giấy mời như hôm trước, giấy mời ghi “mời lần 2”, yêu cầu tôi
8h sáng hôm sau lên công an Tp làm việc. Lần này có nhiều công an, có
cán bộ cao cấp, có đại diện tổ dân phố nên họ có vẻ làm căng, hùng hổ,
họ nhân danh nhà nước, họ nói công dân có trách nhiệm làm việc khi nhà
nước có giấy mời.
Với lý lẽ như hôm trước, tôi bác bỏ kiểu quan hệ bất bình đẳng, muốn làm
“ông nội” của nhà nước, tôi kiên quyết không nhận giấy mời, không đi
làm việc. Họ lập biên bản việc tôi không nhận giấy mời, họ yêu cầu tôi
ký vào. Tôi yêu cầu được nhận một bản sao biên bản nhưng họ không đồng
ý. Họ nói tôi từ chối nhận giấy mời của cơ quan nhà nước, họ lập biên
bản và tôi không có quyền giữ biên bản. Tôi lý luận rằng nhà nước và
công dân bình đẳng, biên bản này có liên quan đến tôi nên tôi có quyền
giữ một bản, nếu không tôi không ký, cuối cùng tôi không ký và họ về.
Mục đích của tôi là muốn cho họ thấy là cơ quan công quyền cần thay đổi
quan điểm, cần tôn trọng công dân, nếu muốn hợp tác thì thỏa thuận trước
với công dân, không thể thảy giấy mời là công dân phải đi làm, điều này
rất vô lý, gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc người dân, tạo ra cơ hội
sách nhiễu, lạm quyền của cơ quan nhà nước.
Cả nhà rất lo lắng nhưng tôi thì bình thường.
Hai hôm sau, buổi sáng vợ tôi được một thầy phụ trách bên Chi bộ trường
mời đi uống café, biết có việc liên quan tôi nên vợ đề nghị tôi đi cùng,
vợ tôi cũng gọi điện mời anh M đi luôn.
Buổi café diễn ra trên tinh thần vui vẻ, mỗi bên đều nói lên quan điểm
của mình. Sau buổi café tôi đồng ý sẽ sắp xếp thời gian để làm việc với
cơ quan an ninh, thể hiện trách nhiệm, thiện chí công dân và cũng là để
cơ quan an ninh hiểu công việc của tôi hơn. Hơn nữa tôi đang thuê trọ,
vợ tôi làm việc cho nhà nước nên cũng không muốn gây căng thẳng với cơ
quan an ninh.
8h sáng, ngày 22.01.2013 tôi đến trụ sở công an phường An Hải T. Tiếp
tôi có anh T, anh C, xưng là công an PA61-công an TP Đ.N. Tôi hỏi về
quân phục và số hiệu, hai người bảo làm việc không cần mặc quân phục,
tôi yêu cầu đọc số hiệu, họ nói có nói cũng không để làm gì. Tôi nói như
vậy là không chuyên nghiệp, thời buổi lừa đảo khắp nơi ai biết được
thật giả lẫn lộn. Họ có đọc số hiệu của họ nhưng tôi không quan tâm lắm
vì không có gì để kiểm chứng. Tuy nhiên tôi vẫn vui vẻ ngồi vào bàn làm
việc.
Họ đặt máy quay hình, tôi ngồi đối diện, anh T ghi biên bản, anh C hỏi
tôi. Tôi cũng dùng máy điện thoại để ghi âm cuộc làm việc vì tôi biết
ngành an ninh VN có thành tích tráo trở rất đáng ngờ. Các câu hỏi đáp
liên quan đến quá trình tôi có ý tưởng đến việc thành lập câu lạc bộ máu
khó đông, hoạt động, đóng góp của tôi vào việc truyền thông căn bệnh
này trong xã hội. Vai trò của tôi trong việc thúc đẩy thành lập Hội rối
loạn đông máu di truyền Việt Nam, những thành quả mà hiện nay người bệnh
máu khó đông hưởng được so với trước kia,….
Cuối buổi làm việc, họ hỏi tôi đọc báo mạng ở các web, blog nào, có dùng
facebook không? Tôi cũng kể vài web hay vào xem như: thanhnien,
tuoitre, truongduynhat và nhiều blog khác nhau.
Đến 10h 30 tôi đề nghị về với lý do tôi có việc bận. Họ đề nghị 14h buổi
chiều làm việc tiếp. Tôi không đồng ý vì tôi là công dân tự do, không
phải tội phạm, tôi có công việc của tôi, tôi sắp xếp được thì hợp tác,
không thì hẹn khi khác. Lại xảy ra tranh luận giữa tôi với họ. Họ bảo
tôi có nghĩa vụ hợp tác vì họ làm việc là đại diện cho nước, tôi là công
dân phải có trách nhiệm làm việc. Tôi bác bỏ với lý lẽ công dân đóng
thuế để mướn các anh lo việc an ninh cho xã hội, nhiệm vụ của các anh là
phải theo dõi, điều tra, tìm hiểu, phải làm việc mình tốt nhất chứ
không phải bắt công dân “hầu” mình. Công dân còn phải sống, làm ăn có
thu nhập để đóng thuế. Sẽ như thế nào nếu các anh cứ lười nhác ngồi đây
gọi công dân hầu mình? Họ đuối lý nên xuống giọng hỏi tôi “vậy khi nào
anh có thể làm việc được”. Đang bực tức tôi đáp “tôi chưa biết, khi nào
tôi sắp xếp được thì sẽ liên lạc lại”. Họ bảo tôi đừng làm căng thẳng
làm gì, cũng nên hợp tác giúp họ tìm hiểu vài thông tin để hoàn thành
nhiệm vụ. Tôi suy nghĩ lát rồi hẹn họ sáng thứ 6 (25.01.2013).
Cuối buổi làm việc, sau khi đọc qua biên bản do anh T ghi, tôi có ký xác nhận những lời nói của mình.
Hai bên vui vẻ đồng ý, tôi ra về.
Tôi biết mục tiêu của họ là muốn hỏi tôi những việc khác chứ không phải
câu lạc bộ máu khó đông. Câu lạc bộ này tôi lập cách đây gần 7 năm để
truyền bá kiến thức bệnh máu khó đông và vận động các chính sách cho đối
tượng bệnh này trên toàn quốc. Thời gian tồn tại cả 7 năm chẳng ai quan
tâm nay khi không lại tìm hiểu? Tôi biết mục đích của họ nhưng tôi
chẳng việc gì phải sợ.
Ngày thứ 5, anh T gọi điện cho tôi thông báo là cơ quan có việc bận,
không làm việc được theo hẹn nên muốn hẹn lại buổi khác, anh hỏi tôi khi
nào làm việc được. Tôi suy nghĩ lát rồi trả lời có thể sáng thứ 2
(28.01.2013).
8h sáng thứ 2 ngày 28/01/2013 tôi đến trụ sở công an phường An Hải T,
hai anh T và C đã đợi sẵn, vẫn ăn mặc thường phục, không phù hiệu. Sau
một màn chào hỏi nhau, bắt đầu ngồi làm việc. Họ vẫn bố trí máy ghi
hình, vị trí ngồi làm việc vẫn như buổi trước. Tôi vẫn dùng điện thoại
để ghi âm. Bắt đầu buổi làm việc tôi xin phát biểu trước.
Tôi nói “tôi đến đây làm việc không phải là một tên tội phạm hay một
người mất tự do, tôi đến làm việc với một thiện chí của một công dân
mong muốn cùng cơ quan nhà nước hoàn thành công việc trị an chung. Buổi
làm việc hôm trước anh có ghi hình và có lập một biên bản, tôi có ký vào
biên bản đó, để bảo đảm công bằng tôi đề nghị được sao lưu file ghi
hình và biên bản để giữ”.
Bị bất ngờ, hai anh công an bảo “anh là công dân, chúng tôi là đại diện
nhà nước, chúng tôi mời anh làm việc, anh có nghĩa vụ hợp tác, anh không
có quyền đòi hỏi tài liệu làm việc”.
- Nếu anh nhân danh nhà nước, thì tôi nhân danh công dân, nhân dân.
Trong nhà nước pháp quyền: nhà nước và công dân phải bình đẳng trước
luật pháp. Tôi hợp tác làm việc với anh để ra một tài liệu chung, tôi đã
ký xác nhận, anh giữ một bản thì tôi có quyền giữ một bản. Đây không
những bảo đảm nguyên tắc bình đẳng mà còn là cơ sở bảo đảm an toàn cho
công dân. Các anh nên biết thêm là trong nhà nước pháp quyền, vị trí
công dân là vị trí vững chắc nhất. Tất cả các vị trí còn lại được sinh
ra là để phục vụ, bảo vệ vị trí này. Các anh có thể là cán bộ nhưng rồi
các anh cũng sẽ nghỉ hưu, các anh cũng là công dân, gia đình, người thân
các anh cũng là công dân. Chúng ta cần làm việc có nguyên tắc, nguyên
tắc trên hết là tôn trọng, phục vụ công dân, có như vậy xã hội, đất nước
mới tốt đẹp, người dân mới có tự do.
- Luật pháp không qui định chúng tôi cung cấp tài liệu làm việc cho anh.
- Đây là quá trình tự nguyện làm việc, chứ không phải tôi là tội phạm.
Nếu anh đồng ý yêu cầu của tôi thì chúng ta làm việc tiếp, nếu không tôi
xin dừng tại đây để tôi đi gặp đại biểu quốc hội của tôi hoặc tôi gửi
thư cho quốc hội để làm rõ tại sao lại có điều luật bất công đến như
vậy. Khi nào có sự công bằng giữa nhà nước và công dân thì tôi mới làm
việc được.
- Anh Thạnh, tôi nói với anh điều này. Anh không là gì cả, anh chỉ là
một hạt cát nhỏ trong đất nước, anh là thiểu số, anh phải phục tùng đa
số. Luật đã qui định, anh phải chấp hành pháp luật.
- Đúng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ, không là gì cả nhưng chúng ta phải trân
trọng từng hạt cát, chúng ta không thể vứt đi. Về việc thiểu số phục
tùng đa số là một nguyên tắc của nền dân chủ, tuy nhiên không phải thiểu
số phục tùng đa số vô điều kiện, thiểu số phải có quyền của họ. Sẽ như
thế nào nếu 90% nhân danh điều gì đó ra quyết định giết 10% còn lại?
Thật phi lý 10% chấp nhận chết. Còn về vấn đề luật pháp, đúng ra tôi có
thể yêu cầu các anh trưng ra điều luật nào qui định như vậy. Tuy nhiên
tôi nghĩ cũng không cần thiết. Luật pháp luôn luôn thiết lập điều mới
hoặc sửa chữa cho phù hợp cuộc sống. Hiện nay, ở nước Việt Nam này, Quốc
Hội là cơ quan quyền lực nhất, cơ quan có quyền ra luật và sửa luật.
Đại biểu Quốc Hội là người tôi bầu và ủy quyền cho họ làm việc này, tôi
là công dân, tôi thấy luật thiếu sót hay bất công tôi phải gặp họ để
hỏi, để đề nghị thêm hay sửa luật. Nếu Quốc Hội chưa có kỳ họp thì tôi
viết thư cho thường vụ Quốc Hội việc này. Khi nào có luật pháp công bằng
thì tôi hợp tác làm việc với các anh, không thì tạm dừng lại.
Chúng tôi tranh cãi với nhau, thấy đuối lý, họ bảo tôi ngồi đó đợi họ
tý, hai người đi ra ngoài. Tôi ngồi lát rồi đi ra, vừa bước chân ra, có
một anh công an hỏi tôi đi đâu. Tôi trả lời “tôi là công dân tự do, tôi
đến đây hợp tác làm việc, tôi không phải tên tội phạm, không còn làm
việc tôi có thể đi”.
- Mời anh vào phòng làm việc, tôi được phân công ngồi đây với anh đợi lãnh đạo hội ý.
Tôi với anh công an đó ngồi với nhau tầm 15 phút thì cửa mở, 3 người
bước vào. Ngoài hai người làm việc với tôi, một người đứng tuổi lịch sự,
nhã nhặn xưng là thượng tá P. A, cán bộ phòng PA61, công an TP ĐN. Tôi
trình bày lại yêu cầu của tôi với lời lẽ như trước.
Anh thượng tá này đồng ý, bảo không quay phim (tự tay anh tắt và cất máy
quay), không lập biên bản, chỉ làm việc miệng, mục đích là trao đổi,
tôi giúp họ tìm hiểu một số vấn đề họ đang quan tâm. Anh P.A cũng đồng ý
vấn đề sao lưu nhưng ngày mai sẽ cung cấp.
Với sự cởi mở và đồng ý như vậy, tôi tiếp tục trao đổi với họ. Họ bắt
đầu hỏi tôi những vấn đề liên quan đến mạng internet, đến website. Ban
đầu liên quan đến vấn đề máu khó đông như: đọc tài liệu ở đâu? Hay vào
web nào?... từng bước chuyển sang chủ đề khác như facebook, blog,... Tôi
biết ý của họ là dần đến cái đích là thông tin về phong trào Con đường
Việt Nam. Và đúng là đã đến lúc như vậy:
- Anh có biết Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức không?
- Biết, tôi có vô gặp anh Long và gia đình anh Thức.
- Anh biết khi nào?
- Tôi biết khi nổ ra vụ án trộm cắp cước viễn thông nhưng sau đó các anh
lại bị tuyên án hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Thấy lạ tôi lên
mạng tìm hiểu và biết phần nào sự thật về vụ án. Nhất là khi đọc các bài
do các anh viết, phân tích về khủng hoảng kinh tế, tôi khâm phục sự
dũng cảm, trí tuệ và tấm lòng của các anh. Sau khi anh Long ra tù, có
dịp công tác trong Sài Gòn tôi ghé thăm anh. Lúc đó anh đang chăm sóc mẹ
anh bị bệnh ung thư, tôi khâm phục anh vì sự hiếu thảo.
- Anh có biết họ bị phạm tội? Anh nghĩ gì về tội của họ?
- Tôi không có thông tin đầy đủ nên không thể nói được, tuy nhiên lịch
sử cho thấy nền tư pháp Việt Nam không độc lập và có tiền sử dựng chuyện
nên không đáng tin cho lắm. Nói hiểu rõ tất cả về con người và tính
cách thì tôi không biết đầy đủ, tuy nhiên tôi ngưỡng mộ các anh đó ở một
số điểm như anh Long ở sự hiếu thảo, sự dấn thân, anh Thức ở kiến thức
kinh tế rộng và sự dũng cảm. Tôi thấy rất tiếc và tức giận là những cảnh
báo của anh không được lắng nghe để bây giờ khủng hoảng kinh tế trầm
trọng, phá sản, thất nghiệp, trộm cắp như rươi. Tôi nghĩ đến thăm các
anh không vi phạm pháp luật.
- Anh thấy đấy, nước ta được như hôm nay rất là mừng, trước dân ta rất
khổ. Việc khủng hoảng kinh tế không chỉ có ở nước ta, châu Âu, Mỹ cũng
đang khốn đốn.
- Tôi nghĩ anh đã nhầm lẫn triệu chứng với nguyên nhân, như các anh nói
thì bất kỳ một nước châu Phi nghèo đói, độc tài nào cũng có thể vênh váo
nói rằng ở đâu cũng có đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, mọi nơi cũng như
họ.
- Cũng có người hết lòng với đất nước nhưng cũng có nhiều kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị, phản động chống phá đất nước.
- Theo tôi, việc theo dõi bọn phản động, cơ hội chính trị là việc của
các anh, tôi là công dân tôi có quyền đến thăm, giao lưu bất cứ ai miễn
điều tôi làm pháp luật không cấm.
- Trước khi mời anh lên đây làm việc, chúng tôi đã biết một số thông tin
về anh, xã hội bây giờ rất phức tạp, con người có lúc này, lúc khác,
nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ đi vào tội lỗi.
- Tôi xin cảm ơn. Hiện nay tôi là một người trưởng thành, thần kinh bình
thường, tôi có thể suy nghĩ để hành động, để chịu trách nhiệm về bản
thân mình. Tôi biết một công dân có quyền làm bất cứ điều gì luật pháp
không cấm.
- Chúng tôi cũng chỉ muốn tốt cho anh.
- Xin cảm ơn, nhưng tôi biết cái gì đúng, cái gì sai. Nếu các anh quan tâm quá tôi thấy mất tự do.
- Anh nghĩ thế nào về các ông Long, Thức, họ có thật lòng yêu nước?
- Tôi giả thuyết thế này: anh là một cô gái xinh đẹp, có chàng trai đến
tán tỉnh nói yêu anh. Anh ta yêu anh thật hay chỉ âm mưu chiếm đoạt anh,
có trời mới biết, đúng không? Sông sâu còn có máy dò, không ai lấy
thước mà đo lòng người. Tôi nghĩ chỉ có tôn giáo mới bắt con chiên xưng
tội, và tìm hiểu tư tưởng con người. Nền pháp trị sẽ không như thế. Với
tôi, họ yêu nước thật hay cơ hội, tôi không quan tâm và nếu quan tâm thì
cũng không thể biết nổi, tôi chỉ thấy ở họ có những điểm hay thì tôi
khâm phục, giao lưu, còn họ có điểm xấu thì pháp luật chế tài. Việc theo
dõi phản động, cơ hội chính trị là việc các anh, tôi mong các anh làm
tốt, nhưng phải cẩn thận và trách nhiệm đừng để trông gà hóa cuốc làm
hại người yêu nước chân chính.
Trao đổi thêm vài câu hỏi đáp linh tinh nữa, lấy lý do bận việc, tôi đề
nghị dừng buổi làm việc. Lúc đó 9h30. Họ bảo còn một vài thông tin họ
muốn biết, hỏi tôi là có thể làm việc vào lúc nào? Tôi trả lời là sáng
thứ 6 ngày 01.02.2013. Tôi nói với họ là tôi không rảnh và có nhiều thời
gian, tôi chỉ có thể tình nguyện hợp tác có giới hạn chứ không thể kéo
dài miết, thật bất công một bên được nhà nước trả lương hậu hĩnh, còn
một bên phải kiếm sống. Các anh ăn tiền thuế thì phải làm việc có trách
nhiệm chứ không phải bất tài rồi lại hành dân.
- Họ nói: chúng tôi làm việc để bảo vệ an ninh đất nước.
- Tôi: vậy tôi còn phải làm việc để sống, để đóng thuế xây dựng đất nước.
Theo lịch hẹn sáng thứ 6 ngày 01.02.2013, tôi đến trụ sở công an phường
A.H.T, làm việc với tôi cũng là hai cán bộ công an: T và C.
Bắt đầu làm việc, tôi yêu cầu được nhận bản sao biên bản làm việc và
file video như cam kết. Họ bắt đầu đổi ý, họ lại vịn vào lý do là pháp
luật không qui định cung cấp các tài liệu này. Tôi rất bực mình, tôi nói
thỏa thuận không được tôn trọng thì tôi không thể làm việc. Lại xảy ra
tranh cãi. Tôi kiên quyết không làm việc nếu không cùng giữ chứng cứ.
Thấy căng thẳng, anh thượng tá P.A lại vào, sau một hồi nói về trách
nhiệm công dân, trách nhiệm đất nước, anh này còn ám chỉ là tôi không
chỉ sống cho mình tôi mà còn vợ, anh em,... làm trong cơ quan nhà nước,
đừng để ảnh hưởng đến người thân. Tôi biết thâm ý trong lời nói đó, tuy
nhiên tôi lại lấy lý lẽ như trước và đòi phải được giữ chứng cứ.
Cuối cùng họ nại lý do là ngành họ có qui định không được sao lưu biên
bản, họ chỉ có thể đồng ý hủy biên bản và video. Thấy họ thỏa hiệp, tôi
cũng không muốn làm căng thẳng, tôi đồng ý phương án này. Chúng tôi lập
biên bản cho vấn đề này, trong biên bản ghi rõ video và biên bản đó
không có giá trị gì.
Sau khi lập biên bản xong, chúng tôi bắt đầu làm việc.
- Ngoài tham gia hoạt động câu lạc bộ máu khó đông, anh còn tham gia tổ chức nào không?
Tôi biết họ lân la bắt đầu cái mà họ muốn.
- Tôi không tham gia tổ chức nào cả, tuy nhiên tôi có tham gia rất nhiều
diễn đàn, ví dụ diễn đàn tin học, diễn đàn “tán gái”, và một số diễn
đàn thảo luận khác như Phong trào con đường Việt Nam.
Nghe đến đây, họ vui vẻ hẳn ra, có vẻ như đơm trúng lưới.
- Anh tham gia phong trào con đường VN khi nào?
- Tôi nghĩ thế này, anh mời tôi lên đây làm việc ghi rõ là “làm việc về
câu lạc bộ máu khó đông”, chúng ta cần tập trung nội dung như trong giấy
mời, anh không thể mời một đằng làm việc một nẻo.
- Ngoài thông tin câu lạc bộ máu khó đông, chúng tôi còn muốn tìm hiểu
về một số việc khác, anh phải có nghĩa vụ trả lời cho cơ quan an ninh.
- Tôi nghĩ tôi không có nghĩa vụ như vậy, anh mời tôi vấn đề gì tôi hợp
tác vấn đề đó, anh muốn tôi làm việc khác thì phải ghi rõ trong giấy
mời, nếu không có thì thôi.
- Ok, tôi mời anh lên đây làm việc vấn đề an ninh. Vấn đề an ninh không chỉ là câu lạc bộ máu khó đông.
- Vậy anh phải có giấy mời cho việc này.
- Anh yêu cầu giấy mời thì được thôi, nhưng năm hết, tết đến rồi, chúng
tôi còn rất nhiều việc, chúng tôi còn phải lo bảo đảm an ninh cho bà con
đón tết. Anh cần giấy mời khác thì chúng tôi đáp ứng ngay nhưng anh cố
gắng hợp tác làm việc ngày nay cho xong.
Thấy cũng không nên căng thẳng, tôi đồng ý làm việc sau khi họ gọi điện
cho bộ phận chuyên môn mang cho tôi một giấy mời làm việc mới, đóng dấu
đỏ chói, mục làm việc ghi “làm việc về vấn đề an ninh”, thâm tâm tôi sẽ
lấy giấy mời này chụp ảnh minh họa cho bài viết này (tuy nhiên sau đó họ
không cho tôi giữ lại giấy mời, lý do họ đưa ra là tôi phải mang giấy
mời đến cơ quan, cơ quan lại thu hồi giấy mời. Nghe cũng có lý nhưng
thật lòng vòng. Tôi đề nghị vậy phải photo cho tôi một bản. Con dấu trở
nên đen sì, không còn đỏ chót như trước).
- Anh tham gia PT CĐVN khi nào?
- Tôi không nhớ rõ lắm, tầm tháng 7, tháng 8 gì đó.
- Sao anh biết nó (PT), anh có liên lạc trước đó với ông Long, ông Thức không?
- Bây giờ tin tức như thác lũ trên mạng, một ngày facebook tôi cập nhật
tin tức về phong trào, sau khi xem kỹ thông tin về nó: chủ trương, mục
đích, cách thức tham gia,... thấy chủ đề cổ xúy của phong trào là “quyền
con người” tôi thấy rất hay, cái mà lâu nay không ai nói cho tôi biết.
Tuy nhiên tôi cẩn thận tìm hiểu qui định của hiến pháp, pháp luật VN
hiện hành và các công ước quốc tế mà VN tham gia, tôi thấy PT hoàn toàn
không qui phạm hiến pháp, pháp luật VN. Một thông tin đặc biệt giờ tôi
mới biết là VN đã tham gia công ước quốc tế về quyền con người từ năm
tôi sinh-1982-vậy mà học xong đại học tôi cũng không biết, tôi còn biết
khi VN ký tham gia công ước thì phải tôn trọng thực thi, nếu pháp luật
VN có mâu thuẫn thì thực hiện theo công ước trước. Điều này chứng tỏ
pháp luật VN còn thua cả công ước và thật sự tôi thấy pháp luật VN có
nhiều điều rất là vớ vẩn nếu so với thế giới văn minh hiện đại.
Họ có vẻ khó chịu với điều tôi nói vừa rồi, họ đánh lảng sang một câu hỏi khác
- Anh tự tham gia hay được mời gọi?
- Tôi thấy tin trên mạng, đọc, tìm hiểu và tự tham gia. (Họ hỏi nhiều
câu xoáy vào chuyện này, có vẻ họ muốn tìm một cứng cớ về sự lôi kéo
chẳng hạn).
- Anh tham gia PT với vai trò gì, có phải là thành viên không?
- PT không chủ trương là một tổ chức, một đảng phái, người tham gia
không có liên hệ chặt chẽ như các thành viên Đảng Cộng sản. Người tham
gia thấy thích, thấy PT hợp với mình thì tham gia, không thích thì thôi,
không có ràng buột gì hết. Cái chữ thành viên một phong trào trên mạng
nó khác hoàn toàn một thành viên như chúng ta thường thấy trong cuộc
sống, ví dụ là một thành viên ĐCS, anh có rất nhiều ràng buộc, anh phải
trung thành, phải có trách nhiệm, phải có kỷ luật,... còn thành viên
trên mạng thì không thế, anh có thể đăng ký tên, nick thì đã là thành
viên. Anh có thể sinh hoạt thường xuyên nếu anh thích, chán thì anh có
thể không tham gia nữa. Rất tự do, rất lỏng lẻo. Là thành viên của PT,
tôi có thể chia sẻ, đọc tin tức, nhận xét, viết bài có chủ đề về quyền
con người, cũng có thể thời gian dài tôi không tham gia do bận công việc
hoặc tôi cảm thấy không thích thú, không có gì ràng buộc tôi cả.
- Anh có biết hết những người tham gia PT không? Họ là ai, làm gì anh có biết không?
- Tôi tham gia PT là trên quan điểm nội dung nó khởi xướng, cổ xúy chứ
không phải tham gia một tổ chức, đảng phái. Ai, làm gì, tôi không quan
tâm, miễn họ có cùng suy nghĩ về quyền con người giống tôi là được. Như
anh thấy đấy, xã hội rất đa dạng, nhiều khi anh kết bạn, giao lưu, hợp
tác làm ăn với một người vì thấy họ “hợp” với mình một điều gì đó, còn
cuộc sống họ làm sao mình biết hết được, miễn lĩnh vực họ đến với mình
không phạm pháp là được, còn chuyện khác họ phạm pháp thì có nhà nước
chế tài. Xưa nay tôi thấy an ninh VN hay suy diễn: chơi với một người mà
nếu phát hiện họ xấu là anh cũng xấu, họ là tội phạm thì anh cũng là
tội phạm,... tôi nghĩ ngày nay không thể như thế được khi mà xã hội vô
cùng đa dạng, con người có rất nhiều hoạt động, chúng ta không thể biết
hết được, chúng ta chỉ có thể thấy hợp điểm nào thì chơi điểm đó. Còn họ
phạm luật ở đâu thì nhà nước tóm cổ và trừng phạt ở đó. Tất nhiên trong
PT tôi có biết một vài người như bác Huỳnh-bố anh Thức hay anh Long,...
- Anh tham gia có được nhận tiền không?
- Tôi tham gia với sự tình nguyện, tôi thấy PT cổ xúy quyền con người,
hợp với suy nghĩ tôi thì tôi tham gia, nếu sau này PT không còn hợp nữa
thì không tham gia. Còn chuyện tiền bạc thì anh em quen biết nhau có thể
mượn tiền qua lại như chuyện cá nhân, bạn bè mượn tiền nhau.
- Là một người từ quê ra đây sinh sống, anh còn ở nhà trọ, sao không lo
làm ăn mà tham gia vào phong trào, có thể gặp nhiều rắc rối? Anh có học,
vợ anh cũng có năng lực, nếu phấn đấu thì thành công rất lớn, đối tượng
như anh có thể được TP hỗ trợ, anh có hộ khẩu chưa?
- Tất nhiên là chuyện làm ăn là chuyện lớn của mỗi người, chúng ta trước
phải sống cho người thân: gia đình, bố mẹ, vợ con. Tuy nhiên tôi thấy,
trong một đất nước người trí thức, hiểu biết không phải là nhiều, chúng
ta cần có trách nhiệm với cuộc đời. Như tôi, lúc khó khăn được rất nhiều
người giúp đỡ, khi tôi bị chảy máu (tôi bị bệnh máu khó đông, rất hay
xuất huyết trong) thì dòng máu tôi truyền cũng được nhiều người-họ là
đồng bào-hiến máu cho, có thể rất nhiều người trong số họ rất nghèo,
cuộc sống khó khăn, nếu những người như tôi im lặng, làm ngơ thì ai lên
tiếng cho họ, làm sao đất nước có công bằng, phát triển để người nghèo
đỡ khổ?
- Tất nhiên là đất nước nào cũng có vấn đề của nó, châu Âu, Mỹ cũng vậy,
rồi cũng sẽ được khắc phục và tốt dần lên (lý sự cùn kiểu này tôi rất
hay gặp ở những người ủng hộ đảng, suy cho cùng thì họ đuối lý nên quơ
càng quấy vá mà thôi). Tham gia phong trào, anh có viết bài không?
- Có, tôi có viết một số bài.
- Anh viết bài với nội dung gì?
- Tôi viết nhiều nên không nhớ, có thể xoay quanh các chủ đề như quyền
con người, luật pháp, một số bài liên quan đến các nhân vật tôi ngưỡng
mộ như Kim Ngọc, Trần Huỳnh Duy Thức.
Nghe đến chuyện tôi viết bài họ có vẻ rất mừng, họ hỏi xoáy như cố móc
ra một số bài tôi viết. Tôi trả lời là tôi viết nhiều, đã lâu nên không
nhớ được, tùy theo sự kiện, cảm xúc mà tôi viết.
Họ lấy trong cặp ra 4 bài in sẵn lấy từ web con đường VN và dân luận:
“từ Trần Huỳnh Duy Thức nghĩ về Kim Ngọc”, “luật pháp và kẽ hở của luật
pháp”, “quyền con người hay số phận”, “quyền con người-vũ khí chống
cường quyền”, họ hỏi tôi có phải tôi viết những bài này không? Tôi xem
qua thấy tiêu đề và nội dung là của tôi. Tôi trả lời đó có thể là bài
tôi viết vì tiêu đề và nội dung tổng quát thì tôi nhớ, còn chính xác
từng câu chữ có thêm bớt thì tôi không thể nhớ được.
Lấy lý do đến giờ tôi làm việc khác, tôi đề nghị dừng buổi làm việc, họ
có vẻ không hài lòng nhưng như các lần trước, họ đồng ý.
- Anh thấy đó, chúng tôi làm việc rất thoải mái, rất tôn trọng anh, giờ
giấc do anh quyết định, chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu và giúp anh, không
có ý hại anh, anh cần phải tin chúng tôi, anh không cần căng thẳng, cảnh
giác.
- Tôi không có gì phải căng thẳng. Lê nin đã nói “tin tưởng là tốt nhưng
kiểm soát còn tốt hơn”, tôi là fan của Lê nin nên tôi phải kiểm soát
vấn đề, việc tôi đòi giữ một bản sao tài liệu làm việc cùng là để kiểm
soát vấn đề. Là một kỹ sư, tôi quan tâm đến hệ thống: trong một hệ thống
tồi thì vài chi tiết tốt cũng bỏ của. Các anh có thể là người tốt,
nhưng biết đâu mai các anh bị chuyển đi nơi khác, một người lạ đến làm
việc, họ không tốt, họ có âm mưu xấu, muốn dựng chứng cứ hại tôi thì
sao?
Nghe tôi nói thế, sếp cao nhất ở đó nói:
- Một nhà nước luôn muốn tốt cho công dân mình, không bao giờ muốn hại công dân mình,…
- Trước tôi có thể tin câu đó nhưng nay thì tốt hơn là nên cảnh giác,
kiểm soát hơn là tin tưởng. Nói thật quê tôi có rất nhiều vụ công an
đánh chết người trong đồn, nhiều người đi tù oan mà chẳng làm được gì.
Ngày nay trên mạng tôi thấy vấn đề này còn kinh sợ hơn.
- Có người này, người nọ, xưa thì có thể, nay thì không còn vậy nữa, anh
làm sai anh phải chịu trách nhiệm. Như vừa rồi ở Quảng Ngãi có vụ cưỡng
chế vườn cây cảnh sai, phải xin lỗi và bồi thường dân.
- Tôi nghĩ là nên thế nhưng với tôi, câu nói Lenin vẫn còn nguyên giá trị.
- Anh nên giữ kín chuyện làm việc này, chúng tôi cũng chỉ tìm hiểu vài
vấn đề liên quan đến anh, tìm hiểu chứ cũng không làm gì, anh thông báo
cho nhiều người biết thì nhiều khi có rắc rối sẽ không lường trước được.
Rồi anh xem, sau khi làm việc xong anh thấy chỉ tốt cho anh. Chúng tôi
biết anh đóng góp rất lớn cho cộng đồng máu khó đông trên cả nước nói
chung và ĐN nói riêng. (nghe đến đây, tôi mỉm cười chợt nghĩ, không biết
có khi nào đảng đang thấy một tài năng gì đó ở tôi, muốn tìm hiểu thông
tin việc tôi làm, tìm hiểu tư tưởng của tôi, xong đâu vào đó, bố trí
cho tôi một chức vụ cao, lương hậu hĩnh?)
- Tôi nghĩ thế này: trong hệ thống tư pháp không độc lập, chính quyền
trên dưới một giuột, để bảo vệ mình không gì tốt hơn là dựa vào công
luận. Tất nhiên là tôi đã chia sẻ thông tin làm việc với vài anh em
phòng ngừa bị bắt cóc đi tù hay chết mà chưa có ý định tự tử thì còn có
người biết.
Ý thì như vậy nhưng giọng nói tôi nửa đùa, nửa thật nên cũng tạo không
khí vui vẻ chứ không phải căng thẳng, sau khi trao đổi thêm vài điều và
hẹn ngày làm việc tiếp, tôi ra về.
Máy điện thoại trong túi vẫn miệt mài làm phận sự của nó, tất nhiên
không phải hàng chuyên nghiệp nên chất lượng không được tốt lắm.
Tôi lại nghĩ đến Lenin, thật là một thiên tài hiểu đời khi nói “tin
tưởng là tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn”. Tôi lại suy ngẫm “tại sao
thiên tài như ông lại xây dựng nên một nhà nước với lỗ hổng chết người
là người dân không có cách gì kiểm soát một hệ thống mà trên dưới một
giuột với nhau”. Nghĩ đến đây tôi lại nhớ lời một người bạn “con người,
dù thiên tài hay “thánh thần” đều bị quyền lực mê hoặc. Quyền lực tuyệt
đối thì u mê tuyệt đối”.
Ngày làm việc tiếp theo là 8h sáng ngày 06.02.2013, không biết sẽ như
thế nào? Có trắc trở gì sẽ xảy ra không? Như nghệ sĩ K.C đã nói “sự tráo
trở của lòng người còn khó đỡ hơn đường đạn”. Đó chỉ là những suy nghĩ
cảnh giác theo kiểu Lenin “tin tưởng là tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn”
chứ những cán bộ an ninh làm việc với tôi rất thân thiện, tôn trọng
công dân, hiểu biết luật pháp chứ không “càn” như suy nghĩ của tôi lâu
nay về những cán bộ an ninh của VN. Trong họ cũng có tâm tư với thời
cuộc, với khó khăn của dân chúng, họ cũng mong muốn đất nước phát triển,
nhân dân được ấm no hạnh phúc. 2 trong 3 người cũng đã đứng tuổi (trên
50), họ đã trải qua thời chiến tranh, thời gian khó của đất nước, đã
“hưởng” sự khó khăn-khốn khổ của một thời “hoang tưởng vĩ đại”. Với sự
hiểu biết về lịch sử, nắm rõ nhiều sự kiện trong quá khứ nên khi tôi
nói, họ đều có vẻ lắng nghe và chấp nhận.
gửi Dân Làm Báo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi