Nguyễn Tường Thụy
- Ngoài mục đích đến thăm, động viên Phạm Thanh Nghiên, bày tỏ sự cảm
phục đối với cô, tôi còn có sự tò mò muốn trực tiếp gặp gỡ người con gái
có tinh thần thép ấy. Không hiểu sao, một cô gái mảnh mai cân nặng có
36 ký mà tỏa ra một năng lượng ghê gớm như vậy.
Phạm Thanh Nghiên bị bắt ngày 18/9/2008 khi đang tọa kháng ở nhà. Thế
nhưng 16 tháng sau, ngày 29/1/2010 họ mới đưa cô ra tòa và kết án cô 4
năm tù và 3 năm quản chế.
Nghiên bị bắt cùng đợt với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch,
nhà giáo Vũ Hùng. Họ đã lần lượt ra tòa với mức án từ 2 đến 6 năm.
Phạm Thanh Nghiên được giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett của Human
Rights Watch năm 2009 cùng với 5 người Việt Nam khác là nhà báo tự do
Nguyễn Văn Hải tức Hoàng Hải (blogger Điếu Cày), nhà giáo Nguyễn Thượng
Long, thượng tọa Thích Thiện Minh, cựu chiến binh Trần Anh Kim và ông Vi
Đức Hồi.
Sau hơn 3 giờ chạy xe, 4 anh em chúng tôi có mặt tại số nhà 17, đường
Liên Khu, Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1 (quận Hải An, thành phố Hải
Phòng). Nghiên là con gái út trong một gia đình có 7 anh chị em, hiện cô
đang ở với mẹ và vợ chồng người anh cả. Cùng tiếp chúng tôi là bà
Nguyễn Thị Lợi mẹ của Nghiên, năm nay 76 tuổi, cùng với các anh chị của
Nghiên.
Trước mặt tôi lúc này là một cô gái đúng như tôi tưởng tượng vì tôi đã
nhiều lần xem ảnh cô trên mạng. Cô nói năng hoạt bát, mạch lạc, tác
phong nhanh nhẹn. Cô kể cho chúng tôi nghe về những ngày trước khi bị
bắt, lúc bị giam, lúc ra tòa và những ngày trong tù.
Tôi hỏi:
- Thế khi bị bắt, cháu tọa kháng như thế nào?
- Cháu giăng biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Cô bảo cháu định giăng biểu ngữ này trước nhà cháu nhưng công an lúc đó
đông lắm, hơn hai chục người nên cháu không giăng được, đành giăng bằng
tay trong nhà, lúc công an ập vào bắt cháu.
Nghiên cho biết khi chưa ra tòa, cô bị đi cung rất nhiều lần. Lúc thì đe
dọa, lúc lại khuyên bảo. Nói chung họ rất muốn cháu nhận tội. Nhưng
cháu nói thẳng, có đưa tôi ra tòa thì đưa ngay đi chứ không lung lạc
được tôi đâu.
Cô nói phiên tòa xử cháu họ giữ kín. Không có nhà báo nào được vào tòa. Vì vậy ít được công luận biết tới.
Trong các câu chuyện đan xen lẫn nhau, có mẩu chuyện nhỏ vui vui. Khi chị Yến, chị gái Nghiên bị công an gọi lên, họ hỏi
- Hoàng Sa, Trường Sa là của nước nào?
Chị trả lời:
- Của Liên Xô
- Tại sao chị bảo của Liên Xô?
- Vì em tôi bảo của Việt Nam thì các ông bắt nên tôi phải nói thế, tôi sợ trả lời thật lại bị các ông bắt.
Nghiên nói, lẽ ra, cháu không phải chịu tù ở mức án như thế mặc dù cháu
đã sẵn sàng cho án 5 năm. Chỉ vì cháu nhất định không nhận tội, không
xin khoan hồng chứ nếu nhận, họ đã không kết án cháu như thế. Ra tòa thì
họ phải rút hành vi chính của cháu là mang biểu ngữ hoàng Sa, Trường Sa
của Việt Nam nhưng họ lại truy tố cháu vì hai hành vi rất vớ vẩn. Khi
cháu viết bài “Uất ức quá biển ta ơi“,
cháu phỏng vấn một số nhân chứng để làm tài liệu. Khi ấy, cháu có ghi
âm hay quay video được gì đâu vì không có thiết bị. Sau này những người
đó do bị sức ép nên ra tòa họ chối, rằng tôi không nói như vậy. Thế là
họ bảo cháu bịa đặt để kết tội cháu.
Trong bài viết đó, Nghiên có kể về chuyện ngư dân Thanh Hóa bị hải quân
Trung Quốc bắn giết 8 người, một số bị bắt đưa về Trung Quốc mà trong
cáo trạng họ gọi là “sự kiện tàu cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa bị va
chạm trên biển”
Những đoạn đối đáp với công an và trước tòa làm tôi rất thú vị. Đó là những câu đối đáp rất thông minh, sắc sảo và đầy bản lĩnh.
Mẹ Nghiên năm nay 76 tuổi, bà còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Bà bảo con tôi
chẳng có gì sai cả. Nó viết lên sự thật, đòi dân chủ nhân quyền, thì có
gì là sai. Nó bảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì không đúng hay
sao, bây giờ Nhà nước cũng phải công nhận đó thôi.
Nghiên kể khi cháu bị bắt, mẹ cháu có nói với cháu là con đã xác định
rồi thì cứ đi đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe, không phải lo gì cho mẹ. Mẹ
cháu còn bảo với họ, các anh bắt con tôi vì tội yêu nước. Mẹ cháu là
người mẹ tuyệt vời.
Không chỉ là mẹ Nghiên, cả gia đình Nghiên đều tự hào về cô và ủng hộ
việc làm của cô. Chính đây là hậu thuẫn rất lớn giúp cô vượt qua những
năm tháng đầy thử thách. Tôi hỏi:
- Thế trong tù, cháu lao động có nặng nhọc không?
Nghiên cười:
- Họ nói đi làm là để cải tạo. Cháu bảo họ: “Tôi đang là người tốt,
người tử tế, bị đi tù về tội yêu nước, tội nói thật, nay vào đây cải tạo
để thành người xấu à?”. Họ xếp cháu vào đội thêu nhưng cháu chỉ ra hiện
trường rồi ngồi chơi thôi.
- Thế dự định của cháu sắp tới?
- Ba năm quản chế sau khi mãn hạn tù là một khó khăn cho cháu. Nhưng
cháu sẽ tiếp tục tranh đấu. Bốn năm tù, cháu đã có thêm kinh nghiệm, bản
lĩnh cũng được tôi luyện, việc làm của cháu chính nghĩa có lý do gì để
cháu không tiếp tục đấu tranh cơ chứ? Cho đến bây giờ, cháu không ân hận
bất cứ điều gì về việc làm của cháu. Giả sử cho cháu trở lại vào thời
điểm ấy (2008) cháu vẫn làm như thế.
Chuyện Phạm Thanh Nghiên kể thì rất nhiều nhưng tôi chỉ ghi trong trí
nhớ. Vì vậy tôi không kể ra đây những chuyện mình không nhớ chính xác.
Chia tay với Phạm Thanh Nghiên và gia đình, tôi cứ suy nghĩ mãi về hình
ảnh người con gái bé nhỏ mà can trường ấy. Trên đường về, mấy anh em
chúng tôi nói chuyện với nhau, chính phụ nữ mới là phái có sức đấu tranh
quyết liệt và trung kiên nhất. Rồi mọi người dẫn ra một vài ví dụ như
Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Công Nhân, Phương Bích, Huỳnh Thục Vy … Nguyễn
Văn Dũng thì cho rằng, chính Phạm Thanh Nghiêm là tấm gương trực tiếp
giúp anh nhận thức lại các vấn đề xã hội, thôi thúc anh vượt qua nỗi sợ
hãi và những khó khăn để làm những việc có ích cho đất nước, cho dân tộc
mình.
15/10/2012
Nguyễn Tường Thụy
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi