T.Dũng - N.Duy (NLĐO) - Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội sáng nay, 29-10, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn như thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ...
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại Quốc hội sáng 29-10.
Trong Chương VI quy định về Chủ tịch nước quy định rõ: Chủ tịch nước là
người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam về đối nội và đối ngoại. Trong đó, Điều 94 sửa đổi, bổ sung Điều 103
của Hiến pháp hiện hành quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và
quyền hạn: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường
vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày
pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ
Quốc hội tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước
trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên
khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Đáng chú ý theo dự thảo, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn: Thống
lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc
phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc,
phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ
nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị
quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động
viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường
vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả
nước hoặc ở từng địa phương;
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Còn tại Chương VII quy định về Chính phủ, tại Điều 100 (sửa đổi, bổ sung Điều 109) quy định Chính
phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của
Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo
cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Điều 101 (sửa đổi, bổ sung Điều 110) nói rõ cơ cấu, số lượng thành viên
Chính phủ do Quốc hội quyết định; Chính phủ làm việc theo chế độ tập
thể, quyết định theo đa số; Thủ tướng
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Đặc biệt, thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ,
Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành
viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung Thủ
tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn đề nghị Quốc hội thành
lập hoặc bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác
của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và
chức vụ tương đương trong bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương; phê
chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch
UBND, thành phố trực thuộc trung ương...
Về quy định đối với Quốc hội, dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng đề xuất, Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn:
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch
Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc
hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ
tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao,
thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn
việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các
thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng
quốc phòng và an ninh; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
Thẩm phán TAND tối cao.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do
Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan
ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới
hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải
thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác
theo quy định của Hiến pháp và luật...
Đặc biệt, Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và
phê chuẩn việc ký kết hiệp ước hoà bình; quy định về tình trạng khẩn
cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều
ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ
quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành
viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế
và các nội dung được quy định trong luật. Quyết định việc trưng cầu ý
dân...
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Phản Hồi